Hai thách thức lớn nhất trong ASEAN

DANH ĐỨC 07/07/2013 23:07 GMT+7

TTCT - 18 năm trước, khi Việt Nam vừa gia nhập ASEAN, thông cáo chung của hội nghị các bộ trưởng chỉ gồm 36 điều. Năm nay, thông cáo chung gồm đến 98 điều.

Điều đó cho thấy ASEAN ngày càng đứng trước nhiều vận hội và thách thức, mà bức bách nhất, bên cạnh vấn đề an ninh biển, là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chỉ trong hai năm rưỡi tới. Trong cả hai vấn đề, “sai một li sẽ đi một dặm”, nhất là khi Mỹ và Trung Quốc vừa có hai tân ngoại trưởng.

Phóng to
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN ở Brunei ngày 1-7 - Ảnh: Reuters

Tân quan, tân chính sách. Nhận xét này có thể đúng với hai tân quan, đến từ Bắc Kinh hôm 30-6 (Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị) và Tel Aviv (nơi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vừa rời hôm 30-6) tại các hội nghị lớn nhỏ ở Brunei tuần này. Điều nổi bật là hai tân quan trong các hội nghị sau Hội nghị các ngoại trưởng (AMM) năm nay đã ra vẻ hòa hoãn hơn các năm trước. Thế nhưng, liệu bầu không khí hòa hoãn này là do chính sách mới hay do cách tiếp cận vấn đề nay có khác trước?

Những hứa hẹn cộng tác

Cuộc gặp giữa ông Vương Nghị với các ngoại trưởng ASEAN hôm chủ nhật 30-6 kết thúc bằng một thông cáo chung, theo đó “các bộ trưởng nhất trí gia tăng lòng tin chính trị với nhau, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau, làm phong phú thêm quan hệ đối tác chiến lược và đưa mối quan hệ ASEAN - Trung Quốc lên tầm cao mới”… qua việc

(a) tạo thuận lợi hơn nữa cho trao đổi thương mại, hợp tác công nghiệp sâu đậm hơn nữa; (b) gia tăng đầu tư lẫn nhau và cùng nâng cấp khu vực tự do mậu dịch ASEAN - Trung Quốc; (c) tích cực tiến đến một cơ chế Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bao gồm cả khối Đông Á; (d) tích cực tạo thuận lợi cho một cơ chế tài chính phát triển hạ tầng châu Á; (e) khai thác tốt hơn Quỹ hợp tác hàng hải ASEAN - Trung Quốc qua xúc tiến hợp tác nghề cá, kết nối hàng hải, khoa học và công nghệ hải dương, đề phòng và giảm thiểu thiên tai, tìm kiếm cứu hộ…

Riêng vấn đề “duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông”, “hai bên tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, tầm quan trọng của việc thực thi trọn vẹn và hiệu quả Tuyên bố ứng xử trên biển Đông (DOC) cùng nhu cầu tiến vững chắc đến việc đúc kết một Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông trên cơ sở đồng

thuận” (1). Cụ thể, tháng 9 tới sẽ họp phiên thứ sáu các quan chức cao cấp (SOM) và họp phiên thứ chín các nhóm làm việc hỗn hợp (JWG) về việc thực thi DOC. Ngoài ra, hai bên cũng đã thỏa thuận các bước cần tiến hành để thiết lập nhóm các nhân sĩ và chuyên gia (EPEG) mang tính hỗ trợ cho các phiên họp nêu trên (SOM và JWG) - một kênh thảo luận phi chính thức bên cạnh các kênh thương thuyết chính thức.

Bỏ dở các hoạt động ngoại giao “con thoi” vì hòa bình Trung Đông, ngoại trưởng Mỹ vừa đến Brunei đã lao ngay vào các cuộc họp với các đồng sự Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN…

Trong cuộc họp báo sau đó, ông Kerry cho biết đã không hề “bỏ bê” châu Á, bằng cớ là ông đang có mặt ở đây và đây là chuyến làm việc thứ nhì của ông tại châu Á - Thái Bình Dương kể từ khi nhậm chức. Chẳng qua do ông đang bận rộn chuyện Trung Đông mà đằng sau tất cả là việc tranh giành Syria với Nga, “bận” đến nỗi ông cũng chưa tìm hiểu vụ Snowden!

Nay đến Brunei, ông tập trung trở lại vào “các vấn đề hàng hải, các vấn đề an ninh liên quan đến hàng hải, hạt nhân và không phổ biến vũ khí”. Ông cho biết đã gặp đồng sự Trung Quốc và bàn chủ yếu về mối quan hệ giữa hai nước, về khả năng của Trung Quốc và Mỹ gây tác động nơi một số thách thức an ninh trên thế giới cũng như về các thách thức kinh tế.

Cuộc gặp trên đã đem lại gì? Một khả năng tiếp cận vấn đề khác trước. Ông Kerry giải thích: “Điều chúng tôi ngộ ra hợp tác chính là tối quan trọng, và rằng hợp tác có thể tạo ra sự khác biệt đối với hòa bình khu vực”. Tất nhiên, ông cũng không giấu sự hoài nghi khi nhấn mạnh: “Chúng tôi không muốn chỉ hợp tác bằng mồm mà thôi, chúng tôi muốn hợp tác thể hiện bằng hành động và càng bằng các hành động đa phương, các kết quả sẽ càng tốt hơn cho mọi người” (2).

Cả hai ông này cũng như các đồng sự ASEAN đã không có một phát biểu va chạm nào như dưới thời Dương Khiết Trì và bà Hillary Clinton trong các hội nghị ASEAN trước đó. Thay vào đó là từ “hợp tác”. Thế nhưng, mỗi nước vẫn trung thành với “đường cơ sở” của mình, mà nếu cứ khăng khăng như thế sẽ cũng chỉ xoay quanh miệng tách.

Thu hẹp khoảng cách phát triển

Trên một bình diện khác cũng quan trọng như vấn đề biển Đông là việc khởi sự Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015. Chính vì thế mà ngay tại điều 2 của bản thông cáo chung, các ngoại trưởng ASEAN đã một lần nữa lặp lại cam kết “thu hẹp khoảng cách phát triển bằng cách thực thi một cách hiệu quả Kế hoạch hành động IAI II (2009-2015) và lộ trình ASEAN hướng đến việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs)”.

Không thể không băn khoăn tại sao vào thời điểm cuối tháng 6-2013 này, tức chỉ hai năm rưỡi trước khi AEC thành thực tế, các ngoại trưởng ASEAN vẫn phải nhắc lại nhu cầu “thu hẹp khoảng cách phát triển” qua thực hiện các mục tiêu MDGs mà là xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói (MDG 1).

Nếu xét mục tiêu xóa đói giảm nghèo trên bình diện số lượng, Việt Nam đã dẫn đầu cuộc chạy đua này từ lâu, song vấn đề nay lại là tốc độ giảm nghèo đang chậm đi cùng với sự gia tăng bất bình đẳng ở các hộ nghèo kinh niên, một nghiên cứu về xóa đói giảm nghèo (3) công bố năm ngoái lưu ý.

Đây là một vấn đề thiết thân bức bách do lẽ muốn hay không muốn cũng có một thực tế là trong nội bộ ASEAN, Việt Nam vẫn trong nhóm bốn nước CLMV (viết tắt Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam), và khoảng cách giữa nhóm CLMV so với sáu nước ASEAN tiên khởi là rất lớn (4).

AEC không còn xa

Để thu hẹp khoảng cách còn cần nhiều yêu cầu nữa, trong đó có yêu cầu tiến đến một nền quản lý hành chính tốt (good governance) và tăng sự tham gia của lĩnh vực tư. Chính các ngoại trưởng đã một lần nữa “khẳng định lại cam kết của chúng tôi và công nhận sự cần thiết phải hợp tác chặt chẽ hơn giữa khu vực công và tư nhân, không chỉ trong việc thực hiện các sáng kiến về ​​AEC mà còn trong việc tích cực truyền đạt thông tin về AEC đến quảng đại quần chúng”.

Không rõ ở Việt Nam có bao nhiêu người biết chỉ hai năm rưỡi nữa AEC sẽ tác động như thế nào đến chuyện sinh sống làm ăn của mình khi nền kinh tế sẽ phải cạnh tranh toàn diện với hàng hóa và dịch vụ từ các nước ASEAN?

Tại một nước “làng nhàng” trong ASEAN như Indonesia, vấn đề này đã được đặt ra từ lâu như câu chuyện của Chris Kanter, phó chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Indonesia (KADIN Indonesia): “KADIN Indonesia giúp chính phủ giám sát và xử lý việc chuẩn bị cho AEC. Nếu như Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA) chỉ quy định đối với hàng hóa trong khu vực thì AEC quy định liên quan đến con người, trong đó bao gồm các dịch vụ và nhân lực” (5).

Tồn tại trên biển Đông là sinh tử, song tồn tại trong AEC cũng là sinh tử, nhất là khi đã ngộ ra được tác động của WTO, khi một số ngành như chăn nuôi, thức ăn gia súc… đã bị chính các doanh nghiệp ASEAN thâu tóm.

___________

(1): http://www.mfa.go.th/main/en/media-center/14/36513-Joint-Press-Release-of-the-ASEAN-China-Foreign-Mi.html
(2): Secretary’s Remarks: Press Availability in Bandar Seri Begawan, Brunei 07/01/2013 09:40 AM EDT
(3):
http://www.oxfam.org/sites/www.oxfam.org/files/oxfam-in-vietnam-may2012.pdf
(4): Southeast Asian Economic Outlook 2013: Overview of development gaps in Southeast Asia: Gaps between ASEAN -6 and CLM V countries, OECD Publishing
(5):
http://www.techinasia.com/asean-economic-community/

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận