Giếng cổ trên đảo

DƯƠNG VĂN ÚT 12/06/2012 03:06 GMT+7

TTCT - Ngày đầu tháng 6, chúng tôi về xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam giữa cái nắng như đổ lửa và được chứng kiến cảnh từng đoàn xe đạp, xe máy thồ những can, thùng nước ngọt trong tiếng nói cười giòn tan.

Nước được lấy từ hai giếng cổ mà theo người dân ở đây, nguồn nước không bao giờ cạn.

Phóng to
Ảnh: Dương Văn Út

Theo những bậc cao niên tại đây, hàng trăm năm nay hầu như hộ gia đình nào trên đảo hằng ngày cũng đều đến hai giếng nước cổ lấy nước về uống, nấu cơm, đun nước thay cho nước giếng, nước máy ở nhà bị nhiễm mặn, nhiễm phèn.

Họ chỉ nghe ông bà nói lại là hai cái giếng cổ này có từ thời Chiêm Thành (hay Hời). Từ đó trở về sau, người dân quen gọi là giếng Hời hay giếng Chăm. Hiện nay, tại hai giếng cổ vẫn còn tấm bia đá cẩm thạch khắc in dấu ấn lịch sử của lớp tiền nhân đầu tiên đi khai khẩn vùng đất này. Nhưng qua thời gian, những dòng chữ ghi trên tấm bia đá kia đã nhạt nhòa nên không ai hiểu tường tận ý nghĩa dòng chữ trên đó.

Giếng có độ sâu khoảng 10m, đường kính miệng rộng không quá 2m nhưng chưa bao giờ cạn nước. Đơn cử như vào mùa khô mức nước của giếng vẫn giữ nguyên, không bao giờ hạ xuống mức nước chết. Bởi vậy, hơn 8.000 ngư dân nơi đây không bao giờ phải sống trong nỗi thấp thỏm hay nơm nớp lo sợ sẽ thiếu nước. Nắng hay mưa, hè hay đông, hai giếng này vẫn lặng lẽ đem dòng nước “mẹ” nuôi sống cả đảo.

Những vị cao niên trong làng cho rằng sở dĩ giếng không bao giờ cạn nước là vì giếng có mạch nước ngầm rỉ ra từ dưới chân núi Bàn Than nên quanh năm nước luôn trong veo.

Trước hai giếng cổ có treo biển quy định việc sử dụng nước: đối với người dân trong thôn thì được sử dụng nước miễn phí, còn những hộ dân ở ngoài thôn thì cứ 30 lít phải nộp vào quỹ 1.000 đồng. Đặc biệt, nước lấy về chỉ được dùng để nấu ăn, đun nước uống chứ tuyệt đối không được tắm giặt vì như thế sẽ làm nguồn nước thiêng bị quấy đục, có tội với tổ tiên.

Thôn đã cử bà Nguyễn Thị Hồng (63 tuổi, trú thôn 1, xã Tam Hải) có hoàn cảnh đơn chiếc, không nghề nghiệp, nhà ở gần hai giếng này đứng ra quản lý, trông coi, thu gom, quét dọn vệ sinh giếng, thu tiền chở nước để thôn có quỹ tu sửa, nạo vét giếng hằng năm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận