Kế hoạch B của Ukraine

TƯỜNG ANH 06/11/2023 10:55 GMT+7

TTCT - "Ngõ cụt" là từ mà tổng tư lệnh quân đội Ukraine, tướng Valery Zaluzhnyi, đã sử dụng để thẳng thắn đánh giá tình hình phản công của quân đội nước này trong cuộc chiến với Nga, theo báo Anh The Economist 2-11.

Ảnh: ABC News

Ảnh: ABC News

Diễn tiến sắp tới của cuộc chiến sẽ theo những kịch bản nào?

Hai bài báo dành riêng cho ông Zaluzhnyi trên tờ The Economist (một bài viết của ông và một trả lời phỏng vấn) đã tạo nên những tranh luận trong xã hội Ukraine.

"Sẽ không có những đột phá sâu sắc và đẹp đẽ"

Cần nhắc là chính tờ báo này đã thực hiện cuộc phỏng vấn lớn ông Zaluzhnyi khoảng một năm trước, vào tháng 12-2022, về kế hoạch phản công phía nam Ukraine. Vào thời điểm đó, phương Tây vẫn chưa bắt đầu cung cấp xe tăng và xe chiến đấu bộ binh cho Ukraine. Vị tổng tư lệnh đã yêu cầu họ nhanh chóng viện trợ khí tài, và hứa nếu nhận đủ, Ukraine sẽ đẩy quân Nga trở lại biên giới. 

"Tôi cần 300 xe tăng, 600-700 xe chiến đấu bộ binh, 500 khẩu pháo. Khi đó, tôi cho rằng hoàn toàn có thể trở lại được phòng tuyến của ngày 23-2-2022 (tức một ngày sau khi Nga tấn công Ukraine)".

Không biết những yêu cầu của ông có được thực hiện trọn vẹn không, nhưng về xe tăng thì Kiev đã được đáp ứng cao hơn mong đợi. Cổng thông tin Ukraine Strana.news thống kê: Ukraine đã nhận được ít nhất 400 chiếc Leopard các loại, 14 chiếc Challenger, và một số xe tăng của Liên Xô từ các kho Đông Âu.

Vào năm thứ hai của cuộc chiến, khi thực tế chiến trường cho thấy kết quả không như ông Zaluzhnyi hứa, báo chí phương Tây bắt đầu xuất hiện những bình luận bày tỏ thất vọng với Kiev, trong khi đến lượt mình, Kiev đổ lỗi cho đồng minh. 

Trên The Washington Post cuối tháng 6-2023, tướng Zaluzhnyi tuyên bố cuộc phản công của Ukraine thực sự là vô nghĩa nếu thiếu yểm trợ không quân. Ông nói bản thân các nước NATO sẽ không bao giờ mở một cuộc tấn công như vậy "nếu không có ưu thế trên không".

Còn nay trên The Economist, ông tuyên bố cuộc tấn công của Ukraine ở phía nam, trái với tính toán như sách giáo khoa NATO và của Bộ chỉ huy Lực lượng vũ trang Ukraine (tức là chính ông) đã không đạt được mục tiêu, và sẽ không có "những đột phá sâu sắc và đẹp đẽ". 

Lý do theo ông là "sự ngang bằng về công nghệ (và ở một số khía cạnh, tính vượt trội) của quân đội Nga với quân đội Ukraine". Vì điều đó mà "cả hai đội quân đều không thể đột phá nếu không có lợi thế quyết định về mọi loại vũ khí và nhân lực". 

Ông nói: "Giống như trong Thế chiến I, chúng ta đã đạt đến trình độ phát triển công nghệ khiến chúng ta (Ukraine và Nga) rơi vào ngõ cụt. Thực tế là chúng ta thấy mọi việc kẻ thù làm, và họ thấy mọi việc chúng ta làm. Để phá vỡ thế bế tắc, chúng ta cần phát minh ra thứ gì đó mới hoàn toàn, như người Trung Quốc phát minh ra thuốc súng".

Vị tướng này cho rằng Nga hiện có khả năng duy trì ưu thế về vũ khí và thiết bị, tên lửa và đạn dược trong một khoảng thời gian đáng kể. Đồng thời, năng lực của ngành công nghiệp quân sự Nga đang tăng lên, bất chấp các lệnh trừng phạt. 

Đặc biệt, đến cuối năm 2023, Nga có thể tăng cơ số không quân lên 8 sư đoàn. Mặt khác, bằng cách hạn chế cung cấp hệ thống tên lửa tầm xa và xe tăng cho Ukraine, phương Tây đã "cho phép Nga tập hợp lại và tăng cường khả năng phòng thủ".

Hai bài báo trên The Economist là những lời phụ họa đình đám cho bài báo chấn động trên tạp chí Time 30-10. Dưới nhan đề "Không ai tin vào chiến thắng của chúng tôi như tôi (Zelensky)", nhà báo Simon Shuster dẫn các nguồn ẩn danh trong Chính phủ Ukraine viết Tổng thống Volodymyr Zelensky bất đồng sâu sắc với các thuộc cấp và chỉ huy quân sự. 

Một trợ lý tổng thống giấu tên nói ông Zelensky không muốn chấp nhận sự thật là mùa đông đến sẽ làm tình hình thêm khó khăn, khi đã có tình trạng chỉ huy tiền tuyến từ chối mệnh lệnh tiến quân, dù lệnh được trực tiếp ban ra từ văn phòng tổng thống.

Kế hoạch B?

Thực tế giằng co này dẫn đến nhu cầu thay đổi chiến lược của Ukraine. Strana.news nói về hai phương án.

Thứ nhất là chuyển sang phòng thủ chiến lược, tích lũy sức mạnh cho các cuộc tấn công mới. Chiến lược này sẽ chỉ phát huy tác dụng với điều kiện "việc cung cấp vũ khí từ phương Tây được thực hiện liên tục và gia tăng cả về chất lượng lẫn số lượng". Nếu không, xét cán cân tiềm lực hiện giờ, Ukraine sẽ kiệt sức trước Nga. 

Đây chính là những gì ông Zaluzhnyi viết trong bài báo trên tờ The Economist: một cuộc chiến kéo dài là không tốt cho Ukraine và phương Tây cần cung cấp nhiều loại vũ khí cần thiết. "Nếu muốn thoát khỏi cái bẫy này, chúng tôi cần ưu thế trên không, khả năng tác chiến điện tử và công nghệ rà phá bom mìn mới, cũng như khả năng huy động và huấn luyện thêm lực lượng dự bị".

Kịch bản thứ hai là đóng băng chiến tranh thông qua một hiệp định đình chiến, dù đến nay chưa có tín hiệu nào từ ông Zelensky và giới lãnh đạo phương Tây về một bước đi như vậy.

Cựu cố vấn tổng thống Ukraine Alexey Arestovich ngày 2-11 đã thừa nhận tình trạng "bế tắc" ở mặt trận và kết luận về sự cần thiết bắt đầu hòa đàm với Nga. Ông nhắc lại kế hoạch đưa phần lãnh thổ Ukraine còn kiểm soát vào NATO, với cam kết không chiếm lại lãnh thổ do Nga nắm giữ về mặt quân sự. 

Đây là tuyên bố đầu tiên được đưa ra bởi một chính trị gia Ukraine sau khi Zelensky ngừng đàm phán với Nga vào cuối mùa xuân năm 2022 và tuyên bố mục tiêu của Ukraine trong cuộc chiến là tái lập biên giới năm 1991.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban, vốn bị cáo buộc thân Nga, thì kêu gọi "kế hoạch B" cho Ukraine. Phát biểu trước báo giới ngày 27-10, ông nhận định kế hoạch của EU tài trợ cho Ukraine để tiếp tục xung đột với Nga đã thất bại. 

Giờ đây, trong tình cảnh "Ukraine sẽ không thắng và Nga sẽ không thua", châu Âu cần một kế hoạch khác: xây dựng cấu trúc an ninh châu Âu mới có thể được cả Nga và Ukraine chấp nhận.

"Cuộc chiến cô đơn"

Bài báo Time đã kể về cuộc đón tiếp ông Zelensky lạnh nhạt của Mỹ trong chuyến thăm cuối tháng 9-2023, so với cuộc đón tiếp cuối năm 2022. Khi đó, ông Zelensky được tung hô như người hùng. 

"Lần này không khí đã thay đổi… Các lãnh đạo Quốc hội (Mỹ) từ chối để Zelensky phát biểu trước công chúng ở Đồi Capitol. Các trợ lý của Zelensky đã cố gắng sắp xếp để ông xuất hiện trực tiếp trên Fox News và một cuộc phỏng vấn với Oprah Winfrey, nhưng không nỗ lực nào thành". Trong khi đó, khoản chi 60 tỉ USD dự kiến cho Ukraine được chính quyền Joe Biden hiện đang tắc lại ở Quốc hội Mỹ.

Còn châu Âu thì sao? Kể từ 2022, EU đã chi hơn 85 tỉ euro để hỗ trợ Kiev. Nhưng kinh tế nhiều nước châu Âu cũng đang gặp khó khăn, giá cả tăng cao, kinh tế và công nghiệp suy thoái. Chỉ số hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của khu vực đồng euro đã giảm xuống mức rất thấp, bằng thời đại dịch.

Không chỉ phương Tây, bản thân người Ukraine cũng sốt ruột. Báo Độc lập (Nga) 1-11 giới thiệu kết quả một thăm dò Viện Xã hội học quốc tế Kiev thực hiện, theo đó mức độ tin tưởng Tổng thống Zelensky giảm từ 91% vào tháng 5-2022 xuống còn 76% tháng 10-2023, lòng tin chính phủ cũng giảm xuống 39% và quốc hội xuống 21%.

Bế tắc trên chiến trường, sụt giảm tin cậy và bất đồng với các chỉ huy quân sự trong nước, lại còn cảm thấy "bị đồng minh phương Tây phản bội", tờ Time đã gọi quyết tâm chiến tranh với Nga của ông Zelensky là "cuộc chiến cô đơn". 

Nếu theo lịch thông thường thì mùa xuân 2024 sẽ là thời điểm diễn ra bầu cử ở Ukraine, nhưng hiện chính quyền Kiev vẫn đang cân nhắc ưu khuyết của việc tổ chức bầu cử trong tình trạng chiến tranh. Trong khi đó, ngày 1-11, cựu cố vấn Arestovich đã công bố ý định tranh cử. Cựu thủ tướng Yulia Tymoshenko cũng nói đã sẵn sàng.■

Ở một số nước châu Âu, các chính trị gia ủng hộ Ukraine đang bị thay thế bởi những chính khách ưu tiên hơn cho các vấn đề đối nội. Tại Slovakia, Thủ tướng Robert Fico vừa đắc cử đã thông báo với Chủ tịch EC Ursula von der Leyen rằng Bratislava sẽ không cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine và không ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống lại Nga "nếu chúng gây tổn hại cho Slovakia". Tại Hungary, quốc hội đã bầu lại Thủ tướng Viktor Orban vào nhiệm kỳ thứ năm. Ông Orban gọi đề xuất của bà von der Leyen kêu gọi các thành viên đóng góp thêm 66 tỉ euro cho ngân sách tài khóa chung trong vòng 4 năm tới (2024 - 2027, trong đó 50 tỉ euro phục vụ các chương trình cho vay cũng như viện trợ cho Ukraine) là "phù phiếm" vì không biết "số tiền đưa Kiev trước đó đã đi đâu". Tại Đức, các cuộc bầu cử địa phương đã kết thúc với thất bại của đảng cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận