Kinh tế Trung Quốc sau zero COVID: Người cầm lái mới

H.MINH 19/02/2023 08:39 GMT+7

TTCT - Trung Quốc sắp bước vào giai đoạn bản lề nhiều thử thách cho khát vọng vươn lên hàng ngũ các quốc gia giàu có thật sự, và một thế hệ lãnh đạo kinh tế mới sẽ phải đảm nhận công việc khó khăn đó.

"Tôi nghĩ Trung Quốc mộng về cơ bản đã đạt được" - Huang Shaotao, quê Hà Bắc, đã về hưu và sinh sống ở Bắc Kinh - nói với The New York Times trong loạt phóng sự đặc biệt của báo này về Trung Quốc tháng 10-2022, nhân Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc. 

Ông Huang hồ hởi kể lương hưu tăng đều 10 năm qua, bản thân ông đã nhập hộ khẩu Bắc Kinh và "muốn mua gì cũng có". Lý do cơ bản, theo ông, "chủ yếu nhờ đường lối đúng đắn của đảng".

Ông Hà Lập Phong (trái) và ông Lưu Hạc. Ảnh: gua.media

Ông Hà Lập Phong (trái) và ông Lưu Hạc. Ảnh: gua.media

Trung Quốc mộng mà ông Huang nói tới là khẩu hiệu được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra năm 2013: "Sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa là giấc mơ lớn nhất của Trung Quốc", cụ thể hóa thông qua 12 giá trị cốt lõi: "phú cường, dân chủ, văn minh, hài hòa, tự do, bình đẳng, công bằng, pháp quyền, yêu nước, tận tâm, trung thực và thân thiện". 

Không có gì khó hiểu khi đứng đầu trong 12 giá trị đó là "phú cường" - tăng trưởng kinh tế thực ra là yếu tố quyết định gần như mọi vấn đề khác ở Trung Quốc từ khi cải cách mở cửa.

Cho tới nay công cuộc thúc đẩy cải cách, tăng trưởng và điều hành kinh tế vĩ mô ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã diễn ra khá suôn sẻ trong những đôi tay vững vàng. Tuy nhiên, thời gian sắp tới được dự báo sẽ đầy thách thức, trong khi nhân vật được trông đợi sẽ phụ trách điều hành kinh tế không được đánh giá cao như người tiền nhiệm.

Nhiều thách thức

Kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3% năm 2022, vào loại thấp nhất trong lịch sử hiện đại, theo số liệu chính thức của chính quyền công bố giữa tháng 1-2023. Năm 2020, mức tăng trưởng thậm chí chỉ là 2,3%, thấp nhất kể từ năm 1976, năm cuối cùng Mao Trạch Đông cầm quyền. 

Hãng tin Al Jazeera dẫn lời Carlos Casanova, kinh tế gia cấp cao về châu Á ở Ngân hàng UBP, Hong Kong, nói các con số thống kê chính là dấu hiệu cảnh báo với tăng trưởng dài hạn, bao gồm việc dân số Trung Quốc lần đầu tiên giảm kể từ năm 1961. 

"Điều đó đồng nghĩa Trung Quốc đang mất mát vĩnh viễn sản lượng tiềm năng bởi tỉ lệ sinh thấp, ba năm chính sách zero COVID, và tăng trưởng chậm".

Thách thức tới đúng vào lúc đội ngũ điều hành kinh tế Trung Quốc sắp chuyển giao nhân sự ở cấp cao nhất. 

Từ sau Đại hội Đảng 20 đã xuất hiện nhiều dự báo về việc ông He Lifeng (Hà Lập Phong), chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia (NDRC), sẽ lên thay Phó thủ tướng phụ trách kinh tế Liu He (Lưu Hạc) vào tháng 3 tới.

Là một quốc gia có truyền thống quan trường phức tạp, những động thái tuy nhỏ nhưng ý nhị ở Trung Quốc đều được diễn giải bởi những nguyên nhân sâu xa. 

Nói ví dụ, báo Hong Kong South China Morning Post (SCMP) 1-2 có bài viết tựa đề: "Người điều hành kinh tế tiếp theo của Trung Quốc? Chuyến thăm ngân hàng trung ương của ông Hà Lập Phong giúp tăng thêm uy tín dư luận". 

"Một chuyến thăm gây nhiều chú ý của ông Hà Lập Phong và giới chức tài chính cấp cao đã củng cố lòng tin của thị trường rằng ông sắp sửa thay thế Phó thủ tướng Lưu Hạc cai quản thị trường vốn lớn thứ hai thế giới", bài báo viết. 

Cụ thể, ông Hà tháp tùng Thủ tướng Lý Khắc Cường thăm Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, ngân hàng trung ương của nước này, ngày 30-1.

"Nhân vật 68 tuổi này đứng cạnh vị thủ tướng sắp mãn nhiệm khi kiểm tra Trung tâm đầu tư của Cục Ngoại hối nhà nước và được các quan chức cấp cao của ngân hàng trung ương báo cáo", SCMP tường thuật. 

Gần như toàn bộ đội ngũ điều hành kinh tế ở cấp cao nhất của Trung Quốc đều đã rời Ban Chấp hành trung ương sau đại hội tháng 10-2022. Ngoài ông Lưu Hạc, ông Guo Shuqing (Quách Thụ Thanh, chủ tịch Ủy ban điều hành ngân hàng Trung Quốc) và ông Yi Gang (Dịch Cương, thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc) cũng đều sẽ rời cương vị.

Ông Hà, trong khi đó, trúng cử vào Bộ Chính trị và là nhân vật có kinh nghiệm điều hành kinh tế tốt nhất trong đội ngũ lãnh đạo cấp cao hiện nay. 

Người tiền nhiệm của ông, Lưu Hạc, 71 tuổi, là bạn thời thơ ấu của ông Tập Cận Bình và được trao quyền hạn rất lớn trong cai quản chính sách kinh tế Trung Quốc, tới mức báo chí phương Tây gọi ông là "sa hoàng kinh tế" (economic tsar): từ chính sách vĩ mô, thị trường tài chính, tới quan hệ thương mại quốc tế - một số nhà bình luận phương Tây cho rằng ông Lưu đã lấn át cả vai trò của Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Ông Hà Lập Phong (trái) ngồi cạnh Thủ tướng Trung Quốc sắp mãn nhiệm Lý Khắc Cường. Ảnh: SCMP

Ông Hà Lập Phong (trái) ngồi cạnh Thủ tướng Trung Quốc sắp mãn nhiệm Lý Khắc Cường. Ảnh: SCMP

Hai phong cách điều hành kinh tế

Ông Lưu Hạc, đã làm phó thủ tướng từ năm 2018, được giới quan sát Trung Quốc coi là bộ não đằng sau nhiều cải cách trọng yếu ở nước này, bao gồm kế hoạch giảm công suất dư thừa ở các nhà máy và kiểm soát rủi ro tài chính trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, ngân hàng. 

Nói tiếng Anh lưu loát, được đào tạo ở Harvard và quyết tâm đổi mới, ông Lưu Hạc, "thành thật mà nói, là một trong những người đáng kính nhất thế giới", theo lời cựu tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Lưu Hạc cũng là một nhà nghiên cứu tầm cỡ, với nhiều bài viết học thuật trên các tạp chí chuyên ngành uy tín về kinh tế vĩ mô, chính sách phát triển công nghiệp và kinh tế Trung Quốc, và các lý thuyết kinh tế mới. 

Ông còn kinh qua nhiều chức vụ lãnh đạo ở NDRC, Trung tâm Thông tin quốc gia và Trung tâm Nghiên cứu phát triển của Quốc vụ viện (chính phủ) Trung Quốc.

Nhưng cũng chính vì vậy, khi ra đi, ông để lại khoảng trống không dễ bù đắp ngay lập tức.

Ông Hà Lập Phong trước hết không có thành tích học thuật lừng lẫy như vậy. Toàn bộ quá trình học tập của ông là ở Phúc Kiến, Trung Quốc, cũng là nơi ông đã làm việc 25 năm (chính ở Hạ Môn, Phúc Kiến, ông làm việc dưới quyền ông Tập Cận Bình, người giữ cương vị phó thị trưởng thành phố, và từng dự đám cưới ông Tập với bà Bành Lệ Viện năm 1987). 

Sau đó, ông chuyển sang làm phó bí thư Thành ủy Thiên Tân, thành phố trực thuộc trung ương ở miền bắc Trung Quốc, vào năm 2009. Chính tích của ông "cho thấy lối tiếp cận kém cải cách hơn trong quản trị kinh tế", Reuters dẫn lời Julian Evans-Pritchard của Hãng Capital Economics. Năm 2014, ông làm phó chủ nhiệm NDRC, rồi chủ nhiệm năm 2017.

Về mặt chính sách, ông Lưu Hạc được nhìn nhận có cách tiếp cận thận trọng, khi liên tục nhấn mạnh yêu cầu kiểm soát nợ - những cải cách quyết liệt với lĩnh vực bất động sản vay nợ triền miên và luôn ở mức nguy hiểm của ông được coi là lý do dẫn tới sự sụp đổ của Tập đoàn Evergrande. 

Các chính sách của ông, cùng đại dịch COVID, được cho là khiến tăng trưởng chậm lại, nhưng giúp nền kinh tế Trung Quốc ổn định hơn.

Trong khi đó, ông Hà Lập Phong có vẻ tin ở việc mở rộng chính sách tài khóa quyết liệt để thúc đẩy tăng trưởng. Trong thời gian ông làm chủ nhiệm, NDRC đã bơm hàng nghìn tỉ nhân dân tệ vào các siêu dự án hạ tầng của Trung Quốc, như đường sắt cao tốc và các kênh dẫn nước đi qua nhiều tỉnh.

Chính tích của ông Hà ở Thiên Tân cũng tương tự. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, ông đã phát động nhiều dự án đầu tư hạ tầng lớn, bao gồm xây dựng một quận mới trong thành phố được gọi là "Manhattan của Trung Quốc". 

Khu quận trung tâm mới không người của thành phố Thiên Tân. Ảnh: Business Insider

Khu quận trung tâm mới không người của thành phố Thiên Tân. Ảnh: Business Insider

Các dự án nhanh chóng đẩy tốc độ tăng trưởng của thành phố lên 16%, nhưng sau đó Thiên Tân trở thành đô thị với rất nhiều tòa cao ốc không người và các khoản vay nợ xấu. Giờ đó là một trong những địa phương có mức nợ công cao nhất Trung Quốc. 

Thành tích quá khứ đấy khiến nhiều nhà phân tích cho rằng nếu thay thế ông Lưu Hạc, ông Hà sẽ không ngần ngại mở rộng tín dụng và đầu tư công nhằm thúc đẩy tăng trưởng, một mục tiêu chính trị tối quan trọng ở Trung Quốc lúc này.■

Cần thêm cải cách

Báo cáo đầu tháng 2-2023 của hai tác giả Diego A. Cerdeiro và Sonali Jain-Chandra, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nhận định nền kinh tế Trung Quốc sẽ sớm trở lại mức tăng trưởng cao, nhưng vẫn cần nhiều cải cách để duy trì sự ổn định.

Theo đó, IMF dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong năm nay, so với mức 3% của năm 2022. Tuy nhiên, những thách thức còn rất lớn: sự suy giảm của lĩnh vực bất động sản, giảm dân số và tăng trưởng năng suất chậm lại là những bài toán lớn nhất.

"Nền kinh tế cần những chính sách vĩ mô toàn diện và cải cách cấu trúc để đảm bảo phục hồi cân bằng, tăng trưởng xanh, và dung nạp".

Các chuyên gia của IMF khuyến cáo một chính sách tài khóa "trung dung" trong năm nay, tức vẫn tăng chi tiêu công, nhưng ở mức vừa phải, và chính sách tiền tệ hỗ trợ cho tăng trưởng, giảm áp lực lạm phát, cùng "tái cấu trúc có trật tự" lĩnh vực bất động sản để giảm rủi ro tổng thể.

Do lực lượng lao động suy giảm và lợi nhuận trên vốn đầu tư thấp dần, tăng trưởng những năm tới của Trung Quốc nhất thiết phải phụ thuộc vào thúc đẩy năng suất, thay vì mở rộng công suất như thời gian dài vừa qua. "Không có những cải cách đấy, chúng tôi dự báo tăng trưởng sẽ giảm xuống dưới 4% trong 5 năm tới", báo cáo của IMF viết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận