Hollywood và cảnh nóng: Không thể trở lại thời “Bản năng gốc”

XUÂN TÙNG 12/06/2022 17:05 GMT+7

TTCT - Các cảnh quay gợi tình trong phim điện ảnh đang ngày một hiếm - ngay cả khi xã hội đang có vẻ ngày một thoáng hơn với vấn đề tình dục. Có phải ngành sản xuất phim đang bước vào một kỷ nguyên “hậu khiêu khích”, và nếu có thì tại sao?

  
 Ảnh: Cosmopolitan

Thay đổi tư duy

Đi song song với phong trào cách mạng tình dục tại Mỹ và các nước phương Tây xuyên suốt thế kỷ 20, các cảnh nóng xuất hiện và trở thành một phần căn tính của phim Hollywood từ những ngày sơ khởi.

Từ những cái liếc mắt đẩy đưa, những cảnh ôm ấp ẩn ý đến những đoạn nude trực diện - những cảnh tình tứ trong phim đóng vai trò quan trọng trong các tác phẩm điện ảnh, có thể trở thành phương tiện đẩy câu chuyện lên cao trào, yếu tố mở nút, hoặc đơn giản để làm hài lòng người xem.

Từ thập niên 1970 đến đầu những năm 2000, những cảnh khêu gợi ấy đã là lực hút lớn nhất kéo khán giả đến rạp, đến nỗi nhiều phim dù không có cảnh gợi dục (như Lady Whirlwind của nữ ngôi sao võ thuật Trung Quốc Angela Mao Ying) vẫn bị ép quảng bá bằng các poster khiêu khích để lôi kéo người xem khi cập bến Mỹ.

Vậy mà giờ đây, các nhà làm phim Hollywood có vẻ đang ngần ngại với cảnh nóng hơn bao giờ hết. Trong một bài viết cho tạp chí Playboy năm 2019, tác giả Kate Hagen thống kê: “Chỉ 1,21% trong số 148.012 phim điện ảnh được sản xuất từ 2010 [theo dữ liệu của IMDB] có thể hiện cảnh sex. Đây là con số thấp nhất (tính theo thập niên) kể từ những năm 1960”. Cô cũng cho thấy cảnh nóng trong phim điện ảnh đạt đỉnh vào thập niên 1990 - thời hoàng kim của phim giật gân có yếu tố khêu gợi (erotic thriller) - với 1,79% số phim có cảnh nóng. Sự sụt giảm này là đáng chú ý, bởi số phim được thực hiện trong thập niên vừa qua nhiều gấp đôi so với giai đoạn từ 1990-2000.

Paul Verhoeven, đạo diễn kỳ cựu của thể loại erotic thriller, cho rằng các tác phẩm để đời như Basic Instinct (Bản năng gốc, 1992) của mình sẽ không còn đất sống tại Hollywood trong bối cảnh hiện nay nữa. Tuy vậy, nhà làm phim nay đã 84 tuổi này mới năm ngoái vẫn công bố Benedetta, bộ phim gây tranh cãi vì đề tài nữ tu đồng tính lẫn những cảnh sắc dục tràn ngập. “Ngành phim đang có sự dịch chuyển về hướng Thanh giáo [nhánh Công giáo đề cao sự kiềm chế bản thân]” - Verhoeven nói trong buổi ra mắt Benedetta tại liên hoan phim Cannes 2021.

 
 Đạo diễn Paul Verhoeven chỉ đạo diễn viên khi quay Benedetta

Tại sao?

Có thể kể đến một vài lý do, từ xã hội đến tự thân ngành điện ảnh, dẫn đến sự dịch chuyển này.

Trước hết, một trong các lý do được viện dẫn nhiều nhất là việc nội dung khiêu dâm ngày một tràn lan trong thời đại số, vì thế chuyện phim điện ảnh có hay không cảnh nude cũng chẳng còn được quan tâm nhiều như trước nữa.

Nhà báo Anh Helen Lewis lại cho rằng sức ảnh hưởng của cảnh nóng đang dần “di cư” sang định dạng phim truyền hình, thứ ngày càng táo bạo hơn trong khi phim điện ảnh “ngoan hiền” hơn. “HBO đã đi tiên phong trong việc tạo ra mô hình (streaming) mà ở đó mỗi người dùng đều được mặc định là người lớn, từ đó cho phép nền tảng chiếu các phim như Sex and The City hay The Deuce một cách thoải mái” - Lewis nói với BBC. Đến đây, ta cũng không thể không nhắc tới Netflix với các series phim truyền hình gây nhiều tiếng vang vì dám “làm tới” như Bridgerton hay Sex/Life.

Cùng lúc đó là một cuộc đổi ngôi trong làng điện ảnh: Thống trị thị trường hiện nay không còn là các bộ phim khiến bố mẹ con cái ngượng chín mặt khi đi xem chung, mà là các dòng phim ít đụng chạm (theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) thân thiện với gia đình, từ đó tối đa hóa khả năng bán vé. Đại diện tiêu biểu nhất chính là vũ trụ điện ảnh Marvel, nơi các công thức hành động, kịch bản, kỹ xảo đẹp mắt cùng dàn diễn viên nóng bỏng nhưng tuyệt đối tránh khêu gợi đã bảo đảm thành công cho phòng vé từ phần này qua phần khác. Ngược lại, cảnh nóng đang trở nên quá rủi ro - quá khó kiểm soát, không lường trước được phản ứng của khán giả và nguy cơ cao khiến phim bị dán nhãn cấm trẻ em, dẫn đến nguy cơ mất tập khách hàng gia đình đầy béo bở.

Đồng thời, thái độ xa rời các cảnh quay NSFW (không hợp xem tại nơi làm việc) cũng có thể được truy về sự nổi lên của phong trào #MeToo. Các lời kêu gọi chống lại nạn bạo hành và xâm hại trong ngành làm phim đã dẫn đến nhiều thay đổi tích cực, khiến các đạo diễn từ bỏ xu hướng vật hóa (objectify) cơ thể phụ nữ để thu hút sự chú ý. Hollywood cũng đã chấp nhận các tiêu chuẩn mới nghiêm ngặt hơn về giới hạn và đồng thuận trước khi quay cảnh nóng nhằm đảm bảo an toàn cho diễn viên. Tuy nhiên, ngay cả khi các biện pháp an toàn được thi hành thì sự lo sợ xung quanh cảnh nóng vẫn còn. Sex trên màn ảnh đã không còn là trò đùa để các đạo diễn mang ra trêu chọc hoặc biến tướng. Chỉ một sai lầm nhỏ có thể khiến dự án của họ nhận về một cơn bão thịnh nộ trên mạng xã hội trong thời gian tính bằng phút.

 
 Minh họa của Nathan Hackett cho Hollywood Reporter về "những yếu tố chính trị mới của cảnh nóng ở Hollywood trong thời #MeToo".

Khán giả muốn thấy gì?

Ở thời bùng nổ truyền thông, khi nội dung khêu gợi đã bão hòa, khán giả dường như đã trang bị cho mình một bộ lọc chất lượng khi đối đầu các cảnh nóng. Mỗi cảnh diễn ra trong phim đều cần có một lý do đằng sau; mỗi động chạm da thịt đều phải có sức nặng và cần đóng vai trò nâng tầm câu chuyện phim. Việc khiến khán giả rạo rực không còn là đủ; theo lời nhà phê bình phim Vinson Cunningham, người làm phim cần phải “cá tính hóa và cá nhân hóa mỗi phân cảnh”.

Cunningham lấy Brokeback Mountain - bộ phim Hollywood kinh điển về đề tài người đồng tính làm ví dụ. Cảnh thân mật giữa Ennis (Heath Ledger) và Jack (Jake Gyllenhaal) cho thấy mối quan hệ phức tạp giữa Ennis với xu hướng tính dục của chính mình - anh không thể phân biệt giữa ham muốn và nỗi sợ. Phim thể hiện những khao khát bị kìm nén bởi bạo lực và tình cảm của nhân vật qua những quan sát đầy ý nhị.

Cũng theo Cunningham, bối cảnh đại chúng đang tiến vào một thời kỳ “hậu chủ nghĩa sinh lực” (post-vitalism), khi nhục dục không còn là mục tiêu được khán giả tôn thờ, và tình yêu cũng không còn là động lực duy nhất để theo đuổi trong cuộc sống. Có thể thấy qua sự lên ngôi của một thể loại phim được trang Vox gọi là millennial parental apology fantasy, hiểu nôm na là viễn tưởng về lời xin lỗi của cha mẹ của thế hệ thiên niên kỷ (sinh từ 1981-1996).

Đại diện của tiểu thể loại này là Turning Red, Encanto, The Mitchells vs. the Machines, và gần đây nhất là bom tấn đa vũ trụ Everything Everywhere All At Once. Trong các bộ phim này, nhân vật chính không thực sự đi kiếm tìm thành công, tình yêu hay vinh quang chiến trận - thứ thúc đẩy họ xuyên suốt bộ phim là một lời xin lỗi của cha mẹ vì những tổn thương mà họ vô tình gây ra cho con cái mình trong suốt quá trình lớn lên.

 
 Một cảnh trong Everything Everywhere All at Once

Nói vậy không có nghĩa là cảnh nóng không còn đất sống; chúng vẫn đang tồn tại, chỉ là ở một dạng thức khác. Ngày càng nhiều đạo diễn đang đi tìm các cách thể hiện mới, tách khỏi lối mòn “nhãn quan nam giới” vốn đã ăn sâu bám rễ trong ngành phim từ lâu. Có thể kể đến 50 Shades of Grey (50 Sắc Thái), với 3 phần phim đạt mức doanh thu choáng ngợp 1,3 tỉ USD toàn cầu. Dù cách thể hiện về vấn đề giới và tình dục BDSM gây nhiều tranh cãi, phim vẫn được đón nhận nồng nhiệt vì hiểu đúng nhu cầu của khán giả nữ - họ muốn được quyền quyết định, dù quyết định đó là phục tùng kẻ khác.

Đi cùng với đó là ngày càng nhiều thể nghiệm trong “vùng cấm” của điện ảnh: Cơ thể nam giới. Trong khi cơ thể nữ giới đã bị khai thác đến mức nhàm chán, sự hiện diện của cơ thể nam trên màn ảnh vẫn khá mới lạ, do đó vẫn còn nguyên khả năng gây sốc mà Hollywood hằng mong. Từng một thời bó gọn trong các phim kinh phí thấp, cảnh nude trực diện của diễn viên nam giờ đây đã xuất hiện trong các phim tranh giải Oscar, với các ngôi sao hạng A như Bradley Cooper (Nightmare Alley) hay Benedict Cumberbatch (The Power of the Dog) xuất hiện trần truồng trước ống kính.

Xét cho cùng, tình dục không còn (và không nên) bị coi là đáng xấu hổ trong thời đại ngày nay. Đây cũng là một trong những chủ đề phức tạp nhất mà loài người biết đến - một khoảnh khắc nhỏ có thể thay đổi hoàn toàn mối quan hệ giữa hai người xa lạ. Những cảnh khêu gợi trên phim điện ảnh thường mang tiếng “giật gân” và “thiếu chiều sâu”, nhưng chúng cũng có nhiều tiềm năng để lột tả những khám phá nội tâm, hay cho thấy những khía cảnh chưa từng được tiết lộ của nhân vật.

Với nhiều bài học để lại xoay quanh nạn phân biệt giới trong ngành làm phim, khán giả có quyền hi vọng vào các bộ phim tinh tế hơn, với các cảnh quay thân mật hàm chứa sự nhạy cảm giữa người với người, hay nói cách khác là những cảnh nóng “hợp thời” hơn.■

Được nhắc đến liên tục trong các thảo luận về truyền thông và giới trong mấy năm gần đây, khái niệm “nhãn quan nam giới” (male gaze) do nhà lý thuyết điện ảnh người Anh Laura Mulvey đề xuất năm 1975. Theo Mulvey, “nhãn quan nam giới” không đơn giản chỉ là cách đàn ông nhìn phụ nữ, mà là cách phụ nữ được thể hiện với tư cách một vật thể thụ động, xét trong tương quan với đàn ông. Khán giả buộc phải nhìn nhận người phụ nữ từ quan điểm của một người đàn ông dị tính, ngay cả khi họ là những người phụ nữ dị tính hoặc người đồng tính nam. Mulvey tin rằng phụ nữ trong trường hợp này là “người chứa đựng ý nghĩa, chứ không phải là người tạo ra ý nghĩa”.

Đối với điện ảnh, những góc quay, hành động nhân vật… đặc biệt là cách truyền tải nội dung bộ phim bị lệ thuộc vào con mắt của người đàn ông. Nhân vật nữ trong phim thường được bóp nặn bởi các tiêu chuẩn rất “đàn ông”: Ngực và vòng 3 bốc lửa, ít nói và quy phục mệnh lệnh của người đàn ông trong đời họ. Họ thường không tự thân quyết định cuộc đời mình, và thường được định nghĩa bằng mối quan hệ giữa họ với một người đàn ông khác (người mẹ, người vợ, người tình).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận