Gian nan đi khắp bàn cờ

HUY ĐĂNG - TẤN PHÚC 13/11/2022 17:42 GMT+7

TTCT - Cứ vài năm, làng cờ vua Việt Nam lại xuất hiện một kỳ thủ thần đồng, với tài năng được nhận định là "sóng sau xô sóng trước".

Cứ vài năm, làng cờ vua Việt Nam lại xuất hiện một kỳ thủ thần đồng, với tài năng được nhận định là "sóng sau xô sóng trước". Nhưng không phải ai cũng có thể vươn đến đẳng cấp hàng đầu thế giới như Lê Quang Liêm.

Gian nan đi khắp bàn cờ - Ảnh 1.

Lê Quang Liêm giao lưu cùng các kỳ thủ nhí. Ảnh: T.P.

Gần đây, cái tên Đầu Khương Duy gây được tiếng vang trong làng cờ vua trẻ khi Khương Duy giành được một chuẩn kiện tướng quốc tế (IM) ở tuổi 11.

Bài học của Carlsen, Caruana

Dù vậy, HLV tuyển cờ vua Việt Nam Lâm Minh Châu tỏ ra khá bình thản khi nói về thành tích của kỳ thủ nhí này. 

Theo ông Châu, để đạt danh hiệu kiện tướng quốc tế, các kỳ thủ phải giành được ba chuẩn, và để có một chuẩn thôi, phải giành thành tích cao ở các giải đấu được Liên đoàn Cờ vua thế giới (FIDE) công nhận. 

Hiện tại Khương Duy vẫn cần tiến bộ nhiều hơn nữa để có thể giành đủ các chuẩn trên con đường thành kiện tướng quốc tế.

"Việt Nam có rất nhiều tài năng trẻ giành thứ hạng cao ở các lứa tuổi châu Á, thế giới. Đầu Khương Duy là một trong số những tài năng như vậy. Nhưng có khởi đầu tốt chưa đủ để kết luận là tương lai sẽ bước lên tốp đầu thế giới như Quang Liêm. Đó là chuyện của nhiều nước trên thế giới chứ không chỉ Việt Nam, bởi để có thể tiến lên đẳng cấp này cần sự đầu tư rất lớn", ông Châu nói.

Khi nói đến đầu tư, hầu hết chúng ta đều nghĩ đến tiền. Kinh phí tất nhiên là quan trọng. Trong bất kỳ môn thể thao nào, chuyện đi tập huấn, mời thầy giỏi, đãi ngộ cao đều đóng vai trò quyết định. Nhưng với riêng cờ vua, sự đầu tư còn lớn hơn thế.

Câu chuyện của vua cờ Magnus Carlsen là minh chứng. Anh được cha mình, ông Henrik Carlsen, một kỹ sư phần mềm, dạy đánh cờ từ nhỏ. 

Dù đến tận 10 tuổi, Magnus vẫn chưa thực sự hứng thú với trò chơi này, gia đình Carlsen nhận ra cậu con trai có tài năng thiên phú với cờ vua, nên đã quyết tâm theo đuổi đến cùng.

Năm Magnus 12 tuổi, ông Henrik quyết định nghỉ làm hẳn một năm để đưa cả nhà đi du lịch châu Âu, cái nôi của cờ vua. Việc đi qua nhiều nền văn hóa, tiếp xúc với những kỳ thủ từ khắp nơi dần hun đúc cho Magnus tình yêu với bàn cờ. 

Vua cờ sau này thừa nhận rằng chuyến đi châu Âu một năm ấy "bổ ích hơn bất kỳ trường lớp đào tạo nào". Không lâu sau, Magnus Carlsen chính thức bước vào cuộc đời kỳ thủ chuyên nghiệp.

Fabiano Caruana, kỳ thủ hạng 6 thế giới, là một ví dụ điển hình khác về sự hy sinh của cha mẹ. Ông bà Lou và Santina Caruana là người Ý di cư đến Mỹ để lập nghiệp, nhưng khi thấy tiềm năng của cậu con trai, cả hai quyết định trở lại châu Âu, cụ thể là Tây Ban Nha, để giúp Fabiano phát triển sự nghiệp. 

Ở đó, Caruana được tiếp cận làng cờ đỉnh cao và những giải đấu chuyên nghiệp dễ dàng hơn. Trên con đường vươn lên đẳng cấp thế giới của anh, người ta luôn thấy mặt cha hoặc mẹ anh ở mọi giải đấu.

Hikaru Nakamura, kỳ thủ người Mỹ gốc Nhật hiện đứng hạng 5 thế giới, thậm chí được cho nghỉ hẳn việc học ở trường từ năm lên 9. Mẹ anh, một giáo viên dạy nhạc, đã tự biên soạn chương trình học tại nhà cho con trai. Thành công của Nakamura thậm chí làm dấy lên cả một xu hướng giáo dục tại nhà với gia đình các kỳ thủ trẻ.

Chấp nhận hy sinh

Thành công của Lê Quang Liêm cũng mang nhiều dấu ấn từ gia đình. Bà Trần Mỹ Lệ, mẹ của Quang Liêm, cho biết đến khi con trai 15 tuổi, cả gia đình cùng nghiêm túc nhìn nhận lại quá trình phát triển của anh và rồi quyết định cần đầu tư lớn hơn để con trai hướng đến mục tiêu đại kiện tướng.

"Nhân lúc đó có một bài báo trên Tuổi Trẻ, tựa đề là "Đầu tư tài năng: Không thể… cào bằng" và ý kiến phản hồi của ông Nguyễn Hoàng Năng là giám đốc Sở TDTT TP.HCM lúc ấy, gia đình đã đăng ký xin gặp giám đốc sở và bộ môn cờ để trình bày kế hoạch mục tiêu của Liêm sau mỗi năm nếu được TP.HCM đầu tư trong vòng ba năm. Nhờ sự đồng tình của giám đốc sở, sự hỗ trợ của bộ môn cờ, niềm say mê cờ và khả năng của Liêm, mọi việc đều tiến triển như kế hoạch vạch ra", bà Mỹ Lệ nhớ lại.

Từ đây mỗi dịp hè, Quang Liêm lại có kinh phí để gặp gỡ những kỳ thủ hàng đầu thế giới và thi đấu quốc tế. Năm 2009, kỳ thủ từng đứng hạng tư thế giới Evgeny Bareev sang Việt Nam để luyện cờ cho Quang Liêm. 

Hè 2010, Quang Liêm lại được đến Nga để thọ giáo nhà cựu vô địch thế giới Alexander Khalifman. 

Năm 2011, khi đến Nga dự giải Aeroflot Open, Quang Liêm cũng tranh thủ ở lại để tiếp tục được rèn luyện với Khalifman. Đó là còn chưa kể rất nhiều lần Quang Liêm được học cùng những cao thủ của làng cờ thế giới do gia đình hỗ trợ. 

Tất cả đã tạo nên thành tựu lớn nhất của cờ vua Việt Nam cho tới nay.

Bản thân Lê Quang Liêm đánh giá: "Ngoài sự đầu tư của ngành thể thao, yếu tố gia đình mang tính quyết định. Gia đình vừa là bệ phóng, giá đỡ vững chắc, vừa góp phần chắp cánh cho những tài năng thể thao bay xa. Niềm đam mê thể thao được hun đúc từ chính trong gia đình các VĐV. Nếu gia đình có định hướng đúng đắn, không nóng vội, biết giúp đỡ và chia sẻ kịp thời thì những tố chất, năng khiếu tự nhiên của VĐV sẽ lớn dần theo thời gian".

Còn khi đã trở thành đại kiện tướng, kỳ thủ phải biết nuôi dưỡng đam mê, không bỏ cuộc và luôn tự làm mới mình mới có thể thành công dài lâu. Sau khi tốt nghiệp loại xuất sắc Đại học Webster hai chuyên ngành tài chính và nghệ thuật quản lý, trước nhiều cơ hội nghề nghiệp, Quang Liêm vẫn kiên định với đam mê khi chọn con đường VĐV và HLV cờ vua.

Ngay cả với trường hợp VĐV có điều kiện kinh tế tốt, cha mẹ sẵn sàng cho con theo chuyên nghiệp, vẫn có không ít kỳ thủ từ bỏ giữa chừng. 

Nguyễn Anh Khôi, thần đồng một thời của làng cờ Sài Gòn, là ví dụ. Đạt hàng loạt thành tích ấn tượng từ những năm mới 9, 10 tuổi, Anh Khôi từng được nhiều chuyên gia đánh giá là còn tiềm năng hơn cả Quang Liêm. 

Song song đó, anh còn học rất giỏi, kết quả là Khôi đã chọn con đường học hành. Càng lớn, anh càng rút dần khỏi sự nghiệp chơi cờ và đến nay kỳ thủ 20 tuổi đã là một sinh viên ngành y.

Mẹ của Anh Khôi, bà Thanh Thảo, cho biết cả gia đình từng cố khuyên anh theo nghiệp VĐV đỉnh cao, nhưng Khôi từ chối vì quan niệm rằng cờ vua suy cho cùng cũng chỉ là một cuộc chơi giải trí. 

Dần dà, gia đình cũng xuôi theo lựa chọn của Khôi vì đồng ý quan điểm nếu trở thành bác sĩ sẽ có tương lai ổn định hơn làm VĐV chuyên nghiệp.

Làm thế nào để một quân mã đi khắp bàn cờ? Đó là một bài toán nổi tiếng, đòi hỏi sự kiên trì và tính toán chi li, như cuộc đời của một kỳ thủ chuyên nghiệp. ■

Tốn bao nhiêu để thành đại kiện tướng?

HLV Lâm Minh Châu cho biết để đầu tư chơi cờ vua đỉnh cao, ngoài tài liệu, thời gian, công sức khổ luyện thì chi phí tài chính không hề nhỏ. Để luyện tập với một đại kiện tướng quốc tế có Elo trung bình, mức phí khoảng 250 USD/buổi (60-90 phút).

Việc rèn luyện đó phải diễn ra liên tục trong thời gian dài. Càng lên cao, chi phí càng đắt đỏ, chưa tính chi phí đi tập luyện, thi đấu quốc tế, mà tất nhiên không phải gia đình nào cũng gánh nổi cho tới khi con cái "thành tài".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận