"Kiềng ba chân" làm nên điểm sáng Bình Liêu

BÀI VÀ ẢNH: TRẦN THẾ DŨNG 23/11/2019 19:11 GMT+7

TTCT - Miền sơn cước Bình Liêu (Quảng Ninh) có đường biên cương tiếp giáp với Trung Quốc dài 43km đi qua 68 cột mốc trên địa hình khá đa dạng. Cung đường này trở thành một điểm nóng của năm nay trong những tour được xem là mới...

Những con đường vắt vẻo trên “sống lưng khủng long” của tuyến chinh phục những cộc mốc biên ải Bình Liêu
Những con đường vắt vẻo trên “sống lưng khủng long” của tuyến chinh phục những cộc mốc biên ải Bình Liêu

Dọc cung đường, có thể thấy một số cột mốc nằm ở vị trí đặc biệt, tạo nên cảnh sắc ngoạn mục giữa đất trời. Cái thì đứng trầm mặc ở đỉnh núi lãng đãng sương mờ; cái thì ẩn khuất trong rừng cây; cái lại xuất hiện bên cánh đồng ruộng bậc thang của đồng bào Dao Thanh Phán hoặc tuyến sông biên giới Tiên Mô.

Chinh phục những cột mốc vùng biên ải

Mùa thu 2019, trong buổi sáng se lạnh, chúng tôi rời thị trấn Bình Liêu lên xe máy chạy theo quốc lộ 18C hướng tới cửa khẩu quốc gia Hoành Mô, tiếp tục rẽ sang đường 61 và 68 (ký hiệu cột mốc cũ xưa được dựng theo công ước Pháp - Thanh 1895), đi theo con đường tuần tra biên giới.

Ngày nay đường tuần tra đã được đổ bêtông kiên cố, rộng rãi, nằm vắt vẻo lưng trời và thông tuyến đến tận Bắc Xa - Lạng Sơn về phía tây và thành phố Móng Cái theo hướng đông. Con đường phên giậu này luôn bám sát các cột mốc, hầu hết đều xây với bậc thang và tay vịn dẫn tới cột mốc, vừa để cán bộ, chiến sĩ biên phòng đỡ vất vả khi làm nhiệm vụ, vừa tạo thuận lợi cho khách du lịch.

Để lên cột mốc 1305 (mốc 66 cũ) trên đỉnh núi Bắc Cương cao hơn 1.100m so với mặt nước biển, được xem là cột mốc nằm ở vị trí cao nhất không chỉ ở vùng biên ải Bình Liêu mà tính cả tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi buộc phải vượt qua con đường bằng bêtông với khoảng gần 2.000 bậc thang uốn lượn và vắt qua nhiều đỉnh núi tạo nên bức trường thành vô cùng ngoạn mục. Đó là một thách thức thực sự cho bất cứ ai muốn chinh phục mốc giới này. Tôi cũng vừa leo vừa thở, đôi chân càng lúc càng đau theo từng bước suốt gần 2 tiếng để lên được tận đỉnh.

Những chuyến đi trải nghiệm vùng biên ải sẽ vô vị nếu không có một bóng người. Nhưng chúng tôi đã gặp may, vừa khi chuẩn bị xuống núi, một nhóm khách trung niên người bản địa vừa đặt chân tới mốc giới. Họ rất cởi mở.

Hỏi ra mới biết họ là người dân tộc Tày sinh sống tại xã Lục Hồn - Bình Liêu, cách đó 27 cây số, nhân ngày đẹp trời cũng rủ nhau đi thăm mốc. Mặc dù đi chơi nhưng cũng mang theo... dao rựa, hỏi mới biết con dao để chặt cây trúc dầu mọc đầy ở núi Bắc Cương, về làm chổi bán.

Nếu đường tây Bình Liêu nổi tiếng với cột mốc 1300, 1302, 1305 và hàng loạt mốc giới nằm rải rác trên núi cao hun hút, thì về phía đông Bình Liêu tính từ cửa khẩu Hoàng Mô đến xã Đồng Văn, biên giới được phân định rạch ròi bởi những cột mốc nằm bên dòng suối Tiên Mô - đầu nguồn sông Tiên Yên.

Sau đó nó vượt qua đỉnh núi Thanh Long Lĩnh cao hơn 1.000m lồng lộng gió núi và định vị bằng cột mốc 1327 - cột mốc cuối cùng trên đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại Bình Liêu, nơi được người địa phương đánh giá là vị trí ngắm sang lãnh thổ hai nước Việt Nam - Trung Quốc đẹp nhất. Đó cũng là nơi ngắm hoàng hôn vô cùng diễm lệ.

Chiếc mũ hình hộp độc đáo của người phụ nữ Dao Thanh Phán.
Chiếc mũ hình hộp độc đáo của người phụ nữ Dao Thanh Phán.

Bản sắc văn hóa khác biệt

Trên rẻo cao Bình Liêu có 5 dân tộc anh em cùng sinh sống, gồm tộc người Tày, Dao, Sán Chỉ, Kinh, Hoa. Trong đó người Dao Thanh Phán hay còn gọi Mán Sơn đầu, Mán tro và nhiều tên khác nữa... do sinh sống khá cách biệt về địa lý nên chưa bị làn sóng giao thương, du lịch làm biến dạng văn hóa. Người Dao Thanh Phán - Bình Liêu còn giữ nhiều phong tục truyền thống độc đáo và rất khác biệt so với các nhóm người Dao sống ở địa phương khác, đặc biệt thể hiện qua trang phục phụ nữ.

Những cô gái, từ bé đã được mẹ hoặc chị dạy làm quen với cây kim sợi chỉ để khi đến tuổi cập kê, có thể tự may quần áo, tự làm thắt lưng, mũ đội đầu cũng được thêu tỉ mỉ và tinh tế cho riêng mình.

Đây là tiêu chí bắt buộc với người phụ nữ Dao Thanh Phán để đánh giá sự đảm đang và trưởng thành, bởi mỗi màu sắc và họa tiết thêu trên bộ trang phục vừa thể hiện sự khéo léo, sáng tạo của chủ nhân vừa mang sắc thái tín ngưỡng, đời sống văn hóa của người Dao.

Một bộ trang phục chuẩn mực khi thêu phải dùng 5 sắc màu: xanh, đỏ, vàng, trắng, đen. Trong đó chủ đạo là màu đỏ với niềm tin mang lại sự may mắn, phồn thịnh. Họa tiết của bộ trang phục luôn lấy những hình ảnh quen thuộc, gần gũi với cuộc sống để làm mẫu thêu như: mặt trời xen lẫn hoa lá, rừng núi, động vật; trên gấu quần thêu hình móng chân và chân chó - biểu tượng tổ tiên của người Dao (dựa vào thần tích Bàn Vương, hay còn gọi là Long Khuyển Bàn Hồ vốn là chó thần với bộ lông ngũ sắc, sau biến thành người, lập công lớn nên được vua Bình Vương gả công chúa, sinh ra 12 người con đại diện 12 dòng họ sớm nhất của người Dao. Sau khi chết, Bàn Vương được con cháu tôn là thủy tổ và hằng năm đều lễ cúng vào đầu tháng 2 âm lịch).

Cột mốc 1327 trên đỉnh núi Thanh Long Lĩnh là nơi ngắm nhìn lãnh thổ hai nước Việt Nam - Trung Quốc đẹp nhất.
Cột mốc 1327 trên đỉnh núi Thanh Long Lĩnh là nơi ngắm nhìn lãnh thổ hai nước Việt Nam - Trung Quốc đẹp nhất.

Những phong tục độc đáo

Ngoài bộ trang phục, người phụ nữ Dao Thanh Phán theo tục lệ khi trưởng thành phải cạo đầu, cạo lông mày. Kể từ đó cho đến hết cuộc đời, họ luôn đội một cái mũ như chiếc hộp, cao khoảng 35cm, cấu tạo bởi hàng trăm lớp vải xếp chồng lên nhau giữa 4 thanh tre giữ 4 góc được thẳng và vuông vắn, sau đó lấy vải in họa tiết quấn xung quanh. Lúc đội mũ, họ luồn dây qua hộp và buộc dưới cằm để thể hiện sự đoan trang, duyên dáng.

Đã thành thông lệ, hằng năm vào mồng 4 tháng tư âm lịch, người Dao ở Bình Liêu tổ chức ngày hội “Kiêng gió”, tạm gác mọi công việc, không được động tay động chân và đi chơi thoải mái, bởi họ quan niệm ngày này làm bất cứ việc gì thần gió cũng sẽ gây trắc trở, xô đổ.

Từ sáng sớm, họ rời khỏi nhà, rủ nhau đi chơi chợ huyện hoặc tụ tập dạo chơi bên bìa rừng, con suối, thác nước hoặc ra xã xem văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Đấy cũng là ngày hội để trai gái được tự do gặp nhau hò hẹn, thuận tình thì tiến tới hôn nhân, vừa là dịp mọi người gặp gỡ bè bạn, người thân, họ hàng, chén thù chén tạc, chỉ chia tay trở về nhà khi mặt trời khuất núi.

Những năm gần đây Bình Liêu nổi lên như một địa danh du lịch sinh thái và khám phá đầy hấp dẫn, có lẽ trước tiên là nhờ chính quyền đã đầu tư kết cấu hạ tầng tới tận các cột mốc trên đường tuần tra biên giới.

Ngoài ra để tăng sức hút, ngành văn hóa và du lịch đã nâng quy mô tổ chức các ngày hội: “Kiêng gió” của dân tộc Dao (4-4 âm lịch), hội hát Soóng cọ của người Sán Chỉ (16-3 âm lịch), lễ hội đình Lục Nà từ (16-1) tưởng nhớ tướng quân Hoàng Cần - Thành hoàng của làng, cùng hội hoa Sở (tháng 12).

Cảnh trí thiên nhiên, cùng văn hóa độc đáo của người bản địa, đặc biệt là những cột mốc thiêng liêng của vùng biên ải là chiếc “kiềng ba chân” tạo nên sự hấp dẫn cho Bình Liêu, hứa hẹn đưa vùng đất này trở thành một điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam.■

Phụ nữ Dao Thanh Phán phơi hoa hồi trên sân trước nhà.
Phụ nữ Dao Thanh Phán phơi hoa hồi trên sân trước nhà.

Mùa thu của hương hồi

Đến với Bình Liêu vào mùa thu, đi sâu vào các thôn bản như Phạt Chỉ, sông Moóc A, sông Moóc B thuộc xã Đồng Văn, bạn sẽ đắm mình trong hương hoa hồi thật nồng nàn. Mùa này hoa hồi đang được phơi khô ở khắp mọi nơi: trên đập nước, sân trước nhà, hai bên đường làng, cả những bãi đất trống cũng được trưng dụng... Năm nay hồi không những được mùa mà còn được giá cao, gấp đôi so với năm 2018, thương lái mua tận nhà người dân với giá 40.000 đồng/kg hồi tươi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận