Kẻ giết người thầm lặng

TS.BS TĂNG HÀ NAM ANH 26/07/2017 21:07 GMT+7

TTCT - Một bệnh nhân 79 tuổi, té gãy liên mấu chuyển xương đùi. Bệnh nhân đã được phẫu thuật thay khớp háng nhằm mục tiêu giúp bệnh nhân ngồi dậy và đi lại sớm. Rất không may bệnh nhân đã tử vong sau khi mổ vì nguyên nhân tắc động mạch phổi.

tt
 

 

Gia đình bệnh nhân và một số người không làm việc trong ngành y vội vàng đổ tội cho bác sĩ cũng là điều dễ thông cảm vì mấy ai hiểu được chuyện mổ thay khớp liên quan gì với tắc động mạch phổi. Có phải bác sĩ nói thế để tránh tội?

Thuyên tắc huyết khối, tại sao?

Thật ra thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch không mới, khi nhà bác học Rudolf Virchow (1821 - 1902) đã đưa ra lý thuyết hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch bao gồm yếu tố tăng đông, sự lưu thông tĩnh mạch bị chậm lại, và tổn thương mạch máu.

Lý thuyết này được biết dưới tên tam giác Virchow. Theo ông, những bệnh nhân có hội tụ cả ba yếu tố trên sẽ có nguy cơ bị cục máu đông trong tĩnh mạch và cục máu đông này có thể di chuyển và sẽ gây triệu chứng khi làm tắc nghẽn mạch máu.

Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch bao gồm hai biểu hiện là huyết khối tĩnh mạch - nghĩa là trong tĩnh mạch của bệnh nhân có một cục máu đông, và thuyên tắc động mạch phổi - nghĩa là cục máu đông trong tĩnh mạch sẽ theo dòng máu trôi về tim, rồi được đưa lên động mạch phổi gây tắc động mạch phổi.

Cả hai biểu hiện này đều là của một bệnh vì 79% bệnh nhân thuyên tắc động mạch phổi có bằng chứng huyết khối tĩnh mạch sâu và 50% bệnh nhân huyết khối tĩnh mạch sâu bị thuyên tắc động mạch phổi.

Đây là vấn đề lớn của không chỉ ở các nước phương Tây. Thống kê cho thấy chết sau mổ do thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch mỗi năm ở EU nhiều hơn do ung thư vú, tai nạn giao thông và AIDS cộng lại.

Vì tầm quan trọng như vậy nên tất cả các cuộc phẫu thuật có nguy cơ gây ra thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch, các bác sĩ đều dùng thuốc dự phòng huyết khối cho bệnh nhân.

Không có gì là an toàn 100%

Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình đặc biệt là phẫu thuật thay khớp vùng háng có đầy đủ ba yếu tố mà tác giả Virchow đã nêu ra vì đó là phẫu thuật lớn nên gây tổn thương mạch máu, tổn thương mô gây yếu tố tăng đông, dòng máu sẽ chảy chậm do hồi lưu tĩnh mạch bị cản trở.

Chính vì yếu tố nguy cơ cao nên tất cả các bệnh nhân sau mổ thay khớp háng đều được dùng thuốc chống đông trong vòng 35 ngày.

Câu hỏi đặt ra liệu dùng thuốc dự phòng có bảo đảm 100% bệnh nhân không bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch hay không?

Thuốc dự phòng có gây biến chứng chảy máu hay không? Câu trả lời rõ ràng là không thể dự phòng 100% biến chứng này mà chúng ta chỉ có thể giảm thiểu nó thôi. Các thuốc dự phòng huyết khối đều có thể gây biến chứng chảy máu.

Biến chứng thuyên tắc động mạch phổi là biến chứng nguy hiểm vì gây tử vong cho 50% bệnh nhân trong thời gian rất ngắn.

Diễn tiến của thuyên tắc phổi rất đột ngột và gần như không có triệu chứng báo trước, nên nếu không phải là bác sĩ, người “ngoại đạo” sẽ không hiểu tại sao bệnh nhân mới còn tươi tỉnh sau mổ (nhất là khi bệnh nhân được gây tê tủy sống và hoàn toàn tỉnh táo trong và sau mổ) mà lại đột ngột ra đi. Quả thật, cần xem xét hết sức cẩn trọng trước khi thốt ra lời đổ thừa do nhân viên y tế lơ là không chăm sóc bệnh nhân.

Sự việc đáng tiếc ở Bệnh viện Uông Bí khiến cho chúng ta cần phải nhìn nhận lại mối quan hệ bác sĩ - bệnh nhân và tinh thần nhà nước pháp quyền.

Trong mối quan hệ bác sĩ - bệnh nhân, bác sĩ cần giải thích tất cả các nguy cơ của một cuộc phẫu thuật, kể cả việc có thể tử vong vì thuốc tê, mê hay do biến chứng phẫu thuật.

Người nhà và bệnh nhân cần phải hiểu rõ rằng trong cuộc sống không có gì là an toàn 100% để cân nhắc việc mổ hay không mổ.

Sống trong một xã hội thượng tôn pháp luật không ai có quyền làm nhục hay hành hung hoặc có hành vi đe dọa người khác, tất cả mọi xung đột đều phải được giải quyết ở tòa án.

Chúng tôi mong rằng câu chuyện đau lòng này sẽ được các cơ quan có liên quan bao gồm Bộ Y tế, Công an, Viện KSND và Tòa án giải quyết thật thỏa đáng để làm gương cho những sự việc tương tự có thể xảy ra trong tương lai.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận