Gỗ mục hóa thân

THÁI BÁ DŨNG 20/03/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Từ những thanh gỗ mục bỏ đi, Lê Ngọc Thuận (Hội An, Quảng Nam) đã biến nó thành những tác phẩm nghệ thuật sinh động.

Lê Ngọc Thuận cùng các nghệ nhân mộc Kim Bồng tại xưởng đục của mình vừa được mở. Ảnh: B.D.

Dòng sông Thu Bồn, khởi đi từ núi Ngọc Linh (Kon Tum) đổ ra cửa sông tại phường Cửa Đại (Hội An, Đà Nẵng). Từ tháng 7 đến tháng 10 hằng năm, những khóm tre khô, lục bình và củi mục kết từng cụm trôi về. Xưa rày, với người dân vùng này, tất cả đều là rác lũ, cùng lắm là nhặt ít cành khô về làm củi.

Thuận “củi lụt”

Lê Ngọc Thuận ở An Bàng, Hội An. Khi mở nhà hàng, anh tự tay sắp đặt và trang trí các không gian kinh doanh của mình không giống ai, kéo khách Tây về nườm nượp. Thuận nổi tiếng quanh vùng vì hay đi... tha rác về biến thành những đồ vật trang trí bắt mắt.

Sau các trận lũ lịch sử ở Hội An cuối năm 2020, một người bạn ở xóm Ghành, phường Cửa Đại, nằm sát cửa sông gọi điện trêu đùa: “Thuận ơi, củi lụt về nhiều lắm, mày có lấy không thì mang xe tải xuống lấy về”. 

Nào ngờ, Thuận như vớ được vàng. Buổi chiều, anh đánh xe bán tải xuống tận bãi cát dọc biển Cửa Đại. Rác lũ dạt về nằm ngổn ngang trên bờ lẫn trong bùi nhùi nilông và dây nhợ, Thuận miệt mài ngồi bóc tách, chọn được hai bó “củi”, đủ hình dạng: que thì bằng ngón chân cái, có khúc to bằng bắp tay, có thanh củi chỉ bằng cây căm xe đạp…, tỉ mẩn phủi sạch cát mang về.

Bức tranh được ghép từ "củi lụt" trên sông Thu Bồn của Lê Ngọc Thuận. Ảnh: B.D.

Một tuần sau, Thuận gọi người bạn từng gọi trêu anh xuống lấy củi lụt tới nhà hàng của mình, dẫn bạn tới trước bức tranh cao khoảng 80cm, dài 1,5m, bảo: “Bức tranh củi lụt em ghép lại từ mớ rác hôm vớt ở biển Cửa Đại đó”. Những thanh củi hiện hình trong khung tranh thành những khuôn mặt đa sắc thái thâm trầm và độc đáo. 

Bức tranh “củi” đầu tiên do Thuận lắp ghép được đặt ngay không gian cửa chính ra vào của nhà hàng. Rất nhiều khách Tây thấy bức tranh đã đòi mua. 

Thế rồi Thuận tìm thấy mối làm ăn từ chuyện này. Anh thích cả cái tên Thuận “củi lụt” mà mọi người trêu chọc đặt cho. “Mình rất thích cái tên đó, biến những thứ vứt đi thành đồ vật và bán được là cách tái sinh một vòng đời khác của rác” - anh nói.

Những tác phẩm nghệ thuật được làm từ "củi lụt". Ảnh: B.D

Biến củi thành… tiền đô

Bầu không khí kinh doanh du lịch ở Hội An suốt một năm nay đìu hiu như chợ chiều 30 Tết. Mấy nhà hàng của Thuận cũng phải xoay xở đủ cách để kéo khách, hôm thì tổ chức lễ hội nghệ thuật biển trên bãi cát trắng ở An Bàng, hôm thì mời các đầu bếp giỏi khắp Hội An tổ chức lễ hội ẩm thực. 

Từ cuối năm 2020 tới nay, Thuận mở một nhà hàng mới với phong cách thiết kế gần gũi tự nhiên, ít sử dụng bêtông, biến nơi đây thành “showroom” bày bán những tác phẩm được anh làm sống lại từ những vật bỏ đi.

Từ tháng 12-2020, chợ nghệ thuật hoàng hôn mở cửa đón khách. Bên cạnh việc thưởng thức âm nhạc, ẩm thực, ngắm những bức tranh sơn dầu và sản phẩm handmade của người nước ngoài sinh sống ở Hội An, nhiều khách thích thú trước các tác phẩm gỗ lụt. 

Những tác phẩm nghệ thuật được làm từ "củi lụt". Ảnh: B.D

Tranh của Lê Ngọc Thuận lắp ghép giữ nguyên màu gỗ và những đường nét sẵn có của thớ gỗ, chạm đục rất thô mộc, gần như không sử dụng sơn hay các hóa chất để làm sáng bóng.

Trên một tấm gỗ vốn là bìa gỗ thải mà một thợ mộc mỹ nghệ ở Kim Bồng (gần phố cổ Hội An) bỏ đi, lũ cuốn về cửa sông, Thuận nhặt về, ngắm nghía và tưởng tượng, nhờ một họa sĩ tạo hình. Rồi anh miệt mài đục gần một tuần. Đục xong, ai nhìn cũng phì cười bởi trên tấm gỗ hiện lên một khuôn mặt người kỳ dị. 

Nhưng khi được tỉa tót, tô sơn lên vùng mắt, tai… một bức tranh tuyệt đẹp hiện ra. Trong một phiên chợ nghệ thuật hoàng hôn, một vị khách Tây đã đồng ý mua với giá 2 triệu đồng, với lời dặn nếu có đồ đẹp thì gọi, ông sẽ tiếp tục mua.

Những bức tranh gỗ như thế đang trở thành dòng sản phẩm chính trong phiên chợ nghệ thuật hoàng hôn cuối tuần. Vào quầy hàng của Lê Ngọc Thuận, nhiều người mua những bức tranh vẽ đàn cá bơi thành hàng, những bình bông kỳ dị, tua tủa hoa lá gầy gò và độc đáo, không biết rằng tất cả từng có một đời sống khác, lăn lóc vô tri ngoài bãi sông, trước khi Thuận khiến chúng trở nên có hồn.

Những tác phẩm nghệ thuật được làm từ "củi lụt". Ảnh: B.D.

“Không chỉ là đồ dùng thông thường”

Sau những mày mò thử nghiệm ban đầu, giờ Lê Ngọc Thuận tự tin chọn đây là hướng kinh doanh tiềm năng cho mình. Ban đầu anh tự tay đục, nhưng thấy hàng làm tới đâu khách đặt mua tới đó, anh quyết định sắm đồ mở xưởng, vào làng mộc Kim Bồng, nhặt nhạnh những thớ gỗ bỏ đi về làm nguyên liệu. Anh em thợ khéo tay mà Thuận từng biết được anh mời về. Xưởng đục lách cách cả ngày, hàng ra đều đặn... 

Tranh treo tường để trang trí trong villa, nhà hàng, quán cà phê, những hộp gỗ đựng mỹ phẩm, hộp đựng khăn giấy, ghế, chậu hoa... đủ món đã ra đời từ xưởng mộc kỳ lạ này, có món đã được bán với giá gần 1.000 USD. Đơn đặt hàng từ nhiều khách sạn, quán cà phê, nhà hàng nhiều thêm.

“Cách làm này phù hợp xu hướng sống văn minh, tối giản, thân thiện với môi trường và tái chế đồ vật đang trỗi dậy. Những món đồ này không đơn thuần là đồ tiêu dùng thông thường, đó là những tác phẩm biết kể chuyện từ quá khứ”, Thuận nói.

Những sản phẩm được làm ra từ gỗ bỏ đi. Ảnh: B.D.

Ông Trần Văn Khoa - giám đốc Jack Trần Tours Hội An - cho biết một trong những xu hướng sắp đặt, trang trí khách sạn, nhà hàng mới là sử dụng các vật liệu thân thiện kết hợp nghệ thuật. 

Tại Hội An, tư duy sắp đặt, trang trí các cơ sở lưu trú vẫn còn nặng “nhôm kính, hiện đại” tốn kém, chưa có nhiều người theo xu hướng tối giản, thân thiện. “Nên tôi nghĩ những gì Lê Ngọc Thuận theo đuổi đang hướng đúng đến xu hướng tích cực này”, ông Khoa nói.■

Mong đánh thức làng mộc Kim Bồng

Nằm bên phố cổ Hội An, làng mộc mỹ nghệ cổ mang tên Kim Bồng từng rất hưng thịnh nhưng khoảng 30 năm nay dần tàn lụi vì không còn nhiều nghệ nhân đủ đam mê, sáng tạo để theo đuổi nghề truyền thống của cha ông. Và thêm một trong những nguyên do chính là sản phẩm mỹ nghệ chủ yếu phục vụ thờ cúng, tâm linh, không đổi mới theo xu hướng đời sống. 

Lê Ngọc Thuận cho biết khi bắt tay vào dự án làm các sản phẩm gỗ nghệ thuật, anh đã về làng mộc Kim Bồng đặt mẫu, nhờ nghệ nhân tại đây đục đẽo rồi đưa ra bán thử và được khách đón nhận nhiệt tình. “Tôi sẽ kết nối các nguồn hàng lớn với những người làm mộc Kim Bồng để phát triển thêm dòng sản phẩm gỗ nghệ thuật hiện đại”, Thuận nói.

Các tác phẩm từ gỗ dạt vào biển của nghệ sĩ Lynn Muir.-Ảnh: Facebook nhân vật

Nhiều nghệ sĩ quốc tế cũng thỏa sức sáng tạo với những “củi một cành khô lạc mấy dòng”, dạt trôi vào bãi biển hay sông hồ, trong bộ môn “điêu khắc củi lạc” (driftwood sculpture).

Dù được đào tạo bài bản ngành mỹ thuật minh họa, nghệ sĩ người Anh Lynn Muir lại gắn bó với việc thổi hồn cho những cành khô củi mục trong suốt 35 năm qua. Tại xưởng làm việc ở quê nhà, nhìn ra bãi biển North Cornish ở miền tây nam nước Anh, Muir tìm nhặt củi lạc, và tùy theo hình dáng của chúng mà tạo tác thành những tượng búp bê, trang trí đầy màu sắc.

Thảng hoặc có một ý tưởng nào đó, Muir sẽ chủ động tìm nhặt cho được phần gỗ có hình dạng thích hợp, theo phần giới thiệu về bà trên trang web của gallery thủ công Hawksbys.

Khi đã có nguyên liệu, Muir sẽ cưa, mài, đục đẽo, rồi dùng bút vẽ và sơn acrylic để tạo thành sản phẩm cuối cùng - đa số là tượng các nhân vật khác nhau với biểu cảm hài hước. 

“Các thiết kế có thể lặp lại nhưng mỗi tác phẩm là độc nhất vì chất gỗ và nét vẽ khác nhau” - Muir viết trên trang cá nhân. Nghệ sĩ này đã có nhiều triển lãm riêng và đang bán các sản phẩm với giá từ vài chục đến vài trăm bảng Anh.

YÊN LAM

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận