TTCT - Cơ quan chức năng Mỹ vẫn xác định tầm quan trọng hàng đầu của sữa mẹ với sức khỏe của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nhưng nếu vấn đề đơn giản chỉ là ‘không có sữa bột thì cho bú mẹ’, việc thiếu hụt sữa công thức cho trẻ em đã không gây khủng hoảng đến thế. Ảnh: Getty ImagesNguồn cung sữa công thức đang thiếu trầm trọng, nhưng đó không phải là chiến thắng cho việc bú mẹ, và mà trái lại là tai họa cho những gia đình dù rất muốn để bé dùng sữa mẹ nhưng lực bất tòng tâm, theo tạp chí The Atlantic.CDC Hoa Kỳ tuyên bố sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất trong những tháng đầu đời của trẻ, còn Hiệp hội Nhi khoa Mỹ (AAP) khuyến cáo trẻ em nên bú mẹ cho đến 1 tuổi hoặc lớn hơn. Nhưng việc làm theo mục tiêu một năm đó là nằm ngoài tầm với của nhiều người mẹ ở quốc gia này. Đến khi trẻ 6 tháng tuổi, phần lớn các bà mẹ Mỹ sẽ phải cho con dùng một loại sữa công thức nào đó. Giờ thì khủng hoảng thiếu sữa bột trẻ em, nói như như báo The New York Times ngày 19-5, “đang làm trầm trọng thêm một vấn đề y tế vốn đã tồi tệ ở Hoa Kỳ”.Nhiều bà mẹ phải vất vả hơn để cho con bú, nhiều người phải “tái khởi động” việc cho bú sau khi đã ngưng một thời gian dài - đây là một nhiệm vụ khó, nếu không muốn nói là bất khả thi vì vú thường ngừng sinh sữa ngay khi bé dừng bú mẹ.Sữa mẹ không phải lúc nào cũng sẵn cóJane Varghese Williams vừa sinh con trai hồi tháng 12-2021 và luôn thấy có lỗi khi không thể cho bé bú, dù đó không phải lỗi của cô: em bé bị khiếm khuyết ăn uống bẩm sinh. Ban đầu bà mẹ 27 tuổi không chấp nhận sự thật rằng con trai không thể bú mẹ, nhưng đến khi bé sút 300g so với lúc mới sinh, cô mới “giật mình nhận ra là phải cho bé dùng sữa công thức”, dù trước khi sinh đã quyết định sẽ cho bé bú ít nhất là trọn năm đầu đời, theo The New York Times.Những năm qua, Mỹ đã thực hiện nhiều chiến dịch tuyên truyền về tầm quan trọng của sữa mẹ, và kết quả rất rực rỡ: 84% trẻ em Mỹ sinh ra được bú mẹ, so với chỉ 58% hồi giữa thập niên 1990. Bằng nhiều cách, xã hội đã quen với việc cho trẻ bú sữa mẹ hơn khi các công sở, sân bay và nhiều điểm công cộng khác đều đã có phòng cho con bú; hàng trăm bệnh viện “thân thiện với trẻ em” trên cả nước áp dụng các chiến lược thúc đẩy việc bú sữa mẹ, chẳng hạn khuyến khích mẹ và bé “da kề da” và không dùng sữa công thức.Nhưng nhiều gia đình không thể cho trẻ bú mẹ. Lý do có thể nằm ở đứa bé, như con trai của Williams, hoặc ở người mẹ, với các vấn đề về thể chất như núm vú bị nứt và chảy máu, tắc ống dẫn sữa và nguồn sữa ít; ngoài ra, 2-20% các bà mẹ đang cho con bú có thể bị viêm tuyến vú.Cuộc khủng hoảng sữa bột trẻ em ở Mỹ đến khiến những người mẹ này phải chật vật tìm cách xoay xở. Người ngoài cuộc sẽ dễ dàng nói vậy thì quay lại cho bú mẹ thôi. Joelyz Lugo, người vừa sinh con thứ 3 hồi tháng 4-2022, đã phát chán với những lời như vậy. “Nói thì dễ lắm nhưng không dễ để vượt qua chuyện này” - cô nói.Lugo đã định cho con bú mẹ nhưng đứa bé sinh khó và phải chăm sóc đặc biệt, bắt buộc dùng sữa công thức. Sau này, Lugo cố cho con bú nhưng bé không bám vú mẹ. Lugo chấp nhận dùng sữa ngoài; mới được một tháng thì cuộc khủng hoảng ập đến. Lugo buộc phải quay lại cho con bú - đồng nghĩa với bắt đầu một quy trình khắc nghiệt mỗi ngày: cứ 3 tiếng là phải dùng máy hút sữa, nhưng “sản lượng” chẳng được bao nhiêu: chưa đầy 30ml mỗi lần hút, không đủ nhu cầu của bé. “Tôi đã khóc rất nhiều vì mình đã cố hết sức nhưng chẳng có tác dụng” - cô nói. Mà đó là khi còn đang nghỉ thai sản. Đầu tháng 6 này, Lugo sẽ phải quay lại làm việc. “Tôi hút sữa cho con lúc nào bây giờ?” - người mẹ 31 tuổi cảm thán.Theo tiến sĩ Casey Rosen-Carole - giám đốc chương trình sữa mẹ và cho con bú tại Trung tâm y khoa Đại học Rochester, đặc tính sinh lý của việc nuôi con bằng sữa mẹ là không linh hoạt: một khi quá trình này đã qua đi thì rất khó để khởi động lại. Rosen-Carole cho biết các bà mẹ cố gắng có sữa trở lại trong cuộc khủng hoảng sữa bột có thể sẽ bị căng thẳng bởi họ phải “thúc ép cơ thể làm một việc khó khăn, nếu không muốn nói là không thể”.Tiến sĩ Alison Stuebe, một học giả có tiếng về dinh dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thuộc Gillings School of Global Public Health (Đại học North Carolina), cho rằng sẽ là phi thực tế nếu nói phụ nữ nào cũng có thể sinh sữa đủ cho con mình dùng. Mặc dù chúng ta đã tiến hành công cuộc nuôi con bằng sữa mẹ trên toàn quốc tốt hơn, hầu hết trẻ sơ sinh - hoặc hơn một nửa - vẫn cần một số loại sữa công thức trong vòng sáu tháng đầu đời- James Franciosi (trưởng khoa tiêu hóa, gan mật và dinh dưỡng tại Bệnh viện Nhi đồng Nemours bang Florida, nói với trang Axios)Chuyện từ quá khứ“Với tư cách là một sử gia chuyên nghiên cứu việc cho trẻ sơ sinh và trẻ em ăn uống, tôi có thể nói với quý vị rằng cho con bú chưa bao giờ khả thi với tất cả mọi người và con người vẫn luôn cần nguồn thay thế sữa mẹ” - Carla Cevasco, phó giáo sư Đại học Rutgers, viết trong bài ý kiến cho tờ Time. Bài viết nhằm trả lời câu hỏi mà cư dân mạng Mỹ đã hỏi suốt hơn tháng qua: tại sao các bà mẹ không cho con bú đi, đó chẳng phải là điều mà ai cũng làm trước khi có sữa bột sao?Dưới góc nhìn của một sử gia, Cevasco cho rằng sữa công thức thời hiện đại là “một kỳ tích cứu tinh chứ không phải một điều xa xỉ”. Tất nhiên điều này không đồng nghĩa với việc phủ nhận nguồn dinh dưỡng số 1 là sữa mẹ. Vấn đề là khi sữa mẹ không phải lúc nào cũng sẵn có, việc có một nguồn thay thế, đủ đảm bảo nhu cầu của trẻ, là rất quan trọng. Vậy mà mãi đến thế kỷ 20, nước Mỹ nói riêng và nhân loại nói chung mới có được lựa chọn thay thế đó. Trước mốc này, nhiều gia đình phải chịu đau khổ vì trẻ chết do đói, suy dinh dưỡng hay các bệnh liên quan vì không có sữa mẹ lẫn một lựa chọn thay thế phù hợp.Theo Cevasco, trong suốt lịch sử, người Mỹ đã không thể hoặc chấp nhận không cho con dùng sữa mẹ vì nhiều lý do - mẹ không đủ sữa, con không chịu vú mẹ, mẹ bận đi làm, trẻ không có mẹ… Các lựa chọn thay thế lúc đó là cho trẻ bú thép từ người thân (nhà giàu thì thuê vú em), các dạng thực phẩm mềm/lỏng khác như sữa động vật, ngũ cốc (hay nước cơm như ở Việt Nam)…Trẻ không được bú sữa mẹ thường chết hoặc suy dinh dưỡng vì hiếm khi có thực phẩm thay thế đảm bảo được nhu cầu dinh dưỡng của trẻ sơ sinh. Tuy vậy, tỉ lệ bà mẹ cho con bú ở Mỹ giảm mạnh khi bước sang thế kỷ 20 và tiếp tục ở mức thấp trong hàng chục năm. Cevasco dẫn lý giải của nhà sử học Jacqueline Wolf: các bác sĩ nhi khoa đầu thế kỷ 20 đã thúc đẩy việc cho trẻ bú theo lịch cố định (thay vì theo nhu cầu), điều này khiến việc nuôi con bằng sữa mẹ trở nên khó khăn hơn; phụ nữ làm việc bên ngoài không có lựa chọn nào khác ngoài cho con bú bình vì không được chỗ làm hỗ trợ và chưa có công nghệ hút sữa hiện đại.Cũng trong giai đoạn này, các công ty sản xuất sữa công thức và thức ăn cho trẻ em đã quảng cáo rầm rộ, hướng tới các bậc cha mẹ mới; nhiều người trong số họ tin rằng sữa công thức là sự lựa chọn hiện đại và khoa học hơn việc nuôi con bằng sữa mẹ. Cùng lúc đó, ngành công nghiệp thực phẩm được quản lý tốt hơn, kết quả là các loại thực phẩm thay thế cho trẻ em như sữa công thức hiện đại trở nên an toàn và bổ dưỡng hơn trước đây. Hầu hết trẻ em Mỹ thuộc thế hệ boomber (sinh từ 1946-1964) đều dùng sữa công thức thay vì sữa mẹ.Đến cuối thế kỷ 20 và kéo dài tới nay, sữa mẹ lại được các chuyên gia nhi khoa, ngành y tế công cộng và những người làm cha mẹ coi trọng trở lại. Nhưng như đã nói, không phải bà mẹ Mỹ nào cũng theo được trọn vẹn khuyến cáo của CDC: chỉ 25,8% trẻ được cho bú mỗi sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, và tồn tại “bất bình đẳng” về chủng tộc, giai cấp trong việc cho con bú - chẳng hạn, phụ nữ da trắng thu nhập cao thì cho con bú nhiều hơn phụ nữ da đen thu nhập thấp.Vấn đề của thời hiện đại - bối cảnh của cuộc khủng hoảng sữa công thức ở Mỹ - theo Cevasco là mặc dù Mỹ đã có một số biện pháp bảo vệ với người lao động đang cho con bú, chẳng hạn như phòng cho con bú tại nơi làm việc và bảo hiểm chi trả tiền mua máy hút sữa, việc không có chế độ nghỉ phép có lương cho cha mẹ chăm sóc trẻ sơ sinh vẫn khiến nhiều người không thể cho con bú vì bận đi làm.Nhưng ngay cả khi tất cả những vướng mắc về chính sách được gỡ, một vài gia đình vẫn sẽ phải dùng sữa công thức: người cần dùng thuốc không tương thích với việc cho con bú; gia đình nhận nuôi trẻ sơ sinh; trẻ em có nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt hoặc dị ứng; và tất nhiên có cả người chủ động không muốn cho con bú.Tác giả Cevasco kết luận: “Trong quá khứ, khi chưa có sữa công thức, trẻ sơ sinh thường chết đói hoặc vì bệnh tật do ăn uống không đủ chất. Chúng ta thật may mắn khi được sống trong thời đại mà các bậc cha mẹ có nhiều lựa chọn an toàn cho con ăn, nhưng khi những lựa chọn này trở nên hạn chế (như đang diễn ra hiện nay) đó là một cuộc khủng hoảng thực sự. Chúng ta đâu muốn trở lại quá khứ”.■ Tags: Sữa mẹSữaSữa công thứcSữa bộtThiếu sữaKhủng hoảng sữa
Thủ tướng: 'Chúng ta cứ đấu thầu nhưng cuối cùng quân xanh, quân đỏ, kỷ luật liên tục' THÀNH CHUNG 23/11/2024 Thủ tướng chia sẻ hoạt động doanh nghiệp nhà nước phải theo quy luật thị trường, giá trị, cung cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính.
Vụ 2 cô gái trang điểm bị gia đình chú rể lục vali: Luật sư nói về khả năng vi phạm pháp luật HOÀI THƯƠNG 23/11/2024 Hai cô gái chuyên trang điểm cho cô dâu bị một gia đình chú rể ở Tiền Giang giữ lại để lục vali, đồ đạc và yêu cầu cởi đồ để lục soát chỉ vì bị mất 20 triệu đồng. Việc này có vi phạm pháp luật?
Giá vàng lại tăng thẳng đứng ÁNH HỒNG 23/11/2024 Giá vàng thế giới đã kết thúc tuần giao dịch ở mức 2.716,9 USD/ounce, tăng đến 47,2 USD/ounce so với hôm qua 22-11.
Chủ tịch TP Hội An nói gì về thông tin chung chi 1,6-1,8 tỉ đồng mỗi suất xích lô, ghe du lịch? LINH TRANG 23/11/2024 Một tài khoản Facebook vừa đăng tải clip người đàn ông tự cầm điện thoại selfie ở Hội An. Trong clip người này nói "nghe được thông tin mỗi suất đạp xích lô, chèo ghe bơi có giá 1,6-1,8 tỉ đồng".