Khi người viết là ngôn sứ

TRẦN QUỐC TÂN 01/09/2013 04:08 GMT+7

TTCT - Cả Paul Auster, Philip Roth và Nguyễn Việt Hà đều có một điểm chung rất lạ, không chỉ ở sự nương náu của họ trong niềm tin đậm tính khải huyền. Bằng cách viết về sự viết của chính mình, họ tự nhận lấy sứ mệnh dự cảm và loan báo...

Phóng to
Paul Auster

Cách đây gần nửa thế kỷ, nhà văn - dịch giả Bửu Kế đã mang đến nhân thân mới cho cậu bé Pinocchio người Ý bằng một bản dịch nhuần nhị và thuần Việt đến cả từng tên riêng. Bức thư thay lời tựa của Bửu Kế là một trong những lời giới thiệu đặc sắc của ngạch văn học dịch dành cho thiếu nhi:

"Huế, ngày...
Em Bích nô cô.
Lúc bố Gia Bích dùng mảnh gỗ để chạm trổ thân hình em, bố có ý định sẽ đi khắp các nước trên thế giới, biểu diễn lấy tiền nuôi thân và mua rượu uống".

Thời khắc bố Geppetto nhặt được mảnh gỗ và tạc nên hình thù Pinocchio là một dấu ấn quan trọng trong văn học. Hình tượng người cha trở nên rất khác với quan niệm truyền thống: một pha trộn giữa hai vai trò sinh thành và tạo tác (mang sắc màu của Chúa). Và hình tượng người con cũng vậy: một pha trộn của hai giai đoạn sinh ra và trưởng thành, bởi lẽ Pinocchio đã có từ trước cơ thể của cậu.

Chi tiết Pinocchio tìm bố trong bụng cá nhám bắt nguồn từ câu chuyện Jonah rơi vào bụng cá do không làm đúng ý Chúa trong Cựu Ước. Ðây sẽ là mắt xích ý tưởng ­- mặc dù vận hành theo hướng khác nhau - của hai tác phẩm gần đây vừa được dịch sang tiếng Việt: Báo ứngKhởi sinh của cô độc. Cả hai tác giả đều có gốc Do Thái và lớn lên ở khu Newark, Mỹ.

Philip Roth mở đầu Báo ứng như lời tiên tri về một thảm họa của con người thời hiện đại: bệnh bại liệt. Ấn tượng ngay từ những trang đầu của Báo ứng là một cảm giác rờn rợn bao quanh một sân chơi cho trẻ em ở Newark, đầy mùi tà khí, nhớp nháp, bức bối chỉ chực chờ có mầm bệnh là phát tán khắp thành phố.

Bucky Cantor, người phụ trách sân chơi, không bám trụ đến phút chót mà chuyển đến trại hè Indian Hill lánh nạn theo lời bạn gái Marcia. Rồi đây Cantor sẽ không lúc nào cảm thấy bình yên khi những đứa trẻ xung quanh anh cứ nối tiếp nhau rơi rụng dần.

Trong chương cuối, nhân vật xưng "tôi" đóng vai trò thẩm phán cay nghiệt. Ðó là một trong những học trò ở sân chơi Chancellor ngày xưa, 30 năm sau thảm họa bi thương, gặp lại thầy Cantor lúc này đã tiều tụy vì bản án của chính mình. Ở tác phẩm thứ 31 và cũng là cuối cùng này trong sự nghiệp, Philip Roth trở thành vị ngôn sứ hà khắc, phê phán và loan báo những hình phạt. Bản thân sứ điệp này cũng là sự tự vấn: Liệu Chúa có cảm thông cho một cuộc đời đơn lẻ hay ngài phụng sự một sứ mệnh lớn lao hơn?

11 năm sau trận dịch, văcxin phòng bại liệt đã được phát minh. Thế nhưng người từng là thần tượng của lũ trẻ ở khu Do Thái, người đã dũng cảm đứng lên bảo vệ chúng trước lũ côn đồ người Ý, đã gục ngã.

Hình ảnh Cantor ra khỏi khu Newark cũng giống như chuyện Jonah chạy trốn khỏi sứ mệnh mà Chúa giao phó. Thế nhưng trái với Jonah cầu xin và được cứu, Cantor bất tin và chất vấn: "Tại sao Chúa lại sinh ra căn bệnh bại liệt? Ngài muốn chứng tỏ điều gì?" (tr. 152) và rồi báng bổ: "Ông ta dành quá nhiều thời gian cho việc giết trẻ con" (tr. 232).

Lấy nhan đề từ tên nữ thần Nemesis, vị thần đại diện cho công lý và cũng tượng trưng cho sự báo thù, về cuối tác phẩm để nhân vật chính thốt lên bẽ bàng và đau đớn cùng cực: "Chúa đã giết mẹ tôi khi sinh nở. Chúa đã cho tôi một người cha ăn cắp [...] Chúa cho tôi bệnh bại liệt để đến lượt mình, tôi lại truyền cho ít nhất là mấy tá trẻ" (tr. 234). Từ sâu xa, ta nhận ra ở những người mắc bệnh bại liệt mà vẫn còn sống sót họ có gì đó lãng mạn và thông minh hơn, nhạy cảm và lôi cuốn hơn, dẫu cho căn bệnh ấy đã phá nát cuộc đời họ.

Nếu Báo ứng tuyên bố sẽ chẳng có sự cải chánh nào theo ý Chúa, thì Khởi sinh của cô độc của Paul Auster lấy hình ảnh Pinocchio cứu bố làm biểu tượng của sự cứu chuộc và là hành trình tự tìm thấy mình.

Khi bố ông mất vì nhồi máu cơ tim, Paul Auster đang ở mấp mé sự khánh kiệt cả về vật chất lẫn tinh thần. Ông bế tắc trong việc viết lách, hôn nhân đổ vỡ và mới có thêm con trai tên Daniel. Có thể xem đó là sự thừa kế từ cha, một sự bù đắp trong hoàn cảnh tưởng chừng như cùng kiệt. Ðứa con trai đem lại cho ông cảm giác bồng bềnh cùng nguồn cảm hứng để viết thay vì nhận chìm ông. Kể từ sau điểm mốc này, đề tài về mối quan hệ cha con sẽ chi phối nhiều tác phẩm còn lại của Paul Auster.

Tác phẩm hư cấu mang dấu ấn tự truyện này được chia làm hai phần: Chân dung một người vô hình - là sự thật rằng tác giả được cha mình cho vào cuộc chỉ để chia sẻ sự nhàm chán của ông trên cõi đời, và Sách về ký ức - là mạng lưới những mối dây liên kết, để qua đó giúp người đọc hình dung về "sức mạnh kỳ bí của những khái niệm đã bị lạc mất" (tr. 258), hay nói cách khác bị lãng quên.

Nhân vật người con A., vì không thể bảo vệ cha Sam Auster khỏi cái chết cô quạnh vì nhồi máu cơ tim, đã tự hành hạ bản thân vì cảm giác rằng anh đã đến quá trễ, sự tái hợp của anh với cha mình là quá muộn màng. Anh đã không kịp chui vào bụng cá. Và thế là người viết trao cho đứa con Daniel của anh một sứ mệnh tái hợp khác: "Cuốn Sách về ký ức vẫn chưa được viết xong [...] Em hãy hoàn thành nó hộ anh và đưa nó cho Daniel" (tr. 271).

Ðiều đặc biệt ở đây, Daniel cũng là tên một cuốn sách trong Cựu Ước, được viết vào khoảng thế kỷ 2 trước Công nguyên và chứa đựng nhiều đặc tính của dòng văn học khải huyền, bao gồm cả thuyết cánh chung - tiên đoán điểm kết thúc của thời gian và sự lập ra một trật tự thế giới mới.

Hẳn người đọc sẽ thắc mắc về nhan đề cuốn tiểu thuyết không mới nhưng vừa được in lại của Nguyễn Việt Hà: Khải huyền muộn (NXB Trẻ). Chữ "khải huyền" lấy từ tên cuốn sách cuối cùng trong Tân Ước (Book of Revelation), cùng với Sách Daniel là hai cuốn đậm tính "văn học khải huyền" nhất trong Kinh thánh. Nhan đề này là chìa khóa ý tưởng của tác phẩm, đồng thời chi phối điểm nhìn, đề tài và cách tác giả xử lý câu chuyện.

Các nhân vật với ngôn ngữ đầy mùi đời của cuốn tiểu thuyết hàm ý chia nhân loại thành hai nhóm riêng biệt: những người chính trực luôn là thiểu số vô cùng nhỏ, và kẻ bị tha hóa chính là số đông. Liệu sẽ có một cái án chung cuộc: người tốt sẽ được cứu rỗi và kẻ xấu bị trừng phạt?

Khải huyền muộn là một tác phẩm viết về chính nó, viết về công cuộc làm văn, về cuộc sống của người tạo tác ra nó. Và cũng như văn học khải huyền phân chia bên thiện - bên tà, tác phẩm đứng giữa hai lựa chọn: niềm hi vọng và nỗi tuyệt vọng. Nó là nỗi bi quan tuyệt vọng bởi vì tiền đề cơ bản của nó là thế giới này không có chỗ cho người ngay thẳng. Nó là niềm hi vọng lạc quan vì xác nhận rằng thế nào rồi cũng có sự can gián của đấng tối cao.

Cấu trúc của tác phẩm giống như hình xoắn ốc, từng chương, từng lớp nối nhau, tạo nên nỗi bức bối, chán nản và đôi khi bực dọc, để người đọc tự mình trải nghiệm câu chuyện, cũng như cách họ trải nghiệm một cơn khủng hoảng để đạt đến giai đoạn thanh tẩy.

Cả Paul Auster, Philip Roth và Nguyễn Việt Hà đều có một điểm chung rất lạ. Họ tin rằng sự kết thúc vốn dĩ đã bắt đầu ở đâu đó. Họ không còn neo ở hiện tại, cũng chẳng cần phải tiên tri cho tương lai, và chỉ đang chuẩn bị cho một cuộc đời mới.

“Làm đầy kệ sách”

Phóng to
Đầu tư mạo hiểm (Jason Medelson & Brad Feld), Nguyễn Phương Lan dịch, 396 trang, Alphabooks & NXB Lao Động - Xã Hội

Một mùa thơ dại (Higuchi Ichiyo), An Nhiên dịch, 159 trang, Phương Nam & NXB Hội Nhà Văn

Tony Blair - Hành trình chính trị của tôi, nhiều dịch giả, 880 trang, Alphabooks & NXB Công An Nhân Dân

Báo ứng (Philip Roth) Hà Nguyễn và Sao Mai dịch, 252 trang, NXB Trẻ

Khải huyền muộn (Nguyễn Việt Hà), 256 trang, NXB Trẻ

Khởi sinh của cô độc (Paul Auster), Phương Huyên dịch, 276 trang, NXB Trẻ

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận