Giáo sư Natsume

LƯ THẾ NHÃ 07/01/2008 19:01 GMT+7

TTCT - Người người tiếp xúc làm việc đều quí trọng ông bởi tính ông nghiêm túc, đặt trách nhiệm lên hàng đầu.

Phóng to
Giáo sư Natsume

Trong phẫu thuật ông đặt an toàn sức khỏe bệnh nhân lên trên hết. Có lần đang nghỉ ở nhà khách Tỉnh ủy Bến Tre, 12g đêm ông hay tin bệnh nhân được phẫu thuật hở hàm ếch lúc chiều ra máu nhiều.

Không có ôtô trực, ông tức tốc chạy bộ đến bệnh viện cách đó gần 2km để chăm sóc bệnh nhân. Đến lúc bệnh nhân ổn, ông mới hay mình đang mặc... quần đùi.

Giáo sư - tiến sĩ y khoa Nagato Natsume, giám đốc Hội Hở môi hàm ếch (HMHE) Nhật Bản, đã 15 năm đến Bến Tre thực hiện chương trình từ thiện phẫu thuật vá môi, hở hàm ếch. Ông khám bệnh rất kỹ và đặt kỷ luật nghiêm đối với các thành viên trong đoàn HMHE sang giúp Việt Nam.

Vào ca, không nhân viên nào dám chểnh mảng công việc. Bác sĩ nào làm không xong là bị ông la rầy. Cả đoàn làm việc liên tục đến khi mổ xong bệnh nhân cuối cùng có tên trong danh sách phẫu thuật trong ngày. Có người đứng mổ nhiều giờ mệt lả, tự chuyền nước tăng sức cho mình và đứng mổ đến khi hoàn thành công việc.

Phóng to

Những em bé đang chờ được mổ

Giáo sư Natsume không quan tâm đến bản thân. Ngày làm việc của ông rất dài. Ông thường đến trước về sau. Có hôm 5g30 ông đã đến khoa phẫu thuật Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre kiểm tra sức khỏe bệnh nhân mổ ngày trước và các công việc cho ngày phẫu thuật mới.

Những khi hết giờ làm việc nhưng còn nhiều bệnh nhân chưa được mổ, ông cho các bác sĩ lớn tuổi về khách sạn nghỉ trước, sau đó đến các bác sĩ trẻ. Còn ông ở lại chăm sóc bệnh nhân mổ sau cùng ổn định sức khỏe mới lên xe ôm về. Có lần vào ngày cuối của chương trình công tác, cả đoàn lên xe về đến phà Rạch Miễu, ông vẫn còn ở lại bệnh viện chăm sóc bệnh nhân.

Hội HMHE Nhật Bản

+ Là tổ chức phi chính phủ, được Công ty Điện lực miền Trung, Công ty Toyota và rất nhiều doanh nghiệp khác là thành viên thành lập.

+ Hội có tư cách pháp nhân của Liên Hiệp Quốc và đang hoạt động ở 25 nước trên thế giới.

+ Mục đích của hội là làm từ thiện.

+ Kinh phí hoạt động của hội: 1/3 của chính phủ; 1/3 của hội viên và 1/3 của sinh viên học sinh và nhân dân Nhật Bản đóng góp.

“Chương trình sắp tới của Hội HMHE ở Việt Nam và trên thế giới là triển khai ngăn ngừa ung thư tế bào nuôi (ung thư nhau). Trong tương lai, hội sẽ xây dựng ở Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre một trung tâm dự phòng theo dõi và điều trị cho bệnh nhân, trong đó có khoa phẫu thuật vá môi, hở hàm ếch. Bệnh ung thư tế bào nuôi thường xảy ra ở phụ nữ trẻ mang thai trứng, nếu không phát hiện sớm sẽ dẫn đến ung thư tế bào nuôi và bị tử vong. Ở Nhật Bản thực hiện chương trình dự phòng này, tỉ lệ phụ nữ tử vong do ung thư tế bào nuôi gần như 0%.

Đến Bến Tre mang lại nụ cười cho trẻ em, ông và Hội HMHE không chỉ mổ mà còn cấp tiền ăn bồi dưỡng sức khỏe cho bệnh nhân trước và sau khi mổ.

15 năm qua, Hội HMHE Nhật Bản đã hỗ trợ 16.000 USD để giúp gia đình bệnh nhân nghèo phát triển kinh tế gia đình. Ông nói: “Phẫu thuật để mang lại hạnh phúc cho gia đình bệnh nhân là quan trọng và giúp họ vài trăm USD để họ có cuộc sống khá hơn cũng là vấn đề quan trọng. Vì vậy, chúng tôi muốn giúp trẻ em khuyết tật ở Việt Nam có cuộc sống trọn vẹn”.

