K và sự thật

VÕ DIỆU THANH 08/06/2013 21:06 GMT+7

TTCT - Bạn có biết nhóm K không? Chắc không nhiều bạn biết. Tôi cũng mới biết khi nhóm tìm đến tôi. Nghĩa là nhóm không nổi tiếng lắm. Vì nhóm này hoạt động thiện nguyện cũng khá đơn giản và thầm lặng. Rốt cuộc tôi quan tâm điều gì ở họ?

Phóng to
Tranh: Lê Thiết Cương

Khi gọi điện cho tôi, người đại diện nhóm K đề nghị tôi tìm giúp ở An Giang “một trường học nghèo để nhóm em phát quà, 150 phần, mỗi phần trị giá khoảng 300.000 đồng”. Chỉ có bấy nhiêu thông tin. Tôi không hỏi nhóm cô có những ai và cũng không dại dột hỏi có cần học lực khá giỏi không?

Không dưng mà tôi nói tới học lực. Vì khá đông tổ chức đã đến các trường học trao học bổng. Số lượng có hạn nên sinh ra tiêu chí “nghèo + học lực khá giỏi”. Đôi khi là “bán vé số + học lực khá giỏi”.

Nếu như K cũng đòi “vừa nghèo mà lại vừa phải học giỏi” như những tổ chức khác thì sao?

Thì đảm bảo một điều: K cần bao nhiêu đứa sẽ có bấy nhiêu đứa.

Cũng giống như lãnh đạo ngành giáo dục chỉ cưng yêu những trường học có nhiều học sinh giỏi, chắc chắn trường học sẽ tìm đủ cơ hội chỉ nhận những học sinh dễ dạy. Vì dạy nhóm này nhàn hạ mà lại dễ được ngợi khen, tưởng thưởng. Những học sinh khuyết tật về hoàn cảnh, về trí tuệ sẽ khó được nồng nhiệt chào đón. Nếu phải nhận sẽ công khai hoặc âm thầm coi nhóm này là một gánh nặng.

K không phân biệt học lực. Thế có phải là K khuyến khích hãy cứ nghèo sẽ được quà? Liệu thông điệp này có làm người nhận quà ỷ lại, biếng lười? Nhưng chẳng phải nếu đã gặp người có ý thức, dù bạn có sẵn lòng nuôi họ cả đời thì họ vẫn thích ăn hột cơm từ đôi tay họ làm ra hơn sao? Mà người đã không có ý thức thì... cũng tất không có giải pháp cho họ.

Nếu một cái thang được cho đi, người có ý thức sẽ nhận cái thang để bước lên nấc cao nhất nhìn cho rõ bốn phương. Người không ý thức sẽ đem cái thang đó bửa củi, nướng cá nhậu.

K cứ cho một cái thang, cho một hơi thở để đảm bảo hà hơi cho người ý thức khi họ đuối sức. Còn người không ý thức thì kệ họ với chuyện bửa củi hay dùng cái hơi của bạn thổi bong bóng. Khỏi bận tâm loay hoay đặt xét học lực hay độ tuổi. K không đưa ra một chuẩn nào hết. Vì những em nghèo được đi học đã là một nỗ lực.

Tôi dạy học thấy hầu hết các em đều muốn mình học giỏi. Nhưng các em mơ ước điều gì? Ước lớn lên gánh trấu, làm công nhân, bán vé số, xịt thuốc sâu mướn... chính là những công việc cha mẹ các em đang làm. Các em còn phải ăn uống kham khổ, phải tiếp cha mẹ kiếm tiền, giữ em. Và còn mặc cảm nữa. Cái chữ “học giỏi” thật xa vời!

Nếu K có biểu trường học phải đưa danh sách theo cái chuẩn về học lực, thầy hiệu trưởng, cô chủ nhiệm quá thiệt thà sẽ nói thôi đành, trường không may mắn “đủ tiêu chuẩn” nhận món quà này. Hoặc là, như tôi đã nói, K vẫn sẽ nhận được danh sách đúng yêu cầu. Chuyện giả nghèo cho mấy đứa học ngon lành không hề khó khăn.

K không đòi hỏi thành tích. K chỉ đi kiếm nụ cười tròn trịa của thầy cô, của các em nghèo. Và K đã gặp đúng điều đó. K có quyền hi vọng những món quà này sẽ là những kỷ niệm đẹp theo các em. Ngày chuẩn bị khai trường, phụ huynh nghèo được một năm không lo lắng chạy vạy tiền học cụ cho con. K đỡ gánh nặng trên vai họ một đoạn trên chặng đường dài. Niềm vui đó kéo dài tới ngày khai giảng, kéo dài theo từng ngày các em mở từng trang vở mới. Có thể còn dài hơn...

K không đòi hỏi gì hết nhưng K được thấy thật nhiều. Những gì K nhìn thấy về nụ cười, về ánh mắt đầy hi vọng, về lòng biết ơn... đều là sự thật. Cái món sự thật, ngày nay hiếm người được nhận.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận