Hết thời một người đăng ký, cả họ được nhờ

HOA KIM 13/05/2023 07:49 GMT+7

TTCT - Chuyện chia sẻ mật khẩu, xài chung tài khoản các dịch vụ trực tuyến như Netflix là đúng hay sai, tùy theo cách hiểu chữ "gia đình" của người dùng và nhà cung cấp dịch vụ.

Hầu như ai đang dùng Netflix cũng đang dùng chung tài khoản với một người chính chủ (đại diện trả phí), nhờ tận dụng tính năng cho phép đăng nhập một tài khoản cùng lúc trên bốn thiết bị khác nhau của gói thuê bao cao cấp nhất.

Năm 2014, cách làm này được coi là "một phương tiện tiếp thị tuyệt vời cho thế hệ người xem tiếp theo", như lời cựu CEO Đài HBO Richard Plepler. Đó là thời điểm mà mục tiêu tối thượng của các công ty truyền thông là khiến người dùng "nghiện" streaming. Giờ thì các hãng streaming cần giải bài toán duy trì lợi nhuận từ chi phí tăng, và vì thế, đã đến lúc bắt thế hệ đó phải nhả tiền ra.

Hiện tượng một tài khoản chia sẻ cho ba người "hơi liên quan" thế này không phải là hiếm.

Hiện tượng một tài khoản chia sẻ cho ba người "hơi liên quan" thế này không phải là hiếm.

Người dùng lầm tưởng?

Sau khi thử nghiệm ở khu vực Mỹ Latin và vài khu vực khác, trong đó có Canada và Tây Ban Nha, Netflix dự kiến áp dụng biện pháp hạn chế chia sẻ mật khẩu bằng cách thu phí tài khoản phụ ở Mỹ - thị trường lớn nhất của họ - trong quý 2-2023. Hơn 100 triệu hộ gia đình Mỹ đang chia sẻ mật khẩu với nhau, chiếm hơn 40% trong số 231 triệu người dùng trả phí, theo Netflix.

Điều khoản sử dụng của Netflix thật ra quy định rất rõ ràng rằng việc chia sẻ mật khẩu chỉ được giới hạn trong phạm vi những người sống cùng nhau tại một địa điểm. "Dịch vụ Netflix và bất kỳ nội dung nào được truy cập thông qua dịch vụ chỉ dành cho mục đích sử dụng cá nhân và phi thương mại của bạn (chủ tài khoản) và không được chia sẻ với các cá nhân bên ngoài hộ gia đình của bạn trừ khi được gói đăng ký của bạn cho phép" - khoản 2 điều 4 của văn bản này ghi rõ.

Người phát ngôn Netflix Kumiko Hidaka xác nhận điều này với CNBC nhưng từ chối bình luận công ty có kế hoạch xử lý ra sao đối với những trường hợp có lý do chính đáng, chẳng hạn như sinh viên đi học xa nhà xài chung tài khoản của bố mẹ. 

"Tôi có một đứa con gái đang học đại học ở Florida và xem Netflix bằng TV - tôi e rằng điều đó sẽ khiến tôi phải trả thêm 5 USD/tháng… Tôi nghĩ hầu hết các bậc cha mẹ sẽ phải gánh thêm chi phí" - CNBC dẫn lời ông Rich Greenfield, chuyên gia phân tích công nghệ làm việc tại LightShed Partners.

Trong giai đoạn thử nghiệm ở Chile, Costa Rica và Peru, Netflix đã sử dụng các thông tin như địa chỉ IP, mã số định danh của thiết bị, và lịch sử hoạt động của tài khoản để xác định các trường hợp chia sẻ tài khoản bên ngoài hộ gia đình. 

Những thông tin này đã được người dùng tự nguyện dâng cho Netflix khi nhấn nút đồng ý với điều khoản sử dụng của nền tảng. Theo CEO Netflix Greg Peters, chính sách mới chủ yếu hướng tới những người dùng chung tài khoản vì sự tiện lợi chứ không phải không đủ tài chính. "Đó là những người có khả năng chi trả (tiền đăng ký Netflix), nhưng họ cảm thấy không cần thiết" - Peters nói với CNBC.

Không chỉ Netflix, một ông lớn khác là nền tảng stream nhạc Spotify đã siết chặt hành vi chia sẻ tài khoản từ lâu. Bộ điều khoản và điều kiện Spotify cập nhật năm 2019 yêu cầu chủ tài khoản chính và những người khác trong gói đăng ký gia đình phải cung cấp bằng chứng rằng họ cư trú tại cùng một địa chỉ, và nền tảng này sẽ "thỉnh thoảng yêu cầu xác nhận lại" việc này, theo CNET. Nếu bạn không đáp ứng tiêu chí này, Spotify lưu ý rằng họ giữ quyền chấm dứt hoặc đình chỉ gói gia đình của người dùng.

Tương tự, gói gia đình của YouTube Premium - xem YouTube không quảng cáo cùng nhiều tiện ích khác - cho phép mời tối đa năm thành viên cùng sinh sống tại "một địa chỉ vật lý". "Yêu cầu này sẽ được xác nhận bằng thủ tục kiểm tra điện tử mỗi 30 ngày" - trang hỗ trợ của Google ghi rõ.

Hết thời một người đăng ký, cả họ được nhờ - Ảnh 2.

"Gia đình" trong mắt hãng công nghệ

Khi các công ty soạn thảo điều khoản về các gói đăng ký gia đình, dường như họ đang ngầm mặc định có một định nghĩa chung phổ quát về "hộ gia đình" (household) mà mọi người đều đồng ý, và phần mềm máy tính có thể dễ dàng quyết định ai là thành viên của một hộ gia đình, còn ai thì không, dựa trên định vị GPS chính xác đến từng mét. 

"Đây là một ví dụ thường thấy về thói kiêu ngạo của giới công nghệ: họ tin rằng các khái niệm cơ bản như "gia đình" có định nghĩa rõ ràng và mọi trường hợp lệch ra khỏi định nghĩa ấy đều là ngoại lệ và sẽ không bao giờ làm thay đổi quy tắc" - blogger người Anh Cory Doctorow viết cho tạp chí The Atlantic.

Đầu thập niên 2000, khi đang làm cho một tổ chức phi lợi nhuận, Doctorow từng tham dự một diễn đàn mà các công ty truyền thông, đài truyền hình, công ty công nghệ và điện tử tiêu dùng họp kín trong nhiều phiên để đưa ra định nghĩa thế nào là hộ gia đình. 

Khi đó, nhiều người dự họp đã tự hào về chuyện họ "linh động" ra sao khi tính đến các trường hợp như người mang theo máy tính xách tay để làm việc trên du thuyền, lái ô tô có màn hình ở lưng ghế, hoặc sở hữu biệt thự mùa hè ở một quốc gia khác... đều có thể xem video từ những nơi đó bằng gói đăng ký gia đình của mình.

Câu hỏi đặt ra là những hình thái khác của hộ gia đình - những người không có du thuyền, xe sang hay biệt thự nghỉ dưỡng - sẽ được ứng xử ra sao? "Một gia đình hộ khẩu tại Manila, có người bố đi làm nông nghiệp ở tỉnh khác, cô con gái làm bảo mẫu ở California, và cậu con trai làm nghề xây dựng ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất" là ví dụ về một hộ gia đình rất thực tế mà Doctorow nêu ra ở cuộc họp. Tuy nhiên, những người tham dự tỏ ra thờ ơ và cho rằng đó là một "trường hợp ngách" không đáng để tâm.

Một tình huống khác là chuyện giới hạn tần suất một người có thể rời gói gia đình này để gia nhập gói gia đình khác, mà theo giải thích của các nhà lãnh đạo công ty là "không ai có thể có lý do chính đáng để thay đổi gia đình mỗi tuần". 

Rõ ràng họ chưa nghĩ đến một đứa trẻ có bố mẹ ly hôn và chia nhau quyền nuôi con. "Đứa trẻ ấy chắc chắn (có lý do chính đáng để) thay đổi họ mỗi tuần một lần" - Doctorow nói trong phiên họp.

Giải pháp mà đại diện một công ty IT lớn đưa ra là cung cấp đường dây nóng miễn phí để những trường hợp như vậy có thể liên hệ nhờ hỗ trợ mỗi khi bị khóa tài khoản. "Tôi nghĩ mọi người trong cuộc họp đó đều nhìn thấy sự vô lý, nhưng họ đã quyết định rằng việc định nghĩa "hộ gia đình" cần phải có một giải pháp bằng phần mềm đơn giản. Một khi quyết định đó đã được đưa ra, không gì có thể ngăn cản nó" - Doctorow nhận xét.

Hết thời một người đăng ký, cả họ được nhờ - Ảnh 3.

Ai muốn dùng chung tài khoản không?

Trong bối cảnh các công ty siết chặt kiểm soát việc chia sẻ tài khoản, một dịch vụ hỗ trợ người dùng tìm "đồng đội" cùng sử dụng tài khoản để tiết kiệm chi phí bỗng được quan tâm trở lại. Together Price là dịch vụ trung gian cho phép người dùng cho thuê lại quyền truy cập vào các gói đăng ký dịch vụ số của mình, đổi lấy một khoản phí nhỏ trên mỗi giao dịch.

Trao đổi với trang FastCompany, giám đốc điều hành Marco Taddei khẳng định dịch vụ của nền tảng này là hợp pháp và hoàn toàn tôn trọng điều khoản sử dụng của từng bên. Ông tin rằng dịch vụ của Together Price không chỉ giúp người dùng tiết kiệm chi phí mà còn giúp các công ty giữ chân những người dùng mà đáng lẽ họ sẽ mất. "Nếu các công ty không cho phép người dùng (chia sẻ tài khoản), họ sẽ ngừng đăng ký dịch vụ" - Taddei giải thích.

Sau khi đăng ký, người dùng Together Price có thể tìm kiếm trên một mạng lưới những người dùng khác có lời đề nghị chia sẻ gói đăng ký của họ, hoặc tự đăng tải lời mời người khác tham gia gói của mình. 

Hầu hết các dịch vụ streaming video và âm nhạc lớn đều có mặt trên nền tảng này như Netflix, Spotify, Disney+, HBO Max và Hulu. Khi được chấp nhận tham gia gói đăng ký của người khác, bạn chỉ việc điền thông tin thẻ tín dụng - thông tin này được bảo mật và không được cung cấp cho chủ tài khoản - và tiền sẽ được tự đồng trừ vào thẻ khi đến kỳ thanh toán.

Một rủi ro của mô hình này là, cũng như khi chia sẻ tài khoản giữa bạn bè hay người thân, tất cả mọi người trong gói đăng ký đều nắm thông tin đăng nhập và có thể đổi mật khẩu để "chiếm quyền" kiểm soát tài khoản bất cứ lúc nào. Rủi ro này thấp hơn khi những người trong gói là người thân quen, nhưng khi bạn mời người lạ vào nhà mình và giao chìa khóa cho họ thì rõ ràng chuyện gì cũng có thể xảy ra.

Đó là lý do nền tảng cung cấp một tính năng tạm gọi là "chỉ số tin cậy" của từng người dùng, được chấm điểm dựa trên hoạt động của họ trên nền tảng. Bạn được thêm điểm cho các hoạt động tạo độ tin cậy như xác minh số điện thoại, đăng ảnh chân dung, và liên kết ứng dụng đến danh bạ và các tài khoản mạng xã hội. Trong khi đó, các hành vi xấu bị trừ điểm có thể kể đến như chậm thanh toán hoặc nhận đánh giá tiêu cực từ các thành viên trong nhóm.

Apple, Google và nhiều công ty khác cũng đã có động thái ban đầu để đưa các gói đăng ký gia đình về đúng định nghĩa mà họ gán cho nó - chỉ dành cho những người trong cùng hộ gia đình. Nhưng theo Doctorow, "chỉ vì [các công ty] muốn gán các ranh giới rõ ràng cho các khái niệm như gia đình, hộ gia đình… không có nghĩa là chúng ta nên làm điều đó".

Hết thời một người đăng ký, cả họ được nhờ - Ảnh 4.

"Trung tâm nhận con nuôi" là tên gọi hóm hỉnh mà nền tảng học ngoại ngữ Duolingo đặt cho dịch vụ kết nối người học để tham gia gói gia đình của nhau. Nền tảng này thực sự khuyến khích mọi người dùng chung tài khoản, xuất phát từ thực tế nhiều người dùng không sử dụng hết gói thuê bao có tối đa sáu thành viên. Người cần tìm "gia đình nuôi" và người đang có chỗ trống trong gói của họ tìm nhau theo hashtag #DuolingoAdoptionCenter trên mạng xã hội và tự liên hệ với nhau để thỏa thuận việc tham gia gói.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận