TTCT - Trong nền điện ảnh đương đại suốt 3 thập kỷ gần đây của kinh đô điện ảnh Hollywood, không ngôi sao nào có vị thế như Tom Cruise và Tom Hanks - hai cái tên lẫy lừng và là hai “giá trị bền vững nhất”. Dù chưa bao giờ coi nhau là đối thủ, họ bám đuổi nhau quyết liệt trên đường đua giành vị thế “ông vua phòng vé”. Tom Hanks Tháng 10 năm nay, một lần nữa họ đụng độ: Tom Cruise trở lại với phần 2 của Jack Reacher - loạt phim hành động “kiểu cũ” chuyển thể từ loạt tiểu thuyết ăn khách của nhà văn Lee Child; còn Tom Hanks tiếp tục thủ vai giáo sư Robert Langdon trong phần 3 Inferno từ bộ tiểu thuyết best-selling của nhà văn Dan Brown. Hai “vua phòng vé” Hai “Tom” đều xuất hiện trên bầu trời của Hollywood đầu thập niên 1980. Tom Cruise khiến giới trẻ thời đó mê mẩn với Risky business vào năm 1983 với gương mặt điển trai và nụ cười đẹp. Một năm sau, Tom Hanks thành công với phim lãng mạn giả tưởng Splash kể về mối tình của anh chàng ngố với một nàng tiên cá đã cứu anh ta trong một lần suýt chết đuối. Trong những năm sau đó, Tom Cruise trở thành siêu sao với loạt phim thành công vang dội: Top Gun (1986), The Color of Money (1986), Rain Man (1988) và Born on the 4th of July (1989). Cả bốn phim đều trong top những phim ăn khách nhất của thập niên 1980; hai phim sau giành một loạt đề cử và giải thưởng Oscar, trong đó có một đề cử Oscar nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho Tom Cruise nhờ vai cựu binh chiến tranh Việt Nam (Ron Kovic) trong Born on the 4th of July. Ở tuổi 26, Tom Cruise là cái tên sáng giá nhất của Hollywood lúc đó. Tom Hanks chậm hơn một chút, anh tiếp tục vào vai những chàng ngố đáng yêu trong những bộ phim hài, thành công nhất trong số đó là Big (1988) mang về cho Hanks đề cử Oscar đầu tiên ở tuổi 32. Tất nhiên, Tom Hanks không thể so sánh được với danh tiếng, địa vị và cả vẻ ngoài điển trai “chết người” của Tom Cruise trong những năm cuối thập niên 1980. Thập niên 1990, cuộc đua của hai anh Tom bắt đầu quyết liệt hơn, dù chỉ là một cuộc đua ngấm ngầm vì cả hai khác biệt hoàn toàn về thể loại phim, kiểu vai diễn lẫn tính cách ngoài đời. Tom Cruise tiếp tục chứng tỏ sức hút của một ngôi sao quyết định sự thành công của bộ phim như thế nào với những chiến thắng giòn giã, chứng minh anh chưa bao giờ thất bại tại phòng vé, với một loạt phim lớn như hai phim đóng chung với Nicole Kidman (sau đó trở thành vợ anh) là Day of Thunder (1990) và Far and Away (1992) và các phim như A Few Good Men (1992), The Firm (1993), Interview with the Vampire (1994), Mission Impossible (1996), Jerry Maguire (1996)... Tom Cruise xác lập kỷ lục là ngôi sao đầu tiên có năm phim liên tiếp đạt doanh thu trên 100 triệu USD (mức thành công lớn của một bộ phim ở Hollywood thập niên 1990) trong năm năm liên tiếp và được Forbes bình chọn là “ngôi sao sinh lợi cao nhất”. Nhưng đây cũng là thập niên mà Tom Hanks bứt phá quyết liệt khi anh thoát khỏi hình ảnh những chàng ngố đáng yêu trong các bộ phim hài để thử nghiệm trong những bộ phim đa dạng, những dạng vai thử thách hơn. Và câu lạc bộ những bộ phim 100 triệu đô cũng liên tiếp ghi tên Hanks với những bộ phim thành công như A League of Their Own (1992), Sleepless in Seattle (1993), Forrest Gump (1994), Apollo 13 (1995) và Toy Story (1995). Tom Hanks cũng lập kỷ lục có năm bộ phim đạt doanh thu trên 100 triệu USD trong năm năm (không liên tiếp); nhưng bù lại trong khoảng thời gian đó, anh giành được hai giải Oscar liên tiếp cho nam diễn viên chính xuất sắc nhất nhờ vai một anh chàng đồng tính trong Philadelphia (1993) và gã khờ Forrest Gump (1994). Tom Cruise Những vai diễn biểu tượng Tất nhiên những thành công liên tiếp của Tom Cruise và Tom Hanks - kéo dài từ cuối thập niên 1980 đến nay, trong đó nổi bật là thập niên 1990 và thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 - không chỉ tính bằng doanh thu phòng vé hay những khoản lợi nhuận kếch sù mà họ mang về cho các hãng phim và cho chính họ. Thành công của Cruise và Hanks, quan trọng nhất, là những vai diễn biểu tượng của họ, những vai diễn biểu tượng về “giấc mơ Mỹ”, về sức mạnh vượt thoát khỏi số phận cá nhân, về tham vọng vượt ra ngoài những giá trị khuôn mẫu, về những giá trị nhân văn và tinh thần trượng phu của những gã đàn ông. Dù có ngoại hình đẹp trai “hơi quá tiêu chuẩn” thông thường, Tom Cruise lại rất hợp với vai người lính hay sĩ quan quân đội, dù là người lính trong các cuộc chiến tranh có thật mà quân đội Mỹ tham dự trong thế kỷ 20, hay người lính trong một cuộc chiến tranh giả tưởng. Vai diễn người lính xuất sắc nhất của Tom Cruise là Ron Kovic, một cựu chiến binh tàn phế trở về từ chiến tranh Việt Nam trong bộ phim Born on the 4th of July của đạo diễn Oliver Stone, một trong ba đề cử Oscar của Cruise. Khác với những vai diễn đẹp mã trước đó, Tom Cruise hóa thân thành một gã đàn ông tàn phế ngồi xe lăn, râu ria xồm xoàm và mang bản thân mình ra để nói với nước Mỹ về sự vô nghĩa và tàn bạo của chiến tranh. Tom Cruise còn vào vai người lính trong Top Gun, A Few Good Men, The Last Samurai, Minority Report, Edge of Tomorrow hay Jack Reacher... Tom Cruise cũng rất thành công với những gã đàn ông nhiều năng lượng, mang đến nguồn “adrenaline”, chất kích thích giao cảm cho não bộ, khiến khán giả “phát cuồng” theo. Đó là viên luật sư trong A Few Good Men, ma cà rồng trong Interview with the Vampire hay loạt vai khác trong The Firm, Jerry Maguire, War of the Worlds, Collateral và đặc biệt là gã điệp viên Ethan Hunt trong loạt phim Mission Impossible đã sản xuất đến năm phần, mang về gần 3 tỉ USD và đang chuẩn bị sản xuất phần 6. Dù đã có dấu hiệu tuổi tác (năm nay Tom Cruise 56 tuổi), anh vẫn tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết với những bộ phim đòi hỏi sức mạnh của cả thể chất và tinh thần, mà Jack Reacher là một dạng vai diễn như vậy. Chưa kể Tom Cruise làm sản xuất cho hầu hết các bộ phim anh đóng, nên công việc trở nên nặng nề gấp đôi. Nhưng có vẻ với gã đàn ông này, áp lực là một trong những động lực để anh ta tiến về phía trước. Tom Hanks mang đến mẫu đàn ông khác hoàn toàn. Nếu Cruise phần nào đó hơi phô diễn sức mạnh cơ bắp, sức mạnh của những gã “macho man” truyền thống, thì Hanks thường thể hiện những gã đàn ông mang đến sức mạnh từ bên trong anh ta, những mẫu đàn ông “standing man”, không bao giờ gục ngã trước bất cứ sóng gió nào. Hanks có thể là anh chàng đồng tính bị nhiễm AIDS đấu tranh đến cùng để đòi quyền công bằng cho người đồng tính trong Philadelphia; gã khờ cải hóa số phận kỳ diệu trong Forrest Gump, viên quản ngục lạnh lùng nhưng ẩn chứa một bầu máu nóng trong Green Mile, viên sĩ quan bằng mọi giá phải giải cứu viên binh nhì trong Saving Private Ryan... Và càng về già, những dạng vai kiểu này càng khiến diễn xuất của Hanks càng thêm tin cậy và đôi lúc ta có cảm giác Hanks với nhân vật hòa làm một, nhất là trong ba bộ phim gần đây của anh: Captain Phillips (2013), Bridge of Spies (2015) và mới nhất là Sully (2016). Tom Cruise Hai kẻ song hành không bao giờ chạm trán Có gì giống nhau giữa Tom Cruise và Tom Hanks? Câu trả lời là ngoài cái tên nghệ danh chung, họ chẳng có gì giống nhau, từ mẫu vai diễn đến kiểu phim, từ đời tư đến tính cách. Cruise quá nhiều năng lượng và lắm lúc quá ồn ào (vụ chia tay ồn ào với người vợ thứ hai Nicole Kidman, nhảy lên ghế để thể hiện sự phấn khích vì tình yêu mới trong một talk show với Oprah Winfrey, cầu hôn người vợ thứ ba trước tháp Eiffel; hay là tín đồ cuồng đạo của giáo phái Scientology với những hành xử kỳ lạ)... Tom Hanks lại là một mẫu đàn ông mẫu mực và nghiêm cẩn, chưa bao giờ gây ra xìcăngđan nào suốt sự nghiệp điện ảnh hơn ba thập kỷ của mình, vẫn luôn ở trên đỉnh cao và là tâm điểm của giới truyền thông. Hanks có một cuộc hôn nhân hạnh phúc và bền vững với người vợ thứ hai Rita Wilson - diễn viên và nhà sản xuất - suốt 28 năm qua và vẫn... chạy tốt. Một điều thú vị nữa là dù luôn song hành với nhau trên cuộc đua ngấm ngầm ở phòng vé và sức ảnh hưởng ở Hollywood (Hanks và Cruise đều vài lần được mời trao giải cho hạng mục quan trọng nhất: Best Picture tại giải Oscar hằng năm, vốn chỉ dành cho những tên tuổi lớn), họ hiếm khi đụng mặt nhau trên màn ảnh lẫn trong đời thường. Dù cộng tác chung với rất nhiều tài năng lớn của Mỹ, nhất là các đạo diễn hàng đầu, nhưng Hanks và Cruise chưa bao giờ cộng tác với nhau ở bất cứ bộ phim hay dự án điện ảnh nào. Họ là hai con ngựa đua bền bỉ trong hai cuộc đua song hành. Và đích đến với cả hai vẫn còn ở phía trước.■ Tính đến thời điểm hiện tại, cả hai đều có 17 phim có mức doanh thu vượt 100 triệu USD tại thị trường Bắc Mỹ. Tổng số tiền bán vé từ các bộ phim của Cruise khắp toàn cầu là 8,6 tỉ USD, còn Tom Hanks là 8,7 tỉ USD. Tags: Tom CruiseTom hanksÔng vua phòng vé
Những ai ‘bẻ lái’ kết luận thanh tra giúp đại gia Nguyễn Cao Trí thâu tóm dự án Đại Ninh? THÂN HOÀNG 30/11/2024 Cựu bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bị cáo buộc hai lần ký bút phê vào đơn kiến nghị để giúp đỡ ông Nguyễn Cao Trí và nhận cảm ơn 200 triệu từ đại gia Trí.
Đại tướng Phan Văn Giang: Nửa giờ bay cũng là bay trên thế giới chứ không riêng cho Việt Nam NAM TRẦN 30/11/2024 Sáng 30-11, Đại tướng Phan Văn Giang cùng nhiều lãnh đạo Bộ Quốc phòng dự tổng duyệt Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024.
Thành phố Huế chính thức trực thuộc trung ương TIẾN LONG 30/11/2024 Với số phiếu tán thành rất cao, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương.
Chạy quá tốc độ, chủ ô tô đề nghị công an gỡ cảnh báo do ‘chở lãnh đạo tỉnh’ ĐỨC TRONG 30/11/2024 Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Thuận vừa phúc đáp kiến nghị của Công ty TNHH MTV XD Phước Điền ở tỉnh An Giang, về việc chiếc ô tô của công ty chạy quá tốc độ trên quốc lộ 1 qua tỉnh Bình Thuận.