Kinh tế 2023: Một năm chật vật

KHÁNH LINH 04/12/2023 10:12 GMT+7

TTCT - Từ hộ kinh doanh nhỏ lẻ, các mảng dịch vụ quen thuộc ở đô thị như nhà hàng, quán ăn cho tới các mảng bán lẻ truyền thống và những doanh nghiệp lớn, lĩnh vực kinh tế tư nhân của Việt Nam đã trải qua một năm nhiều sóng gió.


Ảnh: Wired

Ảnh: Wired

Một đồng nghiệp của tôi làm trong ngành chế tạo ở một công ty chuyên sản xuất lon bia cho hãng bia gần đây được nước ngoài mua lại và từng chiếm đến 1/3 thị phần bia ở Việt Nam, chia sẻ: Trừ năm dịch, đây là năm đầu tiên trong 10 năm, công ty mình được nghỉ thứ bảy.

Vỏ lon bia là thứ mà ở Việt Nam, 90% nguồn cung là từ chỉ khoảng 3-4 nhà máy (vẫn lại là công ty đầu tư nước ngoài). Câu chuyện mức cầu sản phẩm lon bia sụt giảm lịch sử trong dịp cuối năm là nghiên cứu tình huống điển hình cho bức tranh kinh tế nửa cuối năm 2023. Và không chỉ có bia...

Nhìn từ những quán nhậu

Hiện trạng được báo chí phản ánh, các quán nhậu vắng khách, tạm gác sang một bên những tranh luận tốt xấu về đạo đức, là một chỉ dấu trực quan quan trọng cho sức mua và từ đó là sức khỏe của nền kinh tế. 

La liệt các biển treo "sang quán", cho thuê mặt bằng từ quận nhỏ đến quận lớn mà từ sau dịch đến giờ chưa có dấu hiệu giảm, nếu không nói là còn tăng. Ít khách đi nhậu là vì dân nhậu đã cạn tiền, do kinh tế khó khăn, một nhẽ. 

Lại thêm, trước đây thất nghiệp buồn quá có thể rủ nhau đi uống bia giải sầu, nay việc đấy khó khăn bội phần vì quy định 0% độ cồn mới được cầm lái.

Do tình hình khách quan, do đòi hỏi kinh tế, do cả những thời kỳ buông lỏng quản lý trước đó, năm qua những quy định khắt khe của các cơ quan chủ quản và những vụ cháy nổ bất thường nhiều một cách đáng báo động. 

Với ngành ăn uống, giải trí và dịch vụ nói chung, đúng là họa vô đơn chí. Trong con mắt kinh tế học - nhìn dưới góc độ lợi ích - phí tổn của thuyết công lợi, các quy định không có dung sai về mức độ cho phép là bài toán đau đầu cho những chủ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Dường như xã hội - thị trường (và cả nghị trường) cũng đang có câu hỏi tương tự với vấn đề nồng độ cồn, khi ngành thuế và cả lực lượng công lực đều đang nỗ lực khai thác tối đa các nguồn thu bằng các nghiệp vụ khắt khe hơn, trong hoàn cảnh số quán nhậu và doanh nghiệp đóng cửa đang cao kỷ lục.

Hàng loạt tiểu thương ở chợ An Đông (quận 5, TP.HCM) đóng cửa, bỏ sạp.

Hàng loạt tiểu thương ở chợ An Đông (quận 5, TP.HCM) đóng cửa, bỏ sạp.

61.000 doanh nghiệp biến mất

Con số từ Cục Thuế TP.HCM: Hơn 61.000 doanh nghiệp biến mất trong 10 tháng qua, trung bình mỗi quý khoảng 20.000 doanh nghiệp rời thị trường, trong khi số thành lập mới chỉ xấp xỉ một nửa. 

Thu ngân sách của TP 10 tháng đầu năm hụt đi gần 7% so với kế hoạch - tức thiếu khoảng 20.000 tỉ, tương đương ngân sách của một tỉnh có tiềm lực như Nghệ An thu cả năm. 

Thực tế để TP hoàn thành 100% chỉ tiêu thu thuế chưa từng là chuyện khó khăn trong quá khứ và cả năm nay, vì những lý do kỹ thuật, 3-5% dung sai không phải là vấn đề với tiềm năng của TP hay năng lực chuyên môn của cơ quan quản lý.

Vấn đề nằm ở chỗ sức khỏe chung của lĩnh vực tư nhân: Nếu nhìn vào cơ cấu hơn 61.000 doanh nghiệp rời thị trường: Hơn 26.000 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, gần 20.000 tạm ngưng hoạt động, có thể thấy được một lý do chung. 

Đây là những doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, không còn đủ sức tồn tại, đóng cửa để đoạn tuyệt với hồ sơ thuế, mà sau 6-7 năm hoạt động (có 3 năm thoi thóp vì dịch) đã đến lúc cơ quan thuế tiến hành thanh tra, kiểm tra và tất nhiên, khó mà không có sai phạm.

Đã kiệt quệ, giờ phải đóng phạt, truy thu thuế thì lựa chọn duy lý nhất là giải thể công ty. Giải thể, thành lập mới công ty là hoạt động bình thường của nền kinh tế nhưng khi số đóng nhiều gấp đôi số mở - như 10 tháng đầu năm 2023 của TP.HCM, đấy là chỉ dấu của sự không bình thường hay việc thị trường khó khăn, đi xuống đã vượt ngưỡng chịu đựng của nhiều doanh nghiệp.

Bán lẻ và logistics

Nhìn bề nổi, nền kinh tế dịch vụ mặt đường của TP đang đi xuống thấy rõ, bao gồm cả sự đìu hiu của chợ truyền thống, dù đấy là những cái tên có nhãn hiệu cầu chứng như An Đông, Bến Thành. 

Ngoài chuyện kinh tế tăng chậm lại, tổng cầu giảm còn là sự vượt trội của thương mại điện tử khi xu hướng mua sắm đã dịch chuyển mạnh mẽ: mua sắm trên mạng tăng 250% doanh số chỉ sau năm năm với giá trị giao dịch năm 2023 ước đoán 20 tỉ USD. Chỉ 7% miếng bánh này thuộc về công ty nội địa Tiki. Hơn 90% thuộc về Shoppee và Lazada. 

Nghĩa là tương lai cứ mỗi shop ở chợ truyền thống đóng cửa thì khả năng 90% doanh số của shop đấy sẽ thuộc về một công ty bán lẻ nước ngoài.

Đấy là xu hướng khó cưỡng lại khi mà trên thực tế, dòng chảy logistics Bắc - Nam từ vài năm trở lại đây đã đổi chiều: xe chở hàng từ Bắc vào Nam đã nhiều hơn. Lý do: Vận chuyển hàng bán online ở các kho dọc biên giới phía Bắc vào thị trường miền Nam. 

Thương mại điện tử làm bùng nổ nhu cầu mua sắm cũng làm nổ luôn hệ thống phân phối truyền thống và triệt tiêu một số ngành công nghiệp tiêu dùng, thời trang, phụ kiện điện thoại từng rất sôi động ở các đô thị khắp cả nước.

Đây hẳn là chuyện mà nếu bây giờ chúng ta mới nhận thấy thì đã muộn. Chiếc bánh to lên thì phần của mình nhiều hơn trước, nhưng tỉ lệ phần đấy - tức thị phần - sẽ bé lại, thị phần càng bé thì nội lực càng giảm. 

Một bài học nhỡn tiền: tất cả các dịch vụ giao hàng công nghệ ở Việt Nam không có một công ty nào của Việt Nam và cái tên rời cuộc chơi gần đây nhất do không đủ tiền đốt là Baemin - kể cả khi đứng sau là một công ty giao hàng nhanh hàng đầu của Hàn Quốc và Đức.

Khép lại một năm lắm nỗi truân chuyên như vậy cho các doanh nghiệp, cũng là cả những bài học cho người điều hành kinh tế. 

Dù là một sạp tiểu thương ở chợ hay một tập đoàn lớn, họ đều cần những hỗ trợ chính sách rõ ràng, luật lệ nhất quán, có thể thực thi và một sân chơi lành mạnh, hạn chế tối đa tình trạng nhũng nhiễu, chây ỳ của cơ quan quản lý. 2023 là một năm nhiều bài học mà cả giới điều hành kinh tế lẫn chủ doanh nghiệp đều phải ghi nhớ, để thay đổi, bởi dự báo phía trước vẫn là bất trắc đang lớn dần lên.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận