Hãy dẹp cơn ác mộng giao thông Hà Nội

TTCT - Ai sống ở Hà Nội cũng thấy rõ giao thông tại thành phố này đang ngày càng tắc nghẽn nghiêm trọng. Tình hình hiện nay xấu đi với tốc độ chóng mặt trong những năm gần đây.

Minh họa: Lê Đình Quỳ
Minh họa: Lê Đình Quỳ

Ô nhiễm không khí vốn đã ở mức báo động, nay tình hình ngày càng xấu hơn do tắc nghẽn giao thông thường xuyên hơn.

Hà Nội thật sự sắp sửa đi theo bước chân ô nhiễm của các thành phố thủ đô khác trong khu vực Đông Nam Á, những thành phố nổi tiếng với đường phố bị tắc nghẽn và hầu hết thời gian trong ngày của người dân là mắc kẹt trong những chiếc xe hơi riêng ì ạch nối đuôi nhau giữa dòng xe cộ đông như mắc cửi.

Trân quý xe đạp

Tất nhiên là không có giải pháp nào đơn giản cho tình hình này cả. Việc đầu tư vào hạ tầng giao thông công cộng mới chắc chắn là một bước quan trọng theo chiều hướng đúng đắn. Tuy nhiên, như vậy vẫn sẽ là không đủ.

Thậm chí nếu ước tính lạc quan thì cả hai hệ thống metro và xe buýt nhanh kết hợp lại cũng sẽ chỉ giải quyết được 25% nhu cầu đi lại ở Hà Nội.

Trong bối cảnh dân số đô thị ngày càng tăng cộng với thu nhập ngày càng cao và nhu cầu đi lại chủ động của người dân, rõ ràng cần phải tiến hành nhiều biện pháp nữa mới giải quyết được vấn đề.

Tôi không nói mình có giải pháp cuối cùng, nhưng dựa trên kinh nghiệm từ những thành phố khác và nhiều năm nghiên cứu giao thông Hà Nội, tôi tin rằng ba đề xuất sau đây sẽ có tác động quan trọng.

Đầu tiên, hãy biến Hà Nội thân thiện với xe đạp lại. Thành phố này có một lịch sử đáng tự hào về việc đạp xe và hầu hết hộ gia đình ở Hà Nội ngày nay vẫn có xe đạp.

Có nhiều lý do khiến xe đạp không còn được ưa chuộng nữa. Sự thoải mái, tiện lợi, phản ánh địa vị xã hội, an toàn là những lý do quan trọng khiến người Hà Nội chuyển sang xe máy. Và các yếu tố này, một lần nữa, lại là nguyên nhân khiến người ta bắt đầu chuyển qua mua xe hơi.

Thế nhưng vẫn có nhiều người Hà Nội trân quý xe đạp, nhiều người vẫn thường đạp xe (thường là xe đạp đắt tiền) dạo quanh hồ Tây hay những nơi khác trong thành phố để tập thể dục.

Vấn đề ở đây là cần phải biến xe đạp trở thành phương tiện giao thông. Kinh nghiệm từ những thành phố khác cho thấy nếu chỉ đơn giản bảo mọi người nên đi xe đạp thì không đủ, mà xe đạp phải được ưu tiên với cơ sở hạ tầng phù hợp.

Trong quá trình nghiên cứu, nhiều người Hà Nội tôi gặp nói rằng họ muốn đi xe đạp, nhưng thấy không an toàn trên những con đường đông nghẹt xe máy.

Thêm nữa, đường sá ngày càng nhiều xe hơi do nhiều người nghĩ xe hơi là phương tiện có thể giúp họ tránh được khói bụi ô nhiễm, trong khi xe hơi lại là nguyên nhân khiến môi trường càng thêm ô nhiễm.

Đổi xe máy bằng xe điện

Thứ hai: hãy ngừng “chiến đấu” với xe máy đi, thay vào đó là đón nhận. Việc sở hữu xe máy rộng rãi là lý do chính khiến tính linh động trong việc di chuyển ở Hà Nội vẫn còn tương đối tốt.

Xe máy có hiệu quả đáng kể và đóng vai trò quan trọng trong việc khiến thành phố này hoạt động. Thậm chí nếu những chiếc xe máy dỏm nhất có gây ô nhiễm hơn những chiếc xe hơi xịn nhất, nhìn chung xe máy cũng không làm tắc nghẽn đường phố.

Dẫu vậy, tôi vẫn hoàn toàn đồng ý rằng cần phải giảm mức độ ô nhiễm do xe máy gây ra. Tôi tin rằng một giải pháp có thể bàn đến là đưa ra những ưu đãi khuyến khích đổi xe máy cũ bằng xe điện.

Tôi không nói đến loại xe đạp điện học sinh hay đi, mà là một loại xe điện thích hợp có thể cạnh tranh được với loại xe máy chạy bằng xăng dầu hiện nay.

Ai biết được đó thậm chí có thể là một sản phẩm mới phù hợp với những khát vọng công nghiệp của Việt Nam thì sao. Loại phương tiện này có thể sẽ đòi hỏi đầu tư cơ sở hạ tầng cho việc sạc bình, nhưng tôi nghĩ chuyện đó nên và có thể làm được.

Đường không ôtô

Thứ ba: thiết lập nhiều con đường không có xe hơi và thực thi nghiêm khắc quy định tại các con đường này. Tôi biết đề xuất này có thể là ít phổ quát nhất, chưa kể sự thật là cũng chỉ có những người thật giàu mới có khả năng mua xe hơi.

Nhưng tôi tin rằng đó là điều rất cần thiết. Hầu như lần nào tôi bị vướng vào một vụ tê liệt giao thông ở Hà Nội cũng đều do một chiếc xe hơi nào đó chạy vào một con đường nhỏ, rồi quay đầu xe hoặc là dừng xe để thả khách xuống.

Tôi thông cảm với những người lái xe hơi vì tôi biết lái xe hơi ở Hà Nội không dễ dàng gì, nhưng đơn giản là họ không thể được phép đi vào những con đường nhỏ. Tôi hoàn toàn hiểu đây sẽ là chính sách rất khó thực thi, nhưng tôi tin là phải có.

Không bước nào trong ba giải pháp trên là đơn giản cả. Chúng đòi hỏi phải có chính sách cứng rắn và kế hoạch lâu dài. Có thể có người sẽ nói những phương án trên là không tưởng và ngây thơ, nhưng tôi hoàn toàn không đồng ý.

Chúng là những giải pháp hợp lý cho một vấn đề lớn. Và nếu được thực hiện, những chính sách này có thể khiến Hà Nội xanh hơn và trở thành một thành phố đáng sống hơn, thậm chí có thể là nguồn cảm hứng cho các thành phố khác trong khu vực. Hà Nội - thành phố xe đạp. Hãy tưởng tượng mà xem!

NGỌC ĐÔNG chuyển ngữ

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận