Khi Hoa Kỳ "lĩnh xướng" chống cướp biển

HẢI MINH (THEO REUTERS) 01/05/2009 17:05 GMT+7

TTCT - Thông tấn xã Hoa Kỳ AP loan tin Ngoại trưởng Hillary Clinton hôm 16-4 đưa ra một gói bốn biện pháp chống cướp biển Somalia. Trước đó mấy ngày, Seal, biệt kích hải quân Mỹ, đã ra tay tiêu diệt một băng cướp biển ba tên và cứu sống một thuyền trưởng người Mỹ kiên cường tự nạp mình cho cướp biển để thủy thủ đoàn được an toàn. Tuy nhiên, đằng sau quyết định chống cướp biển của hải quân Mỹ là một câu chuyện dài...

Phóng to
Đội tàu hải quân Nhật lên đường đến vùng vịnh Aden để tham gia lực lượng quốc tế chống cướp biển - Ảnh: Daylife

Cướp biển: không phải chuyện của chúng tôi

Cách đây hơn nửa năm, người đứng đầu công tác chống cướp biển của hải quân Hoa Kỳ từng gây chấn động bởi phát biểu: “Hải quân Hoa Kỳ hôm thứ hai cho biết các tàu chiến liên minh đang làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn nạn cướp biển trong vùng vịnh Aden chiến lược, song các hãng tàu nên tự tìm cách bảo vệ tàu và thủy thủ của mình” (trích từ bài báo “5th fleet focus: pirates not our problem 26-9-2008”, tạm dịch: Quan điểm của hạm đội thứ 5: cướp biển không là vấn đề của chúng tôi). Phó đô đốc Bill Gortney lúc ấy chính là tư lệnh hạm đội 5 của hải quân Hoa Kỳ kiêm tư lệnh Lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp 150, gồm hải quân các nước chống cướp biển Somalia.

Bình luận về loan báo này, tác giả bài báo trên - một người ký tên Armchair Admiral - viết trên website Informationdissemination của các hải quân Hoa Kỳ về hưu:

“Thật oái oăm khi nghe các ngài đô đốc đứng trước dân chúng Mỹ tại Diễn đàn kinh tế Durham bàn bạc chi ly về vai trò của một cường quốc hải quân trong việc đảm bảo sự tự do thương mại, và sau đó lại bảo các chủ tàu rằng hải quân Hoa Kỳ không thể giúp gì hơn được.

Vấn đề đâu đơn giản như thế, trái lại đòi hỏi nhiều suy nghĩ trí tuệ hơn. Khi hải quân bảo các hãng hàng hải tự bảo vệ lấy thân, điều đó có nghĩa bảo họ tự vũ trang. Đây không phải là một ý kiến hay. Mặt khác, việc chống cướp biển trong vịnh Aden vốn dĩ không dễ dàng nay lại được chính thức đánh giá là một ưu tiên xếp cuối danh sách các ưu tiên của hạm đội 5 hải quân Hoa Kỳ. Trong khi đó, bảo vệ các cảng dầu hỏa của Iraq lại là ưu tiên không chối cãi của hạm đội 5 với nào là tàu sân bay, tàu yểm trợ, tàu dọ thám...

Khi cướp biển trở thành vấn nạn trực tiếp tác động đến thương mại toàn cầu, song lại chỉ là một ưu tiên thứ yếu của hải quân Hoa Kỳ, thì việc các đô đốc hải quân bàn chuyện tự do thương mại quả là vô nghĩa”.

Phóng to
Một toán cướp biển Somalia chuẩn bị ra khơi - Ảnh: jonbowermaster

Thế giới “la làng”

Từ năm 2005, nhiều tổ chức quốc tế như IMO (Tổ chức Hàng hải quốc tế), WFP (Chương trình Lương thực thế giới)... đã lên tiếng yêu cầu giải quyết vấn nạn cướp biển. Theo IMO, cước vận chuyển hàng hóa ngày càng đắt hơn do... cướp biển ngày càng đông như rươi, phí bảo hiểm tăng vọt. Còn Tổ chức WFP thì đòi hộ tống các tàu hàng cứu trợ của mình tại vùng vịnh Aden do lẽ 90% tàu hàng của WFP chạy qua vịnh Aden.

Trước dư luận thế giới, ngày 7-10-2008, Hội đồng Bảo an LHQ ra nghị quyết 1838 kêu gọi các quốc gia có tàu bè trong khu vực này sử dụng sức mạnh quân sự để trấn áp các hành vi cướp biển. Một hạm đội đa quốc gia gồm hải quân Ấn Độ, Bồ Đào Nha, Canada, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Hi Lạp, New Zealand, Nhật, Nga, Malaysia (gồm hai tàu chiến, sau này đã rút sau khi tàu hàng bị cướp được thả), Iran, Pakistan, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Singapore, Úc... đã được thành lập và đặt tên là Lực lượng hải quân đặc nhiệm hỗn hợp 150. Sang đầu năm 2009, lực lượng này đổi thành Lực lượng đặc nhiệm 151.

Ấn Độ yêu cầu thành lập một lực lượng gìn giữ hòa bình dưới trướng LHQ để thống nhất chỉ huy hải quân các nước vào mục tiêu chống cướp biển, thay cho lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp được thành lập vào tháng 8 trước đó và do hải quân Hoa Kỳ thống lĩnh.

Có nhiều lý do để thiên hạ không hài lòng việc hạm đội 5 của Hoa Kỳ thống lĩnh lực lượng đặc nhiệm 150 này. Cơ bản là thái độ nửa vời “các hãng tàu nên tự tìm cách bảo vệ tàu và thủy thủ của mình” của chính tư lệnh lực lượng này là phó đô đốc Bill Gortney. Nhất là sau khi Hội đồng Bảo an LHQ ra thêm nghị quyết 1851 ngày 17-12-2008 lần đầu tiên cho phép can thiệp cả trên biển lẫn trên đất liền để truy đuổi cướp biển.

Phóng to
Bản đồ vị trí những vụ cướp biển xảy ra gần đây trên vùng biển Somalia

Vì sao Mỹ do dự?

Lý do khiến phó đô đốc Gortney chống cướp biển “nửa vời” vào lúc đó là do ai cũng thừa biết nếu chống cướp biển bằng cách tuần tiễu trong vùng vịnh Aden và ngoài khơi Somalia thì cũng khó như mò kim đáy bể. Cướp biển Somalia đâu có cướp dọc bờ biển mà ra tay cách bờ biển đến tận 500 hải lý. Thành ra nếu muốn nhổ cỏ phải nhổ tận gốc là tấn công vào hang ổ của chúng trên đất liền tại Somalia.

Ngay trong nội bộ Hoa Kỳ cũng có những khuyến cáo “đổ bộ”. Một bài báo của tạp chí Harpers cho biết CIA đổ thừa: “Cần giải quyết vấn đề cả trên biển lẫn trên bộ, song chúng ta lại không có nhiệm sở ngoại giao tại Somalia nên thiếu thông tin tình báo cần thiết cho chiến dịch đổ bộ” (xem “5th fleet focus: pirates not our problem”).

Cuộc tranh cãi trong nội bộ Hoa Kỳ không hề im ắng. Một tác giả tên Mike Burleson đã phản ứng như sau ngay trên tờ báo của hải quân là tờ Navy Times ngày 12-12-2008 bằng một bài viết mang tựa đề: “Tư lệnh hạm đội 5 do dự chống cướp biển”. Bài báo viết: “Phó đô đốc Bill Gortney phát biểu với báo chí rằng tấn công các trại của cướp biển là một giải pháp quân sự dễ dàng nhưng không khôn ngoan, dễ gây tổn thất. Ông cho rằng có những giải pháp tốt hơn như là cải thiện tính ổn định của chính quyền Somalia.

Tôi không cho rằng một giải pháp quân sự là dễ dàng, song dường như đó là cách thức duy nhất giúp giải quyết vấn đề thay vì cứ tranh luận đến vô tận. Câu hỏi đặt ra là tại sao hải quân Hoa Kỳ lại không dấn thân vào cuộc chiến chống cướp biển ở thế kỷ 21 này? Đó là một câu hỏi chính trị chứ không phải là một câu hỏi chiến lược hay chiến thuật của hải quân Hoa Kỳ”.

Tác giả Mike Burleson cho rằng đây là một câu hỏi chính trị đã chạm trúng vào vết thương lòng của chính giới Hoa Kỳ: tháng 12-1992, không đầy bốn tuần trước khi rời Nhà Trắng nhường chỗ cho tân Tổng thống Bill Clinton, Tổng thống Bush “bố” đã phái thủy quân lục chiến Mỹ sang Somalia khôi phục an ninh trật tự. Món quà vào giờ thứ 25 này của một tổng thống mãn nhiệm quả là một quả bom nổ chậm đặt lên bàn tổng thống mới chân ướt chân ráo bước vào Nhà Trắng.

Bộ phim Black hawk down cho thấy thủy quân lục chiến Mỹ đã chết như thế nào tại Somalia, báo hại Tổng thống Clinton phải “trối chết” rút quân của ông Bush để lại về. Từ đó đến nay, kỷ niệm sa lầy tại đất nước vô chính phủ này là nỗi ám ảnh của các tướng lĩnh Mỹ, trong đó có phó đô đốc tư lệnh hạm đội 5 Bill Gortney.

Tỉnh giấc ngủ đông

Mãi đến vụ tàu hàng của Ukraine chở 33 chiếc xe tăng T-72 bị cướp biển chiếm giữ vào tháng 9, vấn nạn cướp biển mới bắt đầu biến thành mối quan tâm của hải quân Hoa Kỳ. Vụ tàu dầu Sirius Star của Hãng dầu Aramco (Saudi Arabia) bị cướp hai tháng sau đó lại đánh thức hải quân Hoa Kỳ một lần nữa. Vụ cướp tàu Maersk Alabama của chính Hoa Kỳ với 22 thủy thủ người Mỹ, chở hàng cho Tổ chức WFP đã đánh thức thật sự chính quyền Hoa Kỳ, để rồi dẫn đến kế hoạch thống lĩnh chống cướp biển của bà Clinton.

Đùng một cái cướp biển Somalia nay trở thành mục tiêu săn đuổi của hải quân Mỹ, sau khi NATO và các nước khác đã gửi tàu đến đây từ lâu để bảo vệ tàu bè của mình, trong đó có hải quân Trung Quốc. Tỉnh một giấc ngủ đông!

Hoạt động cướp biển vẫn... nhộn nhịp!

Ngày 20-4, Reuters dẫn lời người phát ngôn của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) Peter Smerdon nói cướp biển Somalia đã thả tàu mang cờ Togo bị bắt giữ tuần trước, Sea Horse, sau khi nhận khoản tiền chuộc 100.000 USD. Cũng trong ngày 20-4, cướp biển Somalia trên những canô cao tốc đã nổ súng vào hai tàu chở hàng ở vịnh Aden, một của Trung Quốc và một của Panama.

Cuộc tấn công xảy ra vào giữa trưa. Hai tàu chiến của NATO trong vùng đã can thiệp và bọn cướp biển đã trốn thoát. Trong một vụ tấn công khác vào rạng sáng cùng ngày, các tay cướp biển bắn rocket vào một tàu quốc tịch Malta cách bờ biển Yemen 50km.

Các nhà tài trợ cho Somalia sẽ gặp nhau ở Brussels (Bỉ) tuần này để thảo luận về việc hỗ trợ chính quyền trung ương nước này kiểm soát lại tình hình trong nước.

Liên quan vụ giải cứu con tin của hải quân Mỹ, ngày 21-4 tên cướp biển duy nhất còn sống sót trong vụ giải cứu con tin đã được đưa về New York và có thể bị đem ra xét xử. AP cho biết các điều tra viên đang xác nhận xem nghi can Abduhl Wali-i-Musi có đủ 18 tuổi để bị truy tố hay không. Bộ trưởng quốc phòng Robert Gates nói cả bốn tên cướp biển có tuổi 17-19, trong khi mẹ của Abduhl khẳng định với AP qua điện thoại con bà tên là Abdi Wali Abdulqadir Muse và mới 16 tuổi!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận