Hà Nội cần những không gian lưu giữ ký ức thành phố

HÀ HƯƠNG THỰC HIỆN 18/09/2010 18:09 GMT+7

TTCT - Theo kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, Hà Nội không có nhiều không gian lưu giữ ký ức thành phố, chẳng hạn như hồ Gươm, nhà tù Hỏa Lò, Nhà hát Lớn... nhưng trong mấy chục năm qua, những không gian này đã biến dạng rất nhiều.

Phóng to

Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào - Ảnh nhân vật cung cấp

Hơn nữa, việc không đủ khả năng kiểm soát kiến trúc mới xen lẫn giữa các di tích, khu phố xưa dẫn đến tình trạng bộ mặt Hà Nội ngày càng trở nên hỗn tạp và lộn xộn... Những không gian lưu giữ ký ức thành phố đang bị xâm lấn mạnh, bị bóp nghẹt giữa những tòa nhà cao tầng, khách sạn nhiều sao san sát. Ông nói:

- Chúng tôi thiết kế “Cung đường hòa bình” ngay trên đoạn đường vốn là tường thành Thăng Long xưa, ở cửa ngõ vào thành phố (trước là ô Cầu Giấy) với mong muốn tạo nên một không gian đậm chất lịch sử - văn hóa. Tuy nhiên, một nốt nhạc hay không dễ phát lộ trên nền một bản giao hưởng ngổn ngang, một không gian đẹp khó có cơ hội trong không gian kiến trúc xô bồ.

Phóng to
Phối cảnh “Cung đường hòa bình” buổi tối

* Trước ý tưởng về “Cung đường hòa bình”, ông còn có dự án “Quảng trường khoan dung” tại nhà tù Hỏa Lò. Ông có thể chia sẻ ý tưởng thiết kế hai dự án này?

- Với cả “Cung đường hòa bình” và “Quảng trường khoan dung”, ngoài giải pháp về quy hoạch kiến trúc, thông điệp tôi muốn gửi đi đơn giản là: thành phố này yêu hòa bình. “Quảng trường khoan dung” kể câu chuyện về số phận những con người đã chịu nhiều đau thương và mất mát trong chiến tranh. Tuy nhiên, họ sẵn sàng khép lại quá khứ, xóa bỏ hận thù, mở rộng lòng với cả kẻ thù xưa... “Cung đường hòa bình” cũng vậy, nó gợi lại ký ức trên chính nơi từng là một đoạn của thành Thăng Long được xây cách đây hàng nghìn năm để bảo vệ cuộc sống yên lành của người dân...

* Dễ nhận ra trong những thiết kế của ông phảng phất hình ảnh quá khứ. Theo ông, đâu là ranh giới giữa tính lịch sử trong thiết kế kiến trúc với những công trình giả cổ?

- Ý thức về quá khứ tự nhiên như máu chảy trong người. Những ý tưởng của tôi thường gắn với một sự kiện hoặc một không gian lịch sử nào đó như làng cổ Bát Tràng, Quảng trường khoan dung - Hỏa Lò, Cung đường hòa bình - đê Bưởi... Nên nhớ chúng ta sống tại Hà Nội, mỗi mảnh vỡ tìm thấy đều có thể liên quan đến quá khứ vàng son hay những thăng trầm của mảnh đất này suốt chiều dài lịch sử.

Kiến trúc sư Đoàn Đức Thành (thành viên ban giám khảo giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội):

Một ý tưởng rất hay!

Tôi cho rằng hiện không còn nhiều người trẻ nặng lòng với lịch sử văn hóa Hà Nội. Hơn nữa, thành phố này cũng không còn giữ được nhiều di sản kiến trúc, phố cổ giờ chỉ còn không gian chứ bản thân kiến trúc nhà và phố đã không còn tồn tại nữa. Bởi vậy chúng tôi đánh giá cao dự án “Cung đường hòa bình” của nhóm kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào bởi nó khôi phục được một đoạn tường thành đã cũ của Thăng Long - Hà Nội xưa. Về mặt thi công, “Cung đường hòa bình” là một dự án kinh phí thấp và dễ thực hiện, không tốn tiền giải phóng mặt bằng. Mặt khác, nó mang lại một không gian đẹp cho khu vực vốn trước đây chỉ là chỗ tập kết rác và làm bãi đỗ xe. Kết hợp với ý tưởng đó, việc khai thác vật liệu truyền thống cũng tạo nên cảm giác hoài cổ cho mỗi người khi đi qua công trình này. Tôi đã theo dõi ý tưởng “Cung đường hòa bình” từ khi kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào mang nó tham dự giải thiết kế của Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Nhiều ý kiến đánh giá đó là một ý tưởng rất hay.

Chưa bao giờ tôi nghĩ làm công trình giả cổ, mình trăn trở về bao yếu tố văn hóa, lịch sử ở mỗi dự án, song ngôn ngữ thiết kế phải hiện đại. Đó là một sự tiếp biến chứ không phải sao chép quá khứ; phải làm sống động quá khứ, tuyệt đối không giả cổ.

Trong bản thiết kế “Cung đường hòa bình”, chúng tôi muốn đánh thức hình ảnh bức tường thành bao bọc Thăng Long xưa bằng chất liệu truyền thống: đá ong, gạch vồ, đá tự nhiên. Cách sắp đặt, thi công phải đảm bảo các yếu tố bền vững, tạo ấn tượng thị giác. Tường thành sẽ là một tổ hợp: kè dốc đứng, vát thoải, kè có nhiều cấp trồng hoa, kè thác nước... Những tấm kè xếp lệch hình nan quạt, giữa các khe có ánh sáng chiếu...

* Khả năng hiện thực hóa “Cung đường hòa bình” tới đâu? Có ý kiến cho rằng đoạn đường Bưởi ông chọn không phù hợp để tạo nên một không gian đẹp bởi tình trạng ô nhiễm của sông Tô Lịch bên cạnh?

- “Cung đường hòa bình” là một thiết kế đơn giản và khả thi. Thay vì kè bằng bêtông, chúng ta chọn loại vật liệu khác là đá ong, gạch vồ, thảm cây... Hiện đường Bưởi vẫn chưa được chỉnh trang, hầu hết là bãi rác và bãi đỗ xe tự phát nhưng trong quy hoạch chung của thành phố, tương lai đoạn đường này sẽ được mở rộng nên việc kè lại đường Bưởi là tất yếu. Vậy tại sao chúng ta không “kè” một cách có văn hóa, tạo một không gian xanh, thân thiện giữa thành phố.

Có điều, chuyện làm sạch sông Tô Lịch tôi nhớ đã được nói đến hàng chục năm nay... Đấy là công việc thành phố Hà Nội phải làm và không ai có thể làm thay được.

* Vì sao đến thời điểm hiện nay khi đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đang tới gần, “Cung đường hòa bình” vẫn chỉ là một dự án trên giấy?

- Dự án đã được trình lên ban chỉ đạo đại lễ từ cuối năm 2009. Bản thiết kế được nhiều nhà sử học, nhà văn hóa, kiến trúc sư đánh giá cao và rất khả thi, ý kiến của đa số là nên làm thí điểm một đoạn. Rất tiếc sau đó mọi chuyện rơi vào im lặng, đã không có bất cứ hồi âm nào cho nhóm thiết kế. Chúng tôi chỉ là người làm chuyên môn, không phải “dân chạy dự án”.

* Một không gian đô thị đẹp trong hình dung của ông sẽ như thế nào?

- Mục đích của quy hoạch đô thị là phục vụ con người, khiến con người cảm thấy hạnh phúc, tiện nghi. Nó phải đạt các tiêu chí về không gian bền vững; khả năng di chuyển thuận tiện; khả năng kiểm soát (người ta có cảm thấy an toàn khi ở trong đó hay không...); có các công trình điểm nhấn, định hướng kiến trúc đô thị; sự đồng bộ của hệ thống hạ tầng, luật pháp... Các tiêu chí này được soi qua hai đại tiêu chí là công bằng và hiệu quả. Phải làm thế nào để người ở ngoại thành cũng có thể hưởng những tiện nghi như người nội thành, được hưởng các không gian sinh hoạt, vui chơi, các trung tâm chăm sóc sức khỏe...

Một khi kịch bản quy hoạch đô thị sáng sủa thì các điểm nút, các không gian mở, không gian lưu giữ ký ức sẽ có điều kiện phát lộ vẻ đẹp. Đáng tiếc là theo năm tiêu chí này, hình thái đô thị Hà Nội vẫn chưa có điểm nào đạt chuẩn. Chúng ta chỉ còn cách phải đợi...

Phóng to
Phối cảnh toàn bộ công trình “Cung đường hòa bình” dài 2km

“Cung đường hòa bình” kéo dài 2km suốt từ dốc Bưởi đến cầu Giấy, trên chính vị trí trước đây là tường thành vòng ngoài của kinh thành Thăng Long. Thiết kế tạo nên tổ hợp nhiều đoạn kè với độ dốc khác nhau. Những tấm kè phân khúc 10-20m, cao 2-5m, xếp lệch 0,7-1,5m hình nan quạt, xen kẽ thang đi bộ liên kết không gian phía trên và dưới đường Bưởi với sông Tô Lịch. Ban đêm, ánh sáng được chiếu giữa những khe lệch, song song với chiều chuyển động của các phương tiện lưu thông.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận