Indonesia và nỗ lực thoát khỏi “lời nguyền tài nguyên”

CHIÊU VĂN 08/04/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Chính phủ của Tổng thống Joko Widodo đang quyết tâm đưa đất nước Indonesia thoát khỏi “lời nguyền tài nguyên” bằng cách cấm xuất khẩu nhiều loại khoáng sản thô. Là một trong những nước giàu tài nguyên nhất thế giới, chính sách này của Indonesia được dự báo sẽ gây ra những hệ lụy toàn cầu.

Lệnh cấm, dự kiến có hiệu lực từ giữa năm 2023, sẽ chấm dứt việc xuất khẩu nhiều loại khoáng sản chưa qua xử lý bao gồm thiếc, bauxite, vàng và đồng. 

Tác động sẽ là rộng khắp bởi vì một số loại khoáng sản này là tối quan trọng với ngành sản xuất xe điện, linh kiện bán dẫn hiện đại và nhiều lĩnh vực công nghệ xanh khác.

 
 Than đá là một trong những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Indonesia. Ảnh: Reuters

Chủ nghĩa quốc gia về tài nguyên

Trong mắt giới kinh tế gia luôn ủng hộ thị trường tự do, đây là một động thái có tính bảo hộ, thậm chí là “chủ nghĩa quốc gia về tài nguyên”. 

Tuy nhiên, theo quan điểm của Jakarta, đây là bước đi cần thiết để Indonesia thoát khỏi việc phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô hòng đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa trong nước.

Tư duy của giới làm chính sách Indonesia là lệnh cấm sẽ giúp chỉnh hướng nguồn vốn đầu tư vào những lĩnh vực sản xuất chế tạo, tạo ra công ăn việc làm, gia tăng xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn thay vì đào tài nguyên lên bán.

Cần nhắc, vào tháng 1-2020, Indonesia đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu quặng nickel, một trong những khoáng sản thế mạnh của nước này. Lệnh cấm này sớm hai năm so với kế hoạch ban đầu. 

Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) xem xét tính hợp pháp của lệnh cấm vào năm 2019, và tháng 1-2021 kiến nghị thành lập ủy ban chuyên trách ở WTO để “tìm cách loại bỏ các hạn chế xuất khẩu bất hợp pháp do Indonesia áp đặt”.

Nhưng lập trường của Indonesia vẫn rất cứng rắn. Bộ trưởng Tài chính nước này Sri Mulyani đáp trả ở Diễn đàn Kinh tế thế giới ngày 21-1: 

“Đây không phải chủ nghĩa quốc gia. Chúng tôi là nền kinh tế lớn nhất [ở Đông Nam Á] và không thể để cho một nền kinh tế như vậy chỉ phụ thuộc vào tài nguyên khoáng sản mà không có giá trị gia tăng gì”.

Đó là thông điệp ông Widodo đã nhắc lại nhiều lần, bao gồm trong bài diễn văn vào cuối tháng 12-2021 trước Đảng Đoàn kết Indonesia (PSI): 

“Đất nước chúng ta sẽ nhảy vọt… nếu chúng ta dám tiến hành công nghiệp hóa và thoát khỏi sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên. Chúng ta đã xuất khẩu nguyên liệu thô suốt nhiều thập niên… Giờ đã tới lúc dừng lại”. Ông cũng khẳng định việc gặp bất lợi trong những vụ kiện cáo ở WTO “không hề gì”.

Quả thật Indonesia ở vị thế thương lượng trên cơ. Họ có trữ lượng bauxite đứng thứ 6 và là nhà sản xuất lớn thứ 5 thế giới vào năm 2020, theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ. Indonesia cũng đứng hạng 2 cả về trữ lượng và sản lượng thiếc. 

Nhưng thế mạnh đặc biệt của nước này là nickel, vốn được sử dụng trong thép không rỉ và là nguyên liệu quan trọng trong pin EV dùng cho xe điện. Indonesia là nhà sản xuất nickel lớn nhất thế giới với sản lượng áp đảo: 1/3 sản lượng toàn cầu.

 
 Ông Widodo muốn được nhớ tới là tổng thống đã làm thay đổi bộ mặt nền kinh tế Indonesia. Ảnh: Reuters

Chỉnh hướng sản xuất và xuất khẩu

Ưu thế đó khiến lệnh cấm đang lơ lửng của Jakarta thật sự khiến nhiều hãng đa quốc gia phải phản ứng theo để lấy lòng nước này qua hàng loạt các cam kết đầu tư. 

Hãng hóa chất Đức BASF, Tập đoàn nickel Pháp Eramet, và Công ty Nhật Bản Sumitomo Metal Mining đều nói họ sẽ xây dựng các khu phức hợp tinh chế nickel và cobalt ở Indonesia, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào khoảng năm 2024 - 2025. 

Các hãng xe điện lớn như Tesla và Contemporary Amperex Technology (Trung Quốc) thì bày tỏ mong muốn hỗ trợ Indonesia tham gia chuỗi cung ứng pin EV. 

Tháng 5-2021, Indonesia Battery, một liên doanh 4 công ty nhà nước Indonesia và Tập đoàn Hàn Quốc LG, đã được thành lập để bắt tay xây một nhà máy pin EV trị giá 1,2 tỉ USD.

Thống kê xuất khẩu của Indonesia cho thấy sức mạnh của lệnh cấm. Nước này xuất khẩu lượng quặng nickel trị giá 1 tỉ USD vào năm 2019, nhưng lượng xuất khẩu còn không đáng kể vào các năm 2020 và 2021. 

Lệnh cấm này cũng được giới chức chính trị coi là sự triển khai thực tế hiến pháp Indonesia - vốn tuyên bố tài nguyên thiên nhiên trong nước phải được sử dụng phục vụ cho sự thịnh vượng của đất nước và người dân.

Lệnh cấm xuất khẩu tài nguyên thô trên thực tế đã thai nghén từ thời cựu tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono cầm quyền, giai đoạn 2004 - 2014. 

Hạ viện Indonesia khi đó thông qua đạo luật yêu cầu mọi công ty mỏ phải xử lý quặng khai thác được trong nước. Sau nhiều chỉnh sửa và trì hoãn, giờ thì một lệnh cấm hoàn toàn dự kiến có hiệu lực vào tháng 6-2023.

Hẳn nhiên là có yếu tố chính trị trong một quyết định như vậy. Siwage Dharma Negara, chuyên gia cấp cao ở Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore, nói ông Widodo đã hứa trong chiến dịch tranh cử rằng ông muốn biến Indonesia thành một nhà xuất khẩu các sản phẩm có nhiều giá trị gia tăng hơn. 

“Ông ấy chỉ còn lại hai năm trong nhiệm kỳ để thực hiện lời hứa đó - Negara phân tích - Đây sẽ là di sản của ông ấy… Ông ấy muốn được nhớ tới như vị tổng thống đã làm thay đổi bộ mặt kinh tế đất nước”.

Thật vậy, Widodo tự tin rằng lệnh cấm sẽ giúp các khoản đầu tư đổ vào Indonesia để quần đảo này thực sự phát triển lâu dài. 

“Nếu sau này chúng ta ngừng [xuất khẩu] bauxite, đồng, thiếc, vàng, ngừng tất cả mọi thứ, chúng ta sẽ không còn là một nước xuất khẩu nguyên liệu thô nữa - ông nói trong bài diễn văn hồi tháng 12-2021 - Tôi tin rằng nếu chúng ta làm được như vậy… GDP của chúng ta vào năm 2030 sẽ tăng gấp ba”.

Ngày 1-1-2022, nhà chức trách Indonesia cũng đã đột ngột ban bố lệnh cấm xuất khẩu than đá sau khi nguồn than dành cho các nhà máy điện trong nước giảm mạnh đột ngột. 

Sau đó, việc xuất khẩu được cho phép trở lại trên cơ sở từng hợp đồng một từ ngày 10-1, dù các hãng khai mỏ vẫn được yêu cầu phải đáp ứng nhu cầu trong nước trước. 

Một hệ quả lập tức, theo Reuters, là thặng dư thương mại trong tháng 1-2022 của Indonesia đã giảm tới 80%, xuống mức 190 triệu USD.

Indonesia đã có thặng dư thương mại hằng tháng suốt từ tháng 5-2020 do sự tăng giá mạnh các hàng hóa khoáng sản thương phẩm. 

Than đá dùng cho nhiệt điện là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Indonesia. Năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 38 triệu tấn than, trị giá hơn 4 tỉ USD, trong đó nhập từ Indonesia là 14 triệu tấn với giá trị tương đương 1,2 tỉ USD.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận