TTCT - Kinh tế Pháp có thể suy giảm và luật bảo tồn di sản Pháp có thể chưa chặt, chứ văn hóa Pháp có lẽ cũng vẫn giữ được sức mạnh truyền thống của riêng mình. Hiệu sách cổ Delamain, mở cửa từ năm 1700 trên phố Saint-Honoré, nằm ở một vị trí tuyệt đẹp của Paris - Ảnh: D.A.T 1. Thu về mưa gió não nề. Với những người yêu văn chương ở Paris, mùa thu năm nay còn buồn hơn nữa: nhà sách Delamain, nhà sách cổ nhất của thành phố với hơn 300 năm tuổi và 25.000 đầu sách, đặc biệt là sách văn học và những bộ sưu tập hiếm, đang đứng trước nguy cơ bị đóng cửa. Kinh tế suy giảm và luật bảo tồn di sản chưa đủ chặt có lẽ là những nguyên nhân chính khiến ngày càng nhiều lâu đài, dinh thự, tòa nhà, lò rượu vang của Pháp bị rơi vào tay các nhà tư bản nước ngoài. Nhưng không chỉ các đại bất động sản, một cách chua xót, cư dân nhiều khu phố Paris và các thành phố lớn trên đất nước hình lục lăng nhận thấy xung quanh họ, các cửa hàng bánh mì, hiệu sách, quầy báo, tiệm kem, quán ăn trưa... từng gắn bó bao thế hệ lần lượt biến mất, nhường chỗ cho những khách sạn đắt tiền, văn phòng đại diện, nhà hàng xa xỉ và trung tâm hàng hiệu, chủ yếu phục vụ một tầng lớp đại gia quy tụ từ nhiều nơi trên thế giới. Nhà sách Delamain, mở cửa từ năm 1700, nằm ở số 155 phố Saint-Honoré, có vị trí tuyệt đẹp (ngay gần Bảo tàng Louvre, đối diện Nhà hát kịch Comédie Française và chính giữa khu thương mại kim hoàn cao cấp) đương nhiên khó lòng thoát khỏi số phận đó: tới hạn đảo hợp đồng thuê nhà, chủ của toàn bộ tòa nhà - Quỹ đầu tư Constellation Hotels Holdings của Qatar - đã yêu cầu tăng gấp đôi tiền thuê, tương đương hơn 150.000 euro/năm. Đó là một số tiền chẳng mấy so với một đại tư bản đang cùng lúc làm chủ khách sạn Martinez ở Cannes, cung điện Méditerranée tại Nice và khách sạn Louvre ở Paris. Nhưng đó lại là một khoản chi quá lớn so với tổng doanh thu hằng năm khoảng 1,6 triệu euro của nhà sách Delamain. Ngoài ra chưa kể cùng chung số phận với 2.500 cửa hàng sách độc lập ở Pháp, nhà sách này đang phải gánh chịu vô vàn khó khăn đến từ cuộc cạnh tranh chẳng hề cân sức với Amazon và hàng loạt kênh bán sách trên mạng liên tiếp mọc lên như nấm sau mưa. 2. Nhưng kinh tế Pháp có thể suy giảm và luật bảo tồn di sản Pháp có thể chưa chặt, chứ văn hóa Pháp có lẽ cũng vẫn giữ được sức mạnh truyền thống của riêng mình. Độc giả, tác giả, khách hàng, nhà báo, chính khách... không ngừng lên tiếng công khai ủng hộ nhà sách cổ nhất Paris, nhà sách 90m2 mà từng thanh gỗ lát sàn hay mỗi kệ bày sách đều nhắc nhở những năm tháng lịch sử của Paris. Nhà sách nơi văn chương thế kỷ 18 được giới thiệu cũng trân quý chẳng khác gì các tác giả vừa nhận Goncourt, Man Booker hay Nobel. Nhà sách được yêu thích không chỉ bởi dân cư khu Saint-Honoré, bởi các diễn viên nhà hát kịch, công chức bộ văn hóa, quan chức chính phủ, những ai làm việc gần đó hay người Paris nói chung mà còn bởi các tên tuổi lẫy lừng, từ Marcel Proust đến James Joyce, từ Jean Cocteau đến Louis Aragon, từ Colette đến Foucault, từ hoàng tử Napoléon đến tổng thống François Mitterrand... Fleur Pellerin - đương kim bộ trưởng văn hóa và Angelo Rinaldi - viện sĩ Viện hàn lâm Pháp - là những hiệp sĩ nhiệt tình nhất của nhà sách Delamain. Bà bộ trưởng đích thân đến tận nơi gặp gỡ toàn bộ êkip để bày tỏ tình cảm cá nhân của một độc giả với một nhà sách biểu tượng cho văn hóa đọc của cả nước, còn ông viện sĩ thì phát biểu một cách thẳng thừng: “Nếu nhà sách này bị mất đi thì đó là một thảm họa cho khu phố vẫn được coi là trung tâm lịch sử và văn chương của Paris, cũng như cho quá khứ tinh thần của tất cả chúng ta”. Ngoài ra, thị trưởng thành phố Paris đã cử hẳn kiến trúc sư đến hiện trường để xem xét phòng trường hợp Quỹ Constellation Hotels Holdings tiến hành sửa chữa đối với cả tòa nhà mà không thông báo. Hay ông chủ tịch Trung tâm Sách quốc gia Pháp (CNL), người mấy chục năm trước từng là nhân viên của nhà sách Delamain, cũng ra sức tranh đấu vì sự sống còn của tên hiệu này bằng cách đưa truyền thông vào cuộc và thử thuyết phục nhà đầu tư chấp thuận một giá thuê đặc biệt để nhà sách tiếp tục tồn tại. Danh sách hiệp sĩ bảo vệ Delamain tiếp tục được kéo dài thêm với giám đốc Nhà hát kịch Comédie Française, chủ tịch Hội đồng quốc gia, một số cựu bộ trưởng và cả bộ trưởng đương chức - đều là những khách hàng quen thuộc của nơi đây. Có thể nói trong lịch sử nước Pháp cho tới bây giờ, đây là hiệu sách duy nhất nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ như vậy, hàng chục nghìn người cùng ký tên vào kiến nghị chống tăng giá thuê nhà mới đối với nhà sách Delamain. Báo chí trong vòng tháng 9 vừa qua không ngừng đưa tin, viết bài, tất cả đồng lòng gọi Delamain bằng những từ ngữ trân trọng nhất: “nhà sách ngoại hạng”, “nhà sách biểu tượng”, “nhà sách theo kiểu Balzac”, “chỗ náu mình yên ả”, “thượng tầng của đời sống văn chương”, “nơi gặp gỡ của các tâm hồn đồng điệu”... Đứng trước tinh thần bảo tồn văn hóa quyết liệt ấy, chủ tòa nhà - Quỹ Constellation Hotels Holdings - dường như đã không khỏi xúc động khi ra thông cáo hứa hẹn sẽ “xem xét tính chất đặc biệt trong công việc và mức độ thâm niên của hợp đồng thuê nhà” trước khi định lại giá thuê nhà cho Delamain. 3. Thấm thoát đã hai tháng trôi qua và không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra. Có lẽ để chứng tỏ cho nước Pháp thấy sự lịch lãm và nhân văn của một đại tư bản quốc tế mà chủ tòa nhà đã không động đến hiệu sách Delamain cổ kính, bé nhỏ nhưng đầy tự trọng giữa lòng Paris, cho những ai yêu quý văn chương và sách vở có chỗ ghé chân mỗi khi muốn ngửi mùi giấy cũ, tha thẩn giữa sách cổ, len lỏi quanh các thang gỗ, tìm lại một cuốn sách được yêu thích từ thế kỷ trước, một bài thơ giờ đây chẳng ai còn nhắc, hay lạc vào những nền văn chương thiểu số, phiêu lưu cùng những tác giả ở các chân trời xa xôi. Văn chương, phải chăng chính văn chương là biểu hiện tuyệt vời nhất của chân - thiện - mỹ, có thể cảm hóa và gắn kết con người, để cùng nhau gìn giữ cái đẹp, để cái đẹp không phải là tài sản riêng của một nhóm người, một dân tộc hay một thời đại? Tags: Paris
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kiểm tra phòng chống lụt bão tại Tuyên Quang THÀNH CHUNG 12/09/2024 Chiều 12-9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đến kiểm tra công tác phòng chống lụt bão và thăm hỏi, động viên nhân dân, các lực lượng khắc phục hậu quả lụt bão tại tỉnh Tuyên Quang.
Thủ tướng tới Làng Nủ - nơi xảy ra trận lũ quét đau thương NGỌC AN 12/09/2024 Thủ tướng đã vào tới thôn Làng Nủ (Lào Cai) - nơi xảy ra trận lũ quét đau thương khiến gần 100 người tử vong và mất tích.
Một quân nhân hy sinh khi làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả bão số 3 HÀ THANH 12/09/2024 Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Tăng Bá Hưng đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ giúp dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Lào Cai tìm thấy 70 người dân nghi mất tích do sạt lở đất THÀNH CHUNG 12/09/2024 17 hộ dân tại xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà (Lào Cai) với hơn 70 nhân khẩu đã được chính quyền địa phương tìm thấy khi đang dựng lán trại trên đồi để ở, tránh lũ lụt và sạt lở đất.