Đến Bến Tre, giáo sư Natsume còn tận tình chuyển giao công nghệ, kỹ thuật mổ cho các bác sĩ ở Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu. Ông hướng dẫn từng bước rất bài bản từ thấp đến cao. Dạy có kiểm tra, khi thấy người được chuyển giao công nghệ thành thạo, ông mới cho vào phụ mổ. Những bác sĩ Việt Nam chưa thuần thục, ông dành thời gian nghỉ buổi tối ở nhà khách hướng dẫn lại.

Ông hướng dẫn tỉ mỉ cho các bác sĩ ở Bến Tre từ khâu mặc quần áo như thế nào, cách khâu, khử trùng ra sao, rồi phong cách của bác sĩ trong phòng mổ, cách cắt chỉ vết mổ... Bác sĩ Nguyễn Công Út, khoa răng - hàm - mặt Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, nói: “Bến Tre và nhân dân Bến Tre may mắn có được giáo sư Natsume giúp đỡ”.

Chương trình hoạt động từ thiện của Hội HMHE Nhật Bản ở Bến Tre bắt đầu từ năm 2003. Ông Natsume đã giúp Bến Tre xây dựng xong khoa phẫu thuật gồm sáu phòng mổ, một phòng hậu phẫu vào tháng 12-2007 với tổng vốn xây dựng 150.000 USD. Trong đó Hội HMHE giúp 75.000 USD, số còn lại do Công ty Việt Long giúp 75.000 USD (giám đốc Công ty Việt Long là người Bến Tre tốt nghiệp ngành xây dựng tại Nhật Bản). Khoa phẫu thuật được Hội HMHE tài trợ toàn bộ trang thiết bị y tế hiện đại.

Chương trình hợp tác của Hội HMHE với Bến Tre kéo dài trong mười năm để phẫu thuật cho hơn 1.000 trẻ em, người lớn sứt môi, hở hàm ếch. Giáo sư Natsume nói: “Hội đã hoạt động ở nhiều nước châu Á nhưng chưa nơi nào quá ba năm (do kế hoạch đã ấn định từ trước). Với riêng Bến Tre, Hội HMHE đã quyết định tiếp tục hoạt động khi tỉnh còn nhu cầu”.

Trong chuyến đến Bến Tre làm việc từ ngày 22 đến 28-12-2007, giáo sư Natsume nói: “Bến Tre là nơi đầu tiên chúng tôi hoạt động ở Việt Nam, được nhiều người giúp đỡ. Ngoài Nhật Bản, tôi xem Việt Nam như quê hương thứ hai. Đặc biệt, Bến Tre giống như nhà mình vậy. Bến Tre giống như “ma túy” khiến chúng tôi bị nghiện. Một năm trôi qua, lúc nào chúng tôi cũng mong tháng mười hai nhanh tới để đến với Bến Tre”.

Phóng to
15 năm qua, cứ gần đến mùa Noel là giáo sư Natsume lại cùng đoàn y, bác sĩ của Hội HMHE Nhật Bản khăn gói lên đường sang Bến Tre để mổ từ thiện. Năm nay con gái 11 tuổi của ông muốn có cha ở nhà tặng quà Noel trong đêm mừng Chúa giáng sinh như phong tục của bao gia đình Nhật Bản khác, nhưng ông vẫn chọn việc cần làm trước là đến Bến Tre giúp người khuyết tật.

Chương trình phẫu thuật vá môi, hở hàm ếch tại Bến Tre đã 15 năm, đã phẫu thuật an toàn cho hơn 1.300 ca, nhưng số trẻ em sứt môi, hở hàm ếch vẫn còn. Con số trẻ em được đưa đến khám ở Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu trong đợt đoàn y, bác sĩ Hội HMHE Nhật Bản đến Bến Tre phẫu thuật từ ngày 22 đến 28-12-2007 là 149 em.

Trước tình trạng trẻ em sinh ra vẫn còn sứt môi, hở hàm ếch, giáo sư Natsume cho biết ông và các đồng nghiệp đã nghiên cứu thành công thuốc ngừa dị dạng này. Hiện nay, ở Nhật Bản phụ nữ mang thai có thân nhân mắc bệnh này được uống thuốc ngừa, 60% sinh con không bị sứt môi, hở hàm ếch. Ông muốn đem kinh nghiệm này đến phổ biến ở Việt Nam, đầu tiên là Bến Tre. Ông bảo người sử dụng thuốc ngừa này không phải tốn tiền mua.

Trong chuyến sang làm việc tại Bến Tre vào cuối tháng 12-2007, giáo sư Natsume được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba vì những đóng góp thầm lặng của mình cho người dân tỉnh Bến Tre.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận