Khi tổng thống trả lại thẻ nhà báo

HẢI MINH 24/11/2018 16:11 GMT+7

TTCT - Cuộc cãi cọ lúc đầu diễn ra trong phòng họp báo, rồi sau đó là ở tòa án, giữa phóng viên CNN Jim Acosta và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, giải thích tại sao Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ lại là về quyền tự do ngôn luận.

Tổng thống Trump đã gây thù chuốc oán với cánh báo chí suốt từ khi ông nhậm chức.-Ảnh: Brookings Institution
Tổng thống Trump đã gây thù chuốc oán với cánh báo chí suốt từ khi ông nhậm chức.-Ảnh: Brookings Institution

 

Cơ sự bắt đầu hôm 8-11 vừa rồi, khi Acosta bị thu mất thẻ báo chí Nhà Trắng sau một cuộc trao đổi nóng bỏng với ông Trump. Thật ra thì đó đã là một cảnh tượng quen thuộc trong nhiều cuộc họp báo của tổng thống Mỹ.

Trong phiên hỏi đáp, Acosta, một cái gai nhọn lâu nay trong mắt Nhà Trắng hiện giờ, đặt vấn đề với việc ông Trump dùng chữ “xâm lược” để chỉ đoàn người lữ hành Trung Mỹ đang đi bộ tới biên giới Hoa Kỳ.

Sau đó, khi Acosta hỏi một câu về cuộc điều tra Nga can dự vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, ông Trump quyết định là ông không chịu nổi nữa, và la hét vào micro của ông nhiều lần: “Đủ rồi”, “Bỏ mic xuống đi”. Sau đó, một nữ thực tập sinh Nhà Trắng tiến lại chỗ Acosta tìm cách giật micro khỏi tay ông, nhưng ông này né ra, và nói “Xin lỗi bà nha”.

Trump khi đó bước khỏi bục phát biểu, rồi như còn ấm ức, quay lại nói: “CNN phải lấy làm xấu hổ vì anh làm việc ở đó. Anh là một người thô lỗ tồi tệ”. Sau đó trong ngày, Nhà Trắng tuyên bố tước thẻ ra vào Nhà Trắng của Acosta.

Qua tuần sau, CNN khởi kiện tổng thống Mỹ. Vụ việc được dàn xếp xong thứ sáu tuần trước, 16-11, khi thẩm phán Timothy Kelly phán quyết Nhà Trắng phải trả lại thẻ báo chí cho Acosta.

Thật lý thú, Kelly là một thẩm phán do... Trump vừa bổ nhiệm. Trong một hệ thống tư pháp hiệu quả và đáng tin cậy với dân chúng, ông Kelly đã hết sức thận trọng và khách quan tối đa để không đưa ra một phán quyết có thể bị hiểu lầm, dù là theo nghĩa nào.

“Tôi muốn nhấn mạnh tính chất hết sức giới hạn của phán quyết này. Tôi không hề xác quyết rằng ở đây có sự vi phạm với Tu chính án thứ nhất” - ông nói trong phòng xét xử, theo... CNN.

Nói cách khác, tự do báo chí phải được tôn trọng, vị thẩm phán không phán quyết có lợi cho tổng thống vì ông được tổng thống bổ nhiệm, nhưng đồng thời ông cũng không phán quyết có hại cho Nhà Trắng vì muốn tỏ ra là người chính trực. Đó là lý do tại sao Nữ thần công lý thì đeo băng bịt mắt: bà mù quáng với chính trị và tranh cãi cá nhân, chỉ chấp nhận sự thật mà thôi.

Tấm thẻ báo chí vào Nhà Trắng của Acosta đã gây cả một trường sóng gió. Ảnh: Financial Times
Tấm thẻ báo chí vào Nhà Trắng của Acosta đã gây cả một trường sóng gió. Ảnh: Financial Times

 

Những kẻ lắm chuyện

Báo chí nói riêng, và công luận nói chung, có một vai trò tuyệt đối quan trọng trong sự hình thành và phát triển của nước Mỹ. Lá thư đề ngày 9-9-1792 Thomas Jefferson gửi cho George Washington, cả hai đều là những người cha sáng lập nước Mỹ (và tổng thống thứ ba và thứ nhất), có đoạn: “Không chính quyền nào tồn tại được mà thiếu những người giám sát, và nơi nào báo chí không tự do thì không ai tự do cả”.

Ngày nay, hầu hết dân chúng Mỹ nhất trí với điều đó. Cuộc thăm dò của Trung tâm nghiên cứu kinh tế và xã hội của Đại học Nam California, Dornsife hồi tháng 9-2018, với một mẫu hơn 5.000 người trưởng thành cho thấy tới 85% người được hỏi đồng ý với tuyên bố: “Các tổ chức báo chí có quyền tự do đăng tải mọi câu chuyện mà họ lựa chọn, trừ những trường hợp rất hạn chế về những chủ đề như an ninh quốc gia”.

Đó là chuyện đường hướng và xa xôi, trong chuyện cụ thể hơn, năm 1977 từng có một vụ kiện tương tự vụ Acosta và CNN kiện Trump: Sherrill kiện Knight. Năm đó, Robert Sherrill, biên tập viên nóng tính ở Washington của tờ The Nation, bị từ chối cấp thẻ báo chí vào Nhà Trắng dù ông có thẻ vào trụ sở Quốc hội.

Ban đầu, Đặc vụ cảnh vệ, cơ quan bảo vệ tổng thống, từ chối giải thích lý do, nhưng sau khi Sherrill khởi kiện, họ nói là việc từ chối ông dựa trên thông tin ông hay đánh nhau khi còn làm ở miền nam.

Tuy nhiên, Tòa phúc thẩm quận Columbia phán quyết là việc tước quyền vào Nhà Trắng của Sherrill là sự xâm hại nghiêm trọng với tự do báo chí, và không thể thực thi chỉ bằng cách ra lệnh. Tòa yêu cầu phủ tổng thống, ở mức tối thiểu, “phải cung cấp những cơ sở dựa trên dữ kiện cho việc từ chối, một cơ hội để người xin thẻ được phản hồi” và “một tuyên bố cuối cùng bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối” cấp thẻ.

Để phòng ngừa, tòa cũng viết trong phán quyết là “các tiêu chí liên quan tới nội dung báo chí để từ chối cấp thẻ” là không được chấp nhận. Hết cửa, Đặc vụ cảnh vệ đã cấp thẻ cho Sherrill. Và còn hay hơn nữa, đã chứng tỏ được mình đúng, Sherrill lại không thèm nhận thẻ.

Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ đã cho phép các thẩm phán, ít được nhắc tới trong dòng thời sự, liên tục bảo vệ hiệu quả những tay phóng viên thích chọc ngoáy vào chuyện người khác và chửi bới chính quyền. Suốt lịch sử, điều này đã lặp đi lặp lại nhiều lần.

Một ví dụ nữa, trong vụ báo The New York Times kiện Sullivan ở Tòa tối cao Alabama năm 1964, phán quyết viết rằng nghị trình chính trị Mỹ “không được cản trở và phải cởi mở (với báo chí), và điều đó rất có thể bao gồm những cuộc tấn công kịch liệt, chua ngoa, và đôi khi cực kỳ khó chịu (của báo chí) nhắm vào chính quyền và các quan chức nhà nước”. Thật không thể rành mạch hơn.

Trong thời đại Trump

Cuộc chiến giữa ông Trump và truyền thông thực ra đã bắt đầu từ khi ông nhậm chức, thậm chí là trước đó nữa, khi ông tranh cử. Với giới truyền thông tự do ở Mỹ, Trump là hiện thân của tất cả những gì họ không ưa.

Liên đoàn các quyền dân sự Mỹ ra thông báo về vụ Trump-Acosta: “Phán quyết của tòa hôm nay xác nhận lại là không ai, ngay cả tổng thống, đứng trên pháp luật. Nhà Trắng chắc chắn hi vọng việc trục xuất người phóng viên này sẽ làm nản chí việc đặt những câu hỏi mạnh mẽ, nhưng phán quyết của tòa sẽ tạo ra hiệu ứng ngược lại”.

Trước đó, vào giữa tháng 10, ít gây chú ý hơn, Trung tâm PEN Hoa Kỳ, tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy và bảo vệ tự do ngôn luận lớn ở Mỹ, cũng đã kiện ông Trump dựa trên Tu chính án thứ nhất.

Đơn kiện nói “những đe dọa và hành động trả đũa” của chính quyền chống lại sự chỉ trích từ truyền thông là vi hiến. Tiểu thuyết gia từng đoạt giải Pulitzer, Jennifer Egan, chủ tịch PEN Hoa Kỳ, đứng tên trên đơn nộp ở tòa án khu vực nam New York, liệt kê hàng loạt ví dụ mà những bài chỉ trích của truyền thông bị chính quyền trả đũa.

Chẳng hạn, vụ một phóng viên khác của CNN, Kaitlan Collins, bị cấm dự họp báo “vì Collins trước đó đặt những câu hỏi mà Nhà Trắng cho là “không phù hợp””. Nghiêm trọng hơn là những hành động pháp lý của Bộ Tư pháp dựa trên luật chống độc quyền nhắm vào vụ sáp nhập công ty mẹ của CNN Time Warner với AT&T, diễn ra “ngay sau những đe dọa úp mở của tổng thống”.

Cũng PEN Hoa Kỳ, vào tháng 4-2017, nhân dịp 100 ngày nhậm chức của ông Trump, đã công bố một báo cáo dài 55 trang của họ không khác gì một bản luận tội với tổng thống từ báo chí.

Tựa đề: “Trump the Truth: Free Expression in the President’s first 100 days” (Trump và sự thật: Tự do ngôn luận trong 100 ngày đầu tiên của tổng thống), báo cáo liệt kê một danh sách dài những gì ông Trump đã làm với truyền thông: đe dọa báo chí, tấn công cá nhân nhà báo và các hãng tin, đe dọa sửa luật mạ lị, cáo buộc truyền thông dối trá, hạn chế hoạt động của báo chí, kêu gọi sa thải nhà báo, không chấp nhận quan điểm trái chiều...

Đừng coi thường những chê bai công khai hằng ngày của tổng thống, đừng cho rằng nó không có tác động gì. Những lời kêu gào “tin tức giả mạo” được lặp đi lặp lại của Trump đã làm xói mòn lòng tin vào báo chí và làm mờ đi sự phân biệt giữa sự thật và tuyên truyền - Egan viết - Nhưng chúng tôi không kiện ông ấy vì những điều đó.

Những gì Trump nói - giống như với mọi người Mỹ - được Tu chính án thứ nhất bảo vệ. Nhưng tổng thống còn làm hơn thế: ông đã đe dọa sử dụng quyền lực tổng thống để gây khó dễ cho phóng viên và các tổ chức báo chí, và đã làm đúng như thế”.■

Trong phiên tòa, thẩm phán Kelly đã đặt những câu hỏi rất khó với cả hai phía, bên nguyên là CNN, và bên bị có Trump, người phát ngôn của ông Sarah Huckabee Sanders, và chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly, do luật sư của Bộ Tư pháp Mỹ, James Burnham, đại diện.

Nhà Trắng lập luận rằng Acosta đáng bị cho vào danh sách đen vì ông quá hung hăng trong cuộc họp báo. Quan chức phụ trách truyền thông của Nhà Trắng, Mercedes Schlapp, nói với Washington Post rằng các cuộc họp báo ở phủ tổng thống đòi hỏi “những sự trang trọng nhất định”, và cho rằng Acosta đã vi phạm điều đó.

“Trong sự kiện cụ thể này, chúng tôi sẽ không khoan dung với hành vi tồi tệ của phóng viên này” - Schlapp nói. Chính Trump nói sau khi tòa tuyên án: “Người ta phải học cách cư xử. Nếu họ (tức những phóng viên như Acosta) không nghe theo các quy định và luật lệ, chúng tôi sẽ ra tòa và sẽ thắng, nhưng quan trọng hơn, chúng tôi có thể thôi (nhận câu hỏi từ các cuộc họp báo). Khi đó quý vị sẽ không vui đâu, vì tỉ lệ người xem sẽ giảm”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận