Khi dân bản xuống núi chơi bóng chuyền

K.XUÂN 28/07/2010 17:07 GMT+7

TTCT - Trong số hơn 200 VĐV tham dự Giải bóng chuyền nông dân Bông lúa vàng khu vực I lần thứ nhất năm 2010 vừa kết thúc tại Hải Dương, có đến vài chục người là trai bản thuộc các dân tộc thiểu số. Lần đầu mang giày thi đấu bóng chuyền trong nhà lớn dưới ánh đèn, trên sàn gỗ, họ đã tận hưởng niềm vui thi đấu và để lại không ít chuyện cười ra nước mắt.

Phóng to
Đội Lào Cai thắng đậm Sơn La (áo trắng) 2-0 ở vòng bảng - Ảnh: K.Xuân

Tham dự giải có 17 đội của các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế trở ra phía Bắc. Nói thi cho oách chứ thật ra với đa số VĐV là nông dân quanh năm chỉ quen với ruộng đồng, nương rẫy, đây là cơ hội để họ từ bản cao xuống miền xuôi giao lưu mở mang kiến thức. Lù Văn Nước, Đào Văn Dín (dân tộc Thái) của đội Lai Châu là hai trong số đó.

“Có bao giờ phải đi giày đâu!”

Nhà của hai anh ở tận bản Vàng San, xã Bum Nưa, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu - một trong những nơi nghèo và có địa hình hiểm trở nhất cả nước. Từ bản Vàng San đi đến UBND huyện, khi có việc anh Nước phải đi bộ mất bốn giờ đường đèo và muốn ra đến thị xã Lai Châu phải mất một ngày đường bằng ôtô trên những con đường hiểm trở có tổng chiều dài 240km. Ngoại trừ lần ông nội bị ốm, gia đình phải chạy ngược xuôi để đưa ông xuống Hà Nội chữa trị, đây là lần đầu tiên anh Nước và anh Dín được đi xa đến thế.

Khi thi đấu trong nhà dưới ánh đèn sáng choang và phải mang giày, anh Nước và một số đồng đội có vẻ bị ngợp vì không quen. “Đánh bóng chuyền ở bản thì đánh trên sân đất hoặc ruộng lúa quen rồi, có bao giờ phải đi giày đâu! Giờ vào đây thi đấu phải đi giày nên đau cái chân lắm. Nhưng mà đi giày thì được cái đẹp mắt người, đẹp mắt mình” - anh Nước chia sẻ bằng cái giọng lơ lớ chân tình.

Anh Lý Quang Đức (dân tộc Dao) đến từ bản Một Vành, xã Xuân Thượng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Là chủ công của đội Lào Cai, anh đã để lại nhiều ấn tượng về một VĐV chơi nhiệt tình, máu lửa nhưng cũng rất dễ thương. Hơn 30 tuổi và có một con nhưng anh Đức đến giờ vẫn rất khó có thể nói lưu loát và nghe được bằng tiếng Việt. Lần đầu tiên được xuống đồng bằng, anh Đức và đồng đội Lù Văn Dòng vẫn còn cảm giác lạ lẫm dù ở ngay Hải Dương chứ chẳng phải đâu xa.

Vợ chồng anh Đức có 8 sào ruộng cấy, 2ha nương rẫy trồng cây mỡ, 3 con trâu... Hằng ngày anh hết lên nương lại xuống ruộng gieo trồng. Những ngày anh Đức đi thi đấu tại bản, vợ anh phải một mình cấy lúa. Vì vậy, việc đi xa thi đấu đến tận 10 ngày khiến anh Đức thấp thỏm không yên. Trên sân đấu, anh là một trong những chủ công ghi nhiều điểm nhất cho đội Lào Cai. Trên ruộng lúa, anh tự hào là một trong những nông dân cày giỏi nhất bản Một Vành.

Tại xã Xuân Thượng, Mường Tè có 21 bản thì có 21 sân bóng chuyền. Đây là một trong những địa phương có phong trào bóng chuyền nông dân mạnh nhất của tỉnh Lai Châu. Hơn chục năm qua, ngày nào sau khi lên nương rẫy về anh Đức cũng cùng đám trai bản chơi bóng chuyền. “Tôi chẳng mê gì hết, chỉ mê bóng chuyền thôi nên vợ chẳng cấm đoán làm gì” - anh kể. Nhờ chơi hay nên nhiều năm gần đây anh được gọi đi thi đấu nhiều giải của hội nông dân tỉnh.

Phóng to
Gương mặt hồi hộp của các VĐV dự bị đội Lào Cai khi theo dõi trận đấu của đội nhà gặp Sơn La - Ảnh: K.Xuân

Vừa chơi bóng, vừa lo lợn, cá

Giải bóng chuyền Bông lúa vàng khu vực I diễn ra từ ngày 13 đến 21-7 tại Nhà thi đấu Hải Dương. Để dự giải, các đội phải về đây từ ngày 11-7, tức phải mất ít nhất 10 ngày xa nhà để tập trung thi đấu. Công việc nhà nông đang vụ cấy trồng bận rộn khiến không ít VĐV nơm nớp lo việc nhà.

Anh Trịnh Văn Phong ở xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang là một trong những nông dân điển hình làm kinh tế giỏi. Anh có cả trang trại với 8 mẫu ao cá, mỗi năm giúp thu hoạch 15-20 tấn cá và lãi cả trăm triệu đồng. Đó là chưa kể 60 con lợn bột nuôi lấy thịt và gần mẫu ruộng cấy. Không ngày nào ngơi chân nghỉ tay, anh Phong hết cho cá ăn thì đến chăm đàn lợn. Đây là lần đầu tiên anh Phong xa nhà lâu đến thế nên đêm về khách sạn, anh luôn phấp phỏng không ngủ được vì lo mưa ngập ao. Có đêm anh thức dậy và gói ghém đồ đạc bỏ giải về nhà trông cá vì thấy trời mưa to quá sợ ngập ao, nhưng may được anh em động viên nên anh ở lại.

Ở đội Bắc Giang không chỉ có trường hợp anh Phong. Nhà anh Đỗ Văn Huệ có đến 100 con lợn bột nên anh lo đàn lợn chẳng may đau ốm giữa lúc anh đi thi đấu thì chẳng biết làm thế nào. Trong khi đó, anh Bùi Văn Hoàng nhà ở huyện Hiệp Hòa đang làm phụ hồ tại Hà Nội. Nghe tin đội được đi dự giải bóng chuyền nông dân toàn quốc, anh mừng quá bắt xe khách về Bắc Giang tập trung cùng đội tuyển. Do vội nên anh chưa kịp khóa chiếc xe máy để ở công trường. Đang thi đấu đến ngày thứ ba thì nghe tin xe bị mất, thế là anh phải bỏ giải về Hà Nội tìm xe.

Ông Nguyễn Văn Vững, trưởng đoàn bóng chuyền Bắc Giang và là chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cười xòa: “Đội tôi toàn là nhà nông chân đất, không tin thì cứ nhìn móng chân các VĐV ấy, đen sì và tróc vảy chẳng đi được giày. Chúng tôi tham gia với tinh thần giao lưu, học hỏi chứ chẳng đặt mục tiêu thành tích gì nên anh em cũng thoải mái”. Đội Bắc Giang còn đặc biệt ở chỗ có săn sóc viên Nguyễn Quốc Trí làm nghề chính là... bác sĩ thú y.

VĐV không nắm luật

Ông Đồng Quang Khánh, giám đốc Trung tâm thể thao văn hóa huyện Hiệp Hòa, đồng thời là HLV trưởng đội, kể: “Những VĐV của chúng tôi vốn là nông dân quen đấu ở sân đất và ruộng thôi, khi vào nhà thi đấu phải đi giày nên ai cũng bị đau chân và họ chỉ mong hết trận để tháo giày”.

Lần đầu tiên được tranh tài trong nhà thi đấu nên cảm giác có khán giả cổ vũ âm vang xuống sàn khiến VĐV run lắm. Anh Hoan là libero của đội mà cứ đòi lên tham gia tấn công vì không nắm rõ luật. Thậm chí sau mấy trận đấu họ vẫn chưa quen với việc thay người ra vào theo quy định, cứ thích là tự động chạy ra khỏi sân và thích thì chạy vào, dù được nhắc nhiều lần về vị trí nhưng các anh cứ quên mãi.

Đội Sơn La cũng gặp trường hợp này. Khi thi đấu thì VĐV đứng sai vị trí, nhiều lúc libero lên tấn công, thi đấu xong

lại không ra xếp hàng để bắt tay trọng tài và đội bạn, nhiều lúc chạy thẳng ra cửa đi về. Khi trọng tài cho làm quen với bóng ra ký hiệu thêm 1 phút, các VĐV không hiểu lại cứ tưởng vào đánh luôn nên dừng hết cả lại. Đây là những kỷ niệm vui khiến những thành viên ban tổ chức giải chắc chắn sau này vẫn còn kể mãi.

Ông Trần Đức Phấn, vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao kiêm tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền VN, cho biết đây là giải đấu thường niên của nông dân các tỉnh trong những năm gần đây, nhưng lần đầu tiên được Trung ương Hội Nông dân VN và Tổng cục TDTT phối hợp tổ chức ở quy mô toàn quốc. Giải diễn ra ở hai khu vực: khu vực I từ Thừa Thiên - Huế trở ra với 31 tỉnh thành thi đấu tại Hải Dương, khu vực II gồm 32 tỉnh thành phía Nam thi đấu tại Đồng Tháp. Giải không đấu chung kết toàn quốc mà chia khu vực để chọn ra nhà vô địch mỗi khu vực.

Đây là sân chơi thật sự bổ ích và lý thú đối với nông dân trong việc rèn luyện sức khỏe phục vụ sản xuất nông nghiệp. Dù không phải là đơn vị tổ chức chính nhưng Tổng cục TDTT và Liên đoàn Bóng chuyền VN hỗ trợ toàn bộ tiền thưởng và lo toàn bộ công tác chuyên môn cho giải đấu. Phần thưởng cho đội vô địch là 10 triệu đồng, 6 triệu đồng cho đội á quân và 4 triệu đồng cho đội đứng thứ ba ở mỗi khu vực.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận