Hà Nội: Gian truân giành đất xây công viên

LÂM HOÀI 26/09/2018 02:09 GMT+7

TTCT - Ngoài số tiền 300 tỉ đồng đầu tư bằng ngân sách, giành giật từng mét đất trước nạn lấn chiếm, gần 10 năm “lận đận” vì nhiều biến cố, công viên mới chính thức hoàn thành phục vụ người dân.

Công viên hồ điều hòa Nhân Chính vừa đưa vào sử dụng. Ảnh: Lâm Hoài
Công viên hồ điều hòa Nhân Chính vừa đưa vào sử dụng. Ảnh: Lâm Hoài

 

Một công viên quy mô lớn với tổng diện tích hơn 13ha, trải dài qua địa phận hai quận Cầu Giấy và Thanh Xuân vừa được khánh thành đưa vào sử dụng.

Thay vì là bãi đất bỏ hoang nhếch nhác, ô nhiễm, bị lấn chiếm đủ bề, hiện công viên có một màu xanh mướt của cây, hoa, có khuôn viên, bờ rào, lối đi sạch sẽ, tươm tất và một hồ nước rộng tới 8ha mát rượi. Ngoài ra công viên còn có khu quảng trường phục vụ biểu diễn, vui chơi, hệ thống vòi phun nước kết hợp đèn chiếu màu...

Nhưng ít ai biết rằng để hoàn thành được dự án này, ngoài số tiền 300 tỉ đồng đầu tư bằng ngân sách, chính quyền địa phương phải “vật lộn” với nhiều trắc trở, giành giật từng mét đất trước nạn lấn chiếm. Ròng rã gần 10 năm “lận đận” vì nhiều biến cố, công viên này mới chính thức hoàn thành phục vụ người dân.

Theo tìm hiểu của TTCT, dự án này được giao cho Công ty cổ phần Tập đoàn Vina Megastar (thuộc Tập đoàn Megastar) làm chủ đầu tư xây dựng từ năm 2008. Đến năm 2011, UBND TP Hà Nội tiếp tục phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 dự án này.

Thời điểm đó, toàn bộ dự án có tổng mức đầu tư gần 2.600 tỉ đồng, trong đó riêng phần vốn xây dựng các công trình công cộng và giải phóng mặt bằng là 150 tỉ, phần còn lại là đầu tư thương mại gồm công trình ngầm năm tầng xây dựng trên diện tích khoảng 3,5ha cho doanh nghiệp kinh doanh thương mại để thu hồi vốn. Tuy nhiên khi rục rịch chuẩn bị khởi công thì đến năm 2013, dự án ngưng trệ vì chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vina Megastar “gặp sự cố” do liên quan đến một vụ án khác.

Cùng thời điểm trên, UBND TP Hà Nội đã quyết định thu hồi lại toàn bộ dự án, giao cho UBND quận Thanh Xuân quản lý. Giữa năm 2013, một doanh nghiệp khác là Ocean Group đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề xuất muốn đầu tư dự án thay cho Megastar. Tuy nhiên, trong khi thành phố chưa chấp thuận thì sau đó một năm, chủ tịch Ocean Group cũng “gặp sự cố”.

Từ đó đến gần giữa năm 2016, dự án đầu tư xây dựng công viên này “đắp chiếu” hoàn toàn. Không những thế, do chồng lấn giữa địa bàn hai quận nên việc quản lý diện tích đất này gặp nhiều khó khăn. Hàng loạt cá nhân, tổ chức đã đua nhau lấn chiếm để hoạt động kinh doanh trái phép trên khu đất công viên. Đó là hàng loạt sân bóng nhân tạo, quán bia, bãi trông giữ xe ngày đêm, điểm rửa ôtô, các lều lán, quán nước, hàng rong... UBND phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) và phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) đã nhiều lần tổ chức các đoàn kiểm tra, xử lý nhưng các công trình vẫn tiếp tục tái lấn chiếm, tồn tại trong thời gian dài.

Theo phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Hồng Thái, trước tình trạng trên quận đã vào cuộc giải tỏa toàn bộ các công trình và rào lại khuôn viên dự án. Đến tháng 5-2016, quận Thanh Xuân chính thức khởi công dự án công viên, dự kiến hoàn thành vào tháng 7-2017.

Tuy nhiên đến giữa năm 2018 dự án công viên này vẫn chưa thể đưa vào sử dụng do vướng hàng loạt vấn đề. UBND quận đã tìm cách tháo gỡ, ngoài việc thúc tiến độ thi công ở công trường, quận liên tiếp tổ chức các cuộc họp và gửi nhiều văn bản đề xuất các phương án tối ưu với UBND TP. Ông Thái cho hay trong khu vực dự án có một hạng mục xây dựng bãi đỗ xe ngầm với diện tích khoảng 1,7ha. Tháng 3-2017, TP đã giao cho Công ty TNHH dịch vụ phát triển thương mại Phúc Lợi lập quy hoạch, đầu tư. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp này còn chưa thực sự “mặn mà” triển khai. Lý do, doanh nghiệp cho rằng sẽ rất chậm để thu hồi vốn với dự án này.

Trước tình hình đó, tháng 8-2017 UBND quận Thanh Xuân đã phải đề xuất UBND TP cho phép điều chỉnh giảm quy mô đầu tư các hạng mục nằm trong phạm vi xây dựng bãi xe ngầm đã được phê duyệt trước đó. Các hạng mục đó sẽ tách ra khỏi dự án công viên để doanh nghiệp xã hội hóa đầu tư đồng bộ theo dự án bãi đỗ xe ngầm sau này.

Tháng 5-2018, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận đề xuất trên. Vậy nhưng dự án tiếp tục đối mặt với khó khăn khi hạng mục cống hóa mương Hòa Mục đoạn qua công viên vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng. Trong khi có tới gần 80 hộ dân ở khu vực trên khiếu nại kéo dài về công tác giải phóng mặt bằng dự án đường vành đai 3 từ năm 2006. Sau khi kiến nghị lên UBND TP nhằm tháo gỡ cho dự án, TP đã chỉ đạo Thanh tra TP vào cuộc quyết liệt và có kết luận sau đó.

Nhờ vậy, quận Thanh Xuân tiếp tục giao cho các đơn vị liên quan gấp rút hoàn thành các hạng mục trong dự án. Đến ngày 10-9-2018, quận đã chính thức mở cửa công viên này cho người dân vào sử dụng. Đây là công viên đầu tiên của quận Thanh Xuân được xây dựng và là công viên có quy mô lớn hàng đầu của TP.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận