TTCT - Tôi rất tâm đắc khi đọc bài “Giáo dục nông thôn ở đâu” của thạc sĩ Trần Thị Thanh Hương (TTCT 6-7). Đúng là cả cha mẹ, thầy cô và người học hầu như chưa thấy rõ nền giáo dục của VN đang muốn đào tạo ra những con người như thế nào. Có nhiều chuyện phải xem lại. Một thời, tiếng Anh bị ghẻ lạnh. Rồi đất nước mở cửa, thế là học sinh muốn vào lớp 1 phải thi tiếng Anh, học tăng cường tiếng Anh, trong khi tiếng Việt thì phát âm chưa đúng, viết chưa thông, đọc chưa thạo. Hậu quả là hiện nay trên tivi, người xem luôn bực mình với những diễn viên, những thí sinh... phát âm sai bét tiếng Việt. Giáo dục phải thực tế? Thế là có ngay chương trình an toàn tình dục cho học sinh lớp 5!... Hãy nhìn từ tiểu học sẽ thấy người soạn chương trình không có nghiên cứu nghiêm túc về mục đích giáo dục và tâm lý lứa tuổi người học. Giáo dục không phải chỉ là đào tạo một thế hệ giỏi toán, ngoại ngữ... mà là những con người có nhân cách, có trách nhiệm với bản thân mình, với cộng đồng, có đầy đủ kiến thức, đủ bản lĩnh để có thể tự đứng trên đôi chân mình sau 12 năm ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng giới trẻ VN đã được chuẩn bị thế nào? Trách nhiệm đối với bản thân: Chương trình quá nặng, lại phải chạy theo chỉ tiêu lên lớp nên từ nhỏ học sinh (HS) đã có thói quen học theo đề cương thầy cô soạn sẵn và trước các kỳ thi thầy cô phải ôn tập (nếu ôn sớm quá HS sẽ quên sạch). HS không có ý thức tự học, không được dạy để ý thức được việc học là cho chính mình. Vì vậy đã hằn trong não các em một sự vô trách nhiệm đối với tương lai của chính mình. Trách nhiệm đối với cộng đồng: Đã không có trách nhiệm với bản thân thì cũng khó có trách nhiệm với người xung quanh. Một người bạn của tôi đưa HS đi thi HS giỏi quốc tế đã ngán ngẩm khi những HS có “đẳng cấp” ấy không biết chừa phần cơm cho thầy - người chịu khó đi chợ nấu bữa cơm VN để các em không mất sức với khẩu vị nước ngoài. Anh buồn buồn: “Đào tạo HS giỏi làm gì khi các em chỉ biết nghĩ cho bản thân mình. Tài học các em sẽ phục vụ ai với một nhân cách và ý thức kém cỏi như thế?”. Bị vắt kiệt sức: Mỗi lần cải cách đều có thí điểm, thế nhưng chỉ thí điểm tại các trường thuộc quận 1, quận 3 (TP.HCM), nơi HS chỉ biết ăn và học. Nhìn vào HS nội thành xem, sau một ngày học ở trường, các em được chở thẳng đến nhà thầy cô hoặc trung tâm giáo dục ngoài giờ để học tiếp, trên đường đi gặm vội ổ bánh mì hay hộp cơm. Xong về nhà học tiếp gia sư và làm bài tập ở lớp. Các em chỉ biết học và học mới bảo đảm được khối chương trình được truyền tải trong một thời lượng vô cùng khít khao cho cả thời gian học chính qui trong trường, học thêm trong các lớp... Nhiều HS nông thôn đã phải chia tay với trường học, vì các em làm sao có thể ôm đồm được chương trình khi còn phải làm thuê, cuốc mướn phụ giúp gia đình. Một thiếu niên chỉ có thể phát triển bình thường, đầy đủ nhân cách khi bên cạnh sách vở còn có khoảng thời gian vui chơi giải trí trong âm nhạc, văn học, nghệ thuật... Có người sẽ cãi là chương trình không hề quá tải, không hề thiếu thực tế. Tôi chỉ xin dẫn chứng môn công dân để thấy các em đã học những gì: HS lớp 3 được dạy “Đoàn kết với thiếu nhi quốc tế”, HS lớp 5 được dạy “Tìm hiểu về Liên Hiệp Quốc”, HS lớp 7 học về “Bộ máy Nhà nước cấp cơ sở”, HS lớp 8 học về “Quyền sở hữu tài sản”, HS lớp 9 học về “Tự do kinh doanh và nghĩa vụ đóng thuế”, HS lớp 10 học triết học với những nội dung trừu tượng, hàn lâm... Đối với môn tiếng Anh của tôi thì thật lắm chuyện để nói. Với thời lượng chỉ năm tiết học/bài, chúng tôi phải dạy cả bốn kỹ năng nghe - nói - đọc - viết, cả phần phát âm và ngữ pháp. Chỉ dạy ngữ pháp thôi chưa chắc đã đủ thời gian (tiếng Anh lớp 10, bài 12, chúng tôi phải dạy động từ theo sau là một verb + to infinitive. Kế đó là phần W_ Questions bao la với Where, When, Why, Which, What, How much, How many, How far is it, Whose, Who (obj), Who (S), How+adj....). Thật đúng là vắt kiệt sức lực của người học lẫn người dạy! Tôi nhớ giữa thập niên 1970, các sinh viên từ Quảng Nam, Cà Mau... vẫn có thể vào thư viên đọc sách chuyên môn Anh, Pháp và sử dụng ngoại ngữ không thua chút xíu nào so với sinh viên Sài Gòn. Đó là giáo dục bình đẳng và đồng bộ. Hiện nay thì sao? Có một khoảng cách rất lớn về trình độ ngoại ngữ giữa HS nội thành và ngoại thành, HS khá giả và nghèo. Vì vậy, xin đừng tiếp tục độc quyền biên soạn sách giáo khoa và hãy giáo dục con em chúng ta trở thành những người bình thường có nhân cách, có mục tiêu sống, có trách nhiệm... thay vì là những con người sáo rỗng, học vẹt, sau khi thi là quên hết, học không có mục đích, không có trách nhiệm với tương lai mình. Một con người học và sống có mục đích sẽ như được tiêm một liều thuốc miễn nhiễm với những quyến rũ tầm thường, xấu xa trong cuộc sống.
Biển người hành hương đổ về Đền Hùng, Phú Thọ NAM TRẦN 06/04/2025 Từ sáng sớm 6-4 (tức 9 tháng 3 âm lịch), hàng vạn người đã đổ về khu vực Đền Hùng (Phú Thọ) để hành hương.
Yêu cầu Hà Nội, TP.HCM đưa chỉ số ô nhiễm không khí về ngưỡng an toàn trong 5 năm tới QUANG THẾ 06/04/2025 Nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn là do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông và hoạt động xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp.
Sàn thương mại điện tử nộp thuế thay người bán: Cả sàn và cơ quan thuế đều... chờ LÊ THANH 06/04/2025 Dù quy định yêu cầu các sàn thương mại điện tử và nền tảng số kê khai, nộp thuế thay cho cá nhân và hộ kinh doanh có hiệu lực từ ngày 1-4, nhưng sau một tuần, việc khấu trừ thuế vẫn chưa được triển khai.
Doanh nghiệp Việt lên phương án trước các kịch bản thuế quan đối ứng từ Mỹ BÌNH KHÁNH 06/04/2025 Những nỗ lực từ phía Việt Nam trong việc thương thảo về thuế quan với Mỹ, mang lại nhiều kỳ vọng cho giới doanh nghiệp. Giới kinh doanh và các chuyên gia cũng đang tính các phương án để hàng Việt có thể cạnh tranh.