Khủng hoảng Nga - NATO: Hy vọng nào cho hòa bình

DU LONG 26/01/2022 18:00 GMT+7

TTCT - Đàm phán Nga - Mỹ tuần rồi ở Geneva kết thúc mà chẳng thu được gì. Tiếng bánh xích xe tăng và trực thăng Nga tiếp tục rần rần sát biên giới Ukraine. Ngược lại, các dàn phóng tên lửa Mk-41 của Mỹ cũng đang cắm tua tủa ở Ba Lan và Romania, trong một năm mới đầy bất an.

Có vẻ như các bên đều không muốn nhượng bộ. Hôm chủ nhật 16-1, nhà báo quốc tế gạo cội của CNN Fareed Zakaria đã phỏng vấn Thư ký báo chí phủ tổng thống Nga Dmitry Peskov. 

Nếu nói đến thẩm quyền phát ngôn, thì Peskov là tiếng nói đáng kể nhất, chỉ sau Tổng thống Vladimir Putin và Bộ trưởng Ngoại giao Segei Lavrov. CNN hy vọng những gì phía Nga chưa muốn (tự) nói ra hết hoặc nói chưa rõ, thì lần này ông Peskov sẽ trình bày. 

 
 Các nước thành viên NATO ở châu Âu và Nga. Chấm xanh là căn cứ của NATO ở châu Âu. Chấm đỏ là căn cứ hoặc nơi có sự hiện diện của đông đảo quân Nga. Ảnh: The Times

Thỏa thuận 1997

Cuộc phỏng vấn, được biên kịch và dàn dựng rất công phu, bắt đầu bằng sự xuất hiện thoáng qua của phụ tá ngoại trưởng Mỹ Wendy Sherman, nay là nhà thương thuyết chính của Mỹ, trong một mẩu video chen vào, vừa để tóm tắt lập trường của Mỹ, vừa để “tố” xem phía Nga có dám theo, hay sẽ buông bài trong ván poker địa chính trị mang tên Ukraine: “Nga phải đưa ra lựa chọn đúng đắn của họ. 

Giảm leo thang và ngoại giao hoặc đối đầu và hậu quả”. Tới đây, Zakaria xuất hiện, để “tố” theo: “Liệu Putin có xâm lăng Ukraine một lần nữa?”.

Ông Peskov giải đáp thắc mắc trên: “Đây không phải là chuyện vài tháng hoặc vài tuần trước, mà là của mấy thập niên... Đó là một tổ chức được thiết kế riêng và được tạo ra để đối đầu chứ không phải để phòng thủ. NATO là vũ khí đối đầu. Và vũ khí đối đầu này mỗi năm lại tiến gần hơn tới biên giới của chúng tôi”. 

Ông thuật lại lịch sử theo góc nhìn của Matxcơva: “Sau năm 2014, khi một cuộc đảo chính xảy ra ở Ukraine, Ukraine bắt đầu nói họ sẽ hướng gần hơn đến tư cách thành viên NATO... Hiện tại, chúng ta đã chứng kiến sự xâm thực lần hồi của NATO vào lãnh thổ Ukraine với các cơ sở hạ tầng, cố vấn quân sự, nguồn vũ khí phòng thủ và tấn công, huấn luyện quân đội Ukraine...”. 

Ông Peskov cũng làm rõ điều mà một số báo chí và nhà quan sát gọi là “Nga ra tối hậu thư cho Mỹ”: “Điều đó đã đưa chúng tôi đến lằn ranh đỏ..., đến mức chúng tôi không thể chịu đựng được nữa, và là lý do chính để Tổng thống Putin nói: “Quý vị à, đây là một mối đe dọa thực sự với chúng tôi, với sự ổn định và an ninh trong kiến trúc của châu Âu... Hãy tạo ra một số đảm bảo cho chúng tôi. Hãy nghĩ đến việc đưa cơ sở hạ tầng quân sự của NATO trở lại biên giới của năm 1997”.

“Biên giới của năm 1997” mà ông Peskov nói tới là ý chính của dự thảo văn kiện thỏa thuận Nga - NATO mà Bộ Ngoại giao Nga công bố hôm 17-12-2021: Nga và NATO không triển khai thêm quân đội và vũ khí bên ngoài các quốc gia mà vào tháng 5-1997 họ đang đóng quân - trước khi bất kỳ quốc gia Đông Âu gia nhập NATO sau khi Liên Xô tan rã.

Nói cách khác, NATO từ bỏ mọi hoạt động quân sự ở tất cả các nước đó, từ Đông Âu sang khu vực Caucasus, Trung Á và Ukraine. 

Thực tế đã không hề diễn ra như vậy. Hungary, Cộng hòa Czech và Ba Lan gia nhập NATO đầu tiên, rồi tới nhóm Vilnius gồm Albania, Bulgaria, Croatia, Estonia, Latvia, Lithuania, Bắc Macedonia, Romania, Slovakia và Slovenia, mà gần đây nhất là Bắc Macedonia, mới năm 2020.

 
 Tàu chiến Nga ngoài khơi Kaliningrad. Ảnh: Reuters

Phản ứng của những nước nhỏ

Các nước nhỏ kẹt giữa hai làn đạn phản ứng thế nào? 

Tướng tổng tham mưu trưởng quân đội Thụy Điển Michael Claesson tuần trước cho biết chiến lược an ninh của Thụy Điển sẽ hoàn toàn bị phá hoại nếu NATO đồng ý yêu cầu không mở rộng thêm nữa và hạn chế một số hoạt động của tổ chức này ở châu Âu, như Nga yêu cầu, theo Reuters 14-1. 

Thụy Điển không phải là thành viên NATO có lý do để lo lắng về các hoạt động gia tăng của Nga ở khu vực biển Baltic.

Trước đó, vào hạ tuần tháng 12, các bộ trưởng quốc phòng ba nước Baltic - Lithuania, Latvia và Estonia - đã gặp nhau tại thành phố Kaunas của Lithuania để bày tỏ tình đoàn kết với Ukraine và nhất trí rằng các nước này sẵn sàng cung cấp hỗ trợ cần thiết cho Ukraine. 

Họ cũng thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực và hợp tác trong EU và NATO, rồi ký một thỏa thuận về phương hướng hợp tác Baltic năm 2022.

Trở lại với cuộc phỏng vấn của CNN, Zakaria sau khi nghe ông Peskov nêu yêu cầu NATO rút về ranh giới năm 1997, đã tranh luận: 

“Mike McFaul, cựu đại sứ [Mỹ] tại Nga, đã có một loạt tweet trong đó ông nói: Đây là danh sách các yêu cầu của tôi với người Nga vì người Nga đã đưa ra yêu cầu đối với NATO..." 

"Tôi sẽ đọc danh sách đó cho ông nghe và tôi muốn nhận được phản ứng của ông: Nga đồng ý rút lực lượng khỏi Moldova. Nga đồng ý rút lực lượng khỏi Gruzia. Nga từ chối công nhận Abkhazia và Nam Ossetia. Nga đồng ý rút lực lượng khỏi Ukraine. Nga trả lại Crimea cho Ukraine. Nga ngừng hỗ trợ lực lượng ly khai ở Ukraine. Nga đồng ý rút tên lửa Iskander khỏi Kaliningrad”.

Peskov bình thản trả lời: Đó là những lực lượng gìn giữ hòa bình và tình hình ở các nơi đó vẫn còn rất mong manh, nên việc người Nga rút đi có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng mới mà không ai biết hậu quả sẽ ra sao. 

Ông lấy ví dụ Abkhazia và Ossetia, nơi dân chúng “có thể bị đe dọa bởi những người Gruzia theo chủ nghĩa dân tộc”. Tuy nhiên, ông Peskov không đề cập gì tới cáo buộc quân đội Nga can thiệp vào nội bộ các nước có một bộ phận đáng kể người thiểu số gốc Nga đòi ly khai, từ Moldova, Gruzia, tới Ukraine...

Tranh cãi nảy lửa nổ ra giữa người phỏng vấn và người trả lời là dễ hiểu. Zakaria hỏi Peskov thế binh sĩ Nga ở Ukraine thì sao, Peskov bác bỏ: “Tôi là người phát ngôn của Điện Kremlin và tôi chính thức có thể nói rằng không có quân đội Nga ở Donbass và trên đất Ukraine”. 

Còn chuyện quân đội Nga tập trung sát biên giới Ukraine là do tình hình rất căng thẳng và môi trường rất không thân thiện được tạo ra bởi đủ loại huấn luyện khác nhau của NATO.

Lập luận của phía Nga có thể tóm gọn: Khác với NATO bành trướng đe dọa Nga, Nga không mở rộng ảnh hưởng ra khỏi biên giới, nếu có mặt ở đây, ở kia là để “gìn giữ hòa bình”, như tuần rồi ở Kazakhstan, theo yêu cầu của chính phủ hợp pháp ở đấy, đến rồi rút đi chớ không tìm cách ở lại như ngoại trưởng Mỹ “bé cái lầm” khi cho rằng “coi chừng quân Nga vô [Kazakhstan] thì dễ mà rút đi thì khó”. 

Còn ở Gruzia hay Ukraine là do các cộng đồng người gốc Nga bị hiếp đáp.

Tất nhiên, cách giải thích trên gây tranh cãi và các chính phủ hiện giờ ở Ukraine và Gruzia khó mà chấp nhận.

 
 Cả Nga và NATO đang ráo riết huy động lực lượng. Ảnh: Reuters

Bóng ma chiến tranh

Dẫu sao thì hiện tại đang là thời điểm “viên tướng mùa đông” chỉ huy lãnh thổ Nga (cách gọi những mùa đông tê tái của nước Nga từ thời Napoléon đầu thế kỷ 19 tới Hitler những năm 1940), hoàn toàn không thuận tiện cho một cuộc tấn công vào Ukraine. Tháng 1 thường là tháng lạnh nhất ở vùng lục địa Đông Âu này, với nhiệt độ trung bình dao động trong khoảng âm 6 - 7OC.

Muốn gì thì cũng phải đợi sang xuân ấm áp, do việc hành binh không chỉ ngại giá rét, mà còn khó thực hiện trong tuyết rơi, mưa phùn, đất nhão, và bùn lầy, nhất là với các phương tiện cơ giới của chiến tranh hiện đại.

Trong khi chờ đợi, Nga đã đưa quân tinh nhuệ và vũ khí hạng nặng tới Kaliningrad. Vùng lãnh thổ tách rời rộng 15.000km2 này nguyên là một thái ấp của Ba Lan, sau đó thuộc Phổ, rồi là thành phố Königsberg ở cực đông của nước Đức cho đến Thế chiến II, vào tay Liên Xô vào ngày 9-4-1945, qua năm 1946 được đổi tên thành Kaliningrad. 

Nằm giữa Lithuania và Ba Lan, đây là đầu mối giao thông chính, với cảng biển và sông, cũng là nơi đặt đại bản doanh của Hạm đội Baltic Hải quân Nga và là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất nước.

Tuần rồi, Kênh Telegram Operative Line cho biết một đội tàu đổ bộ thuộc Hạm đội Phương Bắc của Nga đã từ biển Bắc trực chỉ Kaliningrad. 

Hải đội tàu gồm tàu đổ bộ lớn Pyotr Morgunov thuộc lớp Ivan Gren trọng tải 6.600 tấn, có thể chở 13 xe tăng chủ lực hoặc 36 xe bọc thép vũ trang, cùng 300 binh sĩ; hai tàu đổ bộ kia là Olenegorsky Gornyak và Georgy Pobedonosets thuộc lớp Ropucha có thể “ủi bãi” cặp bờ, trọng tải 450 tấn, chở được 25 xe bọc thép chở quân.

Đến đầu tuần này, lại tin một đội tàu đổ bộ gồm ba chiếc đã rời biển Baltic với điểm đến không xác định. Đội này gồm các tàu chiến đổ bộ Korolev, Minsk và Kaliningrad, đều thuộc lớp Ropucha. 

Cả ba đã rời cảng Baltyysk ở Kaliningrad của Nga vào ngày 15-1, đi que eo Great Belt, eo biển lớn nhất nối Baltic với Đại Tây Dương. 

Mặc dù các chuyến tàu hải quân đến và đi từ Kaliningrad không phải hiếm, nhưng các quan chức Thụy Điển, nước ở sát nách Kaliningrad, đã nói rõ mức độ hoạt động hiện tại là cao bất thường.

Đó là lý do mà khi trả lời CNN về câu hỏi của cựu đại sứ Mỹ tại Nga rằng liệu Nga đồng ý rút tên lửa Iskander khỏi Kaliningrad, ông Peskov đã đáp: 

“Nga sẽ không bao giờ thảo luận với bất kỳ ai về việc rút bất kỳ tên lửa và vũ khí nào khỏi Kaliningrad, vì Kaliningrad là lãnh thổ của Nga. Nói xin lỗi, chúng tôi sẽ không bao giờ dung thứ cho bất kỳ yêu cầu nào với chúng tôi làm điều này điều kia trên lãnh thổ của chúng tôi. Không quốc gia nào sẽ dung thứ (điều đó)”. 

Đi tìm một lối ra

Một trong những nước cảm thấy liên quan nhiều nhất và nỗ lực nhất xuống thang căng thẳng, không kể Ukraine, là “đối tượng trong cuộc” rất quen mặt: Ba Lan.

Lukasz Jasina, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ba Lan, cho biết Bộ trưởng Ngoại giao nước này Zbigniew Rau sẽ thăm Ukraine lần đầu tiên vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2 và dự kiến sẽ tới tận các khu vực gần chiến tuyến ở miền Đông Ukraine, nơi phái bộ giám sát đặc biệt của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) đang hoạt động. 

Hiện ông Rau đang là Chủ tịch thường trực OSCE.

Sau đó ông sẽ tới Washington để hội đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, tập trung vào “an ninh, bảo vệ châu Âu chống lại sự xâm lược, về luật pháp quốc tế và các sự kiện ở Ukraine”. Giữa tháng 2, ông Rau dự tính gặp ông Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tại Matxcơva.

Tuy nhiên, ý định dàn hòa này đã bị Đại sứ Nga tại OSCE Alexander Lukashevich từ chối hôm 17-1, bởi theo lời ông Lukashevich, OSCE là một cấu trúc “không hình thù gì”, “không có tư cách pháp lý quốc tế”.

Trên thực tế, OSCE đang hoạt động rất tích cực tại Ukraine, được trang bị đủ để giám sát tình hình, thể hiện qua các báo cáo thường nhật của họ.

Ví dụ hôm 17-1, phái bộ của OSCE tại Ukraine (SMM) cho biết tại khu vực Donetsk, từ tối 14 đến 16-1 đã ghi nhận 129 vụ vi phạm lệnh ngừng bắn, còn tại khu vực Luhansk là 214 vụ. 

Các báo cáo đó về mặt thống kê cho thấy diễn biến các vụ vi phạm ngừng bắn, cường độ, phân bố địa lý..., nếu được tận dụng với thiện chí, sẽ góp phần cảnh báo chiến tranh.

Vấn đề là ý chí chính trị của các cường quốc. Một khi đã muốn “xóa bài làm lại”, thì mười phái bộ SMM hay thỏa hiệp Minsk cũng là vứt đi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận