Hãy cho trẻ đường về

TTCT - Nhiều năm làm chủ nhiệm lớp nên tôi biết việc học sinh bỏ nhà đi khiến cha mẹ lo lắng.

Theo tôi, các em bỏ nhà đi chủ yếu vì những lý do sau: cha mẹ mải lo làm ăn không quan tâm đến con; cha mẹ ly dị làm trẻ mất phương hướng, mất niềm tin; trình độ học vấn và văn hóa của cha mẹ có phần hạn chế, nhất là các gia đình sinh sống ở nông thôn, nên khó có sự thông cảm với con, thậm chí còn đối lập với con về cách ứng xử xã hội.

Phóng to

Tôi nhớ mãi hai câu chuyện sau:

1. Em T.D. có học lực khá, lại rất xinh. Ở tuổi 16 em được các bạn chọn làm hoa khôi của trường. Cha mẹ T.D. có cuộc sống ổn định, song cả hai rất khắt khe trong các quan hệ giao tiếp của con. T.D. được cha mẹ lo đầy đủ phương tiện học tập, không phải làm việc nhà, có cả nữ trang..., nói chung là sung sướng so với các bạn cùng tuổi ở quê.

Học kỳ 1 em có kết quả học tập khá, hạnh kiểm tốt, không có biểu hiện gì khác lạ. Buổi họp phụ huynh học sinh cuối học kỳ cha mẹ T.D. cũng tỏ ra hài lòng với kết quả của con. Nhưng những ngày sau đó tôi cảm thấy em không bình thường, không còn hăng hái trong giờ học, lắm lúc lo ra. Em đi học mà không đeo dây chuyền và cả chiếc vòng tay em rất thích cũng biến mất.

Xác định T.D. đang có vấn đề, tôi dặn em gặp tôi sau giờ sinh hoạt chủ nhiệm. Đắn đo mãi em mới thổ lộ: do em có bạn trai đến nhà chơi, cha mẹ không bằng lòng nên đã la rầy, còn lấy lại toàn bộ nữ trang, xem đó là một hình thức kỷ luật, thậm chí làm em xấu hổ để em chuyên tâm vào việc học, phòng ngừa em yêu sớm!

“Đi bụi” chỉ là phản ứng nhất thời mà các em lầm tưởng là tự lập

Với trách nhiệm người thầy, tôi đã dùng tất cả khả năng để giúp em vượt qua tự ái - ở quê tôi, con gái bị cha mẹ lấy lại nữ trang xem như đức hạnh có vấn đề, sẽ bị chê cười - và xác định tình bạn, tình yêu... Em tỏ ra hiểu biết, hứa tập trung học tập hơn.

Không ngờ sáng hôm sau tôi chưa kịp đến trường, cha mẹ T.D. đã tìm đến nhà cho biết em bỏ nhà đi từ lúc khuya rồi. Vừa lau nước mắt mẹ T.D. cho biết chiều qua bà đe dọa sẽ cắt tóc em để em “mang nhục” và chứng tỏ quyền lực của bậc làm cha mẹ, hậu quả là phải mất con.

Qua tìm hiểu tôi biết được em chưa đi xa mà chỉ tạm trú ngay nhà người bạn trai của mình cách trường không xa. Tôi đến đó vừa giải thích cho gia đình hiểu mọi lẽ vừa đưa em về. Sau đó T.D. trở lại trường, học hành, sinh hoạt như xưa, trên tay em là chiếc vòng mà em yêu thích. T.D. cho biết giờ đây mẹ em đã không còn la mắng, đã lắng nghe em.

2. Ở một lớp cuối cấp do tôi làm chủ nhiệm, U.L. là một học sinh giỏi văn. Trong một lần thăm nhà U.L. tôi nhận thấy giữa ba mẹ và em không có sự thông cảm với nhau nếu không nói là không khí gia đình rất lạnh lùng. Ba mẹ em tập trung vào kinh tế, trong nhà rất ít khi có tiếng cười, vui buồn em không biết nói cùng ai. Đã vậy ba em hay bảo trông mau tới lúc em 18 tuổi để gả chồng cho bớt lo, bất kể già trẻ, tốt xấu thế nào!

Đến tháng cuối trước thi tốt nghiệp, ba mẹ U.L. hốt hoảng gọi tôi báo tin em đã bỏ nhà ra đi. Điều đáng nói là em không hề mang theo tiền bạc và để lại đầy đủ các món trang sức của ba mẹ cho từ nhỏ. Tôi phải huy động toàn bộ nguồn lực, tìm hiểu các mối quan hệ của U.L. để có thể đưa em về. Cuối cùng qua các bạn cùng lớp tôi biết được U.L. đang làm tiếp viên cho một quán cà phê ngay trong thị xã và thuê phòng trọ.

Gặp thầy chủ nhiệm sau giờ lên ca, em tỏ ra bối rối, lo lắng, sợ về phải sống lạc lõng ngay trong nhà mình, sợ bị ba ép lấy chồng sớm... Bằng tất cả lý lẽ và tình cảm, tôi đã thuyết phục em trở về. May mắn là tôi nhận được sự hợp tác của gia đình U.L.. Ba mẹ em đã thay đổi nhận thức về tương lai con mình. U.L. cũng thấy được việc bỏ nhà đi là một sai lầm có thể hủy hoại cả cuộc đời mình.

Qua hai câu chuyện trên tôi thấy việc các em học sinh bỏ nhà ra đi có tác động rất lớn của gia đình. Nhận rõ được nguyên nhân mới có thể tìm cách giải quyết. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cha mẹ không nên bỏ rơi, xa lánh con cái mà cần bình tĩnh xem xét, tạo cơ hội cho các em về lại với gia đình.

Chỉ có tình thương thật sự mới giúp các em khôn lớn, đứng vững trước những chông gai trong cuộc đời. Xét cho cùng, “đi bụi” chỉ là phản ứng nhất thời mà các em lầm tưởng là tự lập, muốn chứng tỏ cái tôi của mình mà thôi. Mong các bậc làm cha mẹ hãy cho trẻ đường về.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận