TTCT - Sáu năm qua, Đà Nẵng không chỉ đầu tư cho chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” mà còn sử dụng ngân sách đưa con em địa phương đi du học, đào tạo sinh viên tốt nghiệp loại giỏi trở thành các cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền... Chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng đã bắt đầu “đơm hoa kết trái”... Phóng to Học viên Đinh Thị Ánh Châu - một trong 44 học viên xuất sắc thuộc khóa học thứ hai đề án “Tạo nguồn cán bộ cho chức danh bí thư, chủ tịch xã, phường trên địa bàn Đà Nẵng“ - quyết định chọn xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang để về công tác - Ảnh: Đăng Nam Sáng 6-1-2011, hội trường Trường chính trị Đà Nẵng nhộn nhịp với buổi lễ bế giảng khóa học thứ 2 của đề án “Tạo nguồn cán bộ cho chức danh bí thư, chủ tịch xã, phường trên địa bàn Đà Nẵng” (còn gọi là đề án 89). Thay đổi quan điểm “trình độ cán bộ không cao” Ông Bùi Văn Tiếng, trưởng ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng - “cha đẻ” đề án 89, nhìn những gương mặt trẻ sẽ là những cán bộ tương lai và nói: “Sau khóa học, 44 anh chị em này đã nắm bắt được những điểm cốt lõi nhất về quản lý đô thị, hành chính công..., đã được rèn luyện các kỹ năng cơ bản như xử lý tình huống, lễ tân công chức, soạn thảo văn bản, diễn đạt ý tưởng bằng lời nói, sử dụng công nghệ thông tin..., đã bước đầu được rèn luyện phong cách lãnh đạo, đạo đức công vụ, ý thức sẵn sàng dấn thân vì sự nghiệp chung, cụ thể là phục vụ nhân dân trực tiếp ở ngay cơ sở xã phường”. “Chúng tôi cho rằng những người làm ở các cơ quan hành chính nhà nước, người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với dân phải là người có trình độ cao, có phẩm chất tốt để đáp ứng công việc cũng như đòi hỏi của người dân. Để làm được điều này, đòi hỏi việc thi tuyển, lựa chọn đầu vào đối với cán bộ công chức, các chủ danh chủ chốt cấp phường xã phải được tiến hành hết sức chặt chẽ, công bằng” - ông Tiếng nói. Liên tục những năm qua, Đà Nẵng đã tìm cách chuẩn hóa đội ngũ cán bộ trong các cơ quan Đảng theo hướng chỉ tiếp nhận những người tốt nghiệp khá, giỏi. Hiện các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch, bí thư, phó bí thư phường, xã ở Đà Nẵng đều tốt nghiệp đại học hệ chính quy. Một phiên chọn chức Ngay sau lễ bế giảng, một phiên chọn nhiệm sở diễn ra công khai, minh bạch và được truyền hình trực tiếp. Tất cả đơn vị xã, phường đã được niêm yết. Riêng ba đơn vị là xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang), phường Bình Hiên (quận Hải Châu) và phường An Hải Tây (quận Sơn Trà) sẽ dành riêng cho ba người đứng đầu khóa học lựa chọn. Ngay sau phiên chọn nhiệm sở, học viên á khoa đồng thời là đảng viên trẻ Ngô Ngọc Trúc ngoài quyền được chọn địa phương là xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) còn được Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng giới thiệu ngay vào chức danh phó bí thư Đảng ủy của xã này. Anh Lê Thành Quyết - sinh năm 1986, thủ khoa khóa học - “dán” lá phiếu của mình vào phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu). Anh nói: “Tôi chọn phường Hòa Minh, một phường vùng ven. Tôi mong muốn về đây để được cống hiến tất cả kiến thức, lòng nhiệt tình của một người trẻ, đưa kinh tế địa phương phát triển”. Để được người dân ủng hộ Theo ông Tiếng, các học viên tốt nghiệp khóa 1 (năm 2009) sau một năm về công tác tại các phường, xã đã đạt được kết quả tốt. Đa số đều thể hiện được vai trò của mình, phát huy được kiến thức, sức trẻ phục vụ sự nghiệp phát triển của địa phương. Chị Nguyễn Thị Vân - sinh năm 1984, học viên khóa 1, hiện là phó bí thư Đảng ủy xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang - tâm sự sau khi tốt nghiệp khóa học hai tháng, chị được bổ nhiệm ngay vào chức phó bí thư. “Trên lý thuyết mình đã được học, nhưng khi ra thực tế luôn phải đối diện tình huống mình chưa bao giờ trải qua. Với người trẻ như bọn mình, tham gia chủ trì một cuộc họp mà người dự là những bậc cao niên thì rất khó. Phải bắt đầu từ sự khiêm tốn, thuyết phục mềm mỏng mới có được sự ủng hộ của mọi người” - chị Vân cho biết. Còn đối với Nguyễn Minh Trí (học viên khóa 1), hiện đảm nhiệm chức danh phó chủ tịch phường Vĩnh Trung (quận Hải Châu) - một phường sầm uất bậc nhất của TP Đà Nẵng, với một người lãnh đạo trẻ tuổi, điều cốt yếu là biết áp dụng tri thức đã học vào cuộc sống và biết lắng nghe dân nói khi điều hành công việc. Sau khi về công tác, Trí đã tổ chức đối thoại với người dân vào thứ ba hằng tuần. Anh Trí cho biết: “Đối thoại với dân để nghe dân nói, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ, nhất là với những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”. Tinh lọc, chất lượng hơn Theo ông Đặng Công Ngữ - giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, riêng trong năm 2010 Đà Nẵng tiếp nhận thêm 77 người, trong đó có 3 tiến sĩ (2 người tốt nghiệp xuất sắc ở nước ngoài), 17 thạc sĩ (4 người tốt nghiệp ở nước ngoài). Số còn lại (57 người) tốt nghiệp đại học loại giỏi. Cũng trong năm 2010, Đà Nẵng đã tiếp nhận 15 sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi về bổ sung cho các phường, xã. Ngoài ra, 29 sinh viên tốt nghiệp đại học từ các chương trình đào tạo khác cũng đã được bố trí sử dụng. Như vậy sau hơn sáu năm triển khai, Đà Nẵng đã tiếp nhận hơn 900 người “đầu quân” (trong đó có 8 tiến sĩ, hơn 130 thạc sĩ). Đây là những hạt giống đã đến kỳ thu hoạch từ chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà Đà Nẵng đeo đuổi suốt nhiều năm qua. Theo điều tra xã hội học độc lập của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng cuối năm 2010 từ các đơn vị sử dụng về việc đánh giá năng lực làm việc, tư chất, đạo đức của đối tượng thu hút nhân tài, cho thấy 100% đạt mức độ hài lòng, trong đó 16,7% rất hài lòng. Về đáp ứng yêu cầu công việc của cơ quan, có đến 94,4% đơn vị đánh giá tốt. 87% số học viên được đào tạo theo chính sách nhân tài của TP hài lòng với việc bố trí, sử dụng và điều kiện công tác. Số ít còn lại vẫn còn tâm lý khác nhau do nhiều nguyên nhân từ chế độ tiền lương còn thấp, điều kiện làm việc chưa tương xứng... Có thể khẳng định trình độ của cán bộ công chức Đà Nẵng đã cơ bản được chuẩn hóa và đang từng bước chuyên nghiệp hóa. Trong sáu năm qua, Đà Nẵng đã không dưới năm lần thay đổi, điều chỉnh các chính sách thu hút nhân tài trên tinh thần “làm tất cả khi có thể”, tạo ra môi trường làm việc tốt nhất cho các đối tượng “đầu quân”. Riêng chính sách đãi ngộ, Đà Nẵng có cách làm riêng của mình theo hướng “bền vững - lâu dài”. Cụ thể như với học hàm tiến sĩ thì ngoài khoản tiền 60 triệu đồng được nhận ngay từ khi nhận nhiệm sở, tiến sĩ đó còn được bố trí một căn hộ chung cư cao cấp với giá thuê ưu đãi hay được quyền chọn mua một lô đất ở với giá ưu đãi. Ngoài ra còn tạo điều kiện để vợ/chồng con họ được chuyển về làm việc, học hành tại Đà Nẵng. Tương tự, thạc sĩ được nhận 20 triệu đồng và được bố trí một căn hộ chung cư cao cấp với giá thuê ưu đãi. Cử nhân loại khá, giỏi được hỗ trợ 15 triệu đồng, đồng thời được bố trí thuê một căn hộ chung cư cao cấp. Ngoài lương, tất cả đối tượng này mỗi tháng còn được phụ cấp thêm 1 triệu đồng/người. Đà Nẵng sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách đào tạo nguồn nhân lực cao theo hướng tinh lọc, đòi hỏi chất lượng phải cao hơn. Bù lại, các chính sách đãi ngộ sẽ được điều chỉnh theo hướng tốt nhất cho người tài. “Quyền lợi luôn gắn liền với trách nhiệm”, đó là điều rất rõ. Ông NGUYỄN PHÚ THÁI (giám đốc Trung tâm Đào tạo nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng): Hơn 50 tỉ đồng mỗi năm cho công tác đào tạo Trong hơn 250 học viên tham gia đề án “Hỗ trợ đào tạo đại học tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước bằng ngân sách nhà nước dành cho học sinh các trường THPT”, đã có hơn 100 người tốt nghiệp và được phân công công tác, một số học viên có kết quả học tập tốt tiếp tục được cho đào tạo sau đại học. Riêng đối với đề án “Đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách“, đến nay đã có 80 người được đưa đi đào tạo và hiện có khoảng 50 người hoàn thành khóa học. Tất cả đều đã trở về nhận công tác tại Đà Nẵng, chủ yếu ở các cơ quan, đơn vị mà từ đó họ được tuyển chọn, đưa đi đào tạo. Hiện mỗi năm Đà Nẵng chi ra hơn 50 tỉ đồng cho đề án đào tạo nguồn cán bộ chất lượng cao. Dự án này sẽ tiếp tục kéo dài trong nhiều năm tới. TS TRẦN ĐỨC ANH SƠN (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng): Tôi bị hấp dẫn bởi chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” Một trong những lý do tôi “đầu quân” về Đà Nẵng công tác vì bị hấp dẫn bởi chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” của địa phương này. Trước khi tôi đến đây công tác, đã có nhiều người khác tìm đến nơi này. Họ cho tôi hay lãnh đạo Đà Nẵng thực tâm mong muốn thu hút những người có năng lực, có trình độ về làm việc cho Đà Nẵng; chính sách thu hút nhân lực của Đà Nẵng minh bạch, có tính cam kết cao; chế độ đãi ngộ xứng đáng và quan trọng là đã tạo điều kiện cho những người đến đây được làm việc và cống hiến. Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất chính là lãnh đạo Đà Nẵng đã tin tưởng khi giao việc cho những người mới chân ướt chân ráo về Đà Nẵng như tôi. Chính sự tin tưởng của lãnh đạo TP đã khiến tôi phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa trong công việc và chức trách của mình.
Chủ tịch nước: Dân quân tự vệ là lực lượng có vị trí chiến lược NAM TRẦN 26/03/2025 Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định dân quân tự vệ luôn là lực lượng có vị trí chiến lược hết sức quan trọng và là hình thức tổ chức thích hợp nhất để thực hiện đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân.
Thủ tướng phát động phong trào 'bình dân học vụ số' NGỌC AN 26/03/2025 Việc phát động phong trào 'bình dân học vụ số' là nuôi dưỡng tinh thần dân tộc, tạo động lực và truyền cảm hứng bước vào kỷ nguyên mới với tầm nhìn khát vọng lớn.
Họa sĩ gửi tranh ra nước ngoài để triển lãm, đại sứ tự ý lấy làm quà tặng? THIÊN ĐIỂU 26/03/2025 Họa sĩ Trần Gia Tùng cho biết anh gửi bốn bức tranh đến Đại sứ quán Việt Nam tại Anh để bày triển lãm nhưng chỉ được trả lại một bức, các bức khác đại sứ quán đã ‘làm quà tặng cấp cao’ mà không có sự đồng ý của anh.
TP.HCM ban hành kế hoạch làm 355km metro, khởi công metro số 2 vào tháng 12-2025 ĐỨC PHÚ 26/03/2025 Từ nay đến tháng 4, TP.HCM sẽ hoàn thiện thủ tục chuyển đổi nguồn vốn làm metro số 2 sang đầu tư công và khởi công dự án vào tháng 12-2025.