Hành trình trở về với lụa của Bùi Tiến Tuấn

PHÙNG TẤN ĐÔNG 14/04/2018 22:04 GMT+7

TTCT - Với tranh lụa, Bùi Tiến Tuấn (sinh năm 1971, Hội An) là một tên tuổi quan trọng của Việt Nam đương thời, vì anh đã góp một tiếng nói cách tân và giúp hồi sinh một chất liệu tưởng chừng đã quá vãng.

Tác phẩm “Như một cơ thủ” (mực và màu trên lụa, 52x120cm, 2017).
Tác phẩm “Như một cơ thủ” (mực và màu trên lụa, 52x120cm, 2017).

 

Tốt nghiệp khoa lụa tại Đại học Mỹ thuật TP.HCM năm 1998, từng là giảng viên bộ môn lụa tại đây nên Bùi Tiến Tuấn có một hiểu biết hàn lâm và quá trình thực hành chuyên sâu với chất liệu này.

Tôi để ý tới Bùi Tiến Tuấn vào đầu những năm 1990 bởi tình yêu dành cho hội họa. Tuấn thường giao du với mấy anh chị học mỹ thuật ở Huế về Hội An thực tập, rồi Tuấn cũng tập tành vẽ. Những bức bột màu của Tuấn vẽ phố đã có dấu hiệu “nét”, có “kiểu vẽ riêng”, có sự “lạ” về ánh sáng và bố cục.

Một thời thơ trẻ, bầu trời “xanh như mộng” - như lời một bài hát cũ - phố trong tranh đã khởi sự những hẹn hò vụng dại. Thuở đó anh em tôi đạp xe từ Hội An ra Đà Nẵng để Tuấn diện kiến những đàn anh có tiếng trong giới cầm cọ như Hoàng Đặng, Vũ Dương, Trần Nhơn, Lê Đợi... Gặp để thấy những gì ngỡ như cao xa, diệu vợi bỗng chốc rất gần và những ước muốn dấn bước đi tìm cái đẹp hết sức tự nhiên và tự tin.

Rồi Bùi Tiến Tuấn đi học mỹ thuật, chuyên về lụa. Sau này Tuấn nói mình bị “ép duyên” với lụa thôi, nhưng theo tôi, Tuấn với lụa đã là nghiệp dĩ.

Còn nhớ một triển lãm chung với những người bạn cùng lớp đại học như Bùi Công Khánh, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Thị Châu Giang... ở Đà Nẵng, Tuấn lúc ấy lại khá ấn tượng với chất liệu sơn dầu. Mạnh mẽ, sôi sục, đậm chất “biểu hiện - trừu tượng” trong đường nét, sắc màu - một sắc thái khá “sốc” của những người trẻ trong thời hậu đổi mới - một lối bày tỏ vẫn mãi còn ám gợi kéo dài.

Đến hôm nay, mỗi bạn đang thiên về một lối làm mỹ thuật khác nhau: Bùi Công Khánh, Ly Hoàng Ly thường ít làm mỹ thuật giá vẽ, Nguyễn Thị Châu Giang thì định hình với không khí vừa hoài niệm vừa giễu nhại nhẹ nhàng trên lụa. Tuấn thì không còn “bạo liệt”, “hầm hố” như ở loạt tranh sơn dầu với hình nhân, xe máy và đường phố trong triển lãm Những hình nhân trên đường phố tại Hội Mỹ thuật TP.HCM năm 2007. Tuấn thật sự “về” với lụa.

Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn. Ảnh: Trương Bách Thảo
Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn. Ảnh: Trương Bách Thảo

 

Chưa nói đến việc Tuấn đã ứng xử như thế nào về chất liệu để thoát khỏi “định phận” mượt mà, dịu dàng, thơ mộng, lãng mạn... của chất liệu này, riêng “miêu thuật” của Tuấn về con người và sự vật đã có sự khác biệt.

Phụ nữ đương đại với những sắc thái nhục cảm đến khó cưỡng trở thành nguồn mỹ cảm miên man, dù cũng rất mong manh, cũng thật phù phiếm trong thế giới vật chất trương nở, thậm phồn mà bất định này.

Có người nói tranh Tuấn chịu ảnh hưởng đâu đó ở Nhật, ở Trung Quốc, nhưng trong cảm quan hậu hiện đại của những người trẻ đang hoạt động nghệ thuật hôm nay, vẽ cũng như viết, làm sao thoát khỏi trạng huống “liên văn bản”. Pablo Picasso từng say mê mặt nạ châu Phi và tranh khắc Nhật Bản và cũng ít nhiều mang nỗi “ám ảnh tạo hình” đó vào tác phẩm của mình.

Với tôi, tính chất biểu hiện - trừu tượng của thời sơn dầu - tạm gọi như vậy - mãi đèo bòng Bùi Tiến Tuấn ở lụa, hoặc màu nước gần đây. Nó khiến cho tiếng nói mỹ cảm của tác giả luôn xác quyết, mạch lạc, dù bày biện một niềm khinh khoái hoặc một nỗi buồn lo. Triển lãm Hơi thở nhẹ lần này cũng là một tiếp nối như vậy.■

Tác phẩm “Gái lười và mèo lười” (mực và màu trên lụa, 42x107cm, 2017).
Tác phẩm “Gái lười và mèo lười” (mực và màu trên lụa, 42x107cm, 2017).
Tác phẩm “Hơi thở nhẹ 5” (mực và màu trên lụa, 50x132cm, 2017).
Tác phẩm “Hơi thở nhẹ 5” (mực và màu trên lụa, 50x132cm, 2017).

 

 

Hơi thở nhẹ là triển lãm cá nhân lần thứ 9 của Bùi Tiến Tuấn, khai mạc lúc 18h ngày 14-4-2018 tại Eight Gallery (số 8 Phùng Khắc Khoan, quận 1, TP.HCM), đồng thời giới thiệu cuốn sách nghệ thuật Hơi thở nhẹ (NXB Mỹ Thuật, 2018) nhìn lại 10 năm chuyên nghiệp của Bùi Tiến Tuấn (2007-2017). Tranh lụa của anh có trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM và nhiều bộ sưu tập tư nhân tại Việt Nam, quốc tế. Tác phẩm Đàn bà, mặt nạ và bóng tối (lụa, 82cm x 150cm, 2010) được trao huy chương bạc Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2010.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận