Hội phụ huynh: Tiếp sức cho ai?

VĨNH HÀ 21/10/2012 15:30 GMT+7

TTCT - Lạm thu, và những lo lắng, tranh luận căng thẳng về tiền nong dấy lên đầu mỗi năm học đã phủ một màu tối lên hệ thống giáo dục VN, nhất là ở cấp tiểu học.

Hội phụ huynh: Tiếp sức cho ai? - Ảnh 1.

Xây dựng một hội phụ huynh đúng danh nghĩa và vai trò là mong muốn của nhiều người - Ảnh: Minh Đức

Cha mẹ học sinh - những người có vai trò thiết yếu không kém các giáo viên và nhà quản lý giáo dục - đang đứng trước những xung đột thật sự trong câu hỏi "Phải làm gì và nên làm gì để giúp con cái học tốt và nên người?". 

Từ đây, một câu hỏi khác cũng không kém phần quan trọng được đặt ra về vai trò, trách nhiệm của hội phụ huynh.

Năm 2011, Bộ GD-ĐT ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐD), quy định khá cụ thể những gì làm và không được làm của các BĐD trong trường mầm non và phổ thông. Song những gì diễn ra trên thực tế thì vẫn ngày càng xa rời quy định này.

Một cuộc họp phụ huynh

Gần 176 triệu đồng là con số dự toán thu chi quỹ phụ huynh trong học kỳ I của một lớp học ở Hà Nội, gần gấp đôi tổng số tiền ngân sách chi cho hoạt động giáo dục cả năm học của một trường ở tỉnh miền Trung. 

PV Tuổi Trẻ có mặt tại phòng học một lớp khối 1G một trường tiểu học công lập của quận Ba Đình (Hà Nội) để họp phụ huynh đầu năm học.

Thông báo của chị trưởng BĐD tên H. cho biết từ hồi hè, "BĐD lâm thời của lớp đã thu 3 triệu đồng/học sinh, tổng số tiền đã thu là 171 triệu đồng. Tuy nhiên, tổng dự toán thu chi học kỳ I của lớp là gần 176 triệu đồng với 13 mục, trong đó đã chi gần 85 triệu đồng mua các thiết bị nghe nhìn cho lớp như máy tính xách tay cho cô giáo, máy chiếu, dàn micro - ampli - loa..., nặng nhất là khoản chi 57 triệu đồng mua bảng tương tác, mua máy điều hòa gần 26 triệu đồng…, 36 triệu đồng sẽ chi quà cho cô giáo và ban giám hiệu vào các dịp lễ"… Phụ huynh nào quan tâm các chi tiết cụ thể của bảng dự toán thu chi thì chị H. cho mượn với điều kiện "ngồi xem tại chỗ, không được chụp lại".

Buổi họp trở nên sôi động khi một vị đại diện khác tên là T. thông báo cô giáo chủ nhiệm vừa "bị mất cắp ví tiền và điện thoại do kẻ gian cạy cửa lớp khi cô dẫn các con xuống sân tập khai giảng, trong đó khoản tiền bị mất chủ yếu là khoản cô vừa thu của học sinh để mua sách hộ các con" và đề nghị các phụ huynh "hỗ trợ" cô.

Vài phụ huynh mau mắn đồng ý, một số phản đối, nhóm khác băn khoăn. Rốt cục, một nữ phụ huynh quyết định đứng ra quyên tiền (ghi tên và số tiền đóng góp của từng phụ huynh) và phụ huynh lần lượt đưa tiền.

Tôi hỏi một phụ huynh có góp tiền không, ông thật thà đáp "nhà tôi chắc chắn nghèo hơn cô giáo, nhưng chẳng lẽ các vị ấy kêu gọi rồi ghi tên từng người như vậy tôi lại muối mặt mà không đóng?".

Biến tướng đủ đường

Tại tất cả các trường học hiện nay đều có BĐD cấp trường và lớp, trên tinh thần phối hợp nhà trường và giáo viên chủ nhiệm thực hiện hoạt động dạy học, giáo dục học sinh. Nhưng thực tế, phần đông chỉ cùng giáo viên chủ nhiệm tổ chức các cuộc họp phụ huynh, thu tiền đóng góp, lo việc "lễ" thầy cô vào các dịp lễ lạt trong năm.

Chị Hạnh, một người từng "xin ra khỏi BĐD" khi con còn học lớp 4 một trường tiểu học ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), kể: "Hai năm tham gia BĐD, công việc chủ yếu của chúng tôi là thu tiền của cha mẹ học sinh, phổ biến đến họ những chủ trương của trường, trong đó phần lớn liên quan đến việc thu tiền. Trường cần phụ huynh hỗ trợ cái gì đều "khoán trắng" cho BĐD trong việc phổ biến, thuyết phục và thu tiền phụ huynh. Phụ huynh khác còn có thể thắc mắc, nhưng người trong BĐD thì gần như phải đứng về phía nhà trường, giáo viên chủ nhiệm. Tôi xin ra khỏi BĐD vì chứng kiến những gợi ý thu vô lý mà bất lực, không thể phản ứng".

Những người rút lui trong lặng lẽ như chị Hạnh không nhiều. Chị Ngọc, một phụ huynh Trường tiểu học Trung Tự (Hà Nội), cho biết năm nào BĐD lớp cũng thu quỹ lớp để chi tiêu hàng chục khoản và đều rất vô lý như kẻ lại bảng, sơn lại lớp, mua xô - giẻ lau sàn nhà, đồng hồ treo tường, quạt…

"Tôi từng lên gặp cô hiệu trưởng để thắc mắc. Cô hiệu trưởng tỏ ra rất lắng nghe rồi hứa hẹn sẽ nhắc nhở giáo viên trả lại những khoản phụ huynh không đồng ý. Tuy nhiên, chẳng bao giờ có chuyện trả lại" - chị Ngọc kể.

Để tìm hiểu thật kỹ về hoạt động của BĐD, PV Tuổi Trẻ đã dự thính nhiều cuộc họp phụ huynh đầu năm học này. Hầu hết các cuộc họp diễn ra như sau: sau phần trao đổi của cô giáo chủ nhiệm, BĐD phổ biến chuyện tiền.

Quỹ phụ huynh lớp từ 500.000 đồng/người tăng lên 700.000 đồng, 1 triệu, rồi 2 triệu đồng/người, mà vẫn bỏ ngỏ khả năng "có thể đóng thêm nếu cuối năm hụt quỹ".

Ở một trường THPT của quận Đống Đa (Hà Nội), khi một số cha mẹ học sinh đề nghị buổi họp phụ huynh đầu năm nên dành thời gian để chia sẻ kinh nghiệm giáo dục con cái, cách xử lý những tình huống phát sinh ở lứa tuổi nhạy cảm thì người của BĐD gạt đi, rồi đề nghị phụ huynh nộp tiền cho những khoản đã "tiền trảm hậu tấu" như sơn lại tường, mua thêm quạt, rèm cửa…

Đáng buồn là trong tất cả những bản diễn giải thu chi tự nguyện (do BĐD đứng ra thu), ngoài phần đầu tư thiết bị, sửa chữa cơ sở vật chất thì khoản được chi nhiều nhất là cho thầy, cô giáo, ban giám hiệu và nhân viên nhà trường. 

Chỉ tính một ngày lễ, hàng chục địa chỉ mà phụ huynh các trường phải có quà, từ ban giám hiệu đến bộ phận tài vụ, văn phòng, bảo vệ… Tiền cấu ra từ quỹ phụ huynh như muối bỏ bể.

Hội phụ huynh: Tiếp sức cho ai? - Ảnh 2.

Sự phản kháng yếu ớt

H.A., cựu phụ huynh Trường tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội), là một trong những người hiếm hoi dám công khai chống lại việc nhà trường mượn BĐD để lạm thu. Hồi ấy (năm học 2010-2011), con gái H.A. học lớp 3A3 Trường tiểu học Nam Trung Yên.

Trước áp lực của nhà trường về "xã hội hóa" để thu tiền mua máy điều hòa, rèm cửa và một số khoản thu khác, H.A. cùng nhiều phụ huynh khác của lớp 3A3 không chấp nhận. Giáo viên chủ nhiệm lớp 3A3 đã gọi phụ huynh lớp họp đột xuất nhiều lần nhưng vẫn không đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Rất may cho H.A. và một số phụ huynh khác là BĐD lớp đứng về phía họ. Tuy nhiên, một vài phụ huynh trong lớp bắt đầu lên tiếng cạnh khóe H.A. và những phụ huynh dám đấu tranh, cho rằng vì họ mà các phụ huynh khác mất thời gian, cô giáo không yên tâm dạy học…

Cuối cùng giáo viên chủ nhiệm đề nghị để ổn định tình hình, lớp bầu BĐD khác. Trao đổi với các cơ quan chức năng, ban giám hiệu Trường tiểu học Nam Trung Yên giải thích việc lớp 3A3 bầu lại BĐD là vì yêu cầu của phụ huynh!

Đấu tranh trực diện với nhà trường không ăn thua, nhiều phụ huynh Trường tiểu học Nam Trung Yên hồi đó đã tìm đến nhiều cơ quan báo chí. Mặt khác, họ gửi đơn trình bày sự việc đến nhiều cơ quan chức năng.

Trong cuộc gặp với Quận ủy Cầu Giấy, bà Lương - bà nội một học sinh khối 5 - đã lên án nhà trường thu tiền của phụ huynh để mua sắm, chi tiêu theo cách "vén tay áo sô đốt nhà táng giấy". Sau khi lắng nghe thông tin từ hai bên (nhà trường và phụ huynh), cơ quan chức năng động viên phụ huynh yên tâm ra về, họ sẽ có kết luận thỏa đáng.

Tuy nhiên, rất lâu sau đó, các phụ huynh nhận được văn bản trả lời kiểu "vừa đúng vừa sai" và không hề có bất kỳ hình thức kỷ luật nào với hiệu trưởng nhà trường. Vậy là "hòa cả làng". "Nhớ lại, tôi không khỏi ớn lạnh. Hồi ấy khi báo chí viết về trường, các cuộc họp phụ huynh diễn ra để "bình ổn tình hình" nhưng thực chất là để đấu tố xem ai làm rò rỉ thông tin" - H.A. nhớ lại.

Phụ huynh một trường THPT quận 1 (TP.HCM) kể chị là người duy nhất đứng lên đề nghị trưởng BĐD lớp cho xem bản giải trình thu chi năm trước, dự toán năm sau trước sự khó chịu ra mặt của vị hội trưởng và tiếng xì xào kêu mất thời gian của nhiều phụ huynh khác.

Sự phản kháng hiếm hoi của phụ huynh thường ít mang lại kết quả nếu chỉ đi bằng con đường chính thống là khiếu kiện lên hiệu trưởng, trưởng phòng giáo dục. Kết quả của cuộc tranh đấu thường là con cái bị kỳ thị, bị "quan tâm" đặc biệt khiến nhiều học sinh bị áp lực nặng nề.

Đã có những người không thể đấu tranh được với tiêu cực thì đành phải xin chuyển trường, chuyển lớp cho con để "tránh bão". Như một thông lệ cay đắng, không ít tiêu cực của nhà trường khi bị bung bét, cha mẹ học sinh lại là đối tượng "giơ đầu chịu báng" mà không thể phản kháng.

Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội) từng xảy ra một việc kinh động khi tập thể giáo viên kiện trưởng BĐD cấu kết với hiệu trưởng vi phạm quy định thu chi. Báo chí vào cuộc và thanh tra Sở

GD-ĐT Hà Nội xuống kiểm tra. Nhiều khoản thu - chi núp dưới danh nghĩa tự nguyện, thiếu chứng từ hợp pháp, làm thất thoát lượng tiền lớn đã được thanh tra sở xác nhận, nhưng kết luận của thanh tra lại quy trách nhiệm chính cho BĐD các lớp. Hiệu trưởng chỉ bị lỗi nhẹ còn ông trưởng BĐD trường thì vô can.

"Trả lại tên cho em" bằng cách nào?

Trong điều lệ BĐD cha mẹ học sinh của Bộ GD-ĐT ban hành năm ngoái thì các vị hiệu trưởng phải có trách nhiệm trong các hoạt động của BĐD cấp trường và lớp. Theo đó, nếu BĐD gây nên lạm thu, tổ chức dạy thêm, học thêm tùy tiện thì hiệu trưởng bị quy trách nhiệm.

Đây là điểm mới không có trong điều lệ đã ban hành trước đó với mục đích đưa hoạt động của BĐD trở về với đúng vai trò của nó. Nhưng trên thực tế, gần một năm ban hành điều lệ mới, những bất cập liên quan đến BĐD vẫn không hề thuyên giảm. Bởi nhận thức, quan điểm của nhiều bậc cha mẹ và các BĐD không thay đổi, áp lực từ phía nhà trường, thầy, cô giáo đối với cha mẹ học sinh không thay đổi.

Trong khi đó, không hề có một tổ chức, bộ phận khách quan hơn để giám sát, xử lý sai phạm và bảo vệ những phụ huynh dám đứng lên tranh đấu với tiêu cực. Điều lệ thậm chí có cả quy định "UBND các tỉnh, thành không quy định việc thu và sử dụng quỹ của BĐD, nhưng phải có trách nhiệm quản lý, kiểm tra việc thực hiện điều lệ BĐD". Nhưng việc kiểm soát này không hiệu quả và bao trùm hết các hoạt động được bưng bít trong nhà trường.

Khi hỏi về điều lệ BĐD cũng như các văn bản hướng dẫn quản lý thu chi các cấp, tất cả phụ huynh đều lắc đầu, ngay cả một vị trong BĐD Trường THCS Huy Văn, quận Đống Đa cũng khăng khăng các khoản thu lên đến hàng triệu đồng, kể cả quỹ phụ huynh trường, lớp đều do "trên quy định".

Suy nghĩ về việc xây dựng một hội cha mẹ học sinh theo đúng danh nghĩa và vai trò là mong muốn không chỉ của chính các bậc cha mẹ học sinh mà còn của nhiều nhà giáo muốn chấn chỉnh tiêu cực trong giáo dục.

Cha mẹ học sinh làm gì?

Được: phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh; tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật...

Tổ chức lấy ý kiến cha mẹ học sinh của lớp về biện pháp quản lý giáo dục học sinh để kiến nghị cụ thể với giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn về biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, chất lượng dạy học; phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục truyền thống, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh...

Không được: sử dụng quỹ cha mẹ học sinh vào những việc nằm ngoài hoạt động trực tiếp của BĐD, như việc bảo vệ cơ sở vật chất nhà trường, tiền an ninh, tiền vệ sinh, trông xe, khen thưởng cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường, mua sắm máy móc, trang thiết bị đồ dùng dạy học cho trường, lớp, cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên sử dụng, sửa chữa nâng cấp, xây dựng các công trình của nhà trường.

Thu chi không đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch.

(Trích điều lệ BĐD cha mẹ học sinh do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 22-11-2011)


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận