Không còn ước tháng lương thứ 13!

YÊN VÂN 13/02/2010 23:02 GMT+7

TTCT - Những ngày cuối năm trên báo chí có nhiều tin vui. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu mà tăng trưởng năm 2009 vẫn đạt 5,32% thì quả là điều đáng tự hào. Việt Nam được Tập đoàn tài chính đầu tư Goldman Sachs đưa vào danh sách N-11, nhóm 11 nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong những năm tới.

LTS: Trang Bạn đọc & TTCT của số báo cuối cùng năm Kỷ Sửu này xin được dành để đăng những điều ước tốt lành vào năm mới của bạn đọc xa gần. TTCT kính chúc bạn đọc năm Canh Dần nhiều sức khỏe, thịnh vượng và hạnh phúc.

Phóng to
Ảnh: N.C.T.

Nhưng bên cạnh những tin vui đó lại có những chuyện chẳng mấy vui như mức thưởng Tết Canh Dần đạt cả mức cao kỷ lục: 389 triệu đồng, lẫn thấp kỷ lục chỉ có 30.000 đồng (theo báo NLĐ 9-1-2010)! Trong khi Hà Nội xuất hiện mốt chơi xe siêu sang Bentley (gọi là “chơi” vì chạy xe gắn máy tại thủ đô đã khó vì đường chật, nói gì đến xe hơi) thì trẻ em Sa Pa không có giày mang, chỉ có dép xăngđan trong mùa đông lạnh giá. Người thắng giải trong các cuộc thi sắc đẹp đủ loại trong năm nhận được cả trăm triệu đồng tiền thưởng nhưng các giáo viên mầm non chỉ ước có tháng lương 13...

Không phải ngẫu nhiên mà các nước đang phát triển như Ấn Độ rất quan tâm đến vấn đề “middle income trap” - cái bẫy thu nhập trung bình, chỉ tình trạng những nước thu nhập thấp tiến nhanh lên nhóm thu nhập trung bình rồi lúng túng vướng trong đó khi sự tăng trưởng xuống dần. Một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đã vượt qua được cái bẫy này, số khác như Brazil, Mexico... phát triển mau chóng trong vài thập niên rồi vẫn loay hoay trong đó.

Chẳng cần là chuyên gia kinh tế cũng có thể thấy thoát khỏi nhóm quốc gia thu nhập thấp dễ dàng hơn chuyện chuyển từ nhóm thu nhập trung bình thấp lên nhóm thu nhập trung bình cao. Khoảng cách giữa 1.000 USD với 12.000 USD là vô cùng lớn, do vậy mọi sự lạc quan thái quá sẽ vô cùng nguy hiểm vì trong những thử thách mà các quốc gia có thu nhập trung bình phải đương đầu để không bị mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình là thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và phát triển nguồn nhân lực.

Ngay đối với những quốc gia giàu có thì phát triển nhân lực vẫn là chìa khóa của sự thành công và phát triển bền vững. Ví dụ như Đan Mạch. Chỉ trong vòng chưa tới một thập niên vương quốc này đã từ một trong năm nước giàu nhất thế giới tụt xuống hạng 11 mà một trong những nguyên nhân chính là sự sa sút của chất lượng dạy và học. Do vậy, trong kế hoạch 10 năm (2010-2020) của chính phủ nước này ngoài mục tiêu trở lại top 10 nước giàu nhất thế giới vào năm 2020, trình độ học sinh Đan Mạch cũng phải thuộc top 5 thế giới.

Những thử thách cho Việt Nam vẫn còn ở phía trước. Ngoài ra, một khi đã đứng vào hàng ngũ những quốc gia có thu nhập trung bình thì quốc tế sẽ nhìn chúng ta bằng con mắt khác. Có thể nói vị thế mới sẽ đem lại cả thuận lợi lẫn thử thách.

Đơn cử như du lịch, nếu trước đây mỗi khi bị du khách trong và ngoài nước than phiền dịch vụ kém, tình trạng ăn xin, hàng rong quấy nhiễu khách, môi trường ô nhiễm... nhất nhất chuyện gì không hay cũng thấy viện dẫn lý do là nước ta còn nghèo. Giờ thì lý do đó nghe không ổn, nói nôm na là khi đất nước đã “lên đời” thì mọi thứ cũng phải thay đổi theo, nhất nhất mọi chuyện sẽ bị so sánh với Thái Lan, Malaysia... dù chúng ta có muốn hay không.

Trong những cuộc thi hoa hậu trước đây, ban giám khảo thường hay hỏi các thí sinh “Nếu có ba điều ước thì ước chuyện gì?”. Câu trả lời thường giống nhau là “Ước sao Việt Nam hết nghèo”. Nay thì điều ước đó về cơ bản đã thành sự thật nên sang năm mới chúng ta phải ước khác đi. Riêng tôi thì ước là khi đọc tin trên các báo hằng ngày, những chuyện vui sẽ nhiều hơn, chuyện chưa vui sẽ ít đi, người trong ảnh sẽ cười nhiều hơn và tết sang năm sẽ không có ai phải ước những điều đơn giản như có tháng lương 13 nữa!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận