Khổng Tử đã không nói thế

TRÚC ANH 14/09/2024 03:14 GMT+7

TTCT - "Hãy cho tôi biết câu trích dẫn ưa thích của bạn, tôi sẽ cho biết bạn đã sai chỗ nào".

Khổng Tử đã không nói thế - Ảnh 1.

"Đừng tin bất kỳ thứ gì trên mạng chỉ vì có một bức ảnh cùng câu trích dẫn đi cùng với nó"

Có lẽ bạn đã nhanh chóng nhận ra có gì đó sai sai với câu trích dẫn trên, hoặc đã từng biết hay thấy nó - một meme nổi tiếng trên mạng, dùng để giễu nhại những câu trích dẫn giả hiệu, dù vô tình hay cố ý.

Không ngẫu nhiên mà tổng thống thứ 16 của Mỹ được chọn làm đại diện cho meme này. Abraham Lincoln thường xuyên bị trích dẫn những câu ông chưa từng nói hay không nói thế bao giờ có nói nhưng trích sai, và cả lá thư huyền thoại "xin thầy hãy dạy cho con tôi".

Mọi câu ta hay trích đều có thể sai

"Nếu nghe ai nói, "Mark Twain đã nói", ta có thể chắc ngay một điều: Mark Twain chưa từng nói thế" - Fred R. Shapiro viết trên Wall Street Journal. Ta có thể nói điều tương tự với Winston Churchill, George Bernard Shaw, Franz Kafka, Oscar Wilde, Haruki Murakami, Albert Einstein, Khổng Tử, thậm chí cả Đức Phật.

Các câu danh ngôn nổi tiếng vì với nhiều người, chúng có sức hấp dẫn không thể cưỡng lại được. "Chúng ta có thể được những câu trích dẫn truyền cảm hứng, an ủi, làm cho thích thú hoặc mở mang, nếu câu nói đó được đặt vào miệng một nhà văn nổi tiếng như M. Twain thì càng tốt. Chúng ta gây ấn tượng với bản thân hoặc người khác bằng trí tuệ vay mượn của bậc hiền triết" - Shapiro viết.

Tuy nhiên, cách diễn đạt, ý nghĩa và đặc biệt là nguồn gốc của chúng thường tam sao thất bản vì nhiều lẽ - ta chỉ nhớ mài mại, và sai riết thành quen. Ai cũng có thể là "nạn nhân", trích dẫn danh ngôn râu ông nọ cắm cằm bà kia, thậm chí "nhét chữ vào mồm" - từ nhà văn, nhà báo, chính trị gia, người nổi tiếng và cả chúng ta trong trò chuyện thường ngày.

Đầu năm nay, khi thông báo dừng tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng, thống đốc Florida Ron DeSantis tuyên bố: "Winston Churchill từng nói, thành công không phải là kết thúc, thất bại không phải là tai họa, quan trọng là có can đảm tiếp tục hay không". 

Dụng ý rất rõ ràng: thất bại hôm nay không có nghĩa mọi thứ dừng lại với DeSantis. Có điều Churchill chưa bao giờ nói thế, theo xác nhận của Hiệp hội Churchchill quốc tế.

Khổng Tử đã không nói thế - Ảnh 2.

Ảnh: Reuters

DeSantis có thể thấy được an ủi nếu biết ông không phải là người duy nhất trích dẫn những gì Churchill không nói, tạm gọi là fake quote. Vị thủ tướng đã đưa nước Anh chiến thắng phát xít Đức trong Đệ nhị thế chiến thật ra là "vua bị dẫn sai lời" (king of fake quote), theo Dự án Churchill tại Đại học Hillsdale (Michigan, Mỹ).

"Churchill thường bị trích dẫn sai là vì người trích dẫn ông ấy đang cố gắng gợi lên di sản về sự kiên cường, lạc quan và kiên trì của ông" - Justin Reash, giám đốc điều hành Hiệp hội Churchill quốc tế, nói với The Washington Post.

Theo Reash, lý do cũng dễ hiểu. Cuộc đời Churchill kéo dài từ thời Victoria đến thời đại nguyên tử; ông đã nói hoặc viết hơn 40 triệu từ và với trí thông minh sắc sảo và đầu óc rộng mở của mình, những gì ông nói dễ thành danh ngôn. Thế mà người ta lại cứ dẫn lời ông trật lất.

Trả lại phát ngôn chính chủ

Theo Shapiro, nhiều thế kỷ qua, đã có hàng ngàn cuốn sách danh ngôn được xuất bản; những series uy tín như The Oxford Dictionary of Quotations và Bartlett's Familiar Quotations có nghiên cứu để xác minh nguồn của các câu được dẫn. 

Bản thân Shapiro đã tham gia biên tập tuyển tập danh ngôn The Yale Book of Quotations (2006). Công nghệ ở thời điểm đó, cụ thể là tìm kiếm toàn văn sách báo xưa, đã giúp nhóm biên soạn xác minh và bác bỏ nhiều lầm lẫn về các danh ngôn nổi tiếng.

Ngoài ra còn có Quote Investigator - trang web do Garson O'Toole lập năm 2010, chuyên gia truy tầm nguồn gốc danh ngôn, để các câu trích "đúng lời đúng người". Đây là nguồn tham khảo tin cậy của báo chí, giới viết lách và những người cẩn thận, không muốn trích dẫn sai. O'Toole là biệt danh của Gregory F. Sullivan, cựu giáo viên và nhà nghiên cứu thuộc khoa công nghệ máy tính Đại học Johns Hopkins.

Theo Shapiro, ông có chút duyên nợ với sự thành lập Quote Investigator. Số là trong một trao đổi trên blog, về nguồn của câu được cho là thành ngữ Trung Hoa, "Ninh vi thái bình khuyển, mạc tố loạn ly nhân" (làm chó thời bình hơn làm người thời loạn, mà tiếng Anh dịch rất đại khái là "May you live in interesting times"). 

Sullivan lần ra được nó xuất hiện lần đầu năm 1944, nhưng Shapiro chỉ ra một lần trích còn sớm hơn. Một vài năm sau, Sullivan mở Quote Investigator. Trang này gồm các bài ngắn, trình bày hết ngọn nguồn của một câu danh ngôn.

Khổng Tử đã không nói thế - Ảnh 3.

Một ví dụ phổ biến: "Viết về âm nhạc giống như nhảy múa về kiến trúc". Câu nói này thường được gán cho ca sĩ kiêm nhạc sĩ Elvis Costello. Tuy nhiên, Sullivan kiên trì tra cứu và truy được câu này xuất hiện lần đầu trên một tạp chí nhạc rock năm 1979, và diễn viên hài kiêm nhạc sĩ Martin Mull mới đúng là tác giả. 

Đáng ngạc nhiên hơn nữa, Quote Investigator đã tận dụng các công cụ tìm kiếm cơ sở dữ liệu trực tuyến để tìm ra tiền thân của câu nói này, sớm nhất là năm 1918, trên tờ The New Republic: "Viết về âm nhạc cũng phi lý như hát về kinh tế học".

Chủ trang còn xuất bản cả sách, Hemingway Didn't Say That (Hemingway không nói thế), kèm nhan đề phụ: Sự thật về những câu danh ngôn quen thuộc. Trong sách, tác giả phân tích nguyên nhân và cơ chế của việc trích dẫn sai, minh họa chúng thông qua hàng chục ví dụ, mỗi ví dụ kể một câu chuyện hấp dẫn về cách "sửa chữa" các trích dẫn sai.

Một số ví dụ: "Sau mỗi gia tài là một tội ác" (thường gắn tên Balzac); "Thiên tài là 1% cảm hứng và 99% mồ hôi" (đúng là Edison nói, nhưng cũng có lúc ông nói 2%); "Cuộc sống là những gì xảy ra với bạn trong khi bạn đang bận rộn lên kế hoạch khác" (John Lennon nói, nhưng không phải người đầu tiên làm thế); "Nếu trong đầu có búa thì nhìn đâu cũng thấy đinh" (ai nói của Twain thì đừng tin).

Chung quy cũng tại…

"Vấn đề của các câu danh ngôn trên mạng là chúng thường không đúng". Oscar Wilde chưa bao giờ nói thế, hẳn nhiên rồi. Nhưng đúng là Internet khiến các câu trích sai dễ lan truyền - Sullivan nói trong một phỏng vấn của Vice hồi tháng 4-2017. 

"Các chuyên gia đặt ra cụm từ Churchillian drift [tam sao thất bổn, cuối cùng quy cho Churchill]… nó đã diễn ra trong nhiều thập kỷ nhưng bùng nổ trong những năm gần đây khi người dùng Internet khao khát những cụm từ ngắn gọn, hóm hỉnh và đánh bóng chúng bằng cách gọi tên Churchill" - ông nói.

Trong quyển Hemingway Didn't Say That, Sullivan chỉ ra 10 "cơ chế" phổ biến mà qua đó các câu danh ngôn, trích dẫn toàn lời ông này đặt vào mồm bà kia, búa xua tán loạn. Đầu tiên phải kể quy trình mà ông gọi là "textual proximity", nôm na là "cận văn cảnh" - một người nổi tiếng bị nhầm đã nói câu đó chỉ vì tên hoặc gương mặt họ vô tình đứng cạnh những lời hay ý đẹp (mà thực chất do một người kém tiếng tăm hơn phát ngôn) trong sách báo. Một cơ chế tương tự là real-world proximity tức người được gán cho phát ngôn thực sự sống cùng thời hay có liên hệ mật thiết với chủ nhân thực sự của câu nói.

Ngoài ra còn có các cơn cớ như nhân vật có thật bị lầm là phát ngôn những câu chỉ có trong tác phẩm hư cấu về họ (phim ảnh); được "trao quyền tác giả" dù họ chỉ thuật lại lời của ai đó; hay là cứ gán bừa, chỉ vì họ nổi tiếng.

Nhưng những người cứ trích sai lời kia có quan tâm đến những "cơ chế" này đâu cơ chứ. Miễn là câu nói hay ho, truyền cảm hứng, "chữa lành" thì ai nói chẳng được. Ngạn ngữ Scotland (hay nhà văn Rosamond Lehmann hoặc Aristotle gì đó) chẳng nói, "quan trọng là tấm lòng" (It's the thought that counts) đó sao.

Khổng Tử đã không nói thế - Ảnh 4.

Vấn đề của các câu danh ngôn trên mạng là chúng thường không đúng

Trong phỏng vấn nói trên với Vice, Sullivan cho rằng đúng là nhiều người không quan tâm làm gì, miễn đó là người nổi tiếng, nhưng cá nhân ông tin rằng cần phải "đúng người đúng lời". Ngoài lý do đạo đức, Sullivan nói ông còn muốn góp phần chống thông tin sai lệch cứ lan truyền mãi.

"Một trong những lý do các câu nói bị dẫn sai nguồn phát ngôn là người ta cứ gõ vài từ vào bộ máy tìm kiếm, và đứng đầu trang kết quả của Google hay Bing thường là các cơ sở dữ liệu về danh ngôn lớn như Brainyquote, mà hóa ra lại đầy thông tin sai, nhưng người ta đâu có biết. Thế là họ cứ dẫn theo như thế. Họ thấy cả ngàn trang nói Mark Twain đã nói thế thì tin ngay, vì chẳng lẽ cả ngàn nơi đều sai? Hóa ra là sai thật".

Nói gì thì nói, những nỗ lực của Sullivan như muối bỏ bể, giữa thời danh ngôn, lời hay ý đẹp, những câu nói truyền cảm hứng nhìn đâu cũng có - trên "tút" người bạn ta đăng Facebook mỗi ngày, trên ly sứ uống cà phê, trên vô vàn bài báo mạng. 

Trong thời cái gì cũng cần fact check, cứ đưa thêm danh ngôn vào danh sách kiểm chứng thông tin vậy. Khi đó có thể tự tin dẫn rằng, "Hãy cho tôi biết câu trích dẫn ưa thích của bạn, tôi sẽ cho biết bạn đã sai chỗ nào". Hình như ai đó đã nói thế.

Khổng Tử đã không nói thế - Ảnh 5.

Một trong những điều Hemingway không nói có thể khiến nhiều người bất ngờ: For sale: baby shoes, never worn (Bán giày em bé, chưa mang bao giờ), thường được dẫn là "truyện đau buồn ngắn nhất thế giới" và tác giả là E. Hemingway.

Sự thật, theo Sullivan, sau một cuộc điều tra công phu, câu đúng là Little Shoes, Never Worn, và nó là nhan đề được đề xuất cho một bài báo về cách viết truyện ngắn - không can hệ gì tới Hemingway.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận