Hiểm họa

HẢI MIÊN 12/10/2010 20:10 GMT+7

TTCT - Tiếng trò chuyện trên giường:- Anh, hồi chiều dọn dẹp trong nhà kho, em thấy một con rắn.- Trời! Rắn gì? Bây lớn?

Phóng to
Minh họa: Hoàng Tường

- Em không biết rắn gì, vừa nhìn thấy nó em đã hết hồn bỏ chạy ra. Nó to cỡ ngón chân cái của em.

- Nó nằm chỗ nào?

- Trên cái sàn gác. Em bắc ghế leo lên tính lôi cái bao đồ cũ xuống đem ủng hộ đồng bào lũ lụt. Mới lôi cái bao ra nửa chừng, thấy nó ló đầu ra, le lưỡi, em rụng rời, lật đật nhào xuống chạy, bỏ luôn đôi dép nhựa ở trỏng.

- Em thấy lưỡi nó có chẻ đôi ra không? Chẻ đôi ra là rắn độc cắn chết người đó.

- Thần hồn nát thần tính, em có kịp nhìn gì đâu. Nhà kho tối âm u, quá chừng đồ đạc. Anh, mai anh ra nhà kho chọc cho nó ra, đánh nó giùm em nha. Em sợ quá. Đồ đạc em lôi xuống tính dọn dẹp giờ vứt tùm lum ở ngoải.

- Ờ... ờ, để coi.

- Không để coi được như mấy cái việc kia đâu anh. Rắn đâu phải là vật bất động. Nó bò, nó mổ. Chết đó.

- Rắn nhút nhát và ưa kín đáo. Hễ thấy động là bỏ đi à. Anh nghĩ là nó bỏ đi rồi.

- Nhưng mai anh cũng cứ coi lại cho em nghe, em cứ thấy rờn rợn trong người mỗi khi ra sau nhà.

- Vụ này làm ban ngày mới được. Thôi để chủ nhật đi, chủ nhật này anh rảnh.

- Em ớn thiệt đó. Từ nay tới đó em không dám héo lánh ra đó nữa. Đồ đạc...

- Bừa bộn ít bữa có sao đâu. Ở ngoài kho thì dính dấp gì, ai mà thấy.

- Đâu, ngày nào em không phải vô lấy cái này cái kia, cất cái này cái nọ.

***

Vẫn tiếng trò chuyện trên giường:

- Anh... (lay chồng).

- (Ngái ngủ) Sao... em...?

- Em quên mất. Mấy con chim em vẫn còn treo trước cửa nhà kho, chỗ lâu nay. Anh ra bật điện lấy nó vô giùm em.

- Cái lồng chim đó em treo cả hai năm nay có sao đâu?

- Không được đâu anh. Ai mà biết con rắn đó ở đâu ra, chui vô nhà kho từ hồi nào. Nan lồng thưa lắm, nó dư sức thò đầu vô. Với lại hồi chiều mình làm nó động ổ rồi...

- Hai năm nay đã không sao thì giờ cũng không sao. Ngủ đi. Anh buồn ngủ quá.

- Rắn nó thích bắt chim lắm anh. Có gì thì tội nghiệp mấy con chim.

Người chồng đã cất tiếng thở đều đều. Người vợ thao thức. Chị lo sợ. Chị muốn đem cái lồng chim vô nhà, nhưng mường tượng lại cái đầu con rắn xanh lét ngóc lên hồi chiều, chị chưa hoàn hồn.

Bẩm sinh, rắn là thứ chị sợ nhất trên đời. Hồi nhỏ, chỉ một cái lốt rắn lột khô trắng mốc giăng ngang ngõ, trên mặt đất mà chị không dám bước qua để vào nhà, cũng không dám lấy que khoèo cái lốt ấy đi. Hễ cái que sắp chạm bộ da là chị rùng mình, buốt lạnh hết người. Đành ôm cặp ra đường ngồi chầu hẫu chờ mẹ đi làm về, tối mịt.

***

Vừa ngủ dậy chị ra ngay chỗ mấy con chim. Mấy cái lông trắng vương vãi. Trong lồng còn vương vết máu. Hai con còn lại hoảng hốt đập cánh treo người trên nóc lồng, một con lông đuôi tơ tớt, co rúm người lại.

Bốn con yến phụng, một con trắng, một con vàng, một con xanh két, một con xanh lam. Chị để sơ ý mèo thò tay vô móc bụng con xanh lam, còn ba con, một bà hai ông. Ba con này ở với chị đã ngót hai năm, ngày nào mở mắt ra, trước cả khi kịp đánh răng rửa mặt, chị đã cho chúng ăn, thay nước, vệ sinh lồng, nhìn thấy chị là chúng cuống cuồng mừng rỡ, kêu ríu rít suốt ngày, vui tai, đỡ buồn những khi chị ở nhà sau giặt đồ, nấu ăn, chăm sóc mấy cái cây trong chậu.

Đôi khi chị đứng thần ra nhìn mấy con chim, thấy chúng chẳng khác gì những nhúm màu sắc có linh hồn.

Giờ mất con yến trắng. Nhúm màu sắc trắng đã xé ra tan tác, linh hồn trắng phiêu vãi trong không trung. Còn lại hai con yến vàng và xanh két, hai thằng đàn ông với nhau. Tội nghiệp. Tội nghiệp mấy con chim.

***

Chiều tối đó chị xách thẳng cái lồng chim vô treo trong nhà bếp, sát vách với nhà kho nhưng hai gian cách biệt, không có một khoảng trống nào thông hai gian nhà đó với nhau nên chị yên tâm.

Gần sáng chồng chị dậy đi vệ sinh, kêu hoảng lên một tiếng. Chị giật mình, hỏi gì vậy anh rồi lật đật chạy hai bậc một xuống nhà.

Nền nhà bếp vương vãi lông vàng lông xanh, rỏ mấy giọt máu đỏ thắm chưa kịp khô. Chiếc lồng vẫn treo trên móc, im lìm không một tiếng kêu. Chị nhìn trực vô trong lồng rồi lảng mắt đi ngay.

Chị ngồi bệt chỗ bậc cầu thang, không dám đặt chân xuống sàn nhà. Trong đôi mắt nhắm nghiền của chị, hình ảnh con rắn đánh đu trên sợi móc sắt, trườn đầu vô, phóng tia mắt lạnh lẽo nhìn, ước lượng khoảng cách cho một cú mổ trúng đích; mấy con chim hoảng loạn đập cánh, mắt đứng tròng kinh sợ, kêu chiếp lên cầu cứu, tuyệt vọng. Những linh hồn chết cứng trước cả khi con rắn phóng chiếc lưỡi chẻ đôi lạnh lẽo, ướt nhớp của nó lên những nhúm màu sắc rối loạn.

Đưa mắt nhìn quanh quất săm soi, chị thấy chỗ bậc cửa bếp có khoét chừa một cái lỗ cho chị quét rác tuồn ra ngoài. Con rắn đã vô bếp theo đường này.

- Nếu mình đừng có lắp máy lạnh trong phòng ngủ thì mình không phải đóng kín cửa, có khi đã nghe được tiếng mấy con chim kêu cầu cứu...

Chị thều thào.

***

- Con rắn này quen mùi, lộng quá rồi anh. Nó vô bếp được thì lên nhà trên được. Em sợ. Hết chim rồi nó vô bếp lục kiếm đồ ăn cho coi, thức ăn mình để qua đêm - chị rùng mình - Hết tháng này con nó ngoài nội vô rồi, con lại suốt ngày sục sạo, chơi ú òa ngoài đó. Em ớn lạnh quá.

- Cấm không cho con héo lánh ra ngoài đó. Dọa dữ vô là nó sợ hà. Để đó anh.

- Anh lại dọa, đánh con chớ gì. Đó đâu phải là cách triệt để. Phải đập chết con rắn đó. Mai chủ nhật anh giúp em việc này nghe. Sống phấp phỏng vầy chắc em chết quá.

Chị định nói với anh chị thấy mình như phát bệnh. Hình ảnh con rắn cứ chập chờn, lởn vởn. Đâu đó trong mỗi góc nhà, mỗi góc sân, từ một cái nồi đậy vung cập kênh, từ cái rổ úp trên kệ bếp... bất cứ lúc nào, từ bất cứ đâu, cái đầu xanh lét ấy cũng có thể phóng ra, mổ tới. Và cũng như những con chim của chị, linh hồn chị sẽ chết cứng trước cả khi cái lưỡi lạnh lẽo nhớp nháp của con rắn kịp liếm lên cơ thể chị.

***

Sáng chủ nhật, sau bữa ăn sáng, trước bữa ăn trưa.

- Sao vậy anh?

- Anh ớn quá.

- Anh cũng sợ hả?

- (Cười cười) Trời sinh anh nhát gan. Giết người cướp của mà không bị tội thì cũng không dám làm. Từ hồi vô thành phố, có siêu thị anh nhẹ cả người. Hồi ở quê, anh ngán nhất là bị sai cắt cổ gà, cổ vịt. Anh trốn biệt. Mà anh ớn nhất là mấy cái con gì dài dài trơn trơn, rắn, lươn, chạch, rắn mối, giun đất... Anh ngán mấy cha đó lắm. Nhìn thôi là gớm rồi, không bao giờ anh dám đụng tới.

Con rắn này, không phải anh sợ chết, không phải anh nghĩ mình không đánh chết được nó, nhưng anh ớn quá. Đó là cảm giác, cảm giác gớm sợ. Hiểu không?

- Em hiểu chớ. Em cũng sợ y anh vậy. Ghê ghê gớm gớm, chỉ muốn tránh. Nhưng giờ làm sao anh, không thể để con rắn đó sống trong nhà mình được. Hổm nay, mỗi khi ra đây tưới cây, ngồi rửa chén thôi mà cảm giác lúc nào cũng có thể bất thình lình bị nó mổ vô gót chân đã khiến em muốn chết giấc. Hình dung thôi đã muốn chết giấc.

- Ờ, chắc chắn là phải đập chết nó rồi. Ít nhất cũng phải xua nó đi, xua đi khỏi khuôn viên nhà mình... A, meo meo, meo... lại đây! Con mèo! Mèo nó bắt rắn được đó em.

- Được không anh?

- Được. Em nhớ truyện Cái tết của mèo con của Tô Hoài mình học hồi cấp một, hai chi đó không? Con rắn trườn vô ổ gà đẻ tính bắt gà con, con gà mẹ xù lông chiến đấu, trong tình thế nguy nan suýt bị con rắn cắn cổ, mèo con nhảy vô cứu nguy cuối cùng cắn chết được con rắn đó. Mèo con còn làm được vậy. Mèo nhà mình lớn trộng cỡ này, con rắn bằng ngón chân cái ăn thua gì với nó.

- Em nhớ. Nhưng cái đó là trong văn học. Văn chương xạo sự lắm. Ngoài đời, không biết mèo có mạnh và nhanh hơn rắn không?

- Chắc chắn. Rắn sao nhanh bằng chuột. Nó làm được đó. Bây giờ anh trèo lên ghế, em đứng dưới bắt con mèo đưa anh, anh vứt nó vô sàn gác, thể nào nó cũng sục sạo lôi cổ được con rắn đó ra cắn cho chết tươi. Nó sẽ thay anh trả thù cho em, vụ mấy con chim của em.

- Phải chi có ba em hay thằng em em ở đây sẽ tận tay lôi cổ con rắn ra đập cho chết tươi liền. Không chừng còn đem lột da nấu cháo ăn. Nhà em ai cũng dạn hết, mạnh mẽ lắm, má em cũng vậy. Sao sinh ra em hèn yếu, nhát gan quá.

Chị ôm con mèo, rón rén đứng từ ngoài cửa bếp đưa vói vô cho anh.

- Anh cẩn thận đó, anh đặt nó lên sàn gác chứ đừng liệng nó lên, nó đang mang bầu, sắp đẻ rồi đó.

***

Con mèo vừa đặt chân lên sàn gác đã lập tức xù lông lên, thở phì phì. Nó ngửi ra mùi rắn. Thận trọng nhưng can đảm, nó sục sạo vào sau từng bao đồ đạc cũ, từng cái hộp cactông vứt ngổn ngang trên sàn gác.

Hai vợ chồng đứng ở ngoài lấp ló nhìn vô. Mặt chị tái đi vì hồi hộp, dõi theo tiếng con mèo gừ rừ... gừ rừ đều đều trong cổ họng. Cái tiếng gừ rừ... gừ rừ... vừa trấn an mình vừa đe dọa đối thủ đó trở thành tín hiệu liên lạc của chị với con mèo. Qua tiếng kêu đó, chị dõi theo sự sống của con mèo giờ đây đã khuất sau những bịch lớn bịch nhỏ trên kia.

Đối phương không chút động tĩnh. Con rắn trốn đâu đó, im lìm giấu mặt. Hay nó đã bỏ đi rồi? Có khi nào vậy không? Cầu trời là vậy. Cầu trời nó đã bỏ đi. Cầu trời.

Rột.

Ngoằu...! Ngay lập tức sau tiếng “rột” di chuyển dứt khoát và trơn của loài bò sát, con mèo kêu lên một tiếng thất thanh, dữ tợn. Rồi im. Không có một trận chiến dữ dội và ác liệt nào xảy ra như anh chị nghĩ dĩ nhiên phải thế.

Một cái gì vô hình thúc mạnh vào ngực chị. Chị vịn lấy vai anh, kêu lên: “Trời ơi anh ơi, trong bụng nó còn một bụng con!”.

***

Đứa con gái lên ba suốt ngày lẫm chẫm bi bô từ ngoài quê đã vô, chuẩn bị đi mẫu giáo. Cứ chị đi đâu nó theo đó, lon ton không rời, hỏi liên tu hết câu nọ đến câu kia, chị trả lời được cỡ phần ba cũng đã đuối.

Lúc chị lột tỏi để ướp thịt bò thì nó mon men lại gần. Nó nhìn chị lấy cái dao đập cái “bốp” xuống tép tỏi, tép tỏi bẹp lép. Nhân lúc chị rời tay để nêm nếm nồi cá kho, nó cầm dao lên đập cái “bốp” xuống thớt. Hết hồn, chị đánh vô tay con, dạy không được xớ rớ vô những việc chị làm. Nó chửi tắp lự: “Đ. má mày!”. Chị sững người, rầy một chặp. Nó chống chế: “Con chửi tỏi mà, con đâu có chửi má đâu”.

Chị cố nén cười nói: “Chửi tỏi cũng không được. Con gái nói bậy. Hư!”. Nó đứng xụ mặt. Chị lại lúi húi với việc của mình, nấu nấu nướng nướng, chiên chiên xào xào. Một chốc thì nghe nó kêu rối rít: “Má, má, con có nè, má ơi!”. Chị lật đật chạy ra sân thì thấy nó đã đứng trong nhà kho, hai tay cầm hai que sắt, ở trên con rắn quấn tròn đu toòng teng, bụng căng phồng, mắt nhắm nghiền. Trời ơi! May mà con rắn ăn no ngủ say...

Chị nhắm mắt rụt cổ cầm lấy hai cây sắt vứt cái “keng” xuống nền nhà kho, bế con chạy thục mạng lên nhà, mặt xanh chành, thở hổn hển, ôm riết con vào lòng. Rồi lại rón rén trở xuống đóng cửa nhà bếp, vò một nùi giẻ nhét vô cái lỗ đẩy rác chỗ ngạch cửa.

Trở lên lại ôm con, thở. Con chị nhìn mẹ, bi bô: “Má, má, hồi nãy giống cái que đeo dây chuyền quá há má”.

Chị đóng cửa, bế con đặt lên ghế nhỏ của nó trên xe máy, chạy một hơi tới văn phòng báo Mua và Bán. Điền nội dung cần đăng vào giấy mẫu, chị đưa cho cô nhân viên. Cô này đọc soát lại một lần, ngước lên nhìn chị cười:

- Báo tụi em thượng vàng hạ cám, trên trời dưới biển cái gì cũng có, cái gì cũng đăng. Nhưng nội dung như vầy thì chị là người đầu tiên đó.

Chị chẳng biết nói sao để đáp lại sự thân thiện, vui vẻ của cô, lúi húi móc túi lấy ra ba chục ngàn đóng phí quảng cáo, hai kỳ.

***

Hôm sau báo ra, chị đi mua về liền, giở ra coi người ta có nhớ đăng tin của mình không. May quá, có đây: ”Cần tìm người tới nhà đập chết một con rắn bằng ngón chân cái. Đàn ông. Tiền công thỏa thuận. Địa chỉ:... Điện thoại:... Gặp: (tên của chị)”.

Chị nhấp nhổm chờ điện thoại đổ nhạc chuông.

Trong khi chờ, chị cầm cái chổi lông gà kê ghế đứng lên quét mạng nhện. Vừa nhấp nhổm làm vừa nhấp nhổm ngó chừng con.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận