Học tập khi không đến trường

ĐÀM QUANG MINH 01/04/2020 04:03 GMT+7

TTCT - Trong một thời gian dài, ưu điểm và hạn chế của việc học tập không đến trường nói chung và học trực tuyến hay từ xa nói riêng luôn là chủ đề tranh cãi giằng co. Đột nhiên, dịch Covid-19 đã buộc hầu hết học sinh, sinh viên phải bắt đầu việc học tập không đến trường mà không hề có sự chuẩn bị trước. Hai tháng qua - như một sự thử nghiệm bất đắc dĩ - có lẽ đã đủ để nhìn thấy sơ lược sự sẵn sàng và những khó khăn trong việc triển khai học trực tuyến.

Một lớp học ảo trong mùa dịch tại Trung Quốc. Ảnh: Getty Images
Một lớp học ảo trong mùa dịch tại Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Khi học sinh và sinh viên nghỉ học kéo dài, các cơ quan quản lý và nhà trường tất yếu phải lựa chọn giải pháp cho việc học tập không đến trường. Thực tế thì có khá nhiều lựa chọn: học trên nền tảng trực tuyến tương tác, các lớp học ảo, hay đơn giản nhất là học qua truyền hình.

Giải pháp có lẽ được nhiều nơi sử dụng nhất là các lớp học ảo, có nghĩa là thay vì gặp nhau mặt đối mặt thì lớp học vẫn có mặt đúng giờ cả thầy và trò, nhưng trên không gian ảo. Những năm qua, các giải pháp cho lớp học ảo đã có nhiều bước tiến đáng kể.

Hạ tầng cơ bản là đường truyền Internet cũng đã tốt lên, nên việc có một hệ thống lớp học ảo là không quá khó khăn với đa số giáo viên và người học. Các nền tảng phục vụ cho lớp học ảo phổ biến nhất có thể kể đến như Google Classroom hay Zoom.

Tương tác trong lớp học ảo về cơ bản khá giống với một lớp học thật, giáo viên giảng bài, người học nghe giảng và có thể có nhiều trao đổi trong lớp. Giáo viên sau đó có thể giao và sửa bài tập giống như các lớp học bình thường.

Những vấn đề phát sinh

Vấn đề đầu tiên là việc kết nối. Trừ học tập qua truyền hình là khá đơn giản, còn lại đều cần đường truyền Internet và máy tính hoặc điện thoại thông minh. Học sinh nhỏ tuổi thì cần sự hỗ trợ của người lớn trong việc học, gửi bài tập đã làm cho thầy cô giáo. Và thực tế thì việc học trực tuyến hay lớp học ảo chỉ phù hợp với sinh viên, học sinh thành thị, nơi có điều kiện kết nối cao, để 100% học sinh có thể tham gia.

Với những nơi điều kiện tham gia được ít hơn, nếu triển khai sẽ có nhiều học sinh không thể học. Chính vì vậy, ngay cả ở các đô thị, giải pháp này chỉ phù hợp cho sinh viên đại học hoặc học sinh các trường tư thục, quốc tế.

Vấn đề tiếp theo là động lực của người học. Theo thống kê của Coursera, trang học tập trực tuyến mở lớn nhất, chỉ có 4,6% số người học hoàn thành khóa học sau đăng ký. Khác với các lớp học truyền thống, học trực tuyến rất dễ bị sao nhãng bởi các yếu tố bên ngoài. Nhiều người vừa học vừa tranh thủ đọc tin tức, vào mạng xã hội hay thậm chí xem phim. Đa phần việc học trực tuyến diễn ra tại nhà nên tác động của người thân cũng rất dễ gây mất tập trung.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất lại nằm ở giáo viên. Đa phần giáo viên đều chưa sẵn sàng cho việc giảng dạy online. Trong dịp này, giáo viên được đào tạo cấp tốc để sử dụng các thiết bị và phải tự xoay với bài giảng và người học của mình.

Giống như người bị đẩy xuống hồ bơi khi mới được hướng dẫn sơ sài, đa phần các bài giảng không đáp ứng được yêu cầu về sư phạm là điều dễ hiểu. Làn sóng chấm 1* cho ứng dụng lớp học ảo Zoom phần nào thể hiện sự phản đối của người học với các lớp học ảo này. Nhiều giáo viên thậm chí phải vội vàng làm quen với các công cụ giao tiếp vốn đã phổ dụng trong giới trẻ như Facebook hay Zalo.

Bên cạnh đó, xu hướng Tài nguyên giáo dục mở (Open Educational Resources - OER) đang có chiều hướng phát triển nhanh chóng cũng sẽ góp phần cho bức tranh giáo dục trực tuyến thay đổi. UNESCO thậm chí còn đưa khuyến nghị mạnh mẽ về tài nguyên giáo dục mở và coi quyền được tiếp cận tài nguyên học tập là quyền cơ bản của con người.

Tài nguyên giáo dục mở được xây dựng dựa trên 5R gồm: Retain - quyền lưu giữ (tải về, lưu trữ, sử dụng); Reuse - quyền tái sử dụng (đưa lên web, dùng trong lớp học); Revise - quyền sửa đổi (điều chỉnh nội dung); Remix - quyền phối lại (sử dụng từng phần, ghép với các phần khác để thành sản phẩm mới); Redistribute - quyền phân phối lại (cung cấp các bản sao, bản sửa, bản phối lại). Xu hướng này chắc chắn sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới sau đại dịch.

Những vướng mắc

Học trực tuyến có bị hoài nghi về chất lượng? Khảo sát với người học, người sử dụng lao động và giảng viên tại Mỹ trong năm 2018, 2019 cho kết quả đánh giá không có sự khác biệt, thậm chí 20% còn cho rằng học trực tuyến có kết quả tốt hơn.

Tuy nhiên ở Việt Nam, nếu có khảo sát tương tự thì kết quả có thể sẽ khác. Học trực tuyến chưa được coi trọng, và quá trình nhận thức lại đòi hỏi thời gian. Nhìn lại lịch sử của việc học trực tuyến tại các quốc gia khác, có thể quá trình thay đổi nhận thức cũng không dễ dàng.

Trước đây, các khóa học trực tuyến tại Mỹ bị coi là kém chất lượng và chỉ phù hợp cho những đối tượng đặc thù. Hiện nay thì các cơ sở đào tạo uy tín nhất như Harvard, MIT, Standford… đều đã tham gia mạnh mẽ vào việc dạy và học trực tuyến, đem lại chất lượng thực thụ cho các chương trình này.

Ngoài ra còn có rào cản về khung chính sách. Theo quy định của Bộ Giáo dục - đào tạo, để đánh giá chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm, có hai chỉ tiêu “cứng” vô cùng quan trọng là diện tích phòng học và số lượng giáo viên. Từ đó sẽ ra công thức để tính chỉ tiêu.

Đương nhiên với những trường có diện tích phòng dư thừa, giáo viên thực tế theo quy định dư sức dạy trực tiếp thì động lực để chuyển sang dạy online là thấp, nếu không muốn nói là không tồn tại. Để đầu tư hệ thống giảng dạy online tốt, nguồn tài chính cũng không hề nhỏ, nếu không cắt giảm được chi phí khác, đầu tư giảng dạy online sẽ trở thành sự lãng phí.

Bên cạnh đó, thậm chí có những quy định về giảng dạy yêu cầu phải dạy ở cơ sở chính, như các chương trình thạc sĩ. Điều đó ngụ ý cấm các chương trình thạc sĩ trực tuyến. Trong khi mảng đào tạo sau đại học chính là lĩnh vực học trực tuyến phát triển nhất trên thế giới hiện nay.

Sau đợt đại dịch, chắc chắn việc học tập của học sinh và sinh viên toàn cầu sẽ có nhiều thay đổi. Nhiều cơ sở giáo dục của Việt Nam đang nhanh chóng tiếp cận công nghệ mới nhất trong đào tạo trực tuyến và có được những thành công bước đầu.

Tuy nhiên, chính sách vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng nhất, chừng nào chính sách không phù hợp thì trong nhiều mất mát lớn lao do đại dịch gây ra, sẽ có một nền giáo dục chậm tiến nghiêm trọng so với những gì đang diễn ra trên thế giới.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận