TTCT - Những năm qua, truyền thông các nước như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu… nói nhiều về số người trẻ tự tử đang tăng, nhất là trong dịch COVID-19. Không dễ để hiểu rõ mọi nguyên nhân, nhưng đã có một số kiến giải và giải pháp được đề xuất. Ảnh: MashableNăm 2021, Hiệp hội nhi khoa Mỹ (AAP) phối hợp với Viện hàn lâm tâm thần học trẻ em và trẻ vị thành niên Hoa Kỳ (AACAP) và Hiệp hội bệnh viện nhi (CHA) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em và trẻ vị thành niên, nhấn mạnh việc cần phải hành động ngay. Theo trang web của AAP, tỉ lệ trẻ có hành vi tự tử hoặc tự hại đã tăng trong những năm gần đây, riêng trong nhóm tuổi 10-24, tự tử là nguyên nhân tử vong cao thứ hai. AAP xác nhận vấn đề tiếp tục trầm trọng hơn trong dịch COVID-19. Tương tự, tháng 12-2021, theo trang Euractiv, chi nhánh tại Tây Ban Nha của Tổ chức Save the Children cảnh báo các vấn đề sức khỏe tinh thần ở trẻ em đã tăng gấp 3 trong dịch, trong đó 3% có ý nghĩ tự tử. Tự tử cũng là nguyên nhân tử vong cao thứ 2 trong nhóm người từ 15-29 tuổi ở đây, và xu hướng này tăng dần trong 13 năm qua. Tại Croatia, tuy số vụ tự tử nói chung trong năm 2020 chỉ tăng nhẹ so với năm trước đó, nhưng riêng ở nhóm tuổi 15-25 lại tăng 57,1%. Tại Bulgaria, tình hình thậm chí đáng lo hơn khi mỗi năm có khoảng 500 người tự kết liễu, trong đó 70% là thanh thiếu niên...Không thể nêu hết các số liệu thống kê đau lòng đó. Chúng cho thấy rõ một vấn đề, sức khỏe tâm thần của người trẻ đang là câu chuyện báo động ở rất nhiều quốc gia.Internet là tội đồ?Các nhà nghiên cứu, các chuyên gia tâm lý đã chỉ ra nhiều nguyên nhân khác nhau như áp lực học hành, bức xúc gia đình, sự đơn độc của người trẻ... Nhưng trong báo cáo khoa học công bố cuối tháng 9-2021 trên tạp chí JAMA Open Network, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ đã lần đầu tiên tập trung tìm hiểu một trong những nhân tố nguy cơ được cho là rất đáng kể: những trải nghiệm khi lên mạng.Đây được cho là nghiên cứu đầu tiên thuộc loại này trên cơ sở phân tích dữ liệu từ ứng dụng Bark giám sát hoạt động online của trẻ, dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện những tín hiệu báo trước hành vi hay ý nghĩ tự tử hoặc tự hại ở trẻ. Từ đó, nghiên cứu nhận ra có mối liên hệ giữa hành vi tự tử hay tự hại với việc tiếp xúc với các kiểu nội dung trên mạng như: bắt nạt qua mạng, bạo lực, ma túy, ngôn ngữ thù địch, nhục mạ, trầm cảm, ngôn ngữ hoặc hình ảnh khiêu dâm, hành vi tự hại mức độ ít nghiêm trọng. Khi một học sinh trải nghiệm từ 5 yếu tố nguy cơ trong số đó trở lên, nguy cơ có hành vi tự tử hoặc tự hại của em đó có thể cao hơn 70%.Dù không thể xác lập được mối liên hệ nhân quả giữa các nhân tố nguy cơ và hành vi tiêu cực cụ thể ở mỗi học sinh, song kết quả nghiên cứu củng cố một sự thật: những trải nghiệm online tiêu cực đã có trước một ý định tự tử hay tự hại ở trẻ. Những dấu hiệu trầm cảm (như tuyệt vọng và tiêu cực về bản thân) có liên hệ cao nhất với hành vi tự hại so với các nhân tố nguy cơ khác.Câu chuyện New ZealandKhi nhắc tới New Zealand người ta sẽ nghĩ ngay tới một quốc đảo có thiên nhiên tuyệt đẹp, hài hòa, chất lượng cuộc sống tốt. Ấy thế mà theo báo cáo năm 2017 của UNICEF, New Zealand lại là nước phát triển có tỉ lệ người trẻ tự tử cao nhất. Tỉ lệ này trong nhóm tuổi 15-19 cũng cao nhất trong số 41 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Liên minh châu Âu (EU). Với mức cứ 100.000 người lại có 15,6 người chết vì tự sát, New Zealand đang cao gấp đôi so với Mỹ và gần gấp 5 so với Anh.Theo tiến sĩ Prudence Stone, đến từ Unicef New Zealand, tỉ lệ tự tử cao liên quan đến các dữ liệu khác, ví dụ như tình trạng trẻ em sống trong nghèo đói, tỉ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên hoặc tỉ lệ các hộ gia đình mà cả cha và mẹ đều không có việc làm. Tương tự, Shaun Robinson, thuộc Tổ chức Sức khỏe tâm thần New Zealand, giải thích rằng có một "sự pha trộn độc hại" của tỉ lệ bạo lực gia đình, bắt nạt ở trường học, xâm hại trẻ em... liên quan đến tỉ lệ tự tử cao.Với những thống kê đáng báo động đó, New Zealand đã bắt tay thực hiện kế hoạch lớn mang tên Every Life Matters (Mọi mạng sống đều đáng giá) nhằm giảm tỉ lệ tự tử và đảm bảo sức khỏe tinh thần cho tất cả mọi người. Kế hoạch có 2 phần, gồm Chiến lược ngăn tự tử trong giai đoạn 2019–2029 và Kế hoạch hành động ngăn tự tử cho giai đoạn 2019–2024, theo trang web của Bộ y tế. Every Life Matters tập trung vào việc xây dựng một nền tảng vững chắc cho các nỗ lực ngăn chặn tự tử trên khắp đất nước, chẳng hạn việc thành lập Văn phòng phòng chống tự tử. Cách tiếp cận của kế hoạch hành động là tăng các yếu tố bảo vệ và giảm các yếu tố nguy cơ dẫn đến tự tử. Trong 2 năm liên tiếp gần nhất 2020 và 2021, New Zealand đã chứng kiến số vụ việc giảm bớt. Dù rất vui mừng, song chính quyền ở đây vẫn thận trọng và đang tiếp tục phân tích đâu là hiệu quả từ các biện pháp cụ thể đã áp dụng để tiếp tục nhân rộng.Có thể ngăn chặnTự tử là vấn đề phức tạp nhưng có thể ngăn chặn. Nhìn chung, phát hiện sớm những tín hiệu tâm lý bất thường để kịp thời ngăn cản luôn là chiến lược chính. Vì các em còn đang đi học, chủ yếu ở trường nên thầy cô chính là những người có thể giúp đỡ nhiều nhất. Dĩ nhiên còn có vai trò của các chuyên viên y tế, nhân viên trong trường, gia đình, bạn bè.Tuy nhiên không phải lúc nào các em cũng đủ tin cậy và thoải mái để chia sẻ. Để giải quyết vấn đề này, Nhật phát triển công cụ tầm soát dấu hiệu tự tử hoạt động trên máy tính bảng có tên “Đánh giá nguy cơ tình trạng thể chất & tinh thần”, viết tắt là “RAMPS”.Bà Kitagawa Yuko thuộc Trung tâm nghiên cứu các dịch vụ tư vấn và hỗ trợ của ĐH Tokyo (Nhật Bản) cho biết: “Thiết bị này sẽ giúp các giáo viên hoặc y tá trong trường xác định được các nhân tố nguy cơ ở học sinh, trong đó có cả những em không thể hiện bất cứ dấu hiệu cảnh báo rõ ràng nào”.RAMPS gồm 11 câu hỏi về sức khỏe tâm thần được thiết kế cho người trẻ và mất khoảng 3 phút hoàn thành. Dựa trên trả lời, RAMPS sẽ đề xuất các câu hỏi khác hoặc đề nghị tìm hỗ trợ của chuyên gia. Hiện có ít nhất 70 trường trung học cơ sở và trung học phổ thông ở Nhật đang sử dụng hệ thống này, chủ yếu tại phòng y tế trường và các đợt kiểm tra sức khỏe hằng năm.Bà Kitagawa cho rằng việc hỏi han về tâm trạng của trẻ, gồm cả những ý nghĩ về tự tử, là một chiến lược quan trọng. Bà kể lại chuyện một nam sinh trung học cơ sở đã tỏ ra rất vui vẻ. Tuy nhiên quá trình tầm soát trên RAMPS lại hé lộ em thực sự đã muốn tự tử và có kế hoạch hành động. “Tôi đã hỏi tại sao em quyết định trải lòng với một người lạ như tôi về những chuyện riêng tư như vậy. Em bảo là em chưa bao giờ nói về điều đó vì không bao giờ được hỏi” - bà Kitagawa nhớ lại.Theo bà, một số người vẫn tin việc hỏi trẻ em về tâm trạng của chúng có thể làm tăng tỉ lệ tự tử, song các nghiên cứu đã chỉ ra không phải như vậy. “Tại Nhật Bản, việc nói về các vấn đề sức khỏe tâm thần vẫn chưa phổ biến - bà nói - Chúng tôi đang gửi thông điệp tới các học sinh rằng việc sử dụng thiết bị này để nói về các vấn đề sức khỏe tâm thần là hoàn toàn bình thường và chúng tôi đang tìm giải pháp để cứu sống các em”.Dù vậy, đúng như tiến sĩ Nance Roy, giám đốc y khoa của tổ chức phi lợi nhuận Jed Foundation chuyên ngăn ngừa tự tử ở người trẻ, đã nói: “Không gì thay thế được đôi mắt của cha mẹ và những người chăm sóc với trẻ”. “Có thêm công cụ chúng ta sẽ tốt hơn, nhưng tôi nghĩ nó không thay thế được cho mỗi giáo viên, mỗi nhân viên, mỗi huấn luyện viên, mỗi học sinh, mọi người trong hệ thống trường học được đào tạo và giáo dục để biết những dấu hiệu của sự cùng quẫn, để biết cần phải tìm kiếm điều gì” - bà Roy nói với trang Mashable. Công cụ tầm soát những tín hiệu bất thường có thể là chỉ dấu cho ý định tự tử ở người trẻ được các nhà khoa học Nhật Bản phát triển. Câu hỏi trong ảnh: "Có bao giờ em nghĩ rằng mình chẳng có lý do gì để sống?". Ảnh: NHKChung tay tìm giải phápĐể ngăn chặn những cái chết trẻ đau lòng, ngoài các chiến lược cấp chính phủ, nhiều hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội đã vào cuộc. Tại Mỹ, sau khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp năm ngoái, AAP, AACAP và CHA đã cùng xây dựng bộ tài liệu có tên Blueprint for youth suicide prevention (Kế hoạch ngăn chặn tự tử ở người trẻ) nhằm hỗ trợ các bác sĩ nhi triển khai đồng bộ chiến lược ngăn ngừa nguy cơ này ở mọi không gian sống, học tập và giải trí của thanh thiếu niên.Tại Nhật, tổ chức phi lợi nhuận 3keys có trụ sở tại Tokyo đã lập trang web Mex để giúp các bạn tuổi teen khi cảm thấy không thể nói chuyện được với gia đình, bạn bè có thể vào đây chia sẻ. Năm ngoái, Mex thu hút 1,7 triệu lượt truy cập. Chị Moriyama Takae - một nhà sáng lập 3keys - cho biết nhiều người trẻ liên tục đối mặt sức ép bị đánh giá ở nhà cũng như ở trường. “Tôi đã nghĩ chúng tôi cần tạo ra một nơi để các em không cần phải chứng minh điều gì cả” - chị nói. Năm 2021, nhóm 3keys đã thành lập một mô hình kiểu “nhà mở” tại quận Shinjuku của Tokyo, giúp những em rơi vào tình trạng này có được chỗ tắm giặt, nghỉ trưa miễn phí, và quan trọng hơn có một nơi an toàn để tạm trú.■* Nguyên tắc “TALK”Tiến sĩ Tanaka thuộc Trung tâm Sức khỏe và phát triển trẻ em quốc gia Nhật Bản cho rằng nếu nghi ngờ một đứa trẻ đang gặp khủng hoảng tâm lý, những người gần gũi cần tránh việc sốt ruột hay vội vàng trong tiếp cận.Bà khuyến nghị 4 nguyên tắc chính, được tóm lại 4 chữ cái đầu (tiếng Anh) thành chữ “TALK” gồm:T (Tell): Nói với trẻ bạn rất quan tâm và lo lắng cho sự hạnh phúc của trẻ.A (Ask): Hỏi thẳng có phải trẻ đang nghĩ tới chuyện tự tử không.L (Listen): Lắng nghe và nhận diện những cảm xúc của trẻ.K (Keep): Giữ an toàn cho trẻ và tìm kiếm sự hỗ trợ của chuyên gia. Tags: Trẻ emTự tửNgười trẻSức khỏe tâm thầnSức khỏe tinh thần
Cách đi xe buýt đến ga metro ở TP.HCM CHÂU TUẤN 24/11/2024 Bạn đọc Tuổi Trẻ tiếp tục đặt câu hỏi về các tuyến xe buýt đến metro, có loại xe nào khác để kết nối và đi metro có thể đi đâu tiếp.
Xem các nghệ nhân thay áo mới cho điện Thái Hòa NHẬT LINH 24/11/2024 Điện Thái Hòa trong khu vực Hoàng cung Huế, nơi các vị vua Nguyễn ngự trên ngai vàng cai trị đất nước trong 143 năm, đang được đội ngũ những người thợ thủ công lành nghề bậc nhất Việt Nam ngày đêm tu bổ.
Ông Lý Hiển Long chuyển giao quyền lực, mong thế hệ kế tiếp phải trọng dụng người tài DUY LINH 24/11/2024 Chia sẻ ý định đề cử Thủ tướng Lawrence Wong làm người kế nhiệm, ông Lý Hiển Long nhấn mạnh điều này sẽ hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực sang thế hệ lãnh đạo thứ tư của Singapore.
Thông điệp '4 không' từ tên lửa Oreshnik của Nga LỤC MINH TUẤN 24/11/2024 Cuộc tấn công bằng tên lửa Oreshnik của Nga đã truyền tải chuỗi thông điệp răn đe mới đến toàn thể Liên minh châu Âu (EU).