TTCN - Sau hơn 3 năm tiến hành xây dựng, khu nuôi tôm công nghiệp núi Một thuộc thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) được ngành thủy sản đầu tư gần 43 tỉ đồng này phải... quay về điểm xuất phát. Sau ba năm thi công, hạng mục hồ núi Một chỉ được thế này đây! Theo kế hoạch, cuối năm nay (2004) dự án sẽ hoàn thành nhưng công trình vẫn vắng ngắt3 năm ngổn ngangChúng tôi trở lại vùng nuôi tôm công nghiệp Sơn Hải sau hơn ba năm từ khi dự án khởi công (tháng 7-2000), để rồi xót xa khi phải tận mắt chứng kiến thực trạng của công trình phục vụ dân sinh này. Chị Nguyễn Thị Năm - người mở hàng nước tại đây - nói như trút cả nỗi niềm: “Lúc đầu thấy mấy ông nhà thầu đổ quân xây dựng công trình, dân mừng lắm, vì chỉ vài năm thôi là có cả nước mặn, nước ngọt để nuôi tôm. Vậy mà không biết mấy ổng làm ăn kiểu gì đến giờ công trình chẳng đâu vào đâu cả...”. Theo kế hoạch của ngành thủy sản Ninh Thuận, chậm nhất cuối năm 2004 công trình sẽ hoàn thành thì đây là thời điểm “nước rút” của dự án. Vậy mà công trường lại hoàn toàn vắng lặng, bốn bề chỉ thấy toàn núi đá, đá núi. Và... thành quả của công trình sau hơn 1.000 ngày xây dựng chỉ là cái đập nước - một trong tám hạng mục chính của dự án - vẫn còn ngổn ngang sắt thép! Anh Đ. - một người dân địa phương - khá bức xúc khi chỉ cho chúng tôi xem hệ thống kênh dẫn nước ngọt với kinh phí đầu tư hàng tỉ đồng vừa mới xây dựng đã hư hỏng trầm trọng. Trong tổng chiều dài gần 6km của hệ thống kênh này, ít nhất cũng có đến hàng chục chỗ bị sụp lở nghiêm trọng và nhiều đoạn bị cát đất bồi lấp, cỏ dại um tùm. Không ít người dân địa phương khi nói về công trình trị giá bạc chục tỉ cứ bảo như thể... “đồ chơi trẻ em”. Bởi theo họ, nhìn chỗ nào cũng thấy... hư hỏng cả! Mà dân nói có sai đâu, ngay khu hồ chứa nước mặn đầu con dốc dẫn về ruộng tôm vừa mới xây xong năm ngoái giờ đã tan tành, chỉ chơ vơ ra đó mấy ống dẫn nước. Nói không quá lời, dự án nuôi tôm Sơn Hải sau ba năm xây dựng cứ như một... “bãi chiến trường nham nhở”.Bể chứa nước mặn bị đổ sập từ nhiều tháng nay vẫn chưa được sửa chữaSai phạm từ đầu đến cuốiToàn bộ ghi nhận của chúng tôi được đặt lên bàn nghị sự của ngành thủy sản Ninh Thuận, mong tìm được câu trả lời thỏa đáng về thực trạng của dự án mà chỉ riêng nguồn vốn tín dụng và đóng góp của dân đã suýt soát 16,4 tỉ đồng (chiếm gần 40% tổng kinh phí). Đáng tiếc, lãnh đạo sở chủ quản và Ban quản lý dự án thủy sản (BQLDATS) Ninh Thuận cho biết công trình do những người tiền nhiệm thực hiện nên... khó giải thích được! Theo những tư liệu chúng tôi có được, trong quá trình triển khai các công đoạn đầu tư, BQLDATS với tư cách là chủ đầu tư đã liên tục đi từ sai phạm này đến sai phạm khác, kể cả dấu hiệu của hành vi tham nhũng. Đầu tiên là khâu tư vấn khảo sát, thiết kế kỹ thuật dự án. Lẽ ra với kinh phí hơn 800 triệu đồng dành cho công tác này, chủ đầu tư phải tổ chức đấu thầu công khai theo đúng luật định nhưng ông Nguyễn Thoại - lúc bấy giờ đang là giám đốc Sở Thủy sản Ninh Thuận (hiện đang giữ chức giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư ) - đã lạm dụng quyền hạn của mình để chia dự án thành hai phần nhỏ, bằng cách ký liên tiếp hai văn bản số 301 (ngày 22-8-2000) và 458 (ngày 7-12-2000) tham mưu cho chủ tịch UBND tỉnh chỉ định thầu cho Công ty Tư vấn và chuyển giao công nghệ miền Trung (thuộc Trường đại học Thủy lợi Hà Nội). Tuy nhiên, đó chỉ là... “bề nổi” bởi công ty tư vấn nói trên đã thực hiện việc khảo sát địa hình, địa chất vùng dự án trước hơn một tháng so với quyết định chỉ định thầu tư vấn của tỉnh. Dư luận tỉnh Ninh Thuận cho rằng đã có chuyện “bắt tay” giữa ông Thoại và đơn vị tư vấn?! Nhiều người cho rằng từ trước đến nay ở Ninh Thuận chưa một chủ đầu tư nào... dễ dãi như BQLDATS. Bởi khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi, đơn vị tư vấn không thực hiện theo đúng đề cương do Bộ Thủy sản và UBND tỉnh phê duyệt nhưng BQLDATS vẫn nghiệm thu và thanh toán.Đối với một tỉnh nghèo như Ninh Thuận thì số tiền 43 tỉ đồng cho dự án “phục vụ nông dân” quả là rất lớn. Vậy mà những người chịu trách nhiệm lại quá hờ hững khi lập khảo sát thiết kế, đến nỗi các nhà thầu đã phải kêu cứu về tình trạng “khảo sát một đàng, thực tế một nẻo”. Tại hồ đầu mối chứa nước ngọt núi Một - một trong số tám hạng mục của dự án với kinh phí hơn 8 tỉ đồng - khi xây dựng phần “vai phải của đập và nền móng cống”, đơn vị thi công phát hiện “mực nước ngầm tại vị trí xây đập rất cao” và “bên dưới toàn cát”, sai biệt hoàn toàn với địa chất công trình thể hiện trong dự án. Trong một thời gian dài hạng mục này phải bỏ dở để “thiết kế lại” làm tổng dự toán của dự án tăng hơn 4 tỉ đồng. Nhưng nghiêm trọng nhất là việc BQLDATS đã nghiệm thu khống hơn 200m khoan tay và 33,7m khoan máy để rút số tiền gần 70 triệu đồng. Lý giải cho sai phạm này, ông Trần Văn Hường - trưởng BQLDATS (nay chuyển sang làm trưởng Ban quản lý các cụm công nghiệp Ninh Thuận) - bao biện: do “chạy vốn” và công trình chưa quyết toán nên tiền nhà nước không mất. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, đây là “hành vi tham nhũng đã hoàn thành”. Trong dự án này, tại hai gói thầu số 3 (hơn 2,1 tỉ đồng) và số 6 (8,1 tỉ đồng) cơ quan chức năng đã phát hiện “thông thầu” giữa Công ty xây dựng thủy lợi 26 (thuộc Tổng công ty Xây dựng thủy lợi 1) và Công ty Xây dựng 46 (Tổng công ty Xây dựng 4). Bằng chứng là nhiều chương trong hồ sơ dự thầu của hai đơn vị này hoàn toàn giống nhau (kể cả lỗi chính tả trong từng đoạn văn), chỉ khác font chữ. Lộ liễu đến vậy nhưng không hiểu sao BQLDATS vẫn chấm trúng thầu cho hai công ty nói trên?!Trở lại những tháng đầu năm 2001, khi dự án nuôi tôm Sơn Hải bắt đầu khởi động, nhiều lần hàng trăm hộ dân đã kéo lên tỉnh để khiếu nại vì việc làm tắc trách của ngành địa chính Ninh Thuận. Họ bảo: “Cán bộ nhà nước chi lạ, không chịu đi thực tế, cứ ngồi ở xalông mà “phán” diện tích đất trên giấy rồi ngang nhiên ra quyết định thu hồi...”. Khi cơ quan chức năng vào cuộc thì... hỡi ôi, gần 100% số hộ có quyết định thu hồi đất đều không đúng thực tế với diện tích chênh lệch lên đến hơn 40.600m2. Do nhập nhằng trong khâu giải tỏa đền bù mà nguyên nhân chính là do các “công bộc của dân” thuộc ngành địa chính Ninh Thuận quá cửa quyền, tắc trách.Từ trước đến nay chưa có một công trình phúc lợi dân sinh nào ở Ninh Thuận lại mắc quá nhiều sai phạm như dự án nuôi tôm công nghiệp Sơn Hải. Các cấp lãnh đạo, các ngành chức năng của tỉnh phải tốn nhiều công sức, thời gian giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, sau ba đợt thanh tra, phúc tra (lần gần đây nhất vào tháng 1-2004 của đoàn Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy), việc xử lý các cá nhân vi phạm khá... “tréo ngoe”. Trong lúc các ông Đỗ Xuân Thể, Nguyễn Văn Thành (Sở Tài nguyên - môi trường), Phan Thanh Đức (BQLDATS) đã bị xử lý kỷ luật thì ông Nguyễn Thoại, nguyên giám đốc Sở Thủy sản, vẫn... “bình chân như vại” trên ghế giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư. Còn ông Trần Văn Hường thì từ cương vị thủ trưởng BQLDATS đã... nhẹ nhàng “bay” qua chức giám đốc Ban quản lý các cụm công nghiệp!? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm để thu hồi lại tiền của dân của nước đã bỏ phí trên công trình này? Tags: Tham nhũngSai phạmKhu nuôi tôm công nghiệp núi MộtDự án nuôi tôm Sơn Hải
Tin tức sáng 26-11: Quốc hội xem xét thông qua Luật Thuế VAT; Ngành nào đang cần nhiều lao động? TUỔI TRẺ ONLINE 26/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét sửa Luật Thuế VAT; Số người thất nghiệp cả nước đang giảm nhưng ngành nghề nào cần nhiều lao động nhất?
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine LỤC MINH TUẤN 26/11/2024 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lần lượt tung ra nhiều phương án nhằm thăm dò phản ứng của tất cả các bên cho kế hoạch hòa bình Ukraine sắp tới.
Dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh đại học: Nhiều trường kêu khó TRẦN HUỲNH 26/11/2024 Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non với nhiều điểm mới.