Khí đốt Nga đi đâu, về đâu?

TƯỜNG ANH 14/04/2022 17:00 GMT+7

Thị trường khí đốt thế giới tuần qua không bình yên khi Nga, nước xuất khẩu khí đốt hàng đầu thế giới, yêu cầu “các quốc gia không thân thiện” phải trả tiền mua khí đốt bằng đồng rúp kể từ ngày 1-4. Các quốc gia này đáp ứng ra sao yêu sách của Matxcơva?

Từ 8-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh cấm nhập dầu, khí đốt và than của Nga vào Mỹ. 

Theo sau Washington, London cũng tuyên bố sẽ dần từ bỏ nhập khẩu dầu và các sản phẩm từ dầu của Nga vào cuối năm 2022: Anh cần thời gian để thị trường thích ứng với thực tế mới và tìm kiếm nguồn cung thay thế dầu Nga, vốn đang chiếm 8% lượng tiêu dùng ở Anh. 

EU cũng công bố kế hoạch giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga và sẽ giảm 2/3 nhu cầu vào cuối năm nay. Cùng với các lệnh trừng phạt Nga do “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine từ 24-2, giá khí đốt ở châu Âu đang liên tiếp phá kỷ lục. 

Chẳng hạn ngày 4-3, giá loại nhiên liệu xanh này vượt mốc 2.400 USD/1.000m3, theo dữ liệu của sàn giao dịch ICE. Để so sánh, một năm trước, giá khí đốt ở châu Âu rẻ hơn gần mười lần: chỉ 250 USD/1.000m3.

 
 Ảnh: ft.com

Những ngày cuối tháng 3-2022, tranh cãi bùng lên sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu Công ty khí đốt nhà nước Gazprom lên kế hoạch thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp với “các quốc gia không thân thiện”. 

Ông Putin giải thích quyết định này: “Chúng tôi cung cấp khí đốt cho phương Tây. Họ trả bằng euro rồi đóng băng tài khoản của Nga, không khác gì chúng tôi cung cấp khí đốt miễn phí. Điều này không thể tiếp diễn”.

Tuy nhiên, yêu cầu của ông Putin đã bị châu Âu phản bác: (1) Đồng rúp không nằm trong cam kết mua bán trước đó. (Đáp lại, phía Nga cho rằng không có cơ chế pháp lý nào ngăn cấm việc này). 

(2) Việc thay đổi đồng tiền thanh toán vi phạm các hợp đồng đã giao kết. (Phía Nga cho rằng để chuyển sang thanh toán bằng đồng rúp thì không cần phải thương lượng lại hợp đồng, bởi trong hợp đồng đã tính đến một số điều kiện có thể thay đổi, chẳng hạn ngân hàng trung gian cho các khoản thanh toán).

“Những quốc gia thân thiện”

Một số nước “tương đối thân thiện” với Nga (ít nhất không tham gia các lệnh trừng phạt năng lượng nhắm vào Nga) đã bày tỏ sẵn sàng chuyển sang thanh toán bằng đồng rúp: Serbia, Moldova, và Armenia. Ấn Độ, sau khi mua dầu bằng đồng rupee, cũng sẵn sàng mua khí đốt bằng đồng rúp. 

Theo truyền thông Nga, Ngân hàng Trung ương Nga và Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, khi đối mặt các lệnh trừng phạt chống lại Nga, “đã tạo ra khuôn khổ pháp lý cần thiết và một cơ chế để thanh toán cho nhau bằng đồng tiền của Nga”. 

Đồng thời, hai bên sẽ sử dụng không phải SWIFT mà là Hệ thống Chuyển thông điện tài chính của Nga (SPFS).

Theo kế hoạch được đề xuất, đồng rúp sẽ được chuyển vào tài khoản của một ngân hàng Ấn Độ, sau đó chuyển đổi thành đồng rupee và ngược lại. Điều này đồng nghĩa hai nước không chỉ không sử dụng đồng đôla, mà còn giảm sự phụ thuộc vào các hệ thống thanh toán nước ngoài.

Gần đây nhất, Slovakia vào ngày 3-4 tỏ ý sẵn sàng thanh toán bằng đồng rúp. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế Slovakia Richard Sulik nói nước này đã thanh toán hóa đơn khí đốt gần nhất của Nga. Ngày đến hạn tiếp theo là 20-5. 

Đến thời điểm đó, Bratislava phải giải quyết vấn đề thanh toán bằng đồng rúp. Ông nhấn mạnh Nga cung cấp khoảng 85 - 87% nhu cầu khí đốt của Slovakia, nên nước này không thể ngưng nhập khí đốt từ Nga. 

Ngân hàng Quốc gia Slovakia ước tính giảm 20% nguồn cung khí đốt sẽ khiến GDP nước này giảm 0,6 tới 1,4 điểm phần trăm - rất đáng kể nếu biết rằng GDP của Slovakia năm 2019 chỉ tăng có 2,5% và năm 2020 thậm chí còn giảm 4,8% vì COVID-19.

Và ... không thân thiện

Tòa thánh Vatican đột nhiên trở thành cánh én đầu tiên: Giáo hoàng đã phân bổ 10 triệu euro để mua rúp trả tiền khí đốt. 

Khả năng cao là Ý sẽ theo chân Vatican. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đầu tiên nói sẽ trả tiền khí đốt hoàn toàn bằng đồng euro, nhưng hôm 31-3 đã có cuộc điện đàm với ông Putin với kết quả là “các bên đồng ý để chuyên gia hai nước thảo luận về vấn đề thanh toán hợp đồng khí đốt bằng đồng rúp”.

Tại Pháp, theo các cuộc thăm dò dư luận gần đây, 52% dân số ủng hộ ít nhất một trong các hành động của ông Putin ở Ukraine. 

Thêm nữa, ai là người đầu tiên tuyên bố đạt được thỏa thuận với Matxcơva nhiều khả năng sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo. Như vậy, ba nền kinh tế đầu tàu của EU là Ý, Đức và Pháp, trong khi tiếp tục bày tỏ sự bực dọc, vẫn quan tâm tới kế hoạch thanh toán bằng đồng rúp. 

Hungary và Áo là những nước khác có thể sớm chuyển sang thanh toán bằng đồng rúp, khi giới lãnh đạo ở đây hiện không chống Nga quyết liệt như một số nước EU khác.

Trong ba nước Baltic, ngày 2-4 Litva tuyên bố đã ngưng hoàn toàn việc nhập khí đốt từ Nga do bảo đảm được việc nhận khí hóa lỏng (LNG) bằng đường biển qua trạm khí hóa lỏng ở cảng Klaipeda, hoạt động từ năm 2014. 

Hai quốc gia Baltic còn lại là Litva và Estonia không lạc quan bằng Litva nhưng cũng đang nỗ lực để “độc lập khí đốt” với Nga.

Đa dạng nguồn cung

Theo cổng thông tin tài chính Bankstoday.net, ban đầu EU lên kế hoạch đến năm 2030 sẽ chấm dứt sự lệ thuộc vào dầu và khí đốt của Nga, nhưng chiến tranh ở Ukraine đã khiến Ủy ban châu Âu quyết định đẩy nhanh quá trình này. 

Một gói các biện pháp thay thế dự kiến như sau: (1) Đa dạng hóa nguồn cung qua tăng nhập khẩu LNG và khí đốt từ các nhà sản xuất khác. (2) Tăng sản xuất và nhập khẩu nhiên liệu sinh học. (3) Giảm nhanh việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sưởi ấm, thay bằng các nguồn tái tạo. (4) Các biện pháp ứng phó với giá cả và bổ sung nguồn dự trữ cho các kho khí đốt dưới lòng đất (tức mua vào lúc giá rẻ).

Biện pháp chính để thay thế khí đốt từ Nga là mua của các nước khác. Trong số đó, Na Uy là nhà cung cấp chính - quốc gia không thuộc EU này sản xuất 120 tỉ m3 khí đốt mỗi năm, cùng 50 tỉ m3 nữa từ các quốc gia khác ngoài khu vực Biển Bắc. 

Những nước đó là (số liệu năm 2019): Qatar (chỉ cung cấp LNG, tương đương 32,7 tỉ m3), Algeria (30 tỉ m3, cả khí đốt và LNG), Hoa Kỳ (17,7 tỉ m3 LNG), Nigeria (15,7 tỉ m3 LNG).

Triển vọng về việc gia tăng nguồn cung khí đốt cho châu Âu gắn với LNG từ Hoa Kỳ. Nước này đang thúc đẩy việc xây dựng các kho chứa ở châu Âu và cũng có thể gửi một số lượng nhất định tàu chở LNG trong trường hợp khẩn cấp.

Một hướng đi khác là Turkmenistan. Nước cộng hòa Trung Á này không thể cung cấp khí đốt trực tiếp cho châu Âu, nhưng một công ty Mỹ đang xem xét xây dựng đường ống xuyên biển Caspi đi qua Azerbaijan, có thể cung cấp 10 - 12 tỉ m3 mỗi năm (cộng thêm hơn 9 tỉ m3 từ Azerbaijan). 

Theo lời chuyên gia công nghiệp - nhà kinh tế Leonid Khazanov, châu Âu không có nhiều chọn lựa cho việc mua khí đốt bên ngoài Nga. Năm 2021, EU nhận 8,2 tỉ m3 từ Azerbaijan. Năm 2022, “nếu may mắn, họ sẽ nhận được 10 - 12 tỉ m3 và chỉ thế”.

EU mua khí đốt Azerbaijan nhờ Hành lang khí đốt phương Nam đi qua Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ, đến biên giới Hy Lạp, rồi từ đó đi qua đường ống xuyên biển Adriatic. 

Năm ngoái Mỹ đã vận chuyển 22 tỉ m3 LNG qua Đại Tây Dương, và năm 2022 có kế hoạch xuất khẩu 35 - 45 tỉ m3 sang châu Âu. Với Nigeria và Qatar, khả năng tăng nguồn cung “là không nhiều”, Khazanov nhận định.

Việc cung cấp LNG (khí hóa lỏng) phức tạp hơn so với khí đốt từ đường ống: khí hóa lỏng được vận chuyển bằng tàu và việc tái khí hóa đòi hỏi các phương tiện đặc biệt mà châu Âu không có đủ. Công suất của tất cả các kho LNG châu Âu chỉ khoảng 200 tỉ m3. 

Việc xây dựng các kho mới trong một thời gian ngắn là không thực tế. Cao ủy đặc trách ngoại giao EU Josep Borrell thừa nhận EU không thể đột ngột thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga - nước chiếm 40% lượng nhập khẩu. “Chúng ta không thể cai nghiện ngay lập tức”, ông Borrell ví von.

Khí đốt Nga sẽ chảy về đâu?

Theo Energy Aspects, Matxcơva đang tìm kiếm thị trường mới bằng cách “xoay trục sang phương Đông”. Đường ống khí đốt Sức mạnh Siberia đang được xây dựng sẽ giúp tăng xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc. 

Ngoài ra, việc vận chuyển dọc tuyến đường biển phía Bắc đang được mở rộng. Từ các cảng ở Bắc Cực, tàu chở khí đã vận chuyển LNG đến các nước châu Á từ đầu mùa xuân vừa rồi. Nhưng còn nhiều hạn chế hạ tầng khiến Nga không thể một lúc bán hết lượng khí đốt cho châu Á. 

Để so sánh: tuyến Sức mạnh Siberia có thể đạt công suất tối đa 10 tỉ m3/năm, trong khi năm 2020 có 175 tỉ m3 khí được bán cho phương Tây và chỉ 4 tỉ m3 là cho châu Á.

Đến ngày 4-4, Nga cho biết tạm thời chưa dừng cấp khí đốt cho phương Tây. Lý do là các hợp đồng phải tới cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5 mới đến hạn thanh toán. 

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tóm gọn: “Phương Tây đã thanh toán và sẽ tiếp tục thanh toán bằng đồng euro cho khí đốt, nhưng khoản thanh toán cuối cùng trả cho Gazprom sẽ là đồng rúp”, và thông báo thêm: “Hệ thống thanh toán bằng đồng rúp sẽ được mở rộng hơn nữa cho các mặt hàng xuất khẩu khác của Nga”! ■

Theo Ngân hàng Trung ương Nga, vào năm 2021, Gazprom đã bán 54,2 tỉ đôla khí đốt ra nước ngoài. 

Trong số này, “các quốc gia thân thiện” (chủ yếu là Thổ Nhĩ Kỳ, Belarus, Trung Quốc) mua lượng khí đốt trị giá khoảng 11 tỉ đôla, trong khi các quốc gia “không thân thiện” chiếm hơn 70% thị trường xuất khẩu khí đốt của Nga. 

Tháng 1-2022, Gazprom đã xuất khẩu sang các nước châu Âu lượng khí đốt trị giá 5,99 tỉ đôla, góp phần vào doanh thu kỷ lục từ khí đốt trong một tháng của Nga là 9,75 tỉ đôla. 

Năm 2022, dự kiến lợi nhuận từ việc cung cấp các sản phẩm nhiên liệu ra nước ngoài của Nga có thể tăng 1/3 và đạt 321 tỉ USD nhờ giá tăng mạnh thời gian qua.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận