TTCT - Trong hai ngày 21 và 26-3, Việt Nam và Indonesia sẽ chạm trán trong khuôn khổ giai đoạn 2 vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á. Bốn năm trước, Việt Nam và Indonesia cũng từng chung bảng ở giai đoạn hai vòng loại World Cup 2022. Thời điểm đó, tuyển Việt Nam vượt trội với dàn cầu thủ "thế hệ vàng". Nhưng bây giờ thì khác, một mặt Việt Nam đi xuống, còn phía bên kia Indonesia đang tiến lên bởi chính sách nhập tịch ồ ạt. Nhìn từ hai phía, đều thấy tuy là những đội bóng hàng đầu Đông Nam Á, nhưng cả hai nền bóng đá đều chẳng giống ai!Thom Haye có lẽ là ngôi sao sáng nhất trong dàn cầu thủ Indonesia nhập tịch lần này. Ảnh: FeanonlineRối rắm như IndonesiaKhả năng cao là đội nào chiếm ưu thế trong cuộc đối đầu sắp tới sẽ giành tấm vé thứ 2 của bảng F để tiến vào vòng loại thứ 3, nơi sẽ có 18 đội tranh chấp 8 vé chính thức đến World Cup 2026 mà FIFA phân bổ cho châu Á (cùng 1 suất đá play-off liên lục địa).Nếu Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Saudi Arabia, Úc và Qatar được đánh giá vượt trội ở châu Á vào lúc này, thì vẫn còn 2 vé trực tiếp trong vòng tranh chấp. Việc các nền bóng đá trung bình như Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc, Uzbekistan, Iraq, Kuwait, UAE, Jordan... đặt mục tiêu giành vé đến World Cup, do đó, là dễ hiểu.Cũng vì vậy, nhiều đội bóng đã tính chuyện tìm "đường tắt" để có thể góp mặt tại ngày hội bóng đá số 1 hành tinh nhanh nhất. Việc nhập tịch ồ ạt của tuyển Indonesia là một ví dụ. Ngay khi HLV Shin Tae Yong công bố danh sách triệu tập cho 2 trận gặp Việt Nam sắp tới, con số 10 cầu thủ nhập tịch của Indonesia lập tức trở thành chủ đề gây nhiều tranh luận.Dư luận không mấy đồng thuận với HLV Shin và Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI). Người hâm mộ bóng đá xứ vạn đảo từ lâu đã không vừa mắt chuyện đội tuyển quốc gia dùng quá nhiều cầu thủ nhập tịch. Sau mỗi trận thua, tài khoản mạng xã hội của một số cầu thủ này lại bị CĐV Indonesia ùa vào chỉ trích.Thậm chí cả giới chính trị gia Indonesia cũng vào cuộc. Mới đây, hai thành viên Đảng Dân chủ Indonesia là các ông Dede Yusuf và Putra Nababan đặt câu hỏi tại sao quá trình nhập tịch cầu thủ cho đội tuyển quá gấp gáp như vậy. Ông Abdul Fikri, đảng viên Đảng Công lý thịnh vượng, còn gay gắt hơn khi căn vặn: "Có gì không ổn với cầu thủ bản địa?". Cả quan chức từ các bộ thể thao, giáo dục... cũng tỏ ý không hài lòng với PSSI.Tuy cả 10 cầu thủ nhập tịch được triệu tập mới đây đều có gốc gác Indonesia, họ hầu như không có mối liên hệ nào với nhau, hay với bóng đá Indonesia trước đây. Việc triệu tập quá nhiều cầu thủ nhập tịch một lúc không khỏi nêu ra câu hỏi về việc đội tuyển nước này có thể thực sự chơi gắn kết không.Thêm vào đó, Indonesia không phải là Philippines, quốc gia vốn không mấy quan tâm đến bóng đá. Indonesia là nền bóng đá lớn nhất Đông Nam Á, với giải vô địch quốc gia có quy mô 18 đội và hơn 1.000 cầu thủ chuyên nghiệp.Kỳ vọng tấm vé World CupTrước làn sóng chỉ trích, Phó chủ tịch PSSI Zainudin Amali mới đây đã phải lên tiếng thanh minh: "Chúng tôi nhập tịch cầu thủ vì mục tiêu ngắn hạn, chứ không phải vì muốn loại bỏ cầu thủ bản địa. Tương lai bóng đá Indonesia vẫn là sự phát triển hệ thống. Sẽ đến một ngày Indonesia không cần phải nhập tịch cầu thủ nữa".Mục tiêu ngắn hạn mà ông Amali nói đến hiển nhiên là tấm vé dự World Cup 2026. Hơn bất kỳ nền bóng đá nào khác, Indonesia khao khát cơ hội này để rửa sạch những hình ảnh xấu xí của họ trong nhiều năm qua.Năm 2015, Indonesia bị FIFA cấm thi đấu ở mọi giải quốc tế vì chính phủ can thiệp quá sâu vào bóng đá. Một năm sau án cấm được gỡ bỏ, nhưng ồn ào tương tự lại dấy lên vào năm ngoái, khiến Indonesia suýt nữa bị cấm đá vòng loại World Cup. Họ cũng bị tước quyền đăng cai World Cup U20 2020 vì vụ lùm xùm liên quan đến Israel. Và xen giữa những tranh cãi liên quan đến thượng tầng là một đội tuyển Indonesia cũng mang nhiều điều tiếng không tốt."Đá người thay vì đá bóng" là cách mà nhiều trang báo Đông Nam Á mô tả về đội tuyển Indonesia vài năm qua. Dù ở cấp độ nào, tuyển Indonesia thường chơi bạo lực, để lại những ấn tượng không hay.Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận những nỗ lực của PSSI. Ngoài việc nhập tịch cầu thủ, họ còn mời được ông Shin Tae Yong, HLV của Hàn Quốc ở World Cup 2018, dù không phải cứ HLV tên tuổi là sẽ thành công.Ở khía cạnh này, Việt Nam cũng chẳng khác là bao. Với 8 trận thua, 4 trận thắng trong 12 trận dẫn dắt tuyển quốc gia, và thất bại liên tiếp ở các giải đấu quan trọng (bao gồm đội U23 ở SEA Games), HLV Philippe Troussier đang có thành tích đáng buồn bậc nhất lịch sử bóng đá Việt Nam, cũng như trong sự nghiệp của ông. Tỉ lệ chiến thắng của chiến lược gia người Pháp là thấp nhất trong 7 đời HLV trưởng chính thức gần đây của bóng đá Việt. Thành tích trên sân tệ hại, ông Troussier còn sa lầy vào những tranh cãi vô bổ với dư luận.Dẫu vậy, "Phù thủy trắng" vẫn được thông cảm ít nhiều vì những vấn đề gốc rễ của bóng đá Việt. Sau lứa cầu thủ thế hệ vàng nổi lên cùng HLV Park Hang Seo, bóng đá Việt lại quay về với tình trạng ảm đạm như giai đoạn thập niên 2010, mà chất lượng giải vô địch quốc gia là điều phản ánh rõ nhất.Dù được xem là nền bóng đá lớn nhất nhì khu vực, V-League lại không có giá trị tương xứng. Thống kê của Transfermarkt cho thấy tổng giá trị cầu thủ ở V-League hiện chỉ là 42 triệu euro, kém xa so với Thai League của Thái Lan (76 triệu euro), Liga 1 của Indonesia (71 triệu euro) và cả Super League của Malaysia (52 triệu euro).Không chỉ giá trị cầu thủ, cả thành tích ở đấu trường châu lục, bóng đá cấp CLB Việt Nam cũng thua xa Thái Lan hay Malaysia. Việt Nam chưa từng có đội bóng nào vượt qua vòng bảng AFC Champions League, trong khi Thái Lan lẫn Malaysia đều có những CLB là thế lực ở bóng đá châu lục.Nếu xét đam mê và dân số, Việt Nam và Indonesia chính là 2 nền bóng đá lớn nhất Đông Nam Á, đều đủ tiềm lực để mơ về một vị trí trong top 8 châu Á. Nhưng nếu xét thực lực và chiến lược, lúc này cả hai đều chỉ đặt hy vọng vào thành tích ngắn hạn - tấm vé dự World Cup, để có thể vực dậy tiềm năng của nền bóng đá.■ Từng có nhiều cầu thủ gốc gác Indonesia tỏa sáng ở đẳng cấp thế giới, dù họ đều lớn lên và thành danh ở Hà Lan, do ảnh hưởng thuộc địa trong quá khứ. Một vài cái tên nổi bật là Giovanni Van Bronckhorst, Roy Makaay, Robin van Persie, Nigel De Jong, Radja Nainggolan... Hầu hết cầu thủ nhập tịch hiện tại của Indonesia cũng sinh trưởng ở Hà Lan, như hậu vệ Justin Hubner, Nathan Tjoe-A-On, tiền vệ Ivar Jenner, Thom Haye, tiền đạo Rafael Struick, Ragnar Oratmangoen. Trong đó, Haye được định giá đến 3 triệu euro, gần bằng một nửa tổng giá trị tuyển Việt Nam, và là tân binh của Indonesia ở đợt triệu tập này. Tags: Việt Nam đấu với IndonesiaVòng loại World CupShin Tae YongĐông Nam ÁCầu thủ nhập tịch
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (THỰC HIỆN) 11/12/2024 2207 từ
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
UBND TP.HCM chốt cho học sinh nghỉ Tết thêm 2 ngày HOÀNG HƯƠNG 12/12/2024 UBND TP.HCM vừa có văn bản tăng ngày nghỉ Tết Ất Tỵ cho học sinh các cấp thêm 2 ngày thành 11 ngày.
Chính phủ: Có giải pháp giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ khi tinh gọn bộ máy NGỌC AN 12/12/2024 Làm tốt công tác chính trị, tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và có giải pháp giải quyết chế độ, chính sách và các vấn đề liên quan đến công tác cán bộ khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Sở Tài nguyên và Môi trường: Hoạt động của Thảo cầm viên có tính chất đặc thù ÁI NHÂN 12/12/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM nhận định hoạt động của Thảo cầm viên Sài Gòn có tính chất đặc thù, và sẽ kiến nghị tháo gỡ khó khăn tiền thuê đất cho đơn vị.
Ngày 20-12, 17 tuyến buýt điện kết nối ga metro số 1 bắt đầu chạy CHÂU TUẤN 12/12/2024 Để đảm bảo hoạt động của tuyến metro số 1 khi vận hành thương mại, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã xây dựng nhiều phương án tích hợp bao gồm metro, xe buýt, xe đạp công cộng, xe điện bốn bánh và buýt sông.