Không chịu thuốc đắng

H.T. 18/10/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Theo dõi dư luận người Việt quan tâm đến hành trình của thầy trò Park Hang Seo, tôi thấy hầu hết như đang đu theo một chiếc bong bóng bay khổng lồ, và khi lên cao, bóng bể thì hầu hết đều bị rơi tự do về mặt cảm xúc!

Các hậu vệ VN thường xuyên bị thổi phạt kể từ khi bước chân ra đấu trường cấp châu lục. Ảnh: AFP

 

Chính vì thế, người ta quên mất ở giai đoạn 2 vòng loại, tuyển VN nằm trong một bảng chỉ là Đông Nam Á và UAE. Người ta quên mất việc có mặt ở vòng loại thứ 3 là sự kiện lịch sử của bóng đá Việt. 

Người ta quên rằng trước đây tuyển Trung Quốc đá với ta thắng dễ như bỡn, nhưng bây giờ thì trầy vi tróc vảy mới thắng 3-2... 

Mau quên như vậy, nên mới sau trận thua thứ ba với Trung Quốc đã có không ít người đòi thay ông Park Hang Seo!

Nhìn lại lịch sử bóng đá của một VN thống nhất, chỉ trong vòng 26 năm (tính từ 1995), chúng ta đã xài tới hơn chục HLV ngoại. Trong đó chỉ có 4 người thành công là Weigang, Riedl, Calisto và Park Hang Seo; còn lại thì chủ yếu là ê chề. 

Thậm chí với ông Park, VFF chạy mướt mồ hôi mới kiếm đủ tiền trả lương. 

Còn xài HLV nội ư? Chưa hề có một ai thành công! Vậy thay ông Park bằng ai? Mourinho ư? Có đủ tiền trả không? Và có hiệu quả không, khi đi mời một ông giáo sư Harvard về dạy phổ thông trung học? 

Bài học Hiddink, Lippi với bóng đá Trung Quốc còn đấy...

Điều tôi lo nhất không phải là thầy trò Park Hang Seo trắng tay cả 10 trận, mà sau thế hệ vàng hiện giờ, liệu bóng đá Việt có tiếp tục sản sinh ra được những cầu thủ chất lượng như thế trở lên hay không? 

Đơn cử lò Hoàng Anh Gia Lai sau lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... hiện chưa thấy ai nổi trội như vậy. Nói thẳng thừng thì bóng đá Việt đang may mắn có được lứa này, còn ngày mai ra sao không biết.

Thường những “liều thuốc đắng” này phải được báo chí và giới chuyên môn mạnh dạn đề cập liên tục, dẫn dắt, định hướng, cung cấp kiến thức chuyên môn cho người hâm mộ. 

Nhưng tiếc rằng ở VN khó thể làm điều đó. Trong 20 năm chuyên nghề viết thể thao, tôi sợ nhất là viết về một trận đấu trước khi bóng lăn, khi đội nhà gặp đối thủ mạnh.

Nói thẳng thì bị chụp cho cái mũ bi quan, hay nặng hơn nữa là không yêu nước... 

Riết rồi từ báo chí cho đến truyền hình, toàn hô khẩu hiệu là chính; toàn sử dụng tính từ để khỏa lấp cho thiếu thốn về chuyên môn, lý tính. 

Nói đâu xa, xem bóng đá trên đài truyền hình quốc gia, không chỉ tôi mà nhiều người đã hỏi: Bình luận viên gì mà không nói được một chút nào về chuyên môn, mà chỉ “tự hào”, chỉ “thua trong thế thắng”, “thua nhưng ngẩng cao đầu”...?

Cuối cùng, xin kể một câu chuyện thế này: Ở giai đoạn 2 vòng loại World Cup 2022, chúng tôi tổ chức sân chơi “Dự đoán cầu thủ Việt Nam xuất sắc nhất trận đấu” và thu hút được đông đảo người hâm mộ. 

Nhưng đến vòng loại thứ 3, một số nhà chuyên môn bóng đá đang làm việc ở VFF nhắn nhủ: Đừng chơi bình chọn như thế nữa, không hợp đâu, kèm lời dặn dò kỹ lưỡng: Bọn tớ chỉ tư vấn thế thôi, không được nêu tên đấy nhé!

Không ít người hiểu hết, lường được hết, nhưng không ai dám nói. Tất cả đều phải nhường “trận địa” truyền thông cho các “chuyên gia” thổi bong bóng, để rồi vô vàn người hụt hẫng sau bốn trận trắng tay.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận