TTCT - Người châu Á có đầu óc tuân thủ hơn người châu Âu, khi xét đến lý do các quốc gia châu Á vượt trội rõ rệt trong cuộc chiến chống virus, và vì sao sự hoảng loạn ở châu Âu khủng khiếp đến thế. Triết gia Byung-Chul Han suy tư về Dữ liệu lớn, Nho giáo và Chủ quyền. Corona là một thử nghiệm cho hệ thống. Châu Á rõ ràng xử lý dịch tốt hơn châu Âu. Số người nhiễm bệnh ở Hongkong, Đài Loan và Singapore tương đối ít. Ở thời điểm này (*) Đài Loan thông báo chỉ có 108 người nhiễm bệnh, Hongkong 193. Ở Đức chỉ sau khoảng thời gian rất ngắn đã có 14.481 người phát bệnh (tính đến ngày 19-3). Hàn Quốc đến nay đã qua được đỉnh dịch nguy kịch và Nhật Bản cũng vậy. Trung Quốc, xuất xứ của đại dịch, chủ yếu giành được quyền kiểm tra diễn biến dịch. Cả Đài Loan lẫn Hàn Quốc đều không ban hành biện pháp đóng cửa nhà hàng, cửa hiệu hay hạn chế người dân đi lại. Từ châu Âu đã bắt đầu một cuộc tháo chạy của người châu Á. Dân Trung Quốc và Hàn Quốc muốn về quê vì họ cảm thấy ở đó an toàn hơn. Giá vé máy bay đắt lên gấp vài lần, thông thường không thể kiếm được một chỗ ngồi trong các phi cơ đi Trung Quốc hay Hàn Quốc. Châu Âu chao đảo. Con số lây nhiễm tăng nhanh chóng mặt. Dường như châu Âu không làm chủ được tình thế. Mỗi ngày hàng trăm mạng sống mất đi ở Ý. Các bệnh nhân già ở Ý bị ngắt máy thở để nhường cho bệnh nhân trẻ hơn. Ta còn thấy những hành động “làm lấy được” mà việc đóng biên giới chỉ là một biểu hiện tuyệt vọng của chủ quyền. Dường như châu Âu bị đẩy lùi về thời đại của nhà nước dân tộc có chủ quyền. Người có chủ quyền là có quyền ban lệnh giới nghiêm, có quyền đóng biên giới. Song đó chỉ là một cách khoa trương chủ quyền rỗng tuếch và vô hiệu, thay cho sự hợp tác liên Âu chặt chẽ vốn được coi là có hiệu quả hơn nhắm mắt khoá cửa nhà mình lại. Hiện tại EU dang cấm người ngoài EU nhập cảnh, đây là một biện pháp vô nghĩa khi ta biết ở thời điểm hiện tại có ma nào muốn đến châu Âu? Lẽ ra nên cấm người châu Âu rời khỏi nhà mình để bảo vệ phần thế giới còn lại, vì chính châu Âu mới là ổ dịch nóng nhất. TIN TƯỞNG NHÀ NƯỚC Châu Á đang tỏ ra có lợi thế so với châu Âu trong cuộc chiến dập dịch, vậy châu Á có điểm vượt trội nào về mặt hệ thống? Người châu Á có đầu óc tuân thủ hơn người châu Âu, và họ đặt nhiều lòng tin vào nhà nước hơn. Cuộc sống thường nhật ở đó được tổ chức quy củ hơn nhiều, không chỉ ở Trung Quốc, mà cả ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Các nước châu Á tín nhiệm mạnh mẽ sự giám sát bằng kỹ thuật số trong đại dịch chống virus này, vì họ dự tính đến những tiềm năng khổng lồ trong Big Data hay Dữ liệu lớn. Có thể nói là các đại dịch ở châu Á không chỉ bị ngành y tế phản công, mà trước hết đó là sứ mệnh của giới công nghệ tin học và chuyên gia Big Data. Đây là sự chuyển đổi mô thức không hề được châu Âu đề cập đến. Tuyên ngôn của phe biện hộ cho giám sát qua kỹ thuật số hôm nay sẽ là “Big Data cứu mạng người.” Hầu như người châu Á không có tư duy phê phán chống lại cơ chế giám sát qua kỹ thuật số. Khác với châu Âu với ý thức bảo vệ dữ liệu trong mỗi động thái, ngay cả những quốc gia phóng khoáng như Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng ít nhắc đến khái niệm ấy nữa. Không ai phiền lòng khi nhà chức trách đòi hỏi dữ liệu cá nhân vô tội vạ. Hôm nay Trung Quốc sở hữu một hệ thống đánh giá xã hội mà không người châu Âu nào có thể hình dung ra: Social Scoring System cho phép ghi nhận và chấm điểm toàn diện mọi sinh hoạt xã hội của mỗi người dân. Nói một cách có hình ảnh là không người Trung Quốc nào không nằm trong tầm ngắm của chính quyền, từng phút một. Mỗi kích chuột, mỗi giao dịch, mỗi tiếp xúc, mỗi động thủ trên các mạng xã hội đều bị ghi nhận. Ai băng qua đường lúc đèn đỏ, ai quan hệ với phần tử chống đối chính quyền hay tung bình luận có tính phê phán lên mạng xã hội - sẽ bị ghi điểm trừ. Cả cuộc sống là một chuỗi rủi ro tiềm tàng. TRAO ĐỔI DỮ LIỆU KHÔNG HẠN CHẾ Điểm cộng dành cho những người lên mạng đặt mua thực phẩm sạch hoặc đọc các tờ báo thân chính quyền. Tài khoản thu thập đủ điểm cộng là cơ sở để nhận thị thực xuất cảnh hay được vay tín dụng ưu đãi. Ngược lại, sở hữu dưới mức điểm nhất định đồng nghĩa với khả năng bị chấm dứt hợp đồng lao động. Việc giám sát xã hội một cách tuyệt đối này ở Trung Quốc khả thi vì giữa các nhà cung cấp mạng điện thoại di động và dịch vụ internet với cơ quan chức trách không bị hạn chế. Thực tế là không có khái niệm bảo vệ dữ liệu, và trong tự vựng của người Trung Quốc thiếu hẳn khái niệm “không gian riêng tư.” Khoảng 200 triệu camera giám sát được lắp toàn quốc, một phần trong đó đi kèm phần mềm hiện đại để nhận dạng khuôn mặt, thậm chí nhìn rõ từng nốt ruồi. Không có cách nào thoát khỏi tầm nhìn của triệu con mắt thần tích hợp trí tuệ nhân tạo ấy và bị chúng đánh giá, bất kể ta ở ngoài phố, trong cửa hàng, vào ga tàu hoả hay phi trường. Đúng lúc này, toàn bộ cơ sở hạ tầng của mạng lưới giám sát kỹ thuật số tỏ ra vô cùng hữu hiệu để đẩy lùi dịch bệnh. Khi một hành khách Trung Quốc rời khỏi ga Bắc Kinh, anh ta tự động lọt vào một máy camera có thể đo cả thân nhiệt. Nếu nhiệt độ quá một mức nhất định thì thông tin đó được gửi vào điện thoại di động của những người khác ngồi cùng toa. Hệ thống biết ai ngồi ở toa nào! Gần đây trên mạng xã hội xôn xao tin nhà chức trách sử dụng máy bay không người lái để giám sát người bị cách li. Giả sử ai đó trốn khỏi điểm cách li, lập tức một chiếc không người lái vè vè bay lại gần và phát loa đề nghị trở về chỗ cũ. Có bất ngờ không, khi máy bay không người người lái có thể in luôn giấy phạt và thả xuống đầu “tội nhân”? Một người Âu sẽ rùng mình nghĩ đến phim kinh dị, nhưng người Trung Quốc không thấy lý do nào để phiền lòng hay thậm chí phản đối. Tâm thế này cũng có thể dễ thấy ở người Hàn Quốc, Nhật Bản, Hongkong, Singapore hay Đài Loan. Không những thế, họ còn là tín đồ của kỹ thuật cao và kiêu hãnh với tốc độ phát triển kỹ thuật số - không có gì lạ nếu biết đến bối cảnh văn hoá. Đó là chủ nghĩa tập thể hằn sâu vào não trạng hậu duệ Khổng Tử. Ở đây không có chủ nghĩa cá nhân rõ nét, và nếu có thì cũng mang màu sắc khác với chủ nghĩa vị kỷ đang lan toả. Big Data đã chứng tỏ có hiệu suất cao hơn việc đóng biên giới một cách vô nghĩa mà các quốc gia châu Âu đang tiến hành. Cũng phải nói thêm là ở châu Âu không thể phát động cuộc chiến kỹ thuật số chống virus như ở đây, vì bị luật bảo vệ dữ liệu cản đường, khác với các nhà cung cấp mạng di động và internet Trung Quốc luôn bán đứng mọi thông tin nhạy cảm của khách hàng cho cơ quan an ninh và cơ quan y tế. Hình ảnh tại biên giới Đức - Ba Lan những ngày này (Ảnh: alliance/dpa) CÁC NHÓM ĐIỀU TRA KỸ THUẬT SỐ Vậy là nhà nước biết tôi đang ở đâu, đi gặp ai, làm gì, tìm gì, ăn gì, đi hướng nào, thậm chí tôi nghĩ gì. Trong tương lai rất có thể nhà nước biết cả thân nhiệt của tôi, trọng lượng, chỉ số đường huyết v.v. Chính sách sinh học kỹ thuật số sẽ mở đường cho chính sách tâm lý học kỹ thuật số để chủ động định hướng con người. Ở Vũ Hán chính quyền đã thiết lập hàng ngàn nhóm điều tra kỹ thuật số, các nhóm này nắm trong tay mọi thông số kỹ thuật để truy ra những cá nhân có tiềm năng bị nhiễm Covid-19, tạm xếp họ vào danh sách tiếp tục theo dõi hay quyết định đưa vào cơ sở cách li. Tương lai xã hội con người nằm gọn trong kỹ thuật số, kể cả trong mối liên quan đến bệnh dịch. Có lẽ, nhân có dịch corona virus, đã đến lúc định nghĩa lại khái niệm Chủ quyền. Người có chủ quyền sẽ là người sở hữu dữ liệu. Châu Âu còn ngập đến cổ trong khái niệm Chủ quyền theo nghĩa truyền thống khi ban lệnh giới nghiêm hay đóng biên giới. Không chỉ ở Trung Quốc, các quốc gia châu Á khác cũng rục rịch triển khai giám sát bằng kỹ thuật số để chặn dịch lan toả. Người dân Đài Loan cùng lúc nhận được tin nhắn của chính quyền về địa danh hay toà nhà đang có người nhiễm virus. Chính quyền Đài Loan đã sớm kết hợp các mảng dữ liệu khác nhau về một mối, ví dụ để qua thói quen di chuyển mà tìm ra các cá nhân có tiềm năng nhiễm bệnh. Ở Hàn Quốc bây giờ, ai tiến lại gần một toà nhà có người nhiễm bệnh bên trong sẽ nhận được một âm cảnh báo quá ứng dụng Corona-App. Mọi địa điểm mà người bệnh đi qua đều được thu thập trong ứng dụng đó, vô hình trung gạt bỏ mọi nghi ngại về bảo vệ thông tin cá nhân. Mỗi ngôi nhà, mỗi tầng nhà, mỗi văn phòng hay cửa hàng đều được giám sát bằng ống kính video. Có lẽ không còn không gian công cộng nào mà người ta đi qua mà không bị thu vào phim. Hàng triệu thước phim ấy cộng với các điểm di chuyển được điện thoại di động ghi lại sẽ giúp cơ quan giám sát vẽ ra một thói quen di chuyển cũng như hành trình thực tế của người nhiễm virus. Tất cả được công khai hoá, và đôi khi cái giá phải trả là một cuộc ngoại tình vỡ lở! Cơ quan y tế Hàn Quốc nuôi một đội quân mang tên “tracker” chỉ có nhiệm vụ xem các thước phim ấy, 24/7, nhằm hoàn thiện bản đồ về thói quen di chuyển cũng như danh sách những cá nhân tiếp xúc! Một dị biệt nổi bật nữa giữa châu Á và châu Âu vẫn là cái khẩu trang. Thực tế không thể tìn ra một người Hàn Quốc đi ra ngoài mà thiếu khẩu trang. Đó không phải khẩu trang bình thường cho bác sĩ phẫu thuật, mà là khẩu trang đặc biệt có phin lọc virus, thường dành cho nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân Covid-19. Trong mấy tuần qua ở trong nước không có chủ đề nào nóng hơn là cung cấp cho toàn dân vũ khí tự vệ đó. KHẨU TRANG NƠI LÀM VIỆC Trước các hiệu thuốc luôn có hàng người rồng rắn. Trình độ của các chính trị gia được đo bằng năng lực kiếm ra đủ khẩu trang cho dân. Máy sản xuất khẩu trang được lắp ráp ngày đêm. Kết quả là tình hình cung cấp khẩu trang đã dịu hẳn. Người dân có thể tải xuống một ứng dụng để biết ở hiệu thuốc nào gần nhất đang bán khẩu trang. Người ta tin rằng những cái khẩu trang ấy có vai trò quan trọng trong nỗ lực dập dịch ở toàn châu Á. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nội các đeo khẩu trang khi họp hành (Ảnh:Axel Springer SE) Người Hàn Quốc đeo khẩu trang cả ở nơi làm việc, và không chính khách nào thiếu khẩu trang khi tiếp xúc với quần chúng hay trên màn ảnh nhỏ. Người nào không đeo khẩu trang ra phố sẽ bị chửi mắng tàn tệ. Ở Đức thì ngược lại, dân chúng được dặn dò một cách ngu ngốc là khẩu trang không có tác dụng gì. Nếu vậy thì tại sao các bác sĩ đeo khẩu trang? Khẩu trang này phải thay thường xuyên vì chúng giảm tác dụng lọc virus khi bị ẩm bởi hơi thở. Dần dần người Hàn Quốc phát triển ra loại phin lọc nano có thể giặt nhiều lần, dùng liền một tháng mới phải thay, có thể coi là lý tưởng trước khi có thuốc đặc trị và vaccine. Ở Đức nhiều bác sĩ phải bay sang Nga để kiếm khẩu trang. Tổng thống Pháp Macron còn ra lệnh tịch thu khẩu trang để cung cấp cho các bệnh viện, kể cả khẩu trang không có lớp lọc và do đó không thể chống lại virus. Châu Âu rung chuyển. Có ích gì, khi đóng hết cửa hàng cửa hiệu, khi người ta chen chúc nhau lên tàu điện ngầm hay xe bus vào giờ cao điểm? KHÁC BIỆT VĂN HOÁ Trên những chuyến tàu, cả trong các siêu thị, làm sao giữ nổi khoảng cách cần thiết? Và đó là đất dụng võ của khẩu trang cứu mạng người. Hình như đang xuất hiện một xã hội hai giai cấp. Ai có ô tô riêng sẽ đỡ nguy hiểm hơn. Ngay cả khẩu trang thô sơ cũng có tác dụng, vì người bệnh không phát tán virus ra môi trường. Ở Đức không mấy ai dùng nó, và người dùng thường được nhận ra là dân châu Á. Các đồng bào của tôi ở Đức than phiền là họ bị lườm nguýt khi đeo khẩu trang ra đường. Dễ thấy ở đây một khác biệt văn hoá: người Đức tôn vinh cá nhân đi liền với gương mặt không che chắn, ai bịt mặt tùm hum thì ắt là kẻ mờ ám. Quen với hình ảnh từ quê nhà, hôm nay tôi thấy những khuôn mặt không khẩu trang ở Berlin đầy vẻ thô tục. Tôi cũng muốn có một cái khẩu trang, nhưng mua đâu ra ở Berlin này? Sản xuất khẩu trang xưa nay chuyển hết cho Trung Quốc, và châu Âu rên xiết khi không có mà dùng. Các quốc gia châu Á nỗ lực tăng năng suất và chuyển đổi cả dây chuyền một số nhà máy để làm khẩu trang. Còn châu Âu thiếu cả khẩu trang cho nhân viên y tế. Suy nghĩ một cách logic thì chừng nào còn nhiều người không đeo khẩu trang đi tàu xe thì việc đóng cửa hàng quán hay hạn chế đi lại là vô ích. Chắc chắn một bài học từ đại dịch này là chuyển ngược dự án sản xuất một số sản phẩm y dược trở về châu Âu. HOẢNG LOẠN? Châu Âu sống rất lâu trong hoà bình, không có kẻ thù, Chiến tranh Lạnh cũng đã lùi xa, và vài trận khủng bố của Hồi giáo cực đoan đã mờ nhạt đi trong tâm trí. Mọi nỗ lực đổ vào quá trình tối ưu hoá bản thân và tự bóc lột nhau. Chiến tranh chỉ ở dạng cạnh tranh về năng lực, cạnh tranh với chính mình. Virus corona đột ngột nhảy bổ vào một xã hội thiếu miễn nhiễm ở một số vị trí. Kẻ thù tái hiện. Và kẻ thù ấy gần như tàng hình, khó nắm bắt. Dễ hiểu là mọi phản ứng đều quá đà hay sai lệch. Nhưng virus sẽ không hạ gục chủ nghĩa tư bản, sẽ không có một “cuộc cách mạng virus”, nhưng virus phân cực và chia rẽ con người. Ai cũng lo sống sót cho bản thân. Tình đoàn kết bị phân hoá dữ dội. Nhưng con người không được trao cuộc cách mạng vào tay virus. Hãy hi vọng là sau đại dịch virus sẽ đến một cuộc cách mạng nhân bản. Chính chúng ta, những con người với trí lực lành mạnh, sẽ chiến thắng các trở lực huỷ hoại của chủ nghĩa tư bản, sẽ xét lại thói quen dịch chuyển vô độ, sẽ tự hạn chế các tham vọng quá trớn để cứu lấy chính ta, cứu lấy khí hậu và hành tinh này./. (LÊ QUANG dịch, từ báo “Die Welt” (Đức), số online 23-3-2020) Byung-Chun Han sinh 1959, học khoa Luyện kim ở Seoul nhưng quyết định sang Đức nghiên cứu Triết học ở Freiburg và Munich. Ông nhận bằng TS 1994 ở Freiburg, bằng TSKH năm 2000 ở Basel (Thuỵ Sĩ). Ông là giảng viên Triết ở ĐH Basel đến 2010; GS Triết và Lý thuyết truyền thông tại ĐH Mỹ thuật và Triết lý truyền thông Karlsruhe đến năm 2012; GS Triết và Văn hoá ở ĐH ĐH Mỹ thuật Berlin từ 2012 đến 2017. Han là một trong những sáng lập viên của Tuyên ngôn Liên minh châu Âu về các quyền cơ bản trong thời đại kỹ thuật số. Ông sống ở Berlin chủ yếu và viết về Triết học đương đại và Hậu cấu trúc luận, Mỹ học, Thần học. Thế giới quan của ông mang dấu ấn của Martin Heidegger, Jacques Derrida, Emmanuel Lévinas, Jean-François Lyotard và Thiền tông. Tác phẩm của Han được dịch ra 20 thứ tiếng. Triết gia Byung-chul Han. Tags: Chủ quyềnKhẩu trangChấm điểm công dânTriết gia Byung-chul HanGiám sát công dânDữ liệu công cộngTin tưởng nhà nước
Quốc hội Hàn Quốc yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật DUY LINH 03/12/2024 Rạng sáng 4-12 (giờ địa phương), Quốc hội Hàn Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Tổng thống Yoon Suk Yeol dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật.
Chính thức: Nghỉ 9 ngày liền dịp Tết Nguyên đán 2025 HÀ QUÂN 03/12/2024 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có thông báo chính thức về việc nghỉ Tết Nguyên đán 2025.
Tổng thống Hàn Quốc ban bố lệnh thiết quân luật khẩn cấp BÌNH AN 03/12/2024 Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tối 3-12 đã ban bố tình trạng thiết quân luật, cáo buộc phe đối lập âm mưu nổi loạn.
Lê Tuấn Khang chỉ đang diễn và khán giả trẻ quá dễ dãi? THƯỢNG KHẢI 03/12/2024 'Mình xin lỗi nhưng mình coi mà thấy nhạt quá. Có lẽ vì không phải là người miền Tây nên không hiểu được'; 'Cộng đồng mạng có làm quá không?'... là những bình luận độc giả gửi về Tuổi Trẻ Online.