TTCT - Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS chính thức được triển khai từ ngày 1-4 với sự tích hợp giữa nhiều bộ ngành với cơ quan hải quan. Nhưng rất nhiều ý kiến cho rằng chỉ có hải quan sẵn sàng thực hiện thì việc thực thi chẳng có ý nghĩa gì. Thủ tục hải quan chậm một ngày là tốn tiền triệu của doanh nghiệp - Ảnh: Lê ThanhÔng Nguyễn Bá Tuân, trưởng phòng điều hành phòng cung ứng Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân (Quảng Ninh), than khổ rằng hiện nay phải thường xuyên chạy từ Quảng Ninh lên Bộ Y tế ở Hà Nội để xin giấy chứng nhận chất lượng của mặt hàng nhập khẩu liên quan đến thực phẩm.Giấy chứng nhận này chỉ có hiệu lực ba năm, sau đó phải xin lại giấy chứng nhận mới. Mỗi lần như vậy, theo ông Tuân, ngoài chuyện gõ cửa các bộ ngành để chờ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện được thông quan, doanh nghiệp (DN) phải mất chi phí thuê kho bãi để lưu hàng hóa chờ thông quan ít nhất là mười ngày. Chi phí thuê kho bãi lên đến tiền triệu mỗi ngày tùy theo khối lượng hàng hóa và nhập khẩu về theo đường hàng không hay cảng biển. Nghe giải thích về hoạt động của hệ thống thông quan mới, ông Tuân bình luận: “Nếu thực hiện thông quan tự động mà các bộ ngành đều ứng dụng điện tử thì mới có ý nghĩa. Còn nếu chỉ hải quan ứng dụng hệ thống này trong khi các bộ ngành vẫn giậm chân tại chỗ như hiện nay thì chưa biết đến bao giờ DN mới hết khổ!”.Quản chặt hơn, thông quan nhanh hơnÁp dụng hệ thống VNACCS/VCIS liệu có ngăn chặn được hàng gian lận, hàng lậu, thậm chí là hàng cấm khi thực hiện hệ thống thông quan tự động? Đại diện hải quan Quảng Ninh cho rằng đây là hệ thống thông quan hàng hóa giúp thông quan nhanh là chính. Khi DN thực hiện khai trên máy thì hệ thống sẽ tự động phân luồng tờ khai. Những DN hoạt động tốt, chưa có vi phạm lần nào, hàng hóa không thuộc danh mục hàng có nhiều rủi ro như trốn thuế thì hệ thống tự động phản hồi, chỉ trong 1-3 giây là lô hàng được phân vào luồng xanh. Lúc đó, DN chỉ phải lấy mã tờ khai để ra cửa khẩu nhận hàng hóa mà không phải làm gì khác. Còn đối với tờ khai có nguy cơ gặp rủi ro như hàng hóa nhập nghi là buôn lậu thì máy sẽ tự động phân luồng vàng. Cơ quan hải quan sẽ kiểm tra hồ sơ trước khi thông quan. Đối với hàng hóa, DN, xuất xứ “có vấn đề” thì phân luồng đỏ. Hải quan sẽ kiểm tra hàng hóa thực tế trước khi thông quan. Bà Nguyễn Thị Minh Hằng, phó trưởng phòng giám sát quản lý hải quan, giải thích thêm: hệ thống thông quan điện tử giúp cơ quan quản lý kiểm soát được hàng giả, hàng gian lận tốt hơn. Vì theo yêu cầu của hệ thống thông quan tự động mới này, DN phải khai hơn 100 tiêu chí như tên DN, xuất xứ hàng hóa, số lượng bao nhiêu, nơi đến, nơi đi, ngày hàng đến, ngày hàng đi... thay vì chỉ có hơn 20 tiêu chí như hiện nay. Ông Ngô Xuân Hiệp, phó trưởng Trung tâm dữ liệu thông tin Cục Hải quan Quảng Ninh, cho rằng chính quy định khai phải chi tiết trong tờ khai sẽ giúp cơ quan hải quan nắm bắt chặt chẽ được thông tin, hồ sơ của DN, góp phần ngăn chặn hành vi gian lận. “Còn để ngăn chặn hàng nhập khẩu vi phạm, hải quan VN cũng áp dụng phương pháp hậu kiểm như các nước, tức là kiểm tra sau thông quan. Nếu sau khi thông quan, DN bị phát hiện gian lận thì sẽ xử lý theo mức độ sai phạm. Sai phạm chủ yếu của DN là khai sai mã hàng có mức thuế nhập khẩu thấp hơn nhằm trốn thuế” - ông Hiệp chia sẻ. Theo ông Hiệp, Hải quan Quảng Ninh mỗi năm truy thu hàng trăm tỉ đồng từ vi phạm này của DN. Nhưng vị quan chức hải quan này cho rằng để ngăn chặn hàng vi phạm, hàng cấm phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa công an, an ninh, hàng không, thuế... và hải quan.Theo nghiên cứu của Tổng cục Hải quan, TradeNet - hệ thống một cửa của Singapore tương tự hệ thống VN sẽ áp dụng - giúp DN giảm 20% chi phí xử lý chứng từ thương mại (so với khi chưa áp dụng TradeNet), với các DN giao nhận khoản tiết kiệm này có thể lên 25-30%. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế nhận định việc cắt giảm yêu cầu chứng từ giấy trong vận tải hàng hóa đường không nhờ sử dụng các cơ chế một cửa quốc gia, một cửa khu vực giúp tiết kiệm 1,2 tỉ USD/năm trong chuỗi cung ứng quốc tế (trong đó 80% do giảm chi phí về giấy tờ)... VN chậm hơn các nướcÔng Vũ Ngọc Anh, phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết theo kế hoạch, từ ngày 1-4 đến hết tháng 6, Tổng cục Hải quan sẽ hoàn thành triển khai VNACCS/VCIS tại tất cả 34 cục hải quan địa phương. Mục tiêu của VNACCS/VCIS là nhằm hỗ trợ Hải quan Việt Nam cũng như các bộ ngành triển khai thành công cơ chế hải quan một cửa quốc gia. Theo ông Vũ Ngọc Anh, cơ chế hải quan một cửa quốc gia được chính thức khởi động khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 48 năm 2011 về triển khai thí điểm cơ chế này. Việc thực hiện cơ chế này không chỉ là tiền đề quan trọng để nước ta kết nối, hội nhập quốc tế (thông qua cơ chế một cửa ASEAN - ASW), mà đây còn là bước đi quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của cơ quan quản lý nhà nước. Về lý thuyết, VNACCS/VCIS sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho DN như có thể thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu trong 1-3 giây. DN có thể khai báo mọi lúc, mọi nơi (với điều kiện kết nối được Internet). Như thế, DN tiết kiệm được chi phí như không phải in nhiều tờ khai, đi lại tới các bộ ngành để xin các giấy phép con khi làm thủ tục thông quan hàng hóa. Chuyện ứng dụng hệ thống mới sẽ giải quyết nhanh việc thông quan thật ra chỉ mới là lý thuyết vì theo một lãnh đạo hải quan, các bộ ngành khác chưa sẵn sàng. Chẳng hạn, để được nhập khẩu mặt hàng thực phẩm, cho dù lên mạng Internet thực hiện theo VNACCS/VCIS, DN vẫn phải chạy tới chạy lui xin cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Y tế. Có những mặt hàng nhập khẩu cần có 2-3 giấy chứng nhận của các bộ quản lý ngành khác nhau. Theo thiết kế, qua hệ thống VNACCS/VCIS, các bộ Y tế, Công an, Giao thông vận tải... sẽ cấp các loại giấy chứng nhận liên quan trực tiếp trên mạng. Sau đó, với vai trò là cơ quan gác cửa, hải quan kiểm tra thấy lô hàng có đủ các điều kiện thì sẽ được thông quan ngay. Tuy nhiên, trên thực tế, mục tiêu tốt đẹp này khó có thể áp dụng được ngay khi hiện nay chỉ có hải quan sẵn sàng ứng dụng hệ thống này, các bộ, ngành khác hoặc là tiến hành chậm hoặc chỉ làm một số phần chưa hoàn chỉnh. Một thành viên Ban chỉ đạo thực hiện cơ chế một cửa quốc gia thừa nhận tiến độ kết nối giữa các bộ, ngành còn hạn chế. Giai đoạn 1 mới có ba bộ thực hiện với 18 thủ tục hành chính tham gia kết nối, bao gồm Bộ Tài chính 10 thủ tục, Bộ Công thương 5 thủ tục, Bộ Giao thông vận tải 3 thủ tục. Các bộ Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài nguyên và môi trường mới ở giai đoạn chuẩn bị thực hiện với số lượng kết nối lên tới 43 thủ tục hành chính. Nhiều ý kiến cho rằng với tiến độ này VN khó đuổi kịp lộ trình đến năm 2015 thực hiện cam kết kết nối cơ chế một cửa ASEAN. Nhìn sang các nước ASEAN, nhiều nước đã thực hiện thương mại phi giấy tờ và thực hiện thủ tục hành chính điện tử. Các nước thành viên đều triển khai dịch vụ công trực tuyến tối thiểu ở mức độ 3 và hướng tới cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4. Singapore, Malaysia là những quốc gia đi đầu. Nhìn sang Indonesia, họ đã triển khai cơ chế một cửa kết nối 18 cơ quan của chính phủ, thực hiện tại 10 cảng chính. Hiện 90% các giao dịch xuất nhập khẩu hàng hóa tại Indonesia đã được thực hiện thông qua cơ chế một cửa quốc gia. Hay tại Thái Lan, 100% giao dịch về thông quan hải quan, 44% giao dịch về cấp phép liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu, với khoảng 6,5 triệu giao dịch/tháng đã được thực hiện thông qua cơ chế một cửa quốc gia. Quan chức này cho biết tại VN chỉ một số dịch vụ đã được cung cấp trực tuyến trên mức độ 3 như thủ tục hải quan điện tử, thủ tục cấp C/O mẫu D, còn một số dịch vụ như thủ tục thuộc chức năng nhiệm vụ của Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế, một số thủ tục của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn được cung cấp ở mức độ 2. Ông Ngô Xuân Hiệp ví von rằng nếu một mình hải quan ứng dụng VNACCS/VCIS như thể vỗ tay bằng một tay. Lộ trình thí điểm thực hiện “Cơ chế hải quan một cửa quốc gia” theo quyết định số 48 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ:- Từ tháng 10-2011 đến tháng 12-2012: xây dựng văn bản pháp lý, quy trình thủ tục; chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin và xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hải quan một cửa quốc gia.- Từ tháng 1 đến tháng 12-2013: thí điểm thực hiện ở các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công thương, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Giao thông vận tải và một số cơ quan nhà nước ở địa phương thuộc các ngành tài chính, công thương và giao thông vận tải.- Từ tháng 1 đến tháng 12-2014: mở rộng thí điểm thực hiện ở các cơ quan thuộc Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và môi trường và một số cơ quan nhà nước ở địa phương thuộc các ngành y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường.- Từ tháng 12-2014: tổng kết việc thí điểm và đề xuất phương án triển khai chính thức “Cơ chế hải quan một cửa quốc gia” trong giai đoạn tiếp theo. Tags: Cục Hải quan TPHCMHải quan một cửa
Ủy ban Thường vụ Quốc hội 'chốt' sáp nhập cấp huyện, xã của Hà Nội, TP.HCM và 10 tỉnh THÀNH CHUNG 14/11/2024 Với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt tán thành đã 'chốt' phương án sáp nhập cấp huyện, xã của Hà Nội, TP.HCM và 10 tỉnh.
Kỷ luật cựu chủ tịch Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng vì vi phạm liên quan Tập đoàn Phúc Sơn THÂN HOÀNG 14/11/2024 Thủ tướng ký quyết định về việc thi hành kỷ luật đối với ông Trần Ngọc Căng, cựu chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, vì có những vi phạm liên quan một số gói thầu do Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện.
Bão số 8 đổi hướng, bão Usagi mạnh cấp 15 sắp quét qua đảo Luzon CHÍ TUỆ 14/11/2024 Dự báo hôm nay (14-11), bão số 8 (Toraji) đổi hướng di chuyển theo hướng tây rồi tây nam và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Bão Usagi quét qua phía bắc đảo Luzon (Philippines) trong tối nay, còn bão Man-yi đang hướng vào Biển Đông.
Ông Thích Minh Tuệ mong muốn mọi người không quay chụp, đưa hình ảnh ông lên mạng xã hội TẤN LỰC 14/11/2024 Ông Thích Minh Tuệ nêu nguyện vọng mọi người không quay phim, chụp ảnh và đưa hình ảnh của ông lên mạng xã hội vì ảnh hưởng tới quá trình tu học.