TTCT - Nhiều người biết đến nhiếp ảnh gia Thành Xuân Anh từ triển lãm ảnh hoa sen mùa Vu lan làm thiện nguyện, nhưng ít ai biết được tác giả những bức ảnh nghệ thuật đượm tình mẫu tử từng là “đại ca của nhiều đại ca” trong chốn giang hồ… Nhiếp ảnh gia Thành Xuân Anh triển lãm ảnh hoa sen bán đấu giá làm thiện nguyện-Ảnh: nhân vật cung cấp Dưới nắng trưa cuối tháng 8, ông ngồi hàng giờ săn hoa nở trong ao sen miệt quê H.Củ Chi, TP.HCM. Đôi bàn tay một thuở quen cầm mã tấu đang giữ chặt máy ảnh, đôi mắt từng sắc lạnh chốn giang hồ ngày nào nay tập trung “bắt” khoảnh khắc đẹp nhất của hoa sen. “Được rồi!” - ông mỉm cười đứng lên, đi ra con đê trơn trượt đến quán nước bên đường. Ông gọi tô mì chay ăn lót dạ, khoe bức ảnh hai búp sen trắng đang hé nở dưới sắc nắng óng ánh. Ông nói ráng bán ảnh gom tiền xây nhà cho một gia đình nghèo tận miền Trung mà ông đã hứa. Hỏi ông tại sao phải làm thiện nguyện, ông cởi chiếc áo khoác mướt mồ hôi, lộ ra những vết sẹo, hình xăm trên cơ thể, bắt đầu bằng những chuyện ngày xưa... Nước mắt bên song sắt Năm 1958, bị chồng bỏ rơi, một phụ nữ phải nuôi bốn người con tại xã Tân Phú Trung, H.Củ Chi. Sau đó, người phụ nữ phải lòng ông thầy thuốc, sinh ra Nguyễn Phước Thành, tên thật của nhiếp ảnh gia Thành Xuân Anh. Chào đời chưa lâu, cha ruột cũng bỏ mẹ con Thành ra đi. 8 tuổi, Thành nghỉ học đi bụi, làm “đại ca nhí” của lũ trẻ miệt quê đi đánh nhau, trộm cắp, phá làng phá xóm. Mỗi lần bị mắng vốn, mẹ Thành dùng roi mây dạy con, mấy người anh cùng mẹ khác cha cũng đánh Thành tơi tả. Đánh mãi mà con vẫn “chứng nào tật nấy”, mẹ Thành chỉ biết đắp muối lên những lằn roi, ôm Thành khóc trong bất lực bởi đứa con lì lợm từ tấm bé đến trưởng thành... Mới giải phóng, Thành mang dao chém người trong đoàn hát đến xã hoạt động, bị lùng bắt nên trốn lên Sài Gòn. Thành sớm kết giao đám bạn bụi đời, mang hung khí đi tranh giành lãnh địa khắp nơi. Tuy mới nổi nhưng băng nhóm Thành khiến dân anh chị như Tám “bi”, Huệ “sầu đời”, Phong “bàn tay sắt” thời đó cũng phải nể trọng. Nắm một số địa bàn, Thành nổi tiếng cướp giật trên các ngả đường, ngập ngụa trong hút chích, bảo kê, ra vào trại giam như cơm bữa. Cái danh Thành “trọc” được giang hồ trao cho bởi mỗi lần xộ khám bị cạo trọc đầu, mà Thành bị bắt đến mức tóc mọc không nổi! Năm 1986, Thành lại bị bắt tội cướp giật cùng mức án 7 năm tù. Đó cũng là bản án cuối cùng trong cuộc đời giang hồ lang bạt. Khi bị tù tội, mẹ Thành không hề biết, chỉ nghĩ rằng con đi đâu đó. Riêng Thành không muốn mẹ đau khổ nên không viết thư, cam chịu thân phận “tù mồ côi”. “Chẳng mang lại cho mẹ niềm vui, nếu mẹ biết tù tội sẽ buồn thêm rồi phải kiếm tiền đi thăm nuôi. Bảy năm sau về thăm cho mẹ bất ngờ, cho mẹ đánh một trận, ôm tôi mừng khóc” - Thành nghĩ. Thời gian trôi qua, bạn tù có người ra trước hạn ba bốn năm do cải tạo tốt. Riêng Thành chỉ được giảm đúng ba tháng bởi thành tích “xử” cán bộ quản giáo, “xử” luôn “đại bàng” trong trại giam. Khi còn ba tháng cuối, Thành nghe tin mẹ lâm bệnh nên ghi vội mấy chữ trong thư: “Con còn sống, con đang ở Chí Hòa, ba tháng nữa con về thăm mẹ”. Nửa tháng thư đi, một đàn em báo lại hung tin: mẹ Thành đã mất! Thành ôm chặt song sắt, đấm ngực thình thịch, nước mắt lăn dài trên má mà theo Thành “đó là giọt nước mắt đầu tiên tôi khóc kể từ khi bỏ nhà đi bụi”. Ra tù, Thành đi thẳng lên Củ Chi thắp nén nhang cho mẹ, bị các anh chửi là đứa con bất hiếu. Bảy năm Thành trong tù, mẹ đi tìm nhiều nơi nhưng không rõ tông tích. Mẹ chuyển qua ăn chay trường cầu an, mong Thành sớm trở về nhà. Mỏi mòn đợi con theo tuổi già sức yếu, bà lâm bệnh nặng. Đến khi nhận được thư con, bà cầm chặt lá thư trước ngực rồi nhắm mắt ra đi. Trước lúc lâm chung, bà căn dặn các anh: bà sinh ra Thành nhưng không nuôi dạy đàng hoàng, để con lang thang kiếm sống, mong các anh nhường cho Thành căn nhà đang ở coi như bù lại một chút gì đó cho con trước lúc bà ra đi... Thành cúi đầu ray rứt, tự dặn lòng làm theo những gì mẹ đã dạy mong chuộc lại lỗi lầm. Tuổi thơ chợt ùa về, hình ảnh mẹ Thành lam lũ bán bưng nuôi các con hiển hiện, có hôm mẹ nhịn đói nấu nắm gạo cho các con và Thành được ăn phần nhiều. Một lần thấy mẹ khổ, Thành trộm được cái hộc tiền mang tặng mẹ. Mẹ khóc, lấy roi đánh Thành một trận. Mẹ nói nghèo cho sạch rách cho thơm, mẹ không lấy đồng tiền dơ bẩn, người ta cũng đi lao động cực khổ như mẹ sao Thành có thể trộm của người ta... Nhớ lời mẹ dặn, Thành bỏ hết tất cả, tìm một nghề chí thú làm ăn, mong mẹ tha thứ mà mỉm cười nơi chín suối. Thành hứa trong lòng khi nào khấm khá sẽ giúp đỡ nhiều người, mong chuộc lại những lỗi lầm mà trước đó mình gây ra trong xã hội. Nhiếp ảnh gia Thành Xuân Anh (giữa) thăm và tặng quà trẻ em mồ côi làng Vạn Hạnh (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) -Ảnh: nhân vật cung cấp Từ vũng bùn vươn lên... Năm 1993, nhớ lại lời quản giáo: chọn nghề chụp ảnh sẽ “dễ kiếm ăn”. Sau khi ra tù, ông Thành đi học nhiếp ảnh tại Hội Nhiếp ảnh TP.HCM. Dần dà ông chụp ảnh có chút tên tuổi nên mở tiệm chụp ảnh. Nhiều năm sau có chút vốn liếng từ nghề chụp ảnh, ông hùn hạp mở thêm quán ăn, cuộc sống khấm khá. Nhưng rồi ông nghĩ muốn sống lương thiện giúp người, không đợi đến lúc giàu có mới làm được. Ông nói bạn bè một tiếng, buông bỏ tất cả chuyện làm ăn, chuyên tâm săn ảnh hoa sen làm thiện nguyện. “Rồi cũng hai tay trắng về cát bụi, sống sao cho thành một người tốt. Đừng hại nhau, sống bất công trên sức lao động của người khác, để rồi chết đi còn mãi mang tiếng xấu” - ông tâm sự. Lý do chọn ảnh sen làm thiện nguyện, ông nói: “Tôi từ vũng bùn đi ra, ngụp lặn trong xã hội tội lỗi và biết đứng dậy. Hoa sen từ vũng bùn vươn lên nhưng vẫn nở hoa, khoe hương sắc cho đời”. Ảnh hoa sen của nhiếp ảnh gia Thành Xuân Anh -Sơn Bình Khi nghĩ đến mẹ, ông Thành cho rằng mình là đứa con bất hiếu nên ông muốn triển lãm ảnh trong nhiều mùa Vu lan. “Tôi muốn đưa một thông điệp yêu thương đến tất cả những người con đang sống trong vòng tay cha mẹ. Phải làm tròn chữ hiếu, đừng đối xử với cha mẹ không tốt rồi phải hối hận như tôi. Bởi tôi muốn đền đáp công ơn thì cha mẹ đâu còn nữa”. Ông nói gần 60 năm đời người, ông nhận ra rằng môi trường xã hội, gia đình và giáo dục đã hình thành nhân cách của ông. Bởi ông lớn lên bị bọn trẻ trêu chọc “đồ không cha”, mẹ hiểu chuyện nên rất thương ông. Ông cũng chỉ học đến lớp 2 nên thiếu kiến thức cuộc sống. Trong khi xã hội lúc đó chiến cuộc dữ dội, từ nhỏ ông đã đi mua ma túy, làm “cò dẫn gái” để nhận bánh kẹo, ít tiền mưu sinh. Bị phát hiện, cảnh sát chỉ nhéo lỗ tai, đá cho mấy đá rồi thôi, tật xấu từ đó ăn sâu... Trong câu chuyện về cuộc đời hoàn lương, ông Thành nói chỉ cần có tâm thật sự thì không gì cản trở đường đi. Ngay khi bị đánh giữa đường, một “đại ca” như ông cũng cho qua: Hai năm trước, trong một lần va quẹt xe tại H.Củ Chi, một thanh niên say xỉn dùng cây đánh trúng đầu ông Thành, phải điều trị gần nửa tháng. Nghe tin, em út kéo nhau đi “xử” nhưng thanh niên kia bỏ trốn khi biết mình đánh phải “đại ca”. Những ngày sau, người thanh niên cùng mẹ đến bệnh viện thăm ông Thành. Người thanh niên quỳ dưới giường bệnh mong ông tha thứ, còn người mẹ đưa 20 triệu đồng lo tiền thuốc men. Nhìn người mẹ mặc áo cũ, bàn tay rám nắng nên ông Thành không nhận tiền. Ông nói người thanh niên đứng dậy, khuyên phải sống tốt, đừng làm khổ mẹ cha, rồi ông lệnh cấm “em út” không được đụng đến người đã đánh ông trọng thương...■ Kiếm nhuận bút làm thiện nguyện Nhiều năm qua, ông Thành nhận được nhiều bằng khen của các cấp, các tổ chức từ thiện về việc chăm lo học bổng cho học sinh dân tộc thiểu số và vùng biển đảo. Bà Phan Liên Trì, phó chủ tịch UBND xã Tân Phú Trung, xác nhận ông Thành từng tù tội, nhưng nhiều năm qua làm ăn chân chính, sống hòa đồng tại địa phương. Không chỉ ở xã mà nhiều địa phương khác đều biết ông ủng hộ học bổng cho học sinh khó nghèo, tiền quà cho người già neo đơn, trẻ mồ côi... Bà Lương Ngọc Hân, chủ biên tạp chí Phụ Nữ Toàn Cầu tại TP.HCM, cho biết ông Thành được nhiều người quý mến khi phải ăn chay, không giàu có, nhưng nghe làm từ thiện, học bổng cho ai thì ông không bao giờ nề hà. Những lần chụp ảnh cho tạp chí đều có nhuận bút nhưng ông không nhận mà nhờ tạp chí chuyển tiền làm từ thiện. Bạn Bùi Hạnh Uyên, sinh viên năm 2 Trường cao đẳng Phát thanh truyền hình (TP.HCM), tâm sự: “Em biết chú Thành chỉ là sự tình cờ do kết bạn qua Facebook. Sau đó em xin gặp chú để viết bài cho môn phỏng vấn. Qua trao đổi, chú biết hoàn cảnh em khó khăn nên hứa sẽ giúp đỡ đến ngày em ra trường. Từ đó mỗi tháng chú giúp em 1 triệu đồng để có tiền xoay xở đi học. Chú nói có cần gì thêm thì nói chú biết, trong khả năng giúp được sẽ giúp em”. Tags: Hoàn lươngBáo hiếuThành Xuân Anh
Thiếu phôi bằng lái khắp cả nước: Cục Đường bộ mở gói thầu hơn 141 tỉ đồng ĐỨC PHÚ 23/11/2024 Chuyện thiếu phôi bằng lái xe lan ra nhiều tỉnh thành dẫn đến nhiều người dân đã thi đậu vẫn chưa được cấp bằng.
2 cô gái trang điểm bị gia đình chú rể lục vali, yêu cầu cởi đồ vì nghi lấy 20 triệu HOÀI THƯƠNG 23/11/2024 Hai cô gái chuyên trang điểm cho cô dâu bị một gia đình chú rể ở Tiền Giang giữ lại để lục vali, đồ đạc và yêu cầu cởi đồ để lục soát chỉ vì bị mất 20 triệu đồng, khiến nhiều người bức xúc.
Biến động ở REE: ‘Nữ tướng’ Mai Thanh rời ghế chủ tịch, sếp mới là đại diện quỹ ngoại BÌNH KHÁNH 23/11/2024 Ông Alain Xavier Cany - đại diện của quỹ ngoại Platinum Victory - trở thành chủ tịch HĐQT mới của REE thay bà Nguyễn Thị Mai Thanh.
Tuyển futsal nữ Việt Nam: Sau ngôi nữ hoàng là giấc mơ World Cup NGUYÊN KHÔI 23/11/2024 Đánh bại tuyển futsal nữ số 1 châu Á Thái Lan để lần đầu bước lên ngôi nữ hoàng khu vực, tuyển futsal nữ Việt Nam thêm tự tin hướng đến việc giành vé dự World Cup nữ futsal 2025.