Kinh doanh bằng trách nhiệm xã hội

NHƯ BÌNH 27/05/2013 21:05 GMT+7

TTCT - Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) không phải là những lời hứa suông hay một cách để đánh bóng tên tuổi, trái lại đó là một tiêu chí để phát triển bền vững.

Phóng to
Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Phạm Đức Hải tiếp Đại sứ Andrej Motyl và đoàn doanh nghiệp Thụy Sĩ - Ảnh: T.T.D.

Tháp tùng đại sứ Thụy Sĩ tại VN, ông Andrej Motyl, các doanh nghiệp lớn của Thụy Sĩ như Nestlé, Holcim, ABB, SGS, Syngenta, Novartis đã có buổi làm việc với báo Tuổi Trẻ chia sẻ về những hoạt động này tại VN.

Con cá hay cần câu?

“Những doanh nghiệp kinh doanh chuyên nghiệp không chỉ sản xuất ra những sản phẩm tốt mà còn phải có những hoạt động thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xem mình là một phần trong sự phát triển chung của địa phương đó”

Ông Andrej Motyl
(đại sứ Thụy Sĩ tại VN)

Ông Rashid Aleem Qureshi, tổng giám đốc Nestlé VN, cho rằng không có CSR thì không có kinh doanh bền vững.

Nói về mô hình phát triển bền vững, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò thực thi trách nhiệm với cộng đồng, ông Rashid Aleem Qureshi kể: Với nguyên lý tất cả những ai nằm trong chuỗi giá trị tạo ra sản phẩm đều nhận được lợi ích, các dự án CSR mà Nestlé thực hiện tập trung hỗ trợ người nông dân tăng năng suất cây cà phê, đổi lại doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu chất lượng cao, số lượng ổn định và môi trường được bảo vệ vì kiểm soát được lượng phân bón, nước trong quá trình trồng trọt.

Nestlé cùng một số doanh nghiệp khác chọn những vườn cà phê của người dân địa phương rồi tách làm hai, một bên sẽ để người dân trồng trọt theo kiểu truyền thống, một bên được tập huấn quy trình mới từ tưới tiêu, tỉa lá, bón phân đến phun thuốc... Kết quả khác biệt về năng suất là lời giải thích thuyết phục cho người nông dân. Kết quả sau một thời gian triển khai, 5.000 nông dân tham gia chương trình sản xuất cà phê bền vững tại Lâm Đồng.

“Các hộ dân này sẽ được hướng dẫn kỹ thuật trồng cà phê theo mô hình 4C, từ khâu trồng trọt đến khâu thu hái theo bộ nguyên tắc chung của cộng đồng cà phê thế giới. Chúng tôi sẽ bao tiêu đầu ra sản phẩm dựa trên tính toán số hộ này cung cấp cho Nestlé khoảng 5.000 tấn cà phê đạt chứng chỉ 4C mỗi năm. Nếu không có chương trình, số hộ nông dân này vẫn phải sử dụng phân bón, nước, vật liệu để chăm sóc cây cà phê nhưng theo cách làm không bền vững” - ông Rashid nói. Xây dựng vùng nguyên liệu là kế hoạch lâu dài chứ không thể ngày một ngày hai và đó là con đường phát triển bền vững. “Giá trị CSR tạo ra là các bên cùng thắng” - ông Rashid nhấn mạnh.

Ông Shane Emms, tổng giám đốc Syngenta VN, cho rằng thực thi CRS cần hướng đến “chiếc cần câu hơn là con cá”. Những chương trình CSR của Syngenta góp phần hỗ trợ người nông dân làm quen với quá trình canh tác hiện đại, qua đó bảo vệ sức khỏe cho người trực tiếp sản xuất, môi trường và năng suất cao hơn.

Chẳng hạn dự án trồng rau sạch tại huyện Hoài Đức, Hà Nội, từ sau khi Syngenta triển khai chuyển giao kỹ thuật năng suất cây trồng đã tăng 20%, tăng thêm bảy vụ trồng rau so với năm vụ trước đây, đặc biệt các sản phẩm rau sạch an toàn cung cấp cho thị trường ngày càng uy tín. Quan trọng nhất, các hộ dân được tư vấn các giải pháp kỹ thuật trong quá trình canh tác, giúp họ có những vụ mùa bội thu.

CSR không chỉ giải quyết các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, những đòi hỏi tạo thêm nhiều công ăn việc làm, mà đã cải thiện được chất lượng cuộc sống người dân địa phương. Trong mối tương tác này, doanh nghiệp cũng nhận được nhiều lợi ích từ các chương trình CSR.

Bà Nguyễn Trinh Thùy Trang, phụ trách truyền thông của Công ty dược Hoffmann-La Roche, chia sẻ trong quá trình thực hiện chương trình hỗ trợ VN chống căn bệnh ung thư vú, nhiều bệnh nhân được cứu sống, nhận thức về phòng chống căn bệnh được nâng cao. Nhưng cũng từ chương trình, các bác sĩ có điều kiện hiểu hơn về diễn tiến bệnh, các loại bệnh ung thư ngực, tìm ra được phương pháp chữa trị kịp thời.

Trách nhiệm công dân

Ông Louis-Georges, trưởng văn phòng đại diện Novartis tại VN, cho rằng cần hiểu trách nhiệm cộng đồng không phải là việc làm từ thiện. Nếu như hoạt động từ thiện mang tính tự phát theo từng trường hợp và không có tính hệ thống lâu dài thì CSR của một doanh nghiệp là chuỗi những hoạt động cần thiết và có tính hệ thống lâu dài với mục đích nâng cao chất lượng đời sống cho cộng đồng và toàn xã hội.

“Các hoạt động từ thiện được hiểu khi thực hiện bạn chỉ cần hỗ trợ một khoản tiền nào đó và thế là xong. Trong khi những chương trình CSR phải có chiến lược rõ ràng, trong quãng thời gian dài, nếu doanh nghiệp rút ra thì những người đó vẫn có thể tiếp tục và tự chủ được” - ông Louis nói.

Nhìn lại những câu chuyện người nông dân nay chặt bỏ cây này mai chặt cây khác để thay thế một loại cây đang được giá ở thị trường mới hiểu vấn đề được ông Shane Emms đặt ra. Theo vị tổng giám đốc Syngenta VN, thách thức lớn nhất của nông dân hiện nay không phải là mùa vụ vì hiện nay dẫu sao đã có sự hỗ trợ tối đa của kỹ thuật. Vấn đề là làm sao để sức lao động của người nông dân được trả tối đa, tạo ra lợi nhuận cao nhất từ những mảnh đất mà họ canh tác. Mục tiêu của CSR chính là giúp người nông dân tăng thu nhập nhiều hơn từ cơ hội đó.

Doanh nghiệp đến đây để kinh doanh, sản xuất thì tự nhiên đã trở thành một phần của cộng đồng xã hội đó. Lẽ dĩ nhiên dù sống ở đâu thì “một phần đó” cũng phải có trách nhiệm như một công dân có trách nhiệm với đất nước mình, ông Andrej Motyl, đại sứ Thụy Sĩ tại VN, chia sẻ.

Theo vị đại sứ này, CSR không nên dừng lại ở phạm vi một doanh nghiệp nào, mà cần phải tìm cách làm lan tỏa hơn, kết nối mở rộng và thu hút thêm thành phần tham gia. VN là một quốc gia có dân số đông, đang trong quá trình phát triển nhanh chóng và phải đối mặt với nhiều vấn đề như sức khỏe, môi trường, con người... phát sinh từ sự phát triển đó. Sự hỗ trợ của Chính phủ sẽ là điều kiện để thúc đẩy các dự án CSR đi xa hơn, hiệu quả hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận