TTCT - * Ba tôi bị đột quỵ, ở xa nên bác sĩ khuyên không nên đưa về Sài Gòn vì sẽ không kịp “thời điểm vàng” để cấp cứu. Nhưng tôi có nghe thông tin Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP.HCM) có phương pháp điều trị mới cứu được bệnh nhân trong 3-5 giờ? Đình Quý (Gia Lai) Phóng to TS.BS Nguyễn Huy Thắng thăm khám cho một bệnh nhân bị tai biến mạch máu não đang điều trị tại Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP.HCM) - Ảnh: Minh Đức - Khoảng 70% bệnh nhân đột quỵ phải chịu nhiều di chứng về tâm thần, vận động và không thể trở về cuộc sống bình thường. Điều này đã tạo ra gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội. Để cứu người bị đột quỵ, vấn đề quan trọng là thời điểm. Từ 3 giờ “vàng” Việc áp dụng thành công các kỹ thuật mới đã làm giảm đáng kể nguy cơ tàn phế sau đột quỵ. Tuy vậy việc dự phòng đột quỵ bằng thuốc kiểm soát các bệnh lý tim mạch, tình trạng tăng huyết áp, đái tháo đường và rối loạn lipit máu (statin) vẫn là phương pháp điều trị hữu hiệu nhất để ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ. Đột quỵ bao gồm hai nguyên nhân: thiếu máu não cấp chiếm tỉ lệ 80-85% và xuất huyết não chiếm tỉ lệ 15-20%. Trong phạm vi bài này, người viết chỉ đề cập đến bệnh lý đột quỵ do nguyên nhân thiếu máu não cấp. Mặc dù biết rõ cơ chế gây bệnh thường gặp là do sự hiện diện của các cục huyết khối, được tạo ra từ tim hoặc từ các mạch máu xơ vữa, sau đó di chuyển lên trên gây thuyên tắc mạch máu não, tuy nhiên chỉ đến giữa thập niên 1990 giới khoa học mới tìm được phương pháp điều trị chuyên biệt cho bệnh lý này thay vì chỉ điều trị phòng ngừa như trước đó. Năm 1995, Viện Sức khỏe Hoa Kỳ công bố kết quả điều trị bệnh lý đột quỵ thiếu máu não bằng thuốc hoạt hóa plasminogen mô (tiêu sợi huyết) qua đường tĩnh mạch. Mặc dù không làm thay đổi tỉ lệ tử vong của bệnh, thuốc hoạt hóa plasminogen mô đã làm tăng đáng kể tỉ lệ bệnh nhân hồi phục tốt sau điều trị với những khiếm khuyết chức năng tối thiểu. Theo ước tính, cứ tám bệnh nhân được điều trị sẽ có một bệnh nhân gần như hoàn toàn trở về với cuộc sống bình thường sau đó. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp dụng được cho những bệnh nhân nhập viện trước ba giờ tính từ lúc khởi phát các triệu chứng đột quỵ. Ngoài ra thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết ở một số bệnh nhân. Thuốc tiêu sợi huyết được đánh giá là một trong những tiến bộ y học lớn nhất trong lịch sử điều trị bệnh lý đột quỵ thiếu máu não. Hiện nay thuốc đã được sử dụng tại tất cả trung tâm đột quỵ trên thế giới và xem như là phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho các bệnh nhân nhập viện trong vòng ba giờ đầu. Tại Việt Nam phương pháp này đã được áp dụng từ năm 2006 và đến nay đã có trên 500 bệnh nhân đột quỵ được điều trị tại Bệnh viện Nhân Dân 115. Kết quả ban đầu cho thấy thuốc có hiệu quả tốt và tương đối an toàn. Tuy nhiên, một trong những lý do làm hạn chế khả năng áp dụng cho nhiều người bệnh là giá thuốc còn khá cao so với túi tiền của người Việt Nam (khoảng 10 triệu đồng). Rất đáng tiếc, việc chậm trễ đưa người bệnh đến các cơ sở điều trị sau khi xuất hiện các triệu chứng đột quỵ cũng đã loại bỏ một số lượng lớn bệnh nhân được hưởng lợi từ phương pháp điều trị này. Và thêm 3 giờ “vàng” nữa Đến năm 2012, Hoa Kỳ đã công bố kết quả của một phương pháp điều trị đột quỵ mới: sử dụng dụng cụ lưới để bắt cục huyết khối. Đây là một kỹ thuật tiên tiến rất hiệu quả được chỉ định cho các trường hợp đột quỵ nặng, đã thất bại với thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch hoặc khi bệnh nhân nhập viện trễ trong khoảng 3-6 giờ sau khi khởi phát triệu chứng. Bằng một dây dẫn từ động mạch đùi, dụng cụ bẫy cục huyết khối sẽ được đưa đến vị trí động mạch não bị thuyên tắc để loại bỏ cục huyết khối. Việc tái thông mạch máu não nhanh chóng sẽ giúp bệnh nhân hồi phục gần hoàn toàn các khiếm khuyết thần kinh sau đó. Từ tháng 4-2012, Bệnh viện Nhân Dân 115 đã thực hiện kỹ thuật này cho 60 bệnh nhân đột quỵ nặng, trong đó nhiều trường hợp trên 80 tuổi. Bằng phương pháp điều trị mới, chúng tôi đã giúp gần 60% trong số những bệnh nhân này thoát khỏi cảnh tàn phế và có thể trở lại cuộc sống bình thường với gia đình. Mặc dù chi phí điều trị bằng phương pháp này tại Bệnh viện Nhân Dân 115 chỉ bằng 1/5 so với các nước châu Âu và Mỹ, nhưng với khoảng 90 triệu đồng cho một ca điều trị là khoản chi quá sức đối với nhiều gia đình nên chỉ có một số ít bệnh nhân sử dụng phương pháp điều trị mới này. Tags: Lá thư bác sĩBệnh viện Nhân dân 115Kỹ thuật mớiGiờ vàngĐột quỵ
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Cô ơi, nhờ có cô con mới biết đến học bổng Tiếp sức đến trường NGUYỄN THỊ HOA PHƯỢNG (Giáo viên) 23/11/2024 Cô giáo Nguyễn Thị Hoa Phượng đã gửi đến Tuổi Trẻ lời cám ơn của mình, sau khi cô nhận được lời cám ơn của đứa học trò vừa nhận được học bổng Tiếp sức học bổng đến trường năm 2024.
Nghiên cứu chục năm vẫn chưa xong tiến sĩ MINH GIẢNG 23/11/2024 Có nghiên cứu sinh làm chục năm chưa xong tiến sĩ, nhiều người bỏ ngang. Cơ chế hiện nay không khuyến khích giảng viên học tiến sĩ vì quá cực.
'Ông lớn' chứng khoán SSI bị cơ quan thuế truy thu, xử phạt hàng tỉ đồng BÔNG MAI 23/11/2024 Công ty cổ phần chứng khoán SSI vừa báo cáo với cơ quan lãnh đạo thị trường chứng khoán về quyết định liên quan đến Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế).
Ông Medvedev: Phương Tây xác định mục tiêu và dẫn đường cho các tên lửa đánh Nga THANH BÌNH 23/11/2024 Ngày 22-11, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo bất kỳ kịch bản leo thang nào đều có thể xảy ra trong xung đột Nga - Ukraine vì những gì phương Tây đang làm.