Kissinger và Trung Quốc: 52 năm chân tình

DANH ĐỨC 03/08/2023 06:33 GMT+7

TTCT - Bắc Kinh đã đậm đà tiếp chuyến thăm Trung Quốc lần thứ một trăm hơn của cựu cố vấn an ninh quốc gia và cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger không đơn thuần để mừng bách niên ông này.

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Đó còn là dịp để phát đi vô vàn thông điệp đến Washington. Từ đó không thể không tự hỏi: mối chân tình có phần kỳ dị này là sao?

Quả là Bắc Kinh đã đón ông Kissinger quá trân trọng - đích thân ông Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình tiếp ông này, chưa kể bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng, kèm theo 14 bản tin tính từ ngày thứ nhất, 19-7 tới ngày thứ sáu, chiều 24-7.

100 chuyến đi qua nửa thế kỷ

Thông điệp đầu tiên của tờ China Daily, lá cờ đầu của bộ máy tuyên truyền đối ngoại Bắc Kinh, là nhắc lại mối trân tình - tình cảm trân trọng vô cùng - của ông Kissinger với Trung Quốc. Cụ thể, theo China Daily: "Kissinger đã đến thăm Trung Quốc hơn 100 lần trong 52 năm qua và được nhiều người Trung Quốc coi là người bạn lâu năm của nhân dân Trung Quốc, người đã có những đóng góp lịch sử cho sự phát triển của quan hệ Trung - Mỹ".

Quả là ông Kissinger hết sức trân quý Trung Quốc: ông lão tròn 100 tuổi hôm 27-5, vậy mà vẫn cất công bay sang Bắc Kinh lần thứ hơn 100 trong 52 năm qua (China Daily chịu không đếm chính xác được, có thể do có những chuyến thăm bí mật nữa). 

Chắc khó mà có Hoa kiều nào trong vòng nửa thế kỷ lại về thăm quê hương tới cả trăm lần đều đặn bằng ông Kissinger: trung bình một năm hai chuyến. China Daily 20-7 còn tường thuật ông Tập nhắc lại rằng tiến sĩ Kissinger gần đây đã tổ chức sinh nhật lần thứ 100 và đã có hơn 100 chuyến thăm Trung Quốc những năm qua, rồi kết luận: "Hai con số 100 mang lại ý nghĩa đặc biệt cho chuyến thăm này".

Văn phong của tờ báo chính thống China Daily tuy đầy sự trân quý người bạn Kissinger, song cũng có phần chừng mực, không "văn chương lai láng" như tờ South China Morning Post, phát hành tại Hong Kong. 

Một ví dụ là bài báo tựa đề: "Henry Kissinger được thết bữa trưa xa hoa nhân dịp Trung Quốc chúc cho nhà ngoại giao Mỹ trường thọ", kèm tít phụ: "Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xúc động khi nói về cựu ngoại trưởng Mỹ 100 tuổi trong bữa trưa thịnh soạn".

SCMP mô tả buổi gặp trân trọng tại biệt thự Số 5 của Nhà khách Nhà nước Điếu Ngư Đài, mà vào năm 1971 chính là nơi Kissinger đã gặp lãnh đạo Trung Quốc trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông. Người Trung Quốc vốn nổi tiếng tinh tế. Đây quả là sự ôn lại kỷ niệm xưa đậm tình thủy chung. 

Bữa tiệc thịnh soạn dành cho ông cụ trăm tuổi không chỉ là thức ăn, thức uống, mà còn là sự bài trí: Bàn tiệc được trang trí như một bức tranh sơn thủy đa sắc, với những bông hoa rực rỡ bao quanh dòng suối đang chảy và cây cầu, mà đài truyền hình nhà nước Trung Quốc gọi là đại diện cho "chiếc cầu nối giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ", cùng hình ảnh cây tùng, chim hạc và 100 quả đào, những hình ảnh nói thay lời chúc "thọ tỉ nam sơn" rất Trung Hoa.

Nội bộ Mỹ nghĩ gì?

SCMP còn khoe rằng chuyến thăm Trung Quốc của ông Kissinger đã được lên kế hoạch ít nhất từ hai tháng trước "với tư cách một công dân bình thường - và tư cách một người được giới tinh hoa chính trị ở cả hai thủ đô kính trọng, cụ ông trăm tuổi hy vọng sẽ có nhiều cuộc nói chuyện trải lòng hơn với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, điều thường rất khó khăn trong các chuyến thăm chính thức".

Quả là ông Kissinger, tuy đã rất trọng tuổi, song vẫn rất tinh anh và thông thái. Giờ đây, hơn 50 năm sau sự kiện chuyến thăm Trung Quốc lịch sử của Tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1972 cùng màn dàn hòa Trung - Mỹ sau đó, có thể hiểu được nhận định của các nhà nghiên cứu André Carvalho và Zeno Leoni (Học viện Hoàng gia London), và Anurag Mishra (Đại học Jawaharlal Nehru), khi họ cho rằng đóng góp lớn nhất của Kissinger với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ là "chính sách thực tế". 

"Ông tin rằng Hoa Kỳ nên quyết định chính sách đối ngoại dựa trên... lợi ích quốc gia một cách thực dụng thay vì tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc ý thức hệ trừu tượng" - các tác giả nói trên đăng một bài dài trên The Conversation đúng hôm sinh nhật thứ 100 của ông Kissinger.

Hiểu chủ trương của Kissinger, thì sẽ hiểu được hành động của Mỹ khi ông làm cố vấn an ninh quốc gia, rồi kiêm luôn ngoại trưởng trong hai chính quyền Nixon và Gerald Ford, kể cả chuyện Mỹ giật dây đảo chánh và sát hại tổng thống vừa đắc cử Salvador Allende ở Chile, dựng lên chế độ độc tài Pinochet năm 1973 - đi ngược hoàn toàn với tinh thần dân chủ, tự do mà Hoa Kỳ vẫn "giương cao ngọn cờ". 

Rồi chính sách Trung Đông, giải quyết chiến tranh lạnh với Liên Xô, chiến tranh Iraq... tất cả đều dựa trên lợi ích nước Mỹ thay vì cân nhắc các ràng buộc ý thức hệ "lẩm cẩm".

Một thí dụ rất gần đây về chủ trương "phi ý thức hệ" kiểu Kissinger này là phê phán của ông sau khi quân đội Mỹ lại phải tháo chạy khỏi Afghanistan qua bài báo đăng trên tờ The Economist 25-8-2021. 

Theo ông, ban đầu quân đội Mỹ nhảy vào Afghanistan để trả đũa cuộc tấn công 11-9-2001 là đúng, song việc nhất định ở lại để xây dựng một nhà nước Afghanistan hiện đại và dân chủ là sai lầm, do lẽ ở Afghanistan chưa có ý thức về nghĩa vụ chung và tập trung quyền lực, trái lại chỉ là phe phái.

Thành ra đối với nội bộ chính giới Mỹ, ông Kissinger vẫn cứ là một bộ óc hơn người cần lắng nghe.

Trung Quốc cần gì ở Kissinger?

Bản tin của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc về cuộc gặp Vương Nghị - Kissinger năm 2022 thuật lại nội dung ông Vương than phiền về việc tổng thống Mỹ từng cam kết rằng Hoa Kỳ không tìm kiếm một cuộc chiến tranh lạnh mới, không có mục đích thay đổi hệ thống, không gây ra xung đột với Trung Quốc, và không ủng hộ "Đài Loan độc lập", nhưng họ "đã làm trái với các cam kết".

Điều rút ra từ bản tin đó: Ông Kissinger ắt là còn tuyệt đối minh mẫn, và vẫn có những "cánh tay" dài, rất dài, nên ông Vương tin ông Kissinger vẫn có sức nặng đủ để làm xoay chuyển cục diện phần nào, để đóng vai trò trung gian nặng ký giữa Bắc Kinh và Washington. 

Thành ra, không chỉ Mỹ mới "thần tượng hóa" hay "quỷ dữ hóa" tiến sĩ Kissinger (như tựa đề trên Politico 10-10-2015: "Henry Kissinger, thiện hay ác?"), các thế hệ lãnh đạo Bắc Kinh từ 52 năm qua cũng đã rất coi trọng ông này.

Ông Kissinger cũng có sở thích đơn thân độc mã, hành tung bí mật, bắt đầu từ những dàn xếp trong bóng tối với Bắc Kinh từ năm 1971, mà cách làm việc này rất hợp ý Trung Quốc, xứ sở vốn có câu thành ngữ "sự dĩ mật thành, ngữ dĩ tiết bại" (việc thành là do bí mật, lời nói thất bại là do bị tiết lộ). Trung Quốc coi trọng ông Kissinger như vậy, cũng là dễ hiểu! ■

Tuy nhiên, nếu số người hâm mộ ông Kissinger đông đảo, thì cũng có nhiều người hết chịu nổi ông (nữa), như Matthew Henderson của tờ The Telegraph (Anh). Hôm 20-7, khi ông Kissinger còn ở Bắc Kinh, tờ báo này đã đăng một bài của Henderson với tựa đề không thể rõ ràng hơn: "Ở tuổi 100, đã đến lúc Kissinger thôi gây bối rối cho mình và về hưu". Lý do? "Chính khách trăm tuổi đã tự cho phép mình trở thành con rối nói bụng cho Trung Quốc", tác giả lên án, và nhận định: "Có vẻ chuyến thăm đã không mang lại nhiều lợi ích cho chính nghĩa tự do và dân chủ, vào thời điểm mà Trung Quốc đang đe dọa cả hai", và đã đến lúc ông Kissinger nên "rút lui trong danh dự", cụm từ vô tình nhắc lại thỏa thuận "hòa bình trong danh dự" tháng 1-1973.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận