TTCN - TTCN từng đăng bài “Bí ẩn tranh tường cung An Định” của Ngô Minh; phần chủ yếu của bài báo gióng lên hai câu hỏi còn tồn tại chung quanh sáu bức tranh cổ ấy: 1. Trong sáu bức, người xem “nhìn hình vẽ có thể nhận ra phối cảnh thật của năm lăng: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồn g Khánh; còn một bức chưa rõ vẽ công trình gì?”; 2. Tác giả đích thực của sáu bức tranh tường nêu trên là ai? Phóng to Tranh khu tẩm điện lăng Đồng Khánh Về những ức đoán và suy đoán Theo bài báo, ông Phùng Phu - giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - ức đoán bức tranh thứ 6 có thể đó là “một phủ đệ nào đó, có tầm quan trọng đặc biệt với gia đình và bản thân Bửu Đảo”; còn tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, giám đốc Bảo tàng Cổ vật Huế, lại suy đoán theo một hướng khác: “Có thể bức tranh đó vẽ lăng Khải Định đang ở dạng phác thảo trên bản vẽ. Lúc khánh thành cung An Định, vua Khải Định 33 tuổi, đã bắt đầu cho thiết kế lăng. Sở dĩ bức họa không giống với lăng Khải Định hiện nay vì sau chuyến đi Pháp về, Khải Định đã cho thay đổi thiết kế theo kiểu phương Tây, đồ sộ hơn nên không còn giống với bức tranh đã vẽ”. Phóng to Cửa vào lăng vua Đồng Khánh (ảnh của Ph.Eberhardt)Về ý kiến của ông Phùng Phu, theo tôi, đối với vua Khải Định, ngoài lăng Kiên Thái Vương (lăng ông nội vua Khải Định), lăng vua Đồng Khánh (thân sinh vua Khải Định, đã vẽ thành tranh tường ở cung An Định), và bản thân cung An Định còn có hai phủ thờ quan trọng: 1. phủ Kiên Thái Vương (số 179 Phan Đình Phùng, Huế) thờ Kiên Thái Vương Hồng Cai; 2. phủ Ngoại từ, thường gọi là phủ Ba Cửa (số 181 Phan Đình Phùng, Huế), thờ ông Dương Quang Hướng - ông ngoại của vua Khải Định. Mà hai phủ thờ đó lại không có một chi tiết nào khả dĩ cho phép chúng ta có thể liên tưởng đến bức tranh tường thứ 6. Về suy đoán thứ hai, theo tôi cũng chưa thuyết phục vì chưa tìm được tư liệu chứng tỏ vua Khải Định đã từng quyết định như thế; mặt khác, vào mùa thu năm Đinh Tỵ (1917), vua Khải Định cho khởi công xây dựng cung An Định theo kiến trúc “phương Tây” (hay nói theo vua Khải Định là Á kiêm Âu), đến mùa đông năm Nhâm Ngọ (cuối 1918 đầu 1919) thì công trình hoàn thành. Ba năm sau ngày khánh thành cung (1919), vua Khải Định mới lên tàu sang Pháp (1922). Vậy, chưa đi Pháp mà vua Khải Định đã cho thực hiện một công trình “Á kiêm Âu” rồi, nói cách khác không phải sau khi đi Pháp năm 1922 vua Khải Định mới nảy ra ý tưởng “Á kiêm Âu”. Sự thật thì cái ý tưởng “Á kiêm Âu” đã xuyên suốt cuộc đời của Khải Định ngay từ khi ông mới lên ngôi (1916) cho đến lúc ông qua đời (6-11-1925) chứ không phải chỉ có từ sau ngày ông sang Pháp. Lăng Khải Định bắt đầu xây năm 1920, trước khi xây lăng thì xây cung An Định, trong khi đang xây lăng thì xây điện Kiến Trung (cuối năm 1921 đến 1923) cũng theo kiến trúc “Á kiêm Âu”. Như vậy thiết kế lăng Khải Định ở giữa hai thời kỳ kiến trúc “Á kiêm Âu” không thể là một kiến trúc truyền thống (Á) được mà ngay từ đầu phải là kiến trúc “Á kiêm Âu” như ta thấy ngày nay mới hợp lý. Hơn nữa, ngày xưa việc xây dựng lăng vua nói chung và lăng Khải Định nói riêng là một việc lớn của hoàng gia, không chỉ liên hệ đến phong thủy, cuộc đất mà còn phải thiết kế sao cho phù hợp ý tưởng riêng của ông vua, đồng thời liên hệ đến các khâu tài chính, vật liệu đặt mua ở nước ngoài... nên không dễ gì có thể thay đổi được thiết kế một cách dễ dàng như suy đoán của TS Anh Sơn. Sau bốn tháng sang Pháp, ngày 19-7-1922, vua Khải Định về đến Huế. Lúc ấy phần thô các kiến trúc chính của lăng Khải Định do ông Phùng Duy Cần (thân sinh của nghệ sĩ Điềm Phùng Thị) theo dõi thi công đã gần xong. Nếu vua Khải Định có muốn thay đổi thiết kế cũng không thể nào thực hiện được. Năm 1930 lăng Khải Định mới hoàn thành, nhưng qua bộ ảnh lễ Ninh lăng vua Khải Định năm 1925 mà chúng tôi đã sưu tập được chứng tỏ các kiến trúc chính của lăng Khải Định đã xong từ năm 1925. Đi tìm tên của phủ đệ hay lăng mộ của bức tranh thứ 6 Phóng to Tranh nhà bia trong khu lăng Đồng Khánh Các vị vua tiền triều là những người không những thân thiết mà còn rất thiêng liêng đối với vua Khải Định. Trong kiến trúc dinh thất của ông có phong cảnh lăng mộ của cha ông (vua Đồng Khánh), ông nội (vua Tự Đức, cha nuôi của vua Đồng Khánh), ông cố (vua Thiệu Trị), ông sơ (vua Minh Mạng) và ông tổ sáu đời của ông (vua Gia Long). Vua Khải Định không thể đặt bất cứ một phong cảnh di tích nào thân thiết với ông mà không ngang cấp với các vua tiền triều được. Xem cách sắp đặt vị trí sáu bức tranh tường trong sảnh tầng trệt cung An Định, ta thấy: từ trong nhìn ra, hai bức tường bên trái và bên phải đối nhau, có kích thước giống nhau, mỗi bức tường vẽ hai tranh có kích thước giống nhau (1,6m x 1,4m), lăng Gia Long (trái, trong) đối với lăng Minh Mạng (phải, trong), lăng Thiệu Trị (trái, ngoài) đối với lăng Tự Đức (phải, ngoài). Hai bức tường cánh gà hai bên cửa chính cũng bằng nhau, vẽ hai bức tranh có kích thước giống nhau (1,8m x 1,1m). Tranh bên trái đã biết - đó là nhà bia trong khu lăng mộ vua Đồng Khánh. Tranh bên phải chưa có tên. Theo nguyên tắc lăng đối lăng nói trên, thì cảnh vẽ trong bức tranh thứ 6 cũng phải là cảnh một cái lăng nào đó. Và như vậy, cái lăng trong tranh phải có ít nhất bốn đặc điểm sau: 1. Phải là lăng vua; 2. Người nằm trong lăng phải thân thiết nhất đối với vua Khải Định; 3. Ra đời trước năm 1917 - thời điểm xây dựng cung An Định; 4. Đối được với khu lăng mộ vua Đồng Khánh đã vẽ. Tôi thử đem so sánh tấm ảnh chụp bức tranh tường thứ 6 với cảnh quan lăng Kiến Phước trong khuôn viên lăng Tự Đức và lăng Dục Đức đều xây dựng trước năm 1917. Chỉ nhìn qua tôi có thể khẳng định là không phải. Cuối cùng tôi đã tìm thấy mặt trước tẩm điện (điện thờ) của chính lăng vua Đồng Khánh có các yếu tố gần giống với bức tranh thứ 6: tam quan vào điện, sâu bên trong có điện nằm ngang, phía bên trái có tùng tự nằm thẳng góc với thành ngoại. Tuy nhiên so sánh cảnh quan thật đang bị cây lá che khuất ngày nay với bức tranh vẽ cách đây gần 90 năm còn nhiều chi tiết chưa rõ. May sao, tôi tìm được bức ảnh Porte d'entrée du tombeau de Dong Khanh (Cửa vào lăng Đồng Khánh) của Ph.Eberhardt, đăng trong sách Guide de L' Annam, do nhà Augustin Challamen xuất bản ở Paris năm 1914. Bức ảnh cho thấy cảnh quan mặt trước tẩm điện vua Đồng Khánh phù hợp với bốn đặc điểm vừa nêu trên. Như thế, theo tôi, bí ẩn bức tranh tường thứ 6 trong cung An Định đã được khám phá: đó chính là khu tẩm điện trong lăng Đồng Khánh. Rất mong được các cơ quan chức năng và các nhà nghiên cứu Huế chỉ giáo.
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 23-11: Ông Putin tuyên bố sản xuất thêm tên lửa Oreshnik vì thấy hiệu quả BÌNH AN 23/11/2024 Mỹ hạn chế nhập khẩu thực phẩm, kim loại từ nhiều công ty Trung Quốc; Ukraine cầu cứu xin hệ thống phòng không tốt hơn.
Nghiên cứu chục năm vẫn chưa xong tiến sĩ MINH GIẢNG 23/11/2024 Có nghiên cứu sinh làm chục năm chưa xong tiến sĩ, nhiều người bỏ ngang. Cơ chế hiện nay không khuyến khích giảng viên học tiến sĩ vì quá cực.
Tin tức sáng 23-11: Quốc hội họp bàn về AI; Người Việt đầu tiên giành giải TechWomen 100 TUỔI TRẺ ONLINE 23/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Quốc hội họp bàn về công nghệ số, phát triển trí tuệ nhân tạo; Người Việt đầu tiên giành giải TechWomen 100; TP.HCM tiêm vắc xin sởi cho trẻ 6 - 9 tháng tuổi...
Ông Putin nói 'không ai trên thế giới' có tên lửa siêu vượt âm giống Oreshnik THANH BÌNH 23/11/2024 Ông Putin nói tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik không phải là phiên bản nâng cấp của các vũ khí có từ thời Liên Xô.