Học từ xa: Chuyện từ nơi heo hút

YÊN LAM 09/09/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Ở nơi mà điện thoại thông minh còn là điều xa xỉ, huống gì máy tính hay kết nối Internet, vẫn có những nỗ lực đầy sáng tạo để chuyện học hành của con trẻ không bị đứt gãy vì đại dịch.

Chính trong cảnh khó khăn nhất - như những ngôi làng mà thậm chí không có cả sóng truyền hình dưới đây, người ta lại giỏi xoay xở với chuyện có gì dùng nấy nhất.

Dạy và học qua bộ đàm

Punik là một ngôi làng nhỏ nằm cách Sumbawa Besar, thủ phủ của đảo Sumbawa (tỉnh West Nusa Tenggara, Indonesia) 45 cây số, với 500 hộ gia đình, đa số là nông dân trồng cà phê. Punik cùng với hàng ngàn ngôi làng khác phải chật vật tìm cách chuyển sang dạy học từ xa, khi Bộ Giáo dục và văn hóa Indonesia tạm đóng cửa trường học vì COVID-19 hồi tháng 3-2020.

Nằm ở độ cao 820m so với mặt nước biển, không có mạng không dây hay di động nào đến được Punik. Chỉ vài dân làng có smartphone, nói gì đến máy tính. Chuyện học qua mạng là bất khả. Chính trong cái thiếu thốn đó mà Rusdianto, một giảng viên đại học và là thành viên chi nhánh Sumbawa của đài phát thanh quốc gia, nhìn thấy một con đường khác để lời giảng của thầy cô đến được với trò, dù ai ở nhà nấy: liên lạc qua bộ đàm.

Một máy bộ đàm có giá 150.000 rupiah (khoảng 240.000 đồng), ít hơn rất nhiều so với chi phí mua smartphone và trả tiền mạng hằng tháng. Chuyện dạy học qua bộ đàm được nhiều trường như Trường tiểu học và trung học cơ sở Punik Satu Atap ở Punik áp dụng. Thầy cô thay phiên đến nơi tập trung, giảng vào micro và hệ thống sẽ phát đến các em qua bộ đàm. “Ơn trời là nó hiệu quả” - Rusdianto nói với The Jakarta Post vào tháng 8-2020.

Theo báo South China Morning Post, Trường tiểu học SD Negeri Mojo (thành phố Surakarta, đảo Java) cũng áp dụng cách làm này. Sáng tạo, hữu ích nhưng giải pháp tạm thời này cũng có hạn chế của nó. Học sinh chỉ có thể nghe giảng, không có trực quan sinh động và chất lượng âm thanh truyền qua bộ đàm không phải lúc nào cũng rõ.

 
 Em Melvin Saputra (12 tuổi), học qua bộ đàm tại nhà ở Surakarta (Indonesia). -Ảnh: South China Morning Post

Bài giảng từ loa phóng thanh

Trong những ngày trường học tạm đóng cửa vì COVID-19, tại làng Kanwarsika (bang Haryana, Ấn Độ), mỗi sáng vẫn có tiếng chuông báo hiệu đến giờ vào lớp. Nhưng nó không phát ra từ ngôi trường địa phương, mà từ một chiếc xe tải chở theo một cái loa phóng thanh. Học sinh cũng không cắp sách đến lớp, mà ngồi yên trong nhà hay các khu đất trống - dĩ nhiên là có tuân thủ giãn cách, để nghe giáo viên ngồi trong xe, dùng micro giảng bài - mỗi ngày một môn, theo báo Indian Express.

Làng Jhamri cũng dùng cách này nhưng có chút khác biệt. “Tôi đặt hệ thống loa lên một cái xe đẩy. Các giáo viên sẽ thay phiên mỗi ngày đẩy xe đến vị trí thuận lợi và bắt đầu giảng bài ở đó. Dạy kiểu này không bằng trong lớp nhưng ít nhất nó cũng giúp học sinh không bỏ học” - Satyanarayan Sharma, người điều hành một ngôi trường địa phương, nói.

 
 Trẻ em nghe giảng từ loa phóng thanh ở làng Dandwall, bang Maharashtra (Ấn Độ) ngày 23-7-2020. Ảnh: Reuters

Hệ thống kiểu “loa phường” này thật sự hữu dụng ở những nơi mà thậm chí dạy học qua truyền hình hay sóng phát thanh cũng nằm ngoài tầm với của học sinh, chẳng hạn như Nuevo San Rafael, nơi sinh sống của cộng đồng người bản địa Shipibo ở Ucayali, vùng nằm trong rừng nhiệt đới Amazon ở Peru.

Dù ngành giáo dục Peru đã có chiến lược dạy học từ xa mang tầm quốc gia “I learn at home” (Em học ở nhà), phát bài giảng qua Internet, tivi và radio, học sinh ở Nuevo San Rafael vẫn không thể tiếp tục “đi học” vì nơi này không có mạng hay sóng truyền hình. Sóng phát thanh vẫn đến được, có điều “có rất ít nhà có radio và sóng radio cũng chỉ đến được một vài điểm trong khu vực” - theo Gisella Godier, điều phối viên phụ trách vùng Ucayali của UNICEF.

UNICEF đã mang chương trình “học qua loa phát thanh” đến với Nuevo San Rafael. Chiếc loa được đặt trên ngọn cây cao nhất ở Nuevo San Rafael để giọng giảng bài của các thầy cô giáo vang được đến từng ngõ ngách. 

Nhưng làm được điều đó cũng lắm kỳ công. USB đựng file bài giảng phải được một giáo viên chuyển từ thành phố về làng, rồi mới cắm vào hệ thống phát thanh chạy bằng máy phát điện do phụ huynh góp tiền mua, vì điện ở đây không phải lúc nào cũng có.

Ở những ngôi làng heo hút, chuyện học từ xa vẫn diễn ra mà không có rất nhiều thứ. Không mạng, không thiết bị công nghệ và không có màn hình nào để cô trò thấy nhau, lũ trẻ còn biết bạn bè chúng hiện thế nào như các lớp học qua Zoom nơi thành thị. 

Nhưng sự học vẫn được duy trì, và cả người dạy lẫn người học đều khao khát đến ngày được trở lại trường lớp cùng bảng đen phấn trắng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận