Không cần tìm bản ngã ở World Cup

HUY ĐĂNG 23/12/2022 11:06 GMT+7

TTCT - FIFA có nhiều điều luật giúp các CLB bảo vệ những tài năng trẻ. Nếu những điều luật đó cũng được áp dụng ở mức độ tuyển quốc gia, có lẽ người Argentina đã không được ăn mừng cúp vàng World Cup 2022.

Suốt nhiều năm trời, Lionel Messi sống trong ánh mắt hoài nghi và chê bai, rằng anh thiếu chất tango trong lối chơi để có thể đưa Argentina đến thành công như Diego Maradona.

Không cần tìm bản ngã ở World Cup - Ảnh 1.

Messi và các cầu thủ Pháp đều là đại diện cho một thứ bản sắc bóng đá mới. Ảnh: REUTERS

Sức ép và vinh quang

Năm 13 tuổi, Messi được gia đình đưa sang Tây Ban Nha theo đuổi giấc mơ bóng đá. Ở Argentina, không đội bóng nào tài trợ chi phí cho anh tiêm hormone tăng trưởng, còn Barca thì sẵn sàng. Từ đó, thần đồng của Argentina được nuôi dưỡng tài năng ở học viện La Masia trứ danh.

Mãi đến nhiều năm sau này, đây vẫn là chủ đề gây tranh cãi. HLV Vicente Del Bosque, người giúp Tây Ban Nha vô địch World Cup 2010, từng nói ông vẫn luôn mơ được có Messi trong đội hình. 

LĐBĐ Tây Ban Nha không giấu giếm ý định muốn đổi quốc tịch cho siêu sao của Barca. Và chính Messi từng thừa nhận anh có thể đã gặt hái vinh quang sớm hơn nếu chấp thuận đề nghị từ Tây Ban Nha.

Không có Barca, Messi có thể đã không trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Phong cách chơi bóng của anh cũng gần với bóng đá Tây Ban Nha hơn là Argentina: nhãn quan chiến thuật sắc bén, lối chơi đầu óc, nhưng thiếu chất "giang hồ" của xứ tango.

Sau World Cup 2018, Mesut Ozil từng thốt lời cay đắng về sự phân biệt đối xử mà anh phải nhận. "Khi chiến thắng, họ xem tôi là người Đức. 

Còn khi thất bại, tôi trở thành kẻ nhập cư". Trường hợp của Ozil khác với Messi, anh là người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ, và đã chọn thi đấu cho xứ sở nuôi dưỡng tài năng của mình thay vì quê hương của cha mẹ.

World Cup 2022 diễn ra ở Qatar - quốc gia có tỉ lệ người nhập cư lên đến 77% - trở thành biểu tượng cho một làng bóng đá không biên giới. 

Từ nhiều năm trước, bóng đá Pháp đã nổi tiếng với những cầu thủ gốc Phi, và nay đã thành một bản sắc mới cho tuyển Pháp. Trong đội hình 11 người đá chính của "Gà trống" ở trận chung kết, chỉ Adrien Rabiot không có gốc gác Phi châu.

Nhưng chuyện này chẳng quan trọng, bởi vấn đề bản sắc từ lâu đã nhạt nhòa và thay đổi. Điều đó thể hiện qua một góc nhìn khác: 59 cầu thủ dự World Cup 2022 sinh ra và trưởng thành tại Pháp; nhưng quá nửa lại khoác áo những đội tuyển quốc gia quê hương mình, thường ở châu Phi.

Nhìn câu chuyện từ hai phía, bóng đá Pháp tận dụng tối đa nguồn lực từ người nhập cư, nhưng hệ thống đào tạo trẻ quá tốt của họ cũng cung cấp nhiều trụ cột cho các đội tuyển quốc gia khác. 

Morocco đã lập nên kỳ tích vào bán kết với 2 trụ cột sinh ở Pháp, 5 ngôi sao khác chơi ở Ligue 1, và HLV trưởng Walid Regragui hoàn toàn sinh sống tại Pháp từ bé.

Với 14/26 cầu thủ là kiều bào, Morocco đứng đầu World Cup 2022 về tỉ lệ cầu thủ sinh ra ngoài biên giới trong đội hình, cao hơn nhiều so với tỉ lệ chung 136/832, tức 15%. 

Đó là chưa kể hàng trăm cầu thủ khác như Messi hoặc Ozil - chơi bóng cho nơi mình sinh ra, nhưng mang theo phong cách những nền bóng đá khác.

Cộng hưởng sức mạnh

Sự đa dạng văn hóa là nguyên nhân quan trọng giúp các nền bóng đá xích lại gần nhau hơn. Hakim Ziyech - người từng bị mắng là "đồ ngốc" vì từ chối khoác áo tuyển Hà Lan để trở về chơi cho Morocco - khẳng định anh không hối hận vì điều đó. 

Và ở World Cup 2022, Morocco đã tiến xa hơn Hà Lan. Cũng trong đội hình Morocco, Achraf Hakimi bỏ qua cơ hội khoác áo Tây Ban Nha - nơi anh trưởng thành từ lò đào tạo Castilla trứ danh - để chơi cho đội bóng quê nhà, rồi loại chính Tây Ban Nha ở vòng 16 đội.

Toàn cầu hóa đã làm thay đổi nhiều thứ. Ở World Cup 1998, Morocco không có cầu thủ "kiều bào" nào, nhưng sau 20 năm chính quyền nước này triển khai chính sách liên kết chặt chẽ với cộng đồng người Morocco ở nước ngoài, tình hình thay đổi hẳn. 

Một nghiên cứu cho thấy hơn 60% thanh niên gốc Morocco sinh sống tại châu Âu đã trở về thăm quê hằng năm.

Ziyech thực sự được bóng đá Hà Lan nuôi dưỡng, nhưng anh vẫn theo đạo Hồi, và những thói quen, tập tục truyền thống của người Ả Rập ít nhiều khiến Ziyech không thoải mái ở môi trường bóng đá châu Âu (năm 2019, làng bóng đá phương Tây sửng sốt khi thấy Ziyech ăn vội một thanh gel năng lượng ngay giữa trận bán kết Champions League - khi Mặt trời vừa lặn, để giữ đúng giáo luật của tháng chay Ramadan). ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận