​Im lặng chắc đỡ đau hơn

Anh nhận được tin trúng tuyển đi làm nghiên cứu sinh ở Nga, một tháng nữa sẽ bay. Tin đáng lẽ vui nhưng lại không làm anh mừng, chỉ thấy lo lắng phát hoảng, như nước đến chân buộc phải nhảy.

Minh họa: Bích Khoa

Cưới vợ xong, anh nhận công tác giảng dạy tại một trường đại học cách nhà trăm cây số. Vợ giáo viên biên chế ở quê, chưa thuyên chuyển được cũng không thể bỏ việc mà đi. Chồng một đằng vợ một nẻo, cuối tuần mới được gặp nhau hai ngày. Vợ chồng mới cưới thời gian không tính bằng ngày mà tính bằng đêm.

Vậy nên chính xác phải nói mỗi tuần được gặp nhau một đêm. Chưa đủ cho cái hừng hực trẻ trung thì đã phải tạm xa nhau. Kỳ nghỉ hè chồng vợ sống với nhau hai tháng. Liên tục, rã rời vẫn chưa thấy mầm sinh. Nghi nghi anh chị bàn nhau đi khám. Suy đi tính lại càng ngần ngại. Lỡ kết quả cho biết anh hoặc chị bị chứng vô sinh thì càng khó xử. Của nả người làm con cái trời cho. Cái gì ý trời thì tốt nhất đừng can thiệp. Nghĩ thế để yên tâm ở nhà đừng dây dưa bệnh viện. Không đi khám có nghĩa là còn có thể chờ đợi và hi vọng.

Hai tháng ở trời Nga, một ngày anh nhận được tin vợ báo đã có bầu. Anh nhảy lên vui mừng. Trời có mắt. Những ngày ít ỏi được sống với vợ trước khi bay đã có ý nghĩa. Đứa con sẽ là niềm động viên để anh cố gắng hoàn thành sớm chương trình trở về. Đứa con sẽ là niềm vui cho người vợ ở nhà bớt buồn. Đứa con sẽ giúp bố mẹ anh có thêm niềm vui tuổi già.

Nhưng anh vốn có chút đa nghi. Biết đâu... Nghĩ đến đó anh thấy ớn, thấy mang tội với vợ. Chắc không phải đâu. Nếu có chuyện đó chắc vợ không báo tin bằng thái độ hí hửng vui mừng như vậy.

Đứa bé chào đời. Vợ lấy điện thoại chụp ảnh gửi email cho anh xem. Thằng cu kháu khỉnh dễ thương. Nhìn mặt con anh thấy vui, lại có chút áy náy. Lẽ ra anh phải cùng vợ vượt cạn, đứa con chào đời cũng cần có hơi ấm của bố. Anh tự nhủ lòng khi trở về sẽ bù đắp cho hai mẹ con. Lúc nào bật máy tính anh cũng kiểm tra email. Vợ vẫn thường xuyên gửi ảnh thằng cu con qua email anh. Cho anh đỡ nhớ, hay chỉ làm anh thêm nhớ.

Thỉnh thoảng có anh bạn hỏi vui con mày có giống bố không, anh lại thấy khó xử. Hỏi thăm hay chơi đểu nhau. Tất nhiên anh phải trả lời là giống, mặc dù thằng cu mới mấy tháng tuổi. Trẻ con chừng ấy chưa thể nhìn ra nét mặt giống ai được. Lại có anh bạn đọc thơ tiếu lâm. Bài thơ con cóc giới sinh viên du học truyền nhau. Bao năm du học ở trời Nga/ Ngày về đường phố nở đầy hoa/ Gặp em bồng con nó chào bác/ Chào chi cho lòng bác tan nát. Dĩ nhiên bối cảnh trong bài thơ con cóc kể chuyện anh chàng đi du học và cô người yêu ở nhà, đến khi trở về thì người yêu đã lấy chồng. Không dính dáng gì đến chuyện anh, nhưng nghe cũng thấy nhột tai.

Những bức ảnh thằng cu vẫn được vợ gửi đều đặn qua email. Những bức ảnh trong các bộ áo quần mới, qua đó anh thấy con lớn lên từng ngày. Anh ngắm ảnh thằng cu thấy nó giống mẹ nhiều hơn. Anh không quan trọng chuyện con giống bố hay giống mẹ. Chỉ nghĩ lúc nó hoài thai thì mình đã đi. Chín tháng mười ngày trong bụng mẹ nó có được gần bố đâu mà bảo nó giống mình cho được.

Vợ anh vẫn ở nhà nuôi con chờ chồng, đi dạy hết giờ là về nhà ngay để phụ giúp bố mẹ chồng. Thỉnh thoảng anh gọi điện về nhà hỏi thăm tình hình, nghe tiếng con bi bô nói cũng ấm lòng.

Bà cụ trách yêu thằng cu càng lớn càng nghịch, chẳng giống anh chút nào, anh coi nhanh nhanh về mà dạy con nhé. Có vài lần thằng cu hiếu động làm vỡ cái cốc cái chậu, bà cụ dằn nó ra bảo giống nhà này có phá phách thế đâu. Vợ anh ở dưới bếp nghe bà mắng cháu không biết là mắng yêu hay có ý bóng gió gì không. Mẹ chồng nàng dâu thời nay không còn căng thẳng như xưa. Nhưng một khi con trai của bà xa nhà mấy năm thì bà cũng có quyền nghi ngờ, có lý lẽ mà nói nửa vời, cốt là để nhắc nhở con dâu. Điều đó không thừa.

Có lần trường tổ chức tọa đàm tiệc tùng nên chị về muộn. Bà cụ giận không ăn cơm, hôm sau cũng tỏ vẻ mặt lạnh nhạt. Biết mẹ chồng buồn nên những lần khác trường có tổ chức việc gì chị đều xin về trước. Đàn bà xa chồng vốn đã buồn và thiếu thốn, nay lại phải cắt luôn những hoạt động cộng đồng. Vì yêu anh, chị sẵn sàng hi sinh tất cả, cốt để gia đình chồng tin tưởng mình.

Rồi cũng xong bốn năm làm nghiên cứu sinh. Anh nhận bằng tiến sĩ trở về nước. Dự định của anh là sẽ xin chuyển về giảng dạy tại trường đại học trong tỉnh. Từ nay vợ chồng phải gần nhau, ăn chung nồi mới bền. Bố mẹ anh cũng đã già, cần có anh ở gần. Thằng cu con cũng đã đi lớp mẫu giáo, đã bắt đầu nhận thức về xung quanh rất rõ. Anh phải ở gần con, chơi cùng con.

Lần này về nước anh cũng hi vọng sẽ có được một mầm chồi thứ hai. Cu đầu hơn ba tuổi rồi, thêm một bé gái nữa là mãn nguyện. Bố mẹ anh cũng bảo nhà mình vốn ít người, vợ chồng bây xem sinh thêm vài đứa nữa cho vui cửa vui nhà. Cơm gạo ở quê không thiếu, đừng lo đói. Bố mẹ cũng còn khỏe, còn đỡ đần được, ít nhất là giữ cháu giúp tụi bây. Đấy là mong mỏi của cả gia đình. Niềm mong mỏi và hạnh phúc ngày trở về khiến anh mừng đến rơi nước mắt khi máy bay chạm đất Việt.

Anh thuê hẳn một chiếc taxi đi từ sân bay về nhà để sớm gặp được vợ con. Dù biết từ nay đã về đất mình nhưng mà ruột gan cứ nóng bừng. Bốn năm chờ chẳng sao nhưng một giờ lại nôn nóng. Ba giờ sáng anh mới về được đến nhà. Nghe tiếng xe đỗ xịch trước ngõ, bố mẹ anh bật dậy bấm đèn điện. Vợ không chạy ào ra đón chồng như anh tưởng tượng.

Anh mở cửa phòng ngủ, hai mẹ con không ở đây. Có một sự lộn xộn trong căn phòng nhỏ khiến anh hoảng hốt. Mảnh giấy để lại ở trên bàn. Nét chữ viết vội.

“Tối nay em đợi anh về, nhưng rồi lại phải gói ghém đi ngay không thể đợi nữa. Nếu gặp anh chắc em sẽ khó lòng ra đi, mà ở lại thì thêm phần áy náy trong lòng. Có lẽ mình không duyên phận. Em xin anh và bố mẹ lượng thứ cho tội lỗi này. Đứa con không phải là con anh. Bốn năm qua em đã giấu tất cả mọi người chuyện này vì sợ bố mẹ không chịu đựng nổi trong lúc anh đang ở xa. Bây giờ anh đã về, xin anh hãy an lòng bố mẹ giúp em. Anh là tiến sĩ rồi, em mừng lắm và không muốn anh phải mất tất cả”.

Anh như rơi từ vực cao xuống. Hoang mang, bẽ bàng, sững sờ. Tấm bằng tiến sĩ, bốn năm nghiên cứu sinh chưa phát minh ra điều gì to tát mà đến giờ phút này lại phát hiện được một tin động trời.

Ngày ra đi đã buồn, nhưng chưa thấm gì so với ngày trở về. Bố mẹ anh chưa kịp mừng người con tân tiến sĩ vinh quy thì đã ngổn ngang đau đớn chuyện gia đình. Bà con xóm làng kéo nhau đến xem mặt anh trí thức bốn năm làm Việt kiều, mong kiếm cái kẹo ăn lấy hên. Ngờ đâu chưng hửng. Thôi thì nghe được câu chuyện động trời rồi ngậm miệng im tai lẳng lặng ra về. Cũng thỏa mãn chút tò mò. Hay chỉ tăng thêm tính tò mò vốn có của người nhà quê.

Tiếng ra tiếng vào đầu làng cuối ngõ. Không ăn được cái kẹo Nga nhưng chuyện đời bi đát của ông tiến sĩ trẻ đủ đãi làng trăm bữa tiệc mồm liên tục cả tháng trời. Có người nói chơi khinh khỉnh, rằng học cho lắm vào rồi bị vợ cắm sừng, chi bằng như ta cày cuốc mà ăn, tối về ôm vợ lăn tròn no nê. Không bố mẹ nào ở làng lấy anh tiến sĩ ra làm gương cho trẻ con nữa. Trẻ con khỏi phải bị ép học nhiều. Dự đoán tình hình này tương lai làng sẽ chẳng có thêm một tiến sĩ nào. Duy nhất anh. Tiến sĩ mọc sừng.

Cả đời anh đi học. Đường chữ nghĩa thẳng tắp thênh thang học là thành thi là đỗ. Tiến sĩ xứng đáng xếp vào trí thức. Nhưng trí thức thường lại ít khả năng chống đỡ thứ dư luận bình dân. Võ mồm siêu hạng của người quê đánh ngã anh, không cho anh vác mặt ngạo nghễ ra đường được nữa. Trường đại học nơi anh công tác cũng có những đấu sĩ võ mồm nội công thâm hậu. Đấu sĩ không ra sân, chỉ thầm lặng chọc sau lưng để hạ thấp anh.

Bằng cấp trình độ như anh dễ được xem xét bổ nhiệm, chí ít là phó khoa ngay tắp lự. Họp bỏ phiếu tín nhiệm, có ý kiến thẳng thừng cho rằng gia cảnh nhà anh lộn xộn, thiếu tử tế minh bạch. Như thế mà làm lãnh đạo à, như thế mà làm trưởng khoa à. Mẫu mực đâu mà nói ai nghe. Cho đứng giảng trước sinh viên là tốt rồi. Đừng mơ. Thế là cuộc họp bỏ phiếu không thành. Phiếu chưa phát ra mà anh đã rớt.

Xứ này khó sống rồi đây. Xứ này một thằng ngoi được lên khỏi hố thì hai thằng ở dưới sẽ kéo anh xuống ngay. Môi trường trí thức cũng thế thôi. Phải thoát khỏi đây. Anh tiếp tục đăng ký đi thực tập sinh. Vẫn là nước Nga. Vẫn trường đại học danh giá mà anh từng nhận bằng tiến sĩ. Khóa thực tập sinh dài một năm nhưng trong ý định của anh sẽ ở hẳn bên đó, không trở về nữa. Về làm chi.

Anh lại sống những ngày cô đơn nơi xứ sở bạch dương. Mùa thu lá vàng, mùa đông tuyết trắng. Mùa nào cũng buồn như nhau. Với anh giờ chẳng có mùa xuân.

Anh bắt đầu mê rượu và chơi bời cho nát đời tuổi trẻ. Bốn năm nghiên cứu sinh trước đây anh đã giữ mình, không tằng tịu với bất kỳ cô nào. Giờ thì khác rồi, sau những cuộc rượu anh lại cặp một cô về phòng. Xấu chàng hổ ai mà lo. Ký túc xá này chỉ anh là người Việt. Chẳng ai biết chuyện của anh mà gửi thông tin về cho bộ giáo dục bên nhà. Trí thức đôi khi cũng dễ sa ngã. Hay vì cuộc đời không hoàn hảo như sách vở khiến kẻ học nhiều bao giờ cũng dễ thất vọng và đổ vỡ.

Những mối tình vụt qua không giúp anh khuây khỏa. Anh yêu và chiếm đoạt những cô gái Nga. Giận cá chém thớt. Thù ở bên kia đòi trả ở bên này. Giờ với anh tất cả phụ nữ đều xấu xa. Bên này hay bên kia thì cũng một mớ đàn bà. Hơn nữa, anh cũng muốn kiếm lấy một đứa con ngoài giá thú. Mẹ nó là người tóc vàng mắt xanh. Hi vọng một công dân lưỡng quốc sẽ kế thừa những điều tốt đẹp của hai dân tộc. Nó học theo cái thông minh của cha, phát huy chiều cao đáng kể của mẹ. Đứa con cũng sẽ không phải chịu thói hằn học tị hiềm ở bên kia. Như thế đời sẽ tươi hơn, chẳng như cha nó.

Nhưng mấy cô gái tóc vàng không chịu đẻ cho anh được mụn nào. Có thể các cô đã có phương pháp phòng thủ để không lọt lưới. Mà biết đâu tại anh. Nghi ngờ anh đi khám, lần này thì anh chịu tới bệnh viện để kiểm tra cái nội lực của mình. Kết quả vô sinh dương tính. Anh bình thản đón nhận. Lại đắc ý thủ chí, chả sao, thiên tài thường không có truyền nhân.

Bất giác anh nghĩ đến hai mẹ con đã từ bỏ mình. Đứa con trai của vợ, nó là điều ngoài mong muốn của anh, nhưng bây giờ anh thấy nó có ý nghĩa. Hồi đó mà cô vợ đừng bỏ đi, liệu anh có chấp nhận đứa con không? Đàn ông có dễ dàng thông cảm cho sự phản bội của đàn bà hay không? Có khả năng lắm chứ, dù gì thì anh cũng chẳng thể có mầm giống. Anh sẽ quay về đi tìm vợ và đứa con. Sẽ đón cô về nối lại tháng ngày hạnh phúc nếu như cô chưa theo ai. Mọi chuyện trong cuộc sống đều có cách giải quyết êm đẹp.

Hôm kỷ niệm năm năm ngày cưới, nhẽ ra đó là một sự kiện vui, giờ thì thành ngày buồn tê tái. Anh uống hết một chai vodka rồi lội tuyết đi lang thang giữa thành phố trắng phau. Ngày mai anh sẽ bay về nước để tìm vợ con, dù vợ và con bây giờ chỉ trên danh nghĩa. Anh bỏ luôn chương trình thực tập sinh để về. Một hi vọng mong manh đã lóe lên. Anh nhìn thấy nhà thờ đỏ rực sáng đèn.

Mấy năm ở Nga bây giờ anh mới được đi giữa đêm khuya và ngắm công trình biểu tượng thành phố giữa mùa lạnh giá. Có lẽ nhà thờ đẹp nhất là lúc này. Khi xung quanh đã lặng yên chìm giữa xốp tuyết lạnh lẽo, chỉ riêng nơi cất giữ niềm tin và sự mầu nhiệm vẫn còn sáng. Nhưng ngay lúc ấy bão tuyết bất ngờ xô anh ngã. Anh nằm luôn ở chỗ đó. Anh chết khi người đang ướp men rượu, đầu óc không tỉnh táo, chẳng phải một trí thức, như thế đỡ đau hơn.

Đại sứ quán kết hợp hội đồng hương vận động tiền đưa anh về nước. Đưa cho được thi thể anh về bằng máy bay cũng tốn kém và phiền phức. Nhưng hoàn cảnh của anh, nhiều người cũng thông cảm mà giúp đỡ.

Anh đã về làng, từ nay yên nghỉ đời đời ở đây. Không cần bịt tai sợ tiếng người đàm tiếu nữa. Chết là hết chuyện. Người ta chẳng thể moi móc được điều gì nữa đâu. Cô vợ cũng bất ngờ trở về chịu tang chồng. Cô về một mình không mang theo đứa con. Đứa con thì máu mủ chi với anh mà mang theo về cho cực. Chuyện đã rồi, có ai oán trách gì cô cũng chẳng thể xua đuổi cô đi. Lạnh nhạt với cô thì cũng không làm cho anh sống lại được nữa.

Cô xin được quấn một vành khăn xô trắng. Gia đình anh không đồng ý. Cô đã bỏ mà đi, đã theo trai thì nên để dành cái khăn bịt cho người ta. Nhà này không cấm, nhưng khuyên cô như vậy để khỏi xảy ra chuyện xấu với cô thôi.

Đến lúc này thì cô khóc òa lên. Cô không theo trai nào cả. Mẹ con cô chuyển tới một vùng xa xôi mà sống với nhau. Đứa con là kết quả của cuộc hãm hiếp tập thể vào buổi tối cô đi dạy về muộn, lúc anh chồng vừa mới bay sang Nga. Cô xấu hổ mà bỏ đi. Cô không thể sống với anh tiến sĩ bằng sự giả dối.

Nhưng phân bua làm gì nữa. Dù sao thì anh cũng đã về đây, cô cũng đã về đây. Anh khỏi mất công đi tìm như ý định. Những người cần gặp nhau đã được gặp nhau. Nói nhiều cũng không thấu được. Im lặng chắc đỡ đau hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận