TTCT - Tháng 11 vừa qua, Giải Goncourt - giải thưởng văn chương quan trọng nhất của nước Pháp - đã được trao cho tiểu thuyết Pas pleurer (Không khóc) của nữ văn sĩ Lydie Salvayre do nhà Seuil xuất bản tháng 9-2014. Tác giả Lydie Salvayre - Ảnh: vanityfair.fr“Trước hết chúng tôi muốn tôn vinh một tác phẩm có tính văn chương cao, một cách viết đặc sắc, tuy đôi khi cá nhân tôi cũng lấy làm tiếc rằng nó chứa quá nhiều tiếng Tây Ban Nha” - ông Bernard Pivot, chủ tịch Viện hàn lâm Goncourt, bày tỏ. Ngôn ngữ lai tạo Lydie Salvayre chào đời năm 1948 trong một gia đình di dân gốc Tây Ban Nha. Cũng như những người theo tư tưởng Cộng hòa, cha mẹ bà đã buộc phải rời bỏ tổ quốc khi tướng Francis Franco chiến thắng trong cuộc nội chiến đẫm máu 1936-1939 và thành lập ngay sau đó một chế độ độc tài phát xít, đẩy dân tộc Tây Ban Nha vào cuộc khủng hoảng trên mọi phương diện dai dẳng gần 40 năm.Những tháng ngày lưu vong khốn khó, cô đơn và tủi nhục của cha mẹ bà được kể lại ở tiểu thuyết Không khóc, mà ngay từ đầu Lydie Salvayre đã không ngần ngại khẳng định tính có thật một trăm phần trăm của nó:“Trong câu chuyện mà tôi kể đây, lúc này tôi không muốn đưa vào bất cứ một nhân vật hư cấu nào. Mẹ là mẹ của tôi, Georges Bernanos là nhà văn đáng kính, là tác giả của tiểu thuyết Les grands cimetières sous la lune (Những nghĩa địa mênh mông dưới trăng), và nhà thờ Công giáo là cái thể chế bỉ ổi mà nó đã như thế vào năm 1936”. Sinh ra tại một làng nhỏ gần Toulouse, miền nam nước Pháp, nơi trở thành quê hương thứ hai của nhiều di dân nghèo đến từ Tây Ban Nha như cha mẹ bà, nhưng Lydie Salvayre chỉ chính thức học tiếng Pháp khi bước chân vào tiểu học, chủ yếu thông qua các tác phẩm văn chương cổ điển mà bà đã mày mò tìm đọc một mình, vì như bà kể lại thì trường làng lúc đó dạy chủ yếu cho nữ sinh cách nấu ăn và thêu thùa.Điều này giải thích lý do tại sao tiếng mẹ đẻ chiếm một vị trí đặc biệt trong tâm tưởng của bà, và chính ở tiểu thuyết Không khóc mà Lydie Salvayre đã quyết định công khai bí mật ấy trước độc giả của mình bằng cách tạo nên một ngôn ngữ riêng, một ngôn ngữ kỳ lạ, nhiều nhạc tính, lai tạo giữa tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha, mà bà đặt tên là “Fragnol” và được giới chuyên môn ca ngợi là “độc đáo”, “thú vị”, “vui nhộn”, “hài hước”. Như thế, ngoài ngôn ngữ tiếng Pháp được sử dụng chủ yếu, tiểu thuyết Không khóc còn gồm những câu dài bằng tiếng “Fragnol” thông qua lời nói của nhân vật chính Montse, mẹ của tác giả, người phụ nữ 90 tuổi mắc bệnh Alzheimer lần đầu lên tiếng “khuấy lại tro tàn của một thời tuổi trẻ đã mất, như thể tất cả niềm vui sống của cả cuộc đời bà đã thu lại vào mấy ngày hè năm 1936 trong cái thành phố của nước Tây Ban Nha ấy, như thể với bà, dòng chảy thời gian đã dừng lại ở con đường mang tên San Martin lúc tám giờ sáng, ngày 13-8-1936”. Lydie Salvayre bắt đầu sự nghiệp văn chương khá muộn, khi đã ngoài 30: bà từng tốt nghiệp khoa văn Đại học Tổng hợp Toulouse nhưng sau đó lại rẽ sang học y rồi hành nghề bác sĩ tâm lý ở thành phố Marseille. Mặc dù khởi đầu chậm trễ, mặc cho thời gian eo hẹp, Lydie Salvayre miệt mài sáng tác.Bà nói mình có thể ngồi viết ở bất kỳ đâu, ngay từ khi ngủ dậy vào 5g sáng cho tới lúc đến công sở, giữa giờ nghỉ ăn trưa, trong hai ngày cuối tuần và suốt các kỳ nghỉ đông hay hè. Kết quả là sau hơn 20 năm lao động chữ nghĩa, Lydie Salvayre đã cho ra đời khoảng 15 tác phẩm, trong đó chủ yếu là tiểu thuyết và kịch.Cho tới trước khi đoạt giải Goncourt năm nay, tác phẩm nổi tiếng nhất của bà là tiểu thuyết La compagnie des spectres (Bầy ngáo ộp) được giải thưởng Novembre năm 1997 và được tạp chí Lire (Đọc) bình chọn là tác phẩm văn chương hay nhất trong năm. Tiểu thuyết chiến tranhTheo những người trong cuộc kể lại thì Không khóc là một bất ngờ lớn của giải Goncourt năm nay, đã khiến ban giám khảo phải tranh cãi trong một giờ rưỡi để đưa ra kết quả cuối cùng.Trước đó, giới am hiểu văn chương cũng không hề nghĩ đến cái tên Lydie Salvayre. Lý do chủ yếu có lẽ bởi chủ đề chính của Không khóc là cuộc nội chiến Tây Ban Nha - một sự kiện lịch sử đã xảy ra cách đây gần một thế kỷ và chưa bao giờ thu hút nhiều sự chú ý của dân Pháp. Không khóc là tiểu thuyết chiến tranh, có thể nói như vậy, chiến tranh nhìn từ hai phía khác nhau qua hai giọng nói đối lập: một của người phụ nữ nghèo khổ thất học Montse cũng là mẹ đẻ của tác giả, và một của nhà văn trung niên Pháp có nguồn gốc tư sản Georges Bernanos.Cả hai cùng có mặt ở Tây Ban Nha vào những năm tháng đó để cùng chứng kiến cuộc nội chiến chẳng mấy chốc sẽ làm chao đảo số phận của chính họ, cũng như của mọi người dân trên đất nước Tây Ban Nha.Hai giọng nói của hai kẻ đối lập về mọi phương diện nhưng lại bổ sung cho nhau, phản ánh lẫn nhau, hòa quyện vào nhau để cùng kể về một cuộc chiến. Nếu năm 1936 ghi khắc “một mùa hạ xán lạn” trong ký ức cô gái xinh đẹp Montse, thì với một người cầm bút như Georges Bernanos lại là “một năm của bi thảm”.Mười lăm tuổi, Montse đã tưởng sẽ phải mòn kiếp buồn bã và vô vọng trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn hẻo lánh, khốn khổ vì nghèo và dốt, vì tính gia trưởng của đàn ông và sự mộ đạo của toàn bộ dân làng. Nhưng ngọn gió của cuộc cách mạng vô chính phủ bất ngờ thổi tới.Anh trai nàng nhanh chóng gia nhập cách mạng, rồi Montse ngất ngây theo chân anh đến thành phố Barcelona. Lần đầu tiên nàng được khám phá văn minh nhân loại, được biết thế nào là uống cà phê, là ngủ phòng khách sạn, là đi dạo trên đại lộ Ramblas, làm quen với những con người khao khát tự do, và cuối cùng biết thế nào là tình yêu.Người yêu lên đường ra trận, Montse quay về quê nhà mang theo giọt máu của chàng trong bụng. Nội chiến lan rộng, nàng lấy người khác rồi cùng chồng lưu vong, nhưng kỷ niệm tình yêu gắn liền với những ngày hè rực rỡ ấy chẳng hề nhạt phai suốt bảy thập kỷ giữ kín trong lòng. Cùng thời gian đó, trên đảo Palma de Majorque, Georges Bernanos tận mắt chứng kiến cảnh giết chóc kinh hoàng gây ra bởi những kẻ nổi dậy do Francis Franco cầm đầu, trong niềm tin duy nhất là “tẩy uế” xã hội được ủng hộ bởi nhà thờ Công giáo và đám nhà giàu.Sự thật phũ phàng đã khiến nhà văn “choáng váng”, ông cảm thấy “kinh tởm trước sự cuồng tín và lòng thù hận”, quyết định rời bỏ tư tưởng cực hữu, chia tay vĩnh viễn giai cấp quý tộc và giới tăng lữ để đi về phía người nghèo và các nạn nhân. Những điều này sau đó đã được Bernanos trần thuật trong tiểu thuyết Những nghĩa địa mênh mông dưới trăng. Chiến tranh, tại sao các nhà văn sẽ còn viết mãi về những cuộc tương tàn trong lịch sử nhân loại? Dường như Lydie Salvayre trả lời hộ chúng ta: “Trong khi câu chuyện của mẹ tôi về những trải nghiệm vào mùa hè tự do vô chính phủ năm 1936 dấy lên trong tim tôi biết bao thán phục, biết bao niềm vui thơ trẻ, thì câu chuyện về những nỗi kinh hoàng được miêu tả bởi Bernanos - người đã phải đối mặt với đêm đen của lịch sử với lòng căm hận và cơn thịnh nộ của con người - lại làm sống dậy trong tôi nỗi sợ hãi phải chứng kiến ngày hôm nay một số tên đểu giả đang quay lại với những tư tưởng tởm lợm mà tôi cứ nghĩ đã yên ngủ từ lâu”.Đối thủ đáng gờm trong giải Goncourt Tác giả Kamel DaoudNgay khi giải được công bố, người ta nhận thấy rằng trong số bốn tác phẩm vào vòng chung kết, Không khóc có một đối thủ chỉ kém đúng một phiếu: Meursault, contre-enquête (Meursault, tái điều tra), tiểu thuyết đầu tay của Kamel Daoud, nhà văn người Algeria hoàn toàn vô danh trước đó với độc giả Pháp.Độc giả văn chương có lẽ chẳng ai quên Meursault, “Người xa lạ” (tiểu thuyết của A. Camus) của thế kỷ 20, người đã bị tòa án tử hình không phải vì tội giết một “tên Ả Rập” mà vì tội đã không nhỏ một giọt nước mắt nào trong đám tang của mẹ đẻ (như thói đời muốn thế).Chẳng những không quên mà chúng ta còn không tiếc giấy mực để bàn về Meursault. Hàng nghìn hội thảo, hàng chục nghìn luận án, hàng trăm nghìn bài báo. Và cả một giải Nobel văn chương...Nhưng ai trong chúng ta, một phút giây nào, đã dành cho “tên Ả Rập” vô danh, nạn nhân oan uổng của Meursault, một mảy may suy nghĩ?70 năm sau. Cuối cùng một tiếng nói đã cất lên. “Tên Ả Rập” đó hóa ra cũng có tên, có tuổi, có một cuộc đời ngắn ngủi trước khi bất ngờ bị bắn chết trên bờ biển Algeria chói nắng, có một bà mẹ vào thời điểm đó (và cho tới lúc này) còn sống nguyên xi, có một cậu em trai sẽ suốt đời khóc than cho cái chết phi lý của anh cả, có một xã hội thuộc địa mãi mãi tổn thương... Meursault, tái điều tra là tiểu thuyết đầu tay của Kamel Daoud, tác giả nhiều bài bút chiến về nước Algeria đương đại. Albert Camus bắt đầu bằng câu “Hôm nay, mẹ chết” (Aujourd’hui, maman est morte). Daoud bắt đầu bằng câu “Hôm nay, mẹ vẫn sống” (Aujourd’hui, M’ma est encore vivante). Và sự nhại lại không chỉ dừng ở đây... Được giải Goncourt hay không, cả Lydie Salvayre lẫn Kamel Daoud đều có tham vọng tạo ra một ngôn ngữ văn chương của riêng mình bằng cách lai tạo tiếng Pháp với tiếng mẹ đẻ: người thứ nhất với tiếng Tây Ban Nha, người thứ hai với tiếng Ả Rập (của Algeria).Và không chỉ ngôn ngữ, những vấn đề mà họ đề cập, những thách thức mà họ đặt ra, những câu hỏi mà họ tra cứu còn đưa độc giả Pháp chu du đến những miền tư tưởng mới, những nền văn hóa khác. Chính ở chỗ này mà chúng ta ghi nhận sự dũng cảm của ban giám khảo giải Goncourt năm nay khi bầu nhiều phiếu nhất cho hai tác giả đều có xuất xứ nước ngoài.Phải chăng nhờ những sự dũng cảm như vậy mà văn chương Pháp ngày càng trở nên nhân văn hơn, phong phú hơn mà cũng độc đáo hơn? Tags: Chiến tranhVăn chương PhápGiải Goncourt 2014
Lào - Việt Nam (hiệp 1) 0-0: Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội QUỐC THẮNG 09/12/2024 Dù phải đá trên sân khách nhưng tuyển Việt Nam đang chơi lấn lướt ở những phút đầu tiên và tạo ra khá nhiều cơ hội nguy hiểm trước khung thành của Lào.
Đội hình ra sân tuyển Việt Nam đấu Lào: Quang Hải, Tuấn Hải dự bị NGUYÊN KHÔI 09/12/2024 Quang Hải, Tuấn Hải dự bị trong đội hình tuyển Việt Nam ra sân đấu Lào lúc 20h tối nay 9-12.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng: Sẽ có chính sách vượt trội với cán bộ dôi dư HOÀNG TÁO 09/12/2024 Làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho hay sẽ xây dựng chính sách vượt trội để cán bộ dôi dư xin nghỉ, lưu ý không được làm mất cán bộ giỏi.
Đại biểu HĐND TP.HCM nêu ý kiến học sinh nghỉ Tết, tiếng Anh không còn là môn thi bắt buộc THẢO LÊ 09/12/2024 Đại biểu HĐND TP.HCM Phạm Đăng Khoa cho rằng nhiều người dân mong muốn tăng thêm ngày nghỉ Tết để học sinh và phụ huynh có điều kiện về quê ăn Tết